Kỳ 2 (và hết)
Trước khi đôi bên ký tên vào các giấy tờ, tưởng cũng cần hiểu background tức lý lịch trích ngang của nhau, tiện thể mỗi người tự giãi bày cho rõ những khúc mắc của đời mình.
Marina kể trước: “Em tên Marina Jescica, sinh ra ở Honduras, lớn lên ở Mexico, từng là nhân viên của một khách sạn năm sao ở khu du lịch nổi tiếng của bán đảo Cancun. Trong lúc phục vụ những bàn ăn sang trọng, em gặp một ông khách vừa hào hoa phong nhã vừa mạnh tay cho tiền típ. Hai năm liền, mùa hè nào em cũng chạy bàn cho ổng nên cũng coi như khách quen, có chút tình thân. Mùa hè năm đầu, ổng tặng em một chai nước hoa Chanel kèm một bộ đồ trang điểm. Mùa hè vừa rồi ổng lại hào hiệp tặng em một sợi dây chuyền vàng. Em đeo được mấy ngày, thấy mấy nhỏ đồng nghiệp có vẻ ganh tỵ nên đem bán được tám trăm đô-la Mỹ, có tiền cho má dưỡng già. Ông khách nói để rồi ổng mua cho sợi khác. Ổng hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, chồng con rồi hứa sẽ giúp em có một việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn. Ổng nói, một cô gái trẻ có hình thể cao ráo hấp dẫn, có khuôn mặt đẹp mê hồn như em nếu được nâng đỡ có thể trở thành ngôi sao điện ảnh hoặc siêu mẫu hoặc ít ra là một việc làm nhàn nhã ở phòng lễ tân, cớ sao lại phải chạy bàn vất vả? Ổng nói gì gì nữa nhiều lắm, mở ra chân trời xán lạn, hứa hẹn một cuộc sống giàu sang, danh vọng. Thế là em xách gói đi theo. Ổng lái xe suốt một ngày đến Mexico city, thuê một phòng cao cấp trong khách sạn xa hoa. Tắm rửa, ăn tối xong ổng đưa em đi mua một bộ váy dạ hội rồi cùng nhau đi nhảy. Em thấy những người giàu họ sống thật sung sướng, ăn toàn sơn hào hải vị, uống toàn rượu đắt tiền. Trong ba ngày ở khách sạn, bằng sự dịu dàng ổng chiếm đoạt em và nhiều lần đưa em vào cơn mê hoang lạc. Ổng tên là Jimmy. Có thể nói Jimmy là một siêu nhân về tình dục. Em biết mùi trai từ năm mười bảy tuổi, đến năm mười chín tuổi, đã đôi lần lót ổ sống với bạn trai như vợ chồng, nhưng trong chuyện ái ân, chưa thấy ai say mê cuồng nhiệt như Jimmy.
Sáng ngày thứ tư, Jimmy biểu em mặc quần áo gọn gàng, xếp tư trang vào một cái ba-lô để chiều mát vượt biên giới. Ổng nói, chỉ có ở Mỹ em mới có cơ hội đổi đời, vươn lên. Jimmy đưa em đến một vùng hẻo lánh sát biên giới Mỹ, giao cho một người có vũ trang đang sống trong một căn hầm đào sâu xuống lòng đất. Người này lại dẫn em đến một căn hầm khác có kê một cái giường sắt kiểu giường bố nhà binh, biểu nghỉ khỏe nửa đêm lên đường rồi biến vào bóng chiều tà. Chặp sau hắn quay lại đem theo mấy cuốn Tacos, mấy chai nước suối và một chai rượu. Hắn uống rượu rồi giở trò dâm ô. Cá nằm trên thớt, đành phải chiều thôi! Xong việc hắn vừa ăn Taco vừa khen em đẹp. Tưởng chỉ có tên đó, nào dè hắn vừa đi khuất, nhìn ra hướng cửa hầm lại thấy xuất hiện một tên khác, lù lù dưới ánh trăng non. Tên này cũng xách theo Tacos, nước suối và rượu. Cũng lại uống rượu rồi giở trò dâm ô. Xong việc lại ăn, khen thân thể em hấp dẫn. Rồi một tên khác, và lại thêm một tên khác nữa. Cứ tên này đi khuất, là có liền một tên khác lù lù hiện ra. Khi em đã đuối sức và tên thứ chín thứ mười gì không nhớ, lờ mờ xuất hiện, em biết đời mình thế là hết. Đàng nào cũng chết, nhưng em không đành lòng chết trần truồng dưới bụng một người đàn ông xa lạ nên vịn vách hầm lê bước tới cửa rồi bò lên bậc cấp lăn mình ra ngoài. Đúng ra, lúc ấy người em như đã mềm bấy không ngồi dậy nổi nhưng bỗng đâu trong ánh sáng nhợt nhạt của ngọn đèn cắm trại treo ở góc căn hầm, xuất hiện một cô gái da trắng tóc đen, tự xưng tên Lori DeRemer. Cô ta giúp em mặc quần áo rồi dìu em ra cửa. Em cứ lăn, cứ bò lết trong cỏ trong cây gai rồi ngất xỉu hồi nào không hay.
Thắm Nguyễn
Tỉnh dậy mở mắt nhìn, biết mình bị bắt trở lại, em chán nản chỉ muốn chết quách cho xong. Toàn thân em ê ẩm, tay nhấc lên không nổi. Thấy em muốn ngồi dậy, tên cầm súng ngồi gác ở cửa hầm bước vô nói: “Cô cần gì tôi lấy cho, uống chút nước nghe?” Hắn nói rồi đưa em chai nước. “Cảm ơn anh.” Em cầm lấy uống mấy ngụm. Hắn nói: “Đêm qua tôi tìm thấy cô nằm ngất ngoài rừng. Tưởng cô bị rắn cắn chết rồi nhưng may không sao. Rừng này nhiều rắn đuôi chuông lắm.” Hắn quay ra cửa quan sát một chặp lại quay vô: “Đây là căn hầm của tôi. Tối qua lúc tôi đi vắng, bọn thằng Murillo đưa cô ra đây làm bậy, cô sợ quá bò ra ngoài rừng trốn phải không?” Em nói: “Tôi thà bị rắn cắn chết còn hơn!”. Hắn không nói gì nữa, quay ra biến đi đâu không rõ. Hắn tên Dannio. Em lưu lại căn hầm của Dannio bốn ngày bốn đêm. Đêm nào ở căn hầm đó em cũng thấy Lori DeRemer xuất hiện khi mờ khi tỏ. Đêm cuối cùng Lori nói với em: “Chiều mai chị đi rồi. Dù sao chị cũng may mắn hơn em, không bị bọn Murillo hãm hiếp đến chết. Hãy nhớ cầu nguyện cho em. Lori DeRemer này luôn ở bên chị.” Đến ngày thứ năm Dannio hỏi: “Cô có thể đi bộ một giờ trong rừng và một giờ trong đường hầm không?” Em nói: “Đi được”. Thế là tối đó Dannio, Murillo và đồng bọn đưa em và hai mươi người nữa vượt biên qua đất Mỹ. Từ dưới đường hầm chui lên, mọi người tự tìm chỗ nằm trên các kệ bỏ trống của một nhà kho, chờ sáng.
Ông Jimmy đón em trên một chiếc xe Ford 250. Có lẽ Dannio đã báo tình hình nên ổng chẳng hỏi han gì. Đến một thị trấn nhỏ cách biên giới ba giờ lái xe, ổng đưa em đến một Motel gần xa lộ I-10. Ổng móc túi bỏ lên giường hơn một trăm tiền lẻ, dặn ăn uống gì nhờ nhân viên Motel đi mua, đừng đi đâu ra khỏi khuôn viên. Đêm đó ổng không quay lại. Jimmy đã trở mặt, cư xử lạnh lùng, cách biệt, thật khác xa với Jimmy say mê cuồng nhiệt từng hôn không sót một chỗ nào trên cơ thể em. Cũng đành nhắm mắt đưa chân! Em đã từng bầm giập chết đi sống lại, thì chuyện ông Jimmy trở mặt, có đáng gì.
Mấy ngày sau Jimmy trở lại, chở em đi xuyên bang đến Nevada, vào một khu phố ngoại vi Las Vegas bán em cho một nhà chứa. Em dùng chữ “bán” để hiểu Jimmy là một tay buôn người. Mụ tú bà nói rõ đã mua em giá ba chục ngàn đô-la. Với số tiền đó em phải làm không công trong sáu tháng. Mụ đưa ra đủ thứ quy định buộc em phải tuân theo, răn đe nếu vi phạm sẽ bị gia hạn thời gian phục dịch hoặc sẽ bị tù. Nếu em bỏ trốn, mụ sẽ trừ tiền ông Jimmy vào chuyến buôn sau. Mụ nói, một cô gái bỏ trốn bị bắt lại sẽ là hàng loại hai, chỉ có những nhà chứa rẻ tiền mua lại với giá rẻ mạt để tiếp những khách hạng bét và bị nhốt ở đó cho đến tàn đời. Ở đây, phục dịch có thời hạn và tuy không được trả công nhưng em được hưởng toàn bộ tiền típ nếu là tiền mặt và một nửa tiền típ nếu khách cà thẻ. Mụ chủ nói: “ Bao nhiêu đó đủ cho cô nuôi năm, bảy gia đình nghèo khổ ở Mexico.” Mụ không nói ngoa, vì sau đó tháng nào em cũng gởi về gia đình vài ngàn đô-la Mỹ. Mụ còn nói, ân huệ này nhằm khuyến khích chị em không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Nghe đồn gái ở Las Vegas được chủ mua bảo hiểm y tế, được khám bệnh định kỳ, thật chẳng sai. Em được đưa đi khám phụ khoa, thử máu, thử nước tiểu. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm em chưa được phép tiếp khách mà chỉ học cho thuộc các quy định, rồi học cách đi đứng, ăn nói, học trang điểm (Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề – Kiều).
Đến cuối tháng thứ sáu, em được tự do, nhưng là di dân bất hợp pháp nên chẳng dám đi đâu. Lớ mớ ra ngoài, tuy ở Mỹ không ai xét hỏi giấy tờ, nhưng nếu lộ ra là bị trục xuất. Mụ chủ biết vậy nên chẳng cần gò bó, xuống ca em cứ thoải mái đi chơi. Đã vậy, mụ còn cho em được miễn tiếp khách “ walk-in”, chỉ tiếp khách quen có hẹn trước.
Một hôm nhân đi xem xuất diễn có tiêu đề nâng cao cảm hứng tình dục và tôn vinh vẻ đẹp hình thể phụ nữ của sân khấu Ballies’ Las Vegas, em gặp một thanh niên, cũng người Hispanic lai trắng như em. Anh ta cao ráo đẹp trai và có sức quyến rũ không chịu nổi. Thấy em cứ nhìn trộm hoài nên anh ta đến làm quen. Anh ta tên là Chicanio làm bartender ở Corpus Christi. Em như bị tiếng sét ái tình, mới gặp mà sao mê Chicanio quá mức. Anh là đàn ông, lại là đàn ông Việt Nam, anh không biết con gái Hispanic bọn em một khi đã mê trai là mê chết bỏ, mê hết biết trời trăng mây nước, mê đến nỗi gió thổi tốc váy hồi nào không hay. Vậy mới có chuyện bỏ cha bỏ mẹ cuốn gói theo trai. Vậy mới có chuyện em vội vàng chào bà chủ cuốn gói theo Chicanio.
Em mê Chicanio và rạo rực đến nỗi không thể chờ đợi về đến Texas, vừa lên đỉnh đèo White Rocks I-15, em ra hiệu cho ảnh tắp xe vô lề, chạy vào giữa những vách đá, kéo nhau ra băng sau mây mưa cho thỏa. Đừng tưởng đã làm gái thì cơ thể chai lỳ không còn cảm hứng tình dục. Việc tiếp khách hàng ngày với việc gần gũi, chiếm hữu người mình yêu là hoàn toàn khác nhau.Vì phải kiểm soát cảm giác để không bị khách làng chơi lôi vào cơn mê hoan lạc nên nhiều đêm về lại phòng, em cứ nằm trăn trở, khát khao đến cháy ruột cháy gan một mối tình và muốn được buông thả, muốn được thỏa mãn dục tình với người mình yêu. Thế nên trận mây mưa đầu tiên với Chicanio diễn ra cách cuồng nhiệt, dữ dội. Chiếm hữu nhau xong, ảnh đưa em về nhà trọ ở Corpus Christi. Chúng em quyến luyến nhau như chim liền cánh, như cá xuôi dòng; quấn quyện nhau như rắn trong mùa giao phối. Chicanio luôn miệng khen em có nụ cười làm mê đắm lòng người và có vẻ đẹp hình thể phụ nữ còn hấp dẫn hơn cả diễn viên được tôn vinh của sân khấu Las Vegas. Phần em, bên Chicanio, em được sống lại những ngày thanh xuân đầy hoa mộng và tưởng chừng như mình đã mở được cánh cửa vào thiên đường mơ ước. Em ngây ngất trong hoan lạc và đắm đuối trong tình yêu đôi lứa.
Một hôm em và Chicanio cùng xem phóng sự về tình hình biên giới USA – Mexico, thấy cảnh một nhóm nghi can bắn chết đồng bọn để cướp ma túy rồi áp đảo khoảng mười cô gái đi theo đường hầm xuyên biên giới sang đất Mỹ. Video còn quay cảnh một thiếu nữ nằm sóng sượt ngoài rừng. Em nhận ra Murillo là một trong bốn người cầm súng siết cò. Dannio và ông Jimmy là hai trong số sáu người bị bắn hạ. Jimmy lận súng ngắn ở thắt lưng, Dannio và những người kia mang tiểu liên nhưng họ bị tấn công bất ngờ không phản xạ kịp. Bọn Murillo vẫn sử dụng đường hầm trổ lên nhà kho mà em đã từng đi. Xui xẻo cho bọn chúng, lực lượng an ninh và tuần tra biên giới Mỹ đã phát hiện ra đường hầm dài mấy ngàn mét đào sâu dưới lòng đất, nên đã phục kích tóm gọn. Sở dĩ có băng video cảnh bắn giết là nhờ một cô gái nạn nhân đã bạo gan quay bằng iPhone. Người đưa tin nói, ‘nhóm vận chuyển ma túy và buôn người’ đang bị giam giữ để điều tra. Em ngồi chết điếng. Chicanio tắt T.V gọi em vào ngủ mà em không hay. Anh ấy thấy lạ dò hỏi và em đã dại dột kể hết mọi chuyện. Em cạn nghĩ cứ kể hết ra rồi thì Chicanio sẽ rủ lòng thương xót, nào dè anh ta nổi giận đùng đùng. Ảnh nói em nói láo, là kẻ lừa đảo. Em không nói láo, không lừa đảo. Dù vậy, Chicanio trẻ người non dạ em cho qua, nhưng sao anh ta lại đi hối tiếc là đã trót yêu, trót sống hạnh phúc? Mới đây thôi, ảnh đã hôn em từ đầu tới chân, nâng niu vuốt ve từng bộ phận trên cơ thể em cách say đắm, thì sao sau đó lại hối tiếc? Ai lại đi hối tiếc về tình yêu, về hạnh phúc mình vừa được hưởng? Cho dù em là một con điếm, nhưng em đã bỏ nhà chứa để chạy theo tiếng gọi của tình yêu, sao ảnh không cho em cơ hội làm lại cuộc đời? Sao cuộc đời không mở ra cho em một con đường sống? Em khát khao hạnh phúc lứa đôi, khát khao mái ấm gia đình như chim khát khao bầu trời, như búp hoa khát khao được nở. Tới cuối tháng này em vừa đủ hai mươi mốt tuổi. Lẽ nào mọi lối nẻo của cuộc đời đều rào chặn trước một thiếu nữ còn trẻ như em? Lẽ nào một bến bờ để mình nương náu mà cuộc đời cũng hẹp hòi?
Thần tượng Chicanio của em sụp đổ tan tành. Anh ta làm em thất vọng đến mức đã thu dọn đồ đạc ra đi ngay lập tức. Chicanio chở em đi mà không hỏi em muốn đi đâu, cứ hướng I-100 South mà chạy. Thấy vậy em nhờ ảnh đưa em đến Port Isabel, khu girly bars. Em nói đại như vậy vì đây là quê của cô bạn cùng phòng ở nhà chứa Las Vegas. Tới nơi, Chicanio không nói gì. Em mở cửa xe nhưng không bước xuống vội. Không hiểu sao trong giây phút ấy em lại thấy tội nghiệp cho Chicanio quá nên nói: “Dù sao cũng cám ơn anh. Cám ơn anh đã sống cùng em một đoạn đời, và đã đưa em đi một đoạn đường!”
Đoạn cuối với thằng nhóc Victor và đám bắt cóc tống tiền thì anh đã biết. Nhưng anh chưa biết là bằng cách nào mà em gọi được 911 mà chúng không hay để rồi cả bọn bị tóm. Lúc bọn chúng đánh mà em không thấy đau thì em đã nghĩ tới Lori DeRemer. Khi thằng đầu đảng vừa đánh vừa đè em xuống thì em gọi tên cổ và thầm vái, “Lori DeRemer, em sống khôn thác thiêng! Bọn này đang buộc chị cùng chúng bày mưu tống tiền anh Ky Le, em tìm cách giúp chị thoát khỏi khổ nạn này đi! Anh Ky Le là người tốt đã cho chị tá túc bấy lâu nay, chị không muốn ảnh bị hại.” Em vừa vái xong thì nghe tiếng Lori DeRemer nói thầm bên tai, “Em luôn bên chị. Chị bị đánh mà không thấy đau là nhờ em đỡ cho đó. Chị cứ giả vờ thuận theo bọn chúng, để từ từ em kiếm cách.” Trong câu chuyện của em, Lori DeRemer là cô gái da trắng tóc đen đã bị bọn Murillo hãm hiếp đến chết ở biên giới, anh nhớ không? Cô ấy nói là sẽ luôn bên em, quả không sai. Đêm đó, để cứu em, Lori hiện hình xúi thằng Victor mua thật nhiều rượu, với sức quyến rũ ma quái, đã chuốc rượu làm chúng nó say như chết, rồi dìu em vào toilet bảo em gọi 911. Em đã luôn cầu nguyện cho cô ấy.
Em đã dại dột kể hết cho Chicanio giờ lại kể cho anh. Tấm thẻ thường trú hợp pháp tuy quan trọng nhưng sự thành thật còn quan trọng hơn, và nếu bị trục xuất em cũng cam lòng. Cám ơn anh đã chịu khó lắng nghe.”
Marina ngừng kể, uống một ngụm nước.
Ký Lê thấy lòng mình tràn ngập niềm trắc ẩn, muốn bước đến ôm cô vào lòng, nhưng thấy đôi bên chưa đủ tình thân mật, lại thôi. Anh nói: “Tình cảnh của em thật tội nghiệp nếu không nói là quá thương tâm.”
“Cảm ơn anh! Giờ thì em muốn nghe câu chuyện của anh.”
Tới lượt mình, Ký Lê ngập ngừng: “Anh tên Lê Văn Ký sinh năm 1981 tại một làng biển ngoại vi thành phố Nha Trang, Việt Nam. Cha mất lúc còn đỏ hỏn, mẹ tái giá lúc ba tuổi. Năm 1988, bảy tuổi, đang học lớp hai, anh được ông bác, là chủ tàu đánh cá, đưa gia đình đi vượt biên dẫn đi theo. Sang Mỹ, bác anh tiếp tục làm nghề biển. Vì bị kẹt hai năm ở trại tỵ nạn Philippines, sang Mỹ, chín tuổi anh mới vào lớp hai. Học hành lớ mớ nhắm không tốt nghiệp nổi trung học nên năm mười bảy tuổi, anh bỏ học đi làm biển. Bác cháu làm với nhau được hơn mười năm, đến năm 2009, ông bị đột tử. Ổng qua đời để lại một gia sản không người thừa kế. Những năm 2008, 2009, 2010… nước Mỹ và cả thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng tài chánh – tín dụng song song với sự trì trệ của thị trường bất động sản nên các anh các chị con ông bác không ai chịu tiếp nhận (take over) ngôi nhà và con tàu. Các anh chị, gồm hai trai, hai gái, đều đã có gia đình, đang sống và làm việc tại các thành phố lớn, không muốn về lại nơi hẻo lánh này và cũng không muốn ôm nợ – nợ ngân hàng của con tàu và nợ mortgage của ngôi nhà. Hơn nữa, ông bác chỉ mới mua khu bất động sản năm 2005, tiền mortgage còn đến 26 năm nữa, nên nếu có “bỏ của chạy lấy người” cũng không có gì phải hối tiếc. Còn về con tàu, vào thời điểm khủng hoảng đó, các chủ tàu ai cũng méo mặt vì giá nhiên liệu và trang thiết bị chuyên ngành tăng vùn vụt mà giá tôm cứ đứng yên, thử hỏi ai còn muốn đầu tư? Sở dĩ anh nhận con tàu vì ngân hàng cho anh ghi nợ, chừng nào tình hình sáng sủa tính sau. Anh muốn nhận luôn ngôi nhà theo kiểu đó, tức ở mà không phải trả tiền nhà hàng tháng, ở để bảo quản cho khỏi bị xuống cấp, nhưng ngân hàng nói không có chính sách đó. Ngân hàng rao bán – cho thuê. Phần anh, một thân một mình, ăn ngủ luôn trên tàu. Đến cuối năm 2011, vào một ngày biển động, buồn quá lái xe đi lòng vòng không hiểu sao anh lại muốn đến thăm ngôi nhà heo hút trong rừng sồi mà mình đã từng sống bốn năm. Tuy chỉ là nhà tiền chế (mobilehome) nhưng có đến ba gian ghép lại. Hơn nữa, anh và ông bác đã bỏ ra nhiều công sức để nâng cấp như: sơn sửa, xây bồn đổ compose trồng cây cảnh, đổ đất đá nới rộng bãi đậu xe, dọn cỏ, và nhất là đã cưa bỏ hàng chục cây sồi quanh nhà để có đất làm vườn và cho được trống thoáng. Em thấy đó, cây sồi ở đây không cao to thành đại thụ uy nghi mà chỉ thấp nhỏ, đi dưới đất thì đầu bị vướng cành, lên nhà nhìn ra cửa sổ thì tầm nhìn vướng đọt. Gỗ sồi cứng kinh khủng, một ngày làm phải thay hai – ba lưỡi cưa. Có lẽ vì đã bỏ nhiều công lao nên mình nhớ. Hôm đó, anh bước xuống xe đứng ngẩn ngơ, cảnh tiêu điều làm anh chạnh lòng. Anh bước lên bậc cấp, mở cửa lưới rồi bật người ra. Cửa khép không kín nên rắn vào nằm lót ổ dưới sàn, còn bên trên muỗi bay dày như ong vỡ tổ. Em đến vào mùa xuân nên không hiểu vì sao ở vùng này nhà nào cũng đóng lưới muỗi kín hàng hiên. Vào mùa mưa, rừng sồi đọng nước, muỗi nhiều lắm. Mà muỗi hả, con nào con nấy to như con ruồi xanh, chân cẳng dài lòng khòng, nó chích là thịt sưng đỏ lên. Anh bật người giật lùi rồi chợt nảy ra ý định mua ngôi nhà, sửa sang dọn vào ở, có chỗ thờ tổ tiên và thờ ông bác, chớ để hoang phế không đành. Có lẽ nhờ ông bác phù hộ, anh mua ngôi nhà này với giá rẻ, mấy năm nay giá bất động sản lên, coi như anh mua một lời một… Nãy giờ anh nói quanh co, bây giờ anh xin vào điểm chính.”
Ký Lê ngừng một chặp rồi bỗng nói thật lẹ: “Dù sao cũng cần cho em biết một sự thật là anh vô sinh.”
“Vô sinh là sao?”
“Là anh không có khả năng có con.”
Marina còn trẻ quá chưa hiểu cuộc sống vợ chồng không có con rất dễ dẫn đến bế tắc nên cô nói liền: “Vô sinh? Không có khả năng có con? Đâu có sao đâu!”
Ký Lê nói chậm rãi và thật rõ, lặp đi lặp lại để cô từ từ hiểu ra vấn đề: “Vô sinh, không có khả năng có con là tuyệt tự là tiệt nòi đó, em biết không?”
“Em không biết mấy chuyện đó, nhưng không có con thì có sao đâu. Anh nói rõ hơn được không?”
“Các xét nghiệm cho biết anh vô sinh vì dòng nước của anh quá nóng giết chết tinh trùng. Chỉ cần làm cho dòng nước mát dịu thì mọi việc trở lại bình thường, nhưng y học không làm được. Ngoài ra, vì dòng nước quá nóng nên trong ái ân, người bạn tình chẳng những không có khoái cảm mà còn bị nóng rát khó chịu. Anh đã từng có bạn gái, đã hai lần chung sống như vợ chồng với hai người đàn bà, nhưng tất cả đều đã ra đi với một lời từ biệt giống nhau đến kỳ lạ: ‘Em đã từng yêu anh và hết lòng vun đắp nhưng đã thất bại. Thành thật xin lỗi!’”
“Tội nghiệp anh quá. Anh xứng đáng được thương yêu!”
“Cảm ơn em, nhưng để anh kết thúc. Bây giờ, em nghe cho rõ, suy nghĩ cho kỹ rồi mới trả lời. Anh thu băng để giao cho luật sư. Ta bắt đầu: Giữa hai chúng ta, Lê Văn Ký và Marina Jescica, không ai lợi dụng tình thể để bức ép ai, đúng không?”
“Chính xác.”
“Việc em ký vào các giấy tờ này là hoàn toàn tự nguyện, kể cả hợp đồng hôn nhân không phân chia tài sản, đúng không?”
“Chính xác.”
“Marina đã biết Lê Văn Ký vô sinh mà vẫn chấp nhận kết hôn, đúng không?”
“Đúng.”
Ký Lê tắt máy. Marina hỏi: “Cho em hỏi một câu ngoài lề được không?”
“Được. Em cứ tự nhiên.”
“Đã rõ cuộc đời bầm giập của em, anh có khinh em không?”
“Không, không bao giờ!”
“Anh có giận em không?”
“Không. Không thương thì thôi sao lại giận!”
“Có nghĩa là anh cho em nương náu, được tự do đi lại trong nhà và đi ra vườn hoa, vườn rau?”
“Đương nhiên.”
“Có nghĩa là anh coi em như một thành viên trong gia đình?”
“Đúng vậy.”
“Có nghĩa là anh chấp nhận em?”
“Đừng hỏi anh có chấp nhận em không, mà nên hỏi anh có còn ngưỡng mộ em không? Trải qua bão tố dập vùi mà em vẫn lành lặn tươi nguyên cả thể chất lẫn tâm hồn thì quả là một điều kỳ diệu. Em là thiên thần của trần gian khổ đau, một thiên thần gần gũi với cuộc đời cát bụi.”
Ký Lê còn muốn nói thêm đôi câu xưng tụng nữa, nhưng Marina đã bước tới ôm lấy anh, dùng đôi môi đẹp như hoa nở, khoá miệng anh lại bằng một nụ hôn. Đây là nụ hôn êm đềm thắm thiết nhất đối với Ký Lê, khiến anh nghĩ, mình bỏ công đi nửa vòng trái đất thật không uổng phí chút nào.
o O o
Mùa tôm năm nay tuy chưa kết thúc, nhưng mức thu hoạch và thực tế thu nhập đã làm mọi người nức lòng phấn khởi. Trên bến, trên tàu, thuyền trưởng, thủy thủ, tài công, tài xế, công nhân bốc dỡ – vận chuyển, bảo dưỡng tươi sống, chủ vựa mồi, công nhân chế biến đông lạnh, nhân viên tiếp liệu, cung ứng, thợ máy, thợ hàn, thợ vá lưới, nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên, bếp trưởng, phụ bếp, tiếp viên… bất kể người nào, bất kể lạ quen, gặp mặt là có lời chào, là có nụ cười. Mười năm qua họ vẫn cười đấy, nhưng nụ cười chỉ nửa miệng và có phần héo hắt. Giờ thì nụ cười của mọi người sao mà tươi roi rói, tươi như tôm vừa mới xổ khỏi lưới.
Giá xăng dầu vẫn ở mức thấp nhất sau mười năm.
Đại Mùa thắng lợi!
Nhân Đại Mùa thắng lợi, Phòng thương mại Port Isabel và quận hạt Cameron County đã cùng các nhà tài trợ, các chủ tàu, các nhà tiêu thụ và các ngành liên quan tổ chức lễ hội có tên là Shrimp Fiesta sớm hơn và rình rang hơn mọi năm. Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh và cầu phúc cho đội tàu nhà, lễ hội còn nhằm thu hút tàu vãng lai đem của nả của vịnh Mexico vào trút cho đầy các vựa tươi sống và các kho đông lạnh của Port Isabel.
Bà con và bạn bè tham dự lễ hội, ghé thăm nhà Ký Lê, nhìn cảnh gia đình anh ấm cúng hạnh phúc, ai cũng nghĩ rằng anh vớ được của trên trời rớt xuống. Nghĩ như thế cũng chẳng sao, nhưng có người cứ nhìn Marina chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống rồi buột miệng, “bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Một vài người, tuy nhận xét khác một chút nhưng cũng chẳng có ý xây dựng, không bẻ bai “chồng góp vợ nhặt” thì cũng biếm nhẻ “chồng ngày vợ bữa”. Thì ra, người ta tỏ lòng thương xót một người sống lẻ loi nhưng lại ganh tỵ khi người đó có đôi lứa, có bạn gái trẻ đẹp. Họ không nói trước mặt nhưng Ký Lê nhận biết. Marina cũng nhận biết. Cô cho rằng Ký Lê xứng đáng được hưởng ơn mưa móc của Đất Trời, vì lòng nhân vô lượng và vì những đóng góp lớn lao của anh với cuộc sống.
Ký Lê dự định mãn mùa tôm mới làm đám cưới nhưng Marina muốn sớm được danh chính ngôn thuận (danh phận), vì ngay cả cộng đồng Hispanic cũng nhìn cô như một gái bao. Anh đi đặt nhà hàng Padre Rita Grill, rồi đi in thiệp cưới. Marina đã có thẻ xanh, cô không chỉ được “tự do đi lại trong nhà, đi ra vườn hoa vườn rau” như ao ước buổi đầu mà tự do đi khắp nước Mỹ, và còn hứa hẹn sau đám cưới sẽ cùng Ký Lê về Việt Nam rồi về Mexico ra mắt họ hàng. Marina mua vé máy bay cho cha mẹ và anh chị từ Cancun Mexico qua Mỹ làm đại diện nhà gái. Bên nhà trai có các anh chị con ông bác Ký Lê và vợ chồng Mức Trần, Được Võ, Tâm… làm đại diện. Cha mẹ Marina đi dự đám cưới đem cho Ký Lê một món quà vô cùng quý giá: những con đuông còn tươi sống, trắng nuột. Loại đuông này tìm thấy trong cổ hũ của một loại chà là gai chỉ mọc ở rừng Honduras và Guatemala. Thổ dân dùng đuông như một thứ thuốc Viagra. Trước đó, chúng được sấy khô và gởi qua đường bưu điện để Ký Lê dùng thử. Anh dùng cầu may, qua mấy tháng chẳng ngờ dòng nước giảm độ nóng rát rồi dần dần trở lại bình thường. Đám nòng nọc của anh chẳng những không bị chết mà còn bơi lội thoải mái.
o O o
Mùa tôm năm nay kết thúc thắng lợi cả về sản lượng lẫn thực tế thu nhập. Đây là thắng lợi không chỉ riêng với dân tàu cào ở Port Isabel mà rộng lớn khắp vùng duyên hải vịnh Mexico. Những đám mây u ám xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ, vần vũ hơn một thập niên đã hoàn toàn bị đẩy lùi để chỉ còn là “bóng mây dĩ vãng”. Bầu trời đã trong xanh, nắng ấm đã chan hòa.
Riêng Ký Lê, ngoài thắng lợi chung, anh còn có thắng lợi riêng: Marina đã có tin vui.
Giá xăng dầu vẫn giữ ở mức thấp nhất sau mười năm.
NAH – 2015
(Trích từ tập truyện ngắn Lộc Trời, Nhà Xuất Bản SỐNG ấn hành- 2015)