Menu Close

Melbourne Cup!

Thưa khi mùa Xuân nước Úc đã về, đất nước vươn vai thức dậy sau một giấc ngủ Ðông dài ba tháng, dân Úc bước vào Lễ hội mùa Xuân với nhiều cuộc vui chơi mà nổi bật nhứt phải nói là Melbourne Cup!

Melbourne Cup là cuộc đua ngựa lớn nhứt của Úc. Úc nói “The race that stops the nation”. Xin tạm dịch là: ”Cuộc đua làm toàn thể nước ta đứng chựng… lại”

Nước ‘ta’ bây giờ là nước Úc đó; vì dẫu sao 40 năm, xin nhận nơi nầy làm quê hương (dẫu cho khó thương), bà con mình đã nhập quốc tịch Úc hết ráo rồi phải không?

Nhưng tại sao chỉ một cuộc đua ngựa mà làm cả nước phải đứng chựng… lại! Vì nếu cứ bắt tụi Úc đi làm thì không có đứa nào muốn hết ráo. Chờ cho ngựa đua xong, ăn thua gì đó… rồi tính ‘cày’ tiếp.

Melbourne Cup do Hội Ðua ngựa Victoria (Victoria Racing Club) tổ chức hàng năm từ 1861 tới giờ, chưa hề gián đoạn năm nào! Cho dù thế giới có Ðại chiến lần thứ nhứt, lần thứ hai gì chăng nữa cũng vậy. Ai đánh nhau thì đánh còn Úc, tụi tui, vẫn đua ngựa như thường.

 Cup Day 01

Melbourne CupNGUỒN CITYRIVERCRUISES.COM.AU

Vậy là tới nay Melbourne Cup nầy hưởng ‘đại thượng thọ’ 155 năm… và chắc còn lâu mới chết… trừ việc tận thế!

Ngày Melbourne Cup có nhiều cuộc đua hào hứng và cuộc đua chánh gồm 24 con ngựa, xuất phát đúng 3 giờ chiều, ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một, theo truyền thống, tại Trường Ðua ngựa Flemington, thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Châu.

Ðường đua, thoạt kỳ thủy, dài 3218 mét, sau bớt 18 mét, còn đúng 3200 mét vào năm 1972, khi nước Úc bắt đầu sử dụng hệ thống đo lường bằng mét.

Và con ngựa chạy nhanh kỷ lục là con Kingston Rule năm 1990 với thời gian 3 phút 16 giây 3 sao.

Tiền thưởng, như năm 2011, về nhất được 6 triệu 175 ngàn đô và một chiếc Cup trị giá 125 ngàn. 10 con ngựa dẫn đầu cũng được thưởng tiền từ nhiều tới ít… Con về hạng 10 nhận $115,000. Cũng khẳm chớ!

Tiền thưởng được chia cho từng con theo tỉ lệ: 85% cho chủ ngựa, 10% cho người dạy ngựa và 5% cho nài ngựa.

Melbourne Cup lần đầu vào ngày Thứ Năm, 7 tháng Mười Một, năm 1861.

(Năm 1875 chuyển sang ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một).

Con Archer thắng nhưng có hai con ngựa lúc đua, bị té chỏng vó, ngã, chết ngắc.

Khán giả tới cỗ võ, lần đầu, khoảng bốn ngàn. Năm 1870, lên tới hai chục ngàn. Bây giờ lên tới cả trăm ngàn!

Năm đầu đua, chủ không cho ‘tớ’ nghỉ! Dân Úc bèn khai bịnh… để đi đua ngựa. Không cho, nó cũng tìm cách nghỉ, nên năm 1865, chủ nhượng bộ, cho ‘tớ’ nghỉ nửa ngày thôi, từ giữa trưa.

Cuối cùng, chánh phủ thấy thu tiền thuế cá cược quá đã… nên ra luật cho nghỉ nguyên ngày! Tụi bây vui mà ngân khố khẳm bộn tiền. Chánh phủ và dân đều hài lòng: kể cả đứa bị móc túi và cái thằng ra tay móc túi.

Cuộc đua được truyền hình trực tiếp tới khoảng 650 triệu người trên toàn thế giới. Nên mấy em đọc tin cho Ðài truyền hình số 7, 9 và số 10… ngày thường đã đẹp, đã xuất sắc trong vai tì nữ, ăn nói gió đưa ngọt ngào… ngày Melbourne Cup, em còn lộng lẫy, kiêu sa, che nghiêng vành nón, trong bộ cánh thời trang hết sẩy… Tại Trường Ðua, có khu dành riêng cho khách VIP (những nhân vật quan trọng).

Rồi những người nổi tiếng trong thế giới giải trí, tài tử xi nê, ca sĩ… cũng đến ‘chơi’ vui! Cả một guồng máy quảng cáo… nhân cơ hội nhiều người theo dõi, nó chạy rầm rầm…

Mấy em mặc thời trang, đúng mode, giai cấp quý tộc! Không có hở hang gì nhiều; bất quá ló ló hai trái bưởi Biên Hòa chút chút thôi. Nhưng năm 1965, em người mẫu Anh Cát Lợi, Jean Shrimpton, làm cả Trường Ðua nhểu nước miếng vì em mặc cái váy cực ngắn, không mũ mão, không găng tay, không vớ chân dài gì ráo trọi… Nghĩa là em rất sexy. Coi đã luôn! Hi hi!

Thưacả trăm ngàn quan khách làm sao đủ chỗ đậu xe. Nên nghèo ở quê, từ rừng bụi (bush), mướn xe bus chạy vô. Nghèo ở thành, năm một lần, đi xe tram mới tinh hè! Bấy lâu nay, cái đám xe tram ‘xịn’ nầy dọc ngang ở trung tâm thành phố, Melbourne Cup, chánh phủ cho mượn vài bữa. Ðứa kha khá hơn thì theo đường sông đến bằng tàu. Giàu hơn nữa mướn xe ‘limousine’! Còn cực giàu thì bay vô bằng trực thăng.

Tuốt nước ngoài thì đến bằng du thuyền, cả trăm ngàn tấn, đậu lền khên ngoài Cảng Melbourne. Năm nay có tới 4 chiếc chở 8 ngàn du khách đi coi đua ngựa. Trước ngày đua một hai hôm, khi rề rề vào cảng, có trực thăng căng băng rôn đón chào. Mấy chiếc tàu con con rượt theo, dùng vòi rồng chữa cháy để xịt nước cũng để chào… tiền!

Vì đám du khách xu hào rủng rỉnh nầy ở chơi đua ngựa xong lại đi, chỉ hai ba hôm, dự kiến là sẽ xài tới 7 triệu đô! Ðời mà! Có tiền là thiên hạ xúm lại mừng hè!

Ngày Melbourne Cup, Úc uống sâm banh, số rượu đổ đầy khoảng 25 triệu hồ bơi! (Tui e mấy cha Úc nầy khoái nổ ‘sảng’ như tui quá nha!)

Xỉn xỉn, Úc quánh cá thua khoảng 150 triệu đô thôi! Cho mầy chết!

Melbourne Cup là ngày nghỉ lễ hàng năm tại tiểu bang Victoria. Ðứa nào đi làm toàn thời, full time, lương tăng lên 2.5. Nên Úc, đứa nào chơi thì chơi; còn Việt Nam tui đi cày, giờ gần 50 đô, chớ ít ỏi gì, kiếm thêm chút đỉnh, về đút túi áo khỉ bà xã để… em vui.

Cup Day 01

Jean Shrimpton năm 1965

Thưa nói tới đua ngựa thì nhân vật chánh phải là ngựa. Úc có con Phar Lap, một huyền thoại, đua đâu thắng đấy… ngay cả ở Anh Cát Lợi hay tận Huê Kỳ, vì trái tim của nó nặng tới 6 kí lô 35; nặng gấp rưỡi tim mấy con ngựa khác. Trái tim của Phar Lap còn chưng cho thiên hạ chiêm ngưỡng ở Viện Bảo tàng quốc gia Úc. Tim nặng hơn, bơm máu nhiều hơn, bắp thịt mạnh hơn đua ăn là phải rồi.

Nên Phar Lap trở thành một kỳ quan của nước Úc! Chánh phủ Úc khoái nó đến nỗi trong mấy chục câu hỏi, đố di dân trong kỳ thi nhập tịch, Phar Lap là con gì? Ai mà biết đâu mấy cha nội!

Tiếc thay sau nó chết ngắc, nghe nói bị đối phương hạ độc tại Mỹ vào năm 1932.

Rồi con ngựa Archer, mùa đầu tiên đã thắng giải Melbourne Cup hai năm liên tiếp! Thiên hạ đồn là nó chạy lốc cốc, lốc cốc từ Sydney tới Melbourne rồi vô đua luôn!

Sự thực không phải vậy! Mà ‘em’ đi thi bằng tàu thủy ạ. Sydney cách Melbourne 878 cây số, chạy xuống đây rồi có nước vô nhà thương nằm luôn chớ còn xí quách đâu nữa mà đua?

Thưa có ngựa hay là mình phải có ông Thầy ngựa giỏi mới được!

Bart Cummings được bà con phong tặng là Vua Melbourne Cup vì ông đã dẫn dắt bầy ngựa của ông thắng chức vô địch tới 12 lần.

Lần thứ nhứt vào năm 1965, nghĩa là cách đây đúng 50 năm với con Light Fingers. Lần gần đây nhứt vào năm 2008 với con Viewed.

Bart Cummings sanh năm 1927 tại thủ phủ Adelaide, Nam Úc. Có bằng huấn luyện ngựa năm 1953.

Ông là con nhà nòi, theo bước đường của thân phụ mình là Jim cũng từng thắng Melbourne Cup vào năm 1958. Lúc mới lên 16 tuổi là ông bị bệnh suyễn; bác sĩ khuyên là đừng có lại gần ngựa và rơm rạ mới có cơ may khỏi bịnh; nhưng nếu ông sợ chết, nghe lời bỏ không theo nghề đua ngựa chắc lịch sử đua ngựa nước Úc sẽ nghèo đi biết bao khi vắng một huyền thoại: ‘’Ðộc cô cầu bại!”

Bàn về cách huấn luyện ngựa thì ông tiết lộ là: “Ngựa nó biết suy nghĩ chớ!

Nó trung thực, nó có tài, nó thông minh và không bao giờ quên. Ðôi khi nó cũng trở chứng nhưng nếu người huấn luyện ngựa tốt, có tánh chân thật thì ngựa nó sẽ đối đãi lại với mình y như vậy đó!” Té ra ngựa còn ‘tốt’ hơn mình nhiều…

Melbourne Cup 2015, lần đầu vắng bóng huyền thoại nầy, vì ông đã qua đời vào Tháng Tám rồi; nhưng dân Úc không quên.

Họ sẽ cử hành Lễ Tưởng niệm ‘Nhà Vua Melbourne Cup’ bằng cách đặt tên cuộc đua ngựa dài 2800 mét theo tên ông, để kỷ niệm 50 năm ngày lần đầu ông đoạt Melbourne Cup.

Cái Melbourne Cup ngày ấy và cái Cup năm nay sẽ được con trai, Anthony, và James, cháu nội, mang theo, duyệt qua hàng quân danh dự gồm 12 người, trân trọng đặt hai cái Cup nầy dưới chân bức tượng đồng của ông tại Trường Ðua Flemington.

Cuối cùng là chú em nài ngựa! Tay nài ngựa có tiếng tăm trong lịch sử Melbourne Cup là: Harry White thắng 4 lần! Jim Johnson, Jack Purtell, Glen Boss và Damien Oliver thắng 3 lần.

Mấy tay nài ngựa nhỏ con mới được chọn đi huấn luyện thành nài ngựa. Do đó lỡ nhỏ con như Việt Nam mình, đừng có buồn… Cứ xin làm nài ngựa đi! Cũng vinh quang lắm! Thắng nhiều trận thành triệu phú là mấy em đẹp, giò cao tới nách, nó bu hà rầm! Ðôi khi còn ngon hơn luật sư, bác sĩ nhiều.

Thưa! Kết quả là người em e thẹn tỉnh lẻ Ballarat, (cách Melbourne 114 cây số về phía Tây), mới 30 tuổi, nặng chỉ 53 kí lô, Michelle Payne, cỡi con Prince Of Penzance, là nữ kỵ sĩ đầu tiên trong 155 năm, thắng Melbourne Cup 2015 .

Thế nên từ rày về sau xin đừng có nói: “Tụi con gái chỉ có cái giỏi nhõng nhẽo và khóc nhè mà thôi’’nữa nha mấy ông!

DXT – melbourne