Menu Close

Chất béo

Xin chỉ cho cách cắt giảm chất béo trong món ăn

Đáp

Thực ra, chất béo rất cần vì chúng là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể, nhiều hơn là từ chất đạm và carbohydrates. Chất béo cũng có vai trò trong nhiều phản ứng sinh hóa học, cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ em, là thành phần cấu tạo các hormone testosterone, estrogen, là dung môi hòa tan chuyên chở các vitamin A,D,E và K. Tuy nhiên nếu tiêu thụ quá nhiều chất béo thì có rủi ro mắc phải các bệnh tim, mạch máu.

Để cắt giảm chất béo trong thức ăn, có thể áp dụng mấy phương thức như sau:

– Trước khi nấu, hãy lọc bỏ tất cả các sợi mỡ mà ta nhìn thấy trên miếng thịt hoặc lẫn trong thịt băm, Với gà, vịt, loại bỏ da và lớp mỡ nằm ngay dưới da.

– Ăn cá vài ba lần trong tuần, đặc biệt các loại cá có nhiều chất béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích. Cá càng lớn thì omega-3 càng nhiều.

– Khi nướng thịt, đặt thịt trên một cái vỉ, để mỡ chảy xuống dưới, thay vì ngấm vào thịt.

– Ninh hầm hoặc om thịt để chất béo thoát ra khỏi thịt rồi sau đó gạn bỏ.

– Món thịt có nhiều chất béo sau khi nấu, có thể để trong tủ lạnh. Chất béo sẽ đông lại ở bên trên và có thể được loại bỏ dễ dàng. Khi ăn, chỉ cần hâm nóng món ăn.

– Khi hâm món thịt, ta có thể làm thịt mềm ẩm mà không cần thêm mỡ. Hãy đặt một lá cải xanh dưới nồi, đặt thịt lên trên rồi phủ với miếng cải khác. Châm thêm một chút nước dưới đáy nồi. Hâm như vậy, hơi nước sẽ làm cho thịt trở nên mềm và có hương vị ngon hơn.

– Xịt xoong chảo với chất chống dính trước khi chiên, như vậy không cần phải dùng đến bơ, dầu.

– Khi cần một chút dầu cho món ăn có vị béo, nên dùng dầu mè hoặc dầu olive loại tốt. Các dầu này có nhiều hương vị mạnh, do đó chỉ cần dùng mươi giọt là đã có được một bát súp, món xà lách, đĩa rau ngon miệng.

– Thay thế bơ với các loại rau có mùi thơm như cà chua, hành, tỏi, nấm, ớt cũng làm tăng hương vị món ăn, như là với bơ vậy.

– Để ý các loại bánh bích quy mỏng, vì chúng thường có nhiều chất béo ma (Tranfasty-acid), không tốt cho cơ thể.

– Lựa cá hộp bảo quản với nước chứ không với các loại dầu.

– Dành một chút thời gian để đọc nhãn hiệu thực phẩm coi xem có những chất béo gì và số lượng nhiều ít ra sao.

Nói chung, để giảm chất béo, nên tiêu thụ nhiều cá, rau, trái cây, và các loại hạt nguyên vẹn.

Bệnh cuống họng

Tôi là Nguyễn Vong, 65 tuổi, xin bác sĩ vui lòng chỉ cho:

Cổ họng tôi rất khó chịu, lưỡi trắng, ăn uống bình thường. Tôi đi bác sĩ gia đình 2 lần/tháng đều  nói bình thường và có cho thuốc uống: lần 1 là Ciprofcoxacin 500 mg &Tramadol 50 mg và lần 2 làCefdinik 300 mg & CelecoxiB 200mg. Sau khi hết thuốc tôi vẫn thấy như cũ. Xin bác sĩ chỉ cho có thuốc nào khác để trị bệnh cuống họng? Việt Nam gọi là tai mũi họng còn tiếng Anh gọi là gì?

Đáp

Bệnh của cuống họng có nhiều loại khác nhau như viêm nhiễm với virus hoặc vi khuẩn,  u bướu… Đề nghị ông đi khám bác sĩ chuyên môn về Tai-Mũi-Họng tiếng anh gọi là Oto-Rhino-Laryngologist để được xác định bệnh rồi điều trị. Thuốc Ciprofoxacin hoặc Cefdinix đều là trụ sinh chỉ công hiệu khi viêm cuống họng do vi trùng gây ra. Còn Tramadol và Celecoxib là thuốc chống đau và viêm.

Thủy ngân

Tôi đã vô tình cho tay trực tiếp vào thủy ngân, liệu có bị sao không? Trinh Thoa

Đáp

Vô tình tức là chỉ tiếp xúc với thủy ngân trong chốc lát thì theo chúng tôi nghĩ không sao đâu.

Cục nổi ở cổ

Xin hỏi bác sĩ. Tôi đã đẻ cháu được 1 tháng nay, nhưng hiện tại tôi thấy ở cổ bên trái của em bé có cái cục nổi lên, như kiểu dây chằng từ cổ lên đến gần mang tai. Trước tôi mang thai em bé thì em bé ngoi ngược đầu em bé luôn ở bên tay phải của tôi. Bác sĩ cho tôi hỏi như vậy có vấn đề gì không? Gia đình tôi lo quá. Cám ơn bác sĩ – ngo thi van anh

Đáp

Không trực tiếp khám bệnh thì khó mà nói cái cục ở cổ cháu bé là cái gì. Có thể là một cục hạch, một gân cổ, một mạch máu… Không hiểu khi sờ vào cục đó thì cháu có khóc vì đau không. Đề nghị bà đưa cháu tới bác sĩ để được khám bệnh rồi từ đó điều trị cho cháu.

Ăn nhiều đau bụng

Em thường bị đau ở bụng vì ăn nhiều đồ ăn, và thường khi ăn cơm không đúng bữa thường đau bụng và không tiêu hoá được. Vậy cho em hỏi có bị gì không? Châu

Đáp

Phàm trong việc ăn uống hàng ngày cần vừa đủ và đều đặn, tức là ăn vừa đúng với nhu cầu của mỗi người và vào những giờ nhất định trong ngày. Đằng này, bạn ăn quá nhiều mà lại thất thường vào giờ giấc khác nhau thì tất nhiên là bội thực, đau bụng, khó tiêu. Đề nghị bạn thay đổi lại nếp sống này, tức là điều độ trong việc ăn uống thì sức khỏe sẽ tốt hơn.

Vết bầm trên da

Gần đây tôi thấy con gái mình rất dễ bị bầm tím. Vết bầm tím có thể rất rộng và lốm đốm như vết sốt xuất huyết, nhưng bé không sốt cũng không đau. Tôi để ý thấy chỉ cần bé mặc quần có dây thun cũng đủ làm vùng quanh dây thun bị bầm tím, thậm chí bé ngồi đi cầu thì cũng bị bầm tím quanh vết tì lên bàn cầu. Xin hỏi cháu bị bệnh gì và cần chữa trị ra sao. Xin nói thêm cháu năm nay 5 tuổi, 23kg. Cháu bị táo bón kinh niên do đi học mẫu giáo không được uống nước đầy đủ. Vài tuần nay tôi còn thấy cháu ra dịch như mủ trong âm đạo nữa, có thể cháu bị nhiễm trùng âm đạo không? vì tôi có hỏi, cháu nói không có ai đụng vào cửa mình cả, xin cho biết cách chữa trị tại nhà. Tô Chiêu Dương

Đáp

Da dễ bị bầm tím là do tổn thương mạch máu sau chấn thương va chạm, hồng huyết cầu thoát ra khỏi mạch máu hoặc do rối loạn đông máu như giảm tiểu cầu hoặc thiếu các yếu tố đông máu.Thông thường, các vết bắt đầu có màu đỏ tím, hơi đau và tự hết sau vài ngày. Trong trường hợp này ta có thể chườm nước đá lạnh để mạch máu co lại, giảm viêm, sưng và chảy máu. Cháu cũng có nước tiết ra từ âm hộ, đề nghị bà đưa cháu đi bác sĩ khám bệnh, vừa coi vết bầm trên da và nước tiết âm hộ do đâu mà ra. Chúc bà và gia đình vui mạnh.

NYD