Khi đặt tựa bài, Tôi phân vân giữa hai từ: Mũ và Nón. Người ta thường gọi cái Nón Lá, chưa thấy ai kêu cái Mũ Lá cả. Nói đến cái Nón Lá, đầu óc chúng ta sẽ hiện ngay lên hình ảnh người con gái thướt tha trong chiếc áo dài với chiếc nón lá cầm tay, trông rất dịu dàng, dễ thương. Những cái Nón Lá đó thường làm bằng một loại Lá đặc biệt, mỏng manh như lụa, nhẹ nhàng như giấy (không biết lá lấy từ loại cây tên gì). Nón Lá là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Còn chiếc Mũ Lá tôi nói ở đây dành cho nam nhân nhiều hơn (chưa thấy bất cứ ai đội nên tôi dành ưu tiên cho mấy ông) vì nó nặng nề, nhỏ vành, trông giống chiếc mũ dân chăn bò (cowboy) hay đội, và làm bằng Lá cây Cọ. Chắc thế nào cũng có bạn đọc đang hỏi Cây Cọ là cây gì đây?, chưa nghe bao giờ. Ấy cũng là vì tôi tự biên, tự diễn dịch.
Từ cây Palmetto của Mỹ mọc dại, lớn nhanh ở vùng Florida, (nghe nói hạt (hột) của nó dùng làm thuốc chữa Prostate Cancer rất tốt) có những cành lá trông giống như lá cây Dừa nên tôi liên kết nó vào họ hàng nhà cây Dừa, gọi là cây Cọ (dấu nặng). Đầu đuôi là vậy.
Trời đã vào Thu, không còn những ánh nắng gay gắt, hết cả những sức nóng ẩm ướt bám vào da thịt. Gió Thu về mát dịu trong buổi chiều cuối tuần thật đẹp; chúng tôi theo con, đưa các cháu đi Chợ Phiên hàng năm do nhà Thờ tổ chức để gây quỹ cho trường học. Trên con đường dọc theo bờ biển của Cape Canaveral, ngang trạm đổ săng lớn (Race Track), con chỉ cho Bố Mẹ thấy một người không nhà (Homeless) đang ngồi đan mũ ở gốc cây và kể: Ông ta không ăn xin Mẹ ạ. Tự tay đan những chiếc Mũ bán lấy tiền độ nhật. Thế là sau vài giờ vui chung với các con, các cháu, chúng tôi chia tay đi về, không quên ghé qua chỗ cây săng.
Làm việc
Dưới gốc những cây Sồi cho bóng mát, ông ta (người không nhà) đang ngồi bện, thắt từng chiếc lá cây Cọ; trên mặt chiếc thùng sắt (hình như chính phủ dùng để che những chỗ nối điện) rộng đủ cho 2 người ngồi, giống như chiếc ghế thiên nhiên. Cỡ tuổi trung niên, tầm vóc vừa vặn, không nặng nề, tóc ngắn râu dài nhưng gọn gàng, không bờm xờm. Ông ngừng tay khi chúng tôi hỏi mua một chiếc mũ rộng vành để dùng cắt cỏ. Ý của chúng tôi là thay vì mua những chiếc mũ rộng vành của người Mễ Tây Cơ thì sẽ mua của ông. Đưa cho chúng tôi xem một chiếc mũ vừa làm xong. Vành mũ hơi nhỏ. Tôi đề nghị ông làm chiếc vành cho to ra để che thêm nắng và hỏi giá. Hai chục đô la. Chúng tôi đồng ý vì muốn giúp ông có chút tiền chi dùng. Với tay nhặt từng chiếc lá rời đã bện trước, ông nối vào chiếc mũ có sẵn. Tước lấy gân lá để làm thành sợi chỉ, ông luồn gân lá qua lại cho liền những chỗ nối với nhau như ta khâu quần áo. Nhắc nhắc chiếc vành mũ để đo độ vững chắc, ông tiếp tục “khâu” cho chiếc vành thêm cứng. Thật tình là khi nhìn thấy cái mũ, chúng tôi biết ngay nó không thể dùng để làm bất cứ việc gì, kể cả đội đi cắt cỏ. Thấy ông loay hoay mãi, tôi bằng lòng lấy chiếc mũ như thế là được rồi nhưng ông nhất định làm kỹ để có thể đội đi cắt cỏ. Tôi vội cải chính lại là chỉ bày trên tủ để chưng thôi rồi trả tiền cho ông. Hỏi thăm xem ông “làm ăn” khấm khá ra sao thì được biết thỉnh thoảng mới có khách mua dùm cho một chiếc mũ. Không có người mua cũng chẳng lỗ lã gì vì Trời cho lá cây Cọ mọc đầy bên đường, không mất tiền mua, chỉ bỏ công bện, đan lát. Bán được mới làm tiếp cái khác. Dù có ngày bán được, ngày không, ông vẫn ngồi đó bện lá chứ không đi xin ăn. Đó là cách sống của ông và cũng là niềm vui của ông. Lấy chiếc phone tay, tôi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm sau khi được ông đồng ý. Người mua và người bán vui vẻ chia tay.
Tác giả & tác phẩm
Chúng tôi về nhà mang theo hình ảnh người không nhà (tác giả) và cái mũ lá Cọ (tác phẩm). Đem chiếc mũ lá Cọ đặt trên mặt tủ, nơi chúng tôi ngồi uống cà phê sẽ ngắm nghía nó mỗi buổi sáng. Màu xanh lá từ từ ngả sang vàng. Vẫn còn dạng chiếc mũ mặc dù những khe hở càng ngày càng lớn khi lá hết tươi. Chiếc mũ Lá Cọ dần khô đi nhưng niềm vui chia xẻ sẽ còn tươi trong lòng chúng tôi khi nhìn chiếc mũ.
GĐN