Gửi RE
Chắc suốt đời chẳng bao giờ bà quên được cơn đau khủng khiếp chiều hôm ấy. Cái đau bắt đầu nhọn và sắc như vết đâm, rồi lúc thì dồn dập như vết thương tuôn máu ào ạt khiến bà lảo đảo; lúc lại âm ỉ, rỉ những hạt máu nhức nhối… Cơn đau đến và ở lại với bà cho đến hôm nay.
Bắt đầu là cú điện thoại từ một con số xa lạ, bà không nhận ra người gọi và người đàn ông có giọng nói âm trầm, chậm rãi:
– Bà là Amy Smith?
– Vâng, chính tôi.
– Bà là mẹ của Angela Smith?
– Vâng?
– Tôi là cảnh sát viên X tại quận Y. Quận Y là nơi con gái bà đi học.
-Cháu đã gặp khó khăn??? Bà hỏi dồn dập, thiên thần của bà chẳng bao giờ làm gì hư hỏng phạm pháp… Ý nghĩ chuyển hướng nhanh chóng khiến bà lạc giọng, hay là con bé gặp tai nạn?
-Con tôi có sao không?
…
-Con tôi có sao không?
Người đàn ông trên điện thoại ngập ngừng:
– Tôi chỉ có thể trả lời bà khi ta gặp mặt, bà cần đến sở cảnh sát abc ngay bây giờ!
-Lạy Chúa, tôi ở xa khoảng 3 tiếng lái xe, xin ông làm ơn, làm ơn cho tôi biết tình trạng của cháu… Bà năn nỉ trong nước mắt… Chẳng thể nào bà lái xe suốt 3 tiếng đồng hồ mà không biết chuyện gì đã xảy ra cho Angela. Please, please! Lạy Chúa!
Người đàn bà tiếp tục cầu khẩn thượng đế và van vỉ người đàn ông trên điện thoại:
-Cháu đã gặp tai nạn, please? Bà bám víu chút hy vọng, con bé bị thương nhưng chắc không đến nỗi nào… Con ơi, mẹ ước mình mọc cánh để đến bên con ngay giờ phút này.
Viên cảnh sát nói thật chậm, từng chữ rõ ràng, từng nhát búa giáng thật mạnh:
– Angela chết rồi!
Bà gào lên, what? Tim đập liên hồi rồi thân mình khuỵu xuống, chiếc điện thoại rơi lăn lóc trên sàn nhà. Những người cộng sự chung quanh lắng nghe một nửa câu chuyện chạy đến vừa kịp đỡ thân mình người đàn bà đổ xuống đất từ ghế ngồi. Không thể nào, không thể nào… Không gian trước mắt quay cuồng, đất trời không còn hiện hữu. Bà lịm đi trong đau khổ, miệng thì thào… Angela just died, she died, oh God! Bà gọi Trời liên tục, chỉ có thượng đế mới có thể vực bà dậy từ hố thẳm đau thương kia.
Người bạn báo tin cho phòng nhân viên, giúp bà thu nhặt những vật dụng cá nhân rồi đưa bà về nhà, một người khác lái hộ chiếc xe.
Trên đường về, giữa những hạt lệ tuôn ào ạt, khó khăn lắm bà mới có thể gọi chồng với cái tin khủng khiếp ấy:
– Thiên thần của chúng ta chết rồi.
Giọng người chồng khô khốc, ông ta đi từ phản ứng kinh hoảng trước mẩu tin khó tưởng tượng đến nỗi vật vã:
– What? Tại sao? Why? Why?
Từ sở làm về nhà là một cơn khóc dài, thiên thần bỏ ta đi, con ơi, tại sao?
Người chồng đứng đợi bà ở ngưỡng cửa, không biết làm thế nào ông ta đã tự mình lái chiếc xe về đến nhà. Mắt ông ấy đỏ ngầu. Bà ngã vào tay chồng, đau chung nỗi mất mát. Rồi bà gọi cho thân nhân, bắt đầu là đứa con gái lớn, Anne, rồi mẹ chồng để báo tin…
Người em chồng và bà mẹ vừa đến trước cửa. Bà mẹ chồng giúp bà sửa soạn vật dụng tùy thân rồi cả bốn người lên xe. Con đường như dài ra miên man như các ý tưởng hỗn loạn trong đầu. Angela chết rồi, tại sao, con ơi… Thân thể bà tê cứng, cảm xúc dường như đông lạnh, đầu óc bà dằn vặt với câu hỏi tại sao, thiên thần là một đứa con gương mẫu. Nó học giỏi, luôn đứng đầu lớp, chịu thương chịu khó, tự đi làm thêm kiếm tiền trang trải học phí. Con bé tự lập từ thủa nhỏ, ngày vào đại học cũng như lúc được nhận vào trường y khoa. Thiên thần đạt điểm cao trong mọi môn học, nó luôn ước mơ hành nghề bác sĩ. Thiên thần nói với bà như thế, giấc mơ kia lấp lánh trong tầm tay rất gần, nó đang học cuối năm thứ hai chỉ còn hai năm nữa…
Mắt bà nhìn vào khoảng không vô hồn, thân xác tê liệt. Trông bà như bức tượng đá. Nhưng trong cái sọ kia, các ý tưởng nhảy múa rầm rập, liên tục. Bà nghĩ đến lần gặp mặt sau cùng, chỉ mới tuần lễ trước khi thiên thần về thăm nhà trong dịp Phục Sinh. Nó vui vẻ như mọi lần. Hai mẹ con dành nguyên một ngày đi sắm sửa. Angela cần mấy bộ quần áo “người lớn”, “grown-up”, vài tháng nữa, nó sẽ bắt đầu năm thứ ba và sẽ được gặp gỡ bệnh nhân. Và trong những buổi thực tập ấy, thiên thần sẽ phải đĩnh đạc, trưởng thành.
Angela chọn ba cái áo chemise, cổ bẻ; một cái màu kem với những đường sọc nhỏ xanh đậm, một cái màu xanh da trời. Bà nhớ rất rõ, da trắng hồng mặc màu sậm rất nổi nhưng con bé chọn những cái áo nhạt màu. Cầm chiếc áo xanh, thiên thần cười mỉm, “business blue”. Con gái bà đã lớn, nó đã bắt đầu chọn hình ảnh của những người trưởng thành làm kiểu mẫu. Chiếc áo thứ ba màu lục diệp cũng nhàn nhạt với những đốm hoa đỏ nhỏ nhỏ.
Hai mẹ con qua cửa hàng quần áo lót, Victoria’s Secret, thiên thần lựa mãi mới chọn được mấy món vừa ý. Con bé mua một cái áo ngủ tay ngắn, thân mình có những vạch kỷ hà ngang dọc rối rắm, hai cái nịt ngực cùng màu với quần lót. Lúc trả tiền, thiên thần tiêu xài vừa đủ cho một món quà tặng thêm, cái dù có màu hồng đen xen lẫn của cửa tiệm.
Rồi mẹ con bà ăn tối ở một quán thịt bò nướng. Bình thường thiên thần không ăn thịt và theo một chương trình ăn uống cẩn thận, nhiều rau cỏ, trái cây nhưng hôm ấy nó “phá giới” để tự thưởng cho mình sau mấy tuần lễ miệt mài với bài thi.
Ngày rong chơi kết thúc với chầu xi nê, bà mua cho con một ly nước ngọt thật lớn. Thiên thần cười rất tươi, để lộ hai hàm răng trắng bóng “cám ơn mẹ đã mua cho con ly nước thiệt bự!” Bà nhìn thấy đứa con gái đứng trước mặt, tiếng nó nói còn quanh quẩn đâu đây, từng chữ từng câu… Thiên thần nói với bà nó rất thích phần học trình sắp tới, được thực tập với bệnh nhân nhưng “con hơi sợ, mẹ à, nhỡ con không thông minh tài giỏi như con nghĩ thì sao?” Bà trấn an “Nếu không giỏi, con đã không vào được trường y khoa, đừng lo, con thông minh như tất cả mọi người trong lớp”. Con bé cười, ngàn vì sao lấp lánh trong ánh mắt.
Hai ngày sau dịp lễ, thiên thần rời nhà về lại trường học. Nhìn đứa con gái lùi xe ra cửa, bóng nó khuất dần trong tầm mắt. Ðó là lần chót bà thấy thiên thần bằng xương bằng thịt cười nói.
Bà nấc lên, tiếng khóc khô trên hai vai run rẩy. Thiên thần bé bỏng của bà vừa biến mất. Ðứa con mà bà yêu thương hết mực, gần gũi thân thiết quấn quýt với bà như chân tay. Bà đã dốc hết sức sống, niềm tin và hy vọng vào nó. Chẳng bao giờ bà đoán ra sẽ có ngày này. Con ơi!
Lời người chồng như từ cõi xa xăm nào vọng về… Ðể anh đi nhận xác con, em ở nhà với mẹ. Xác? Thân mình bé bỏng bà nâng niu, ôm ấp, vỗ về bấy lâu?
Chuyến đi xem ra bất tận dừng lại ở văn phòng quản lý của tòa chung cư. Viên cảnh sát và người quản gia đang chờ sẵn. Họ trao cho bà lá điện thư in ra trên giấy trắng phẳng phiu. Trong lá thư ấy, thiên thần ghi chép, xếp đặt mọi chi tiết rõ ràng. Khi người quản gia đọc thư này thì Angela đã đi về cõi khác. Con bé nhờ cậy người quản gia báo tin cho cảnh sát, cho con mèo của nó ăn uống và trao con mèo cho bà mẹ. Chưa hết, thiên thần xin lỗi và gửi kèm tấm chi phiếu với số tiền đủ đền bù cho việc đã thu ngắn thời gian thuê mướn trước hợp đồng.
Họ đưa bà đến tòa chung cư. Thiên thần có một apartment trong tòa nhà bốn tầng. Mới hôm nào mẹ con bà tíu tít dọn dẹp xếp đặt ngày Angela vào trường học. Bà nhìn quanh, căn phòng gọn ghẽ. Chiếc ghế bành xanh con bé ưa thích nên đã mang theo từ nhà đến đây. Bên chiếc ghế, trên chiếc bàn nhỏ là một ly rượu đỏ đã uống hết một nửa và một chai rượu gần cạn. Hai cuốn thơ của Sylvia Plath, một nhà thơ tự tử vì trầm cảm.
Tưởng tượng hình ảnh thiên thần nằm chết trên chiếc ghế bành, lòng quặn thắt, bà hỏi viên cảnh sát … đây có phải là chỗ con bé chết không? Ông ta lắc đầu chỉ tay về phía phòng ngủ… Cô ấy nằm trên giường như đang ngủ…
Trên giường ngủ, chỗ trũng vẫn còn hình dạng của một thân mình. Chiếc gối lệch sang một bên, có hai sợi tóc dài vướng vất. Tấm mền mở nửa vời. Căn phòng vẫn phảng phất mùi thiên thần. Mùi Angela quen thuộc. Nhưng thiên thần không còn ở đó.
Từng chi tiết một, bà lần theo con đường thiên thần đã đi qua hầu tìm dấu vết đứa con. Nó mở một trương mục để gửi điện thư theo lịch trình đặt sẵn. Lá thư đề tên người quản gia, nhờ cậy từng việc, gọi cảnh sát… Nó tính toán kỹ lưỡng cái chết của mình như đã tính toán mọi việc làm khác trong cuộc sống ngắn ngủi. Bà hình dung ra đứa con ngồi trước máy điện toán, tìm tòi tính toán các chi tiết, cách kết thúc đời sống sao cho gọn gàng.
Nó đau đớn oằn oại như thế bao lâu nay mà bà vẫn không nhận ra chút khác thường nào. Giữa những tiếng cười ròn rã, ánh mắt lấp lánh kia, có thể nào là bóng tối thăm thẳm những cô đơn cùng cực? Sự thành công trong việc học hành, tình thương yêu của gia đình vẫn không đủ lấp đầy nỗi chán chường tuyệt vọng mênh mông ấy? Thiên thần không nói gì với bà về cơn sầu thảm chán chường mà cũng không tìm cách chữa trị. Tại sao?
Bà mẹ chồng nhắc nhở nhẹ nhàng,… chọn cho thiên thần một bộ quần áo để liệm… Bà nhìn vào tủ áo quần, từng mảnh đời sống của đứa con bày ra trước mắt. Nó chẳng bao giờ mặc những món áo quần này nữa. Ý nghĩ ấy làm bà muốn đổ khuỵu. Không biết mấy thứ quần áo mẹ con bà đi mua tuần trước ở đâu? Con bé rất xinh xắn trong chiếc áo màu lục diệp, chững chạc nhưng vẫn yêu kiều.
Ở bàn học, lá thư đề tên bà nằm ngay ngắn, bên dưới là mấy lá thư khác, thư gửi cho Anne, thư gửi cho người bạn trai… Những dòng chữ viết tay đề tên người nhận, địa chỉ và số điện thoại.
Ðọc lá thư dài cạn trang giấy, những hàng chữ viết tay ngay ngắn, bình thản, các ý tưởng xếp đặt gọn gàng, dấu chấm dấu phẩy đúng chỗ. Hẳn thiên thần đã viết những dòng chữ ấy nhiều lần trong tâm trí? Nước mắt bà ràn rụa. Con bé xin bà tha thứ… Bà cầu mong sẽ có ngày bà tha thứ cho chính mình, bà đã không cứu được con!
“Mẹ ơi, khi ba mẹ đọc lá thư này thì con chết rồi. Suốt đời, từ khi con có đủ tri thức để nhận biết, con đã bị trầm cảm. Con giấu giếm mọi người những cơn sầu thảm để tự vệ và để tránh cho ba mẹ những lo âu phiền muộn. Con đóng kịch với mọi người nhưng không thể tiếp tục nói dối chính mình. Sự thật là chưa bao giờ con cảm thấy hạnh phúc sung sướng. Cuộc sống không có ý nghĩa gì. Hàng đêm ngay cả trong giấc ngủ, con run lên vì sợ hãi đời sống. Tấm mền như nặng ngàn cân phủ chụp. Mỗi ngày trận sầu thảm chán chường kia một thường xuyên hơn. Sức nặng của nó làm con nghẹt thở. Con không thể chịu đựng được nữa. Lẽ ra con nên chết từ lâu nhưng ý nghĩ làm ba mẹ đau khổ khiến con chùn tay.
Ba mẹ là người con yêu thương nhất trên đời. Xin tha thứ cho con…”
Thiên thần, suốt đời con vẫn là vì sao lấp lánh của mẹ…
Ảnh minh họa. NGUỒN: WALLPAPERSHOME.COM
TLL