Menu Close

Christopher Columbus và thổ dân châu Mỹ

Lịch sử con người đầy dẫy những nhân vật được ngưỡng mộ cùng lúc với… bị nguyền rủa, một loại vĩ nhân / tội đồ lẫn lộn tùy theo người viết sử đứng từ phía nào. Ông cụ Christopher Columbus là một người như thế.

Cả trăm năm nay, Âu cũng như Á, sách vở đều viết rằng Ông Columbus (tiếng Việt phiên âm là Kha Luân Bố), người Tây Ban Nha, là một nhà hàng hải đã… tình cờ tìm ra châu Mỹ La Tinh. Bá tánh tri ơn và gọi ông ấy bằng nhiều danh xưng hoa mỹ, nhà thám hiểm, khai phá … và hàng năm, ít ra tại Huê Kỳ, công chức liên bang được nghỉ một ngày, ăn lương đàng hoàng để mừng lễ kỷ niệm!

Christopher Columbus

NGUỒN EN.WIKIPEDIA.ORG

Năm 1892, Tổng Thống Benjamin Harrison ký sắc lệnh tuyên xưng ngày lễ Columbus kỷ niệm 400 năm sau khi tàu ông Columbus đến bến Bahamas năm 1492, để mừng lễ nhắc nhở công lao ông Columbus “tìm” ra lục địa châu Mỹ. Năm 1937, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt tuyên xưng ngày Columbus là ngày lễ của liên bang, cho công chức nghỉ một ngày ăn mừng sau khi hội the Knights of Columbus tích cực vận động ngoài hành lang quốc hội. Năm 1971, ông Richard Nixon chọn ngày Thứ Hai của tuần lễ thứ nhì trong Tháng Mười làm ngày Columbus.

Tại nhiều thành phố trên lãnh thổ Hoa Kỳ, Columbus Day là ngày mừng di sản, gốc tích của những người Mỹ gốc Ý, không chỉ mừng ông Columbus. Họ tổ chức các cuộc diễn hành trên các đường phố lớn, quy mô nhất là cuộc diễn hành tại New York và San Francisco. Columbus Day là ngày lễ liên bang và chỉ có một số tiểu bang cho cư dân nghỉ phép, New York là một trong 23 tiểu bang này.

Sách vở kể chuyện như thế và chính phủ mừng lễ lớn như thế hẳn công lao của ông Columbus rất là vĩ đại? Tương truyền rằng trong khi bá tánh thủa ấy, 1500 hồi đó, cho rằng trái đất phẳng trái nghịch với ý hướng của ông Columbus. Ông ấy tìm cách chứng minh giả thuyết của mình là trái đất tròn, và qua nhiều năm cứ kiên quyết đi… xin tiền để tài trợ chuyến thám hiểm đến Á Châu. Cuối cùng được Hoàng Hậu Isabel tài trợ chuyến đi. Đại khái là như thế nhưng chuyện ngày xưa đã được các chuyên gia nghiên cứu viết lại rõ ràng hơn với nhiều chứng cớ.

Theo các sử gia ngày nay, điển hình là ông William Phillips, the University of Minnesota và bà LeAnne Howe, the University of Georgia, cụ Chistopher Columbus là một người cứng đầu, cứ nhất định đi quyên tiền cho đến khi thành công. Cũng cái cứng đầu ấy khiến ông cụ Columbus không chịu nhìn nhận rằng ông ta chưa đến được Á Châu và một châu lục khác hẳn có thể hiện diện là một khái niệm khó chấp nhận. Do đó khi đặt chân lên vùng đất châu Mỹ La Tinh, ông cụ cứ tưởng mình đã đến Á Châu, gặp gỡ thổ dân chưa từng giao tiếp với người từ các châu lục khác!

Các sử gia cũng chứng minh rằng giả thuyết trái đất tròn đã được chứng minh bởi các nhà thiên văn Hy Lạp cổ từ 2,000 năm trước, không đề xuất từ ông Columbus. Và yếu tố đáng tiếc nhất là việc nhà thám hiểm hơi… tệ trong việc tính toán cũng như hiểu biết về địa lý. Chứng từ để lại trong thư khố cho thấy ông Columbus đã sai lầm khi ước đoán khoảng cách giữa Nhật Bản – Trung Hoa, và diện tích trái đất nhỏ hơn khá nhiều so với thực tế. Trong khi ấy, các nhà thám hiểm khác cho rằng khoảng cách giữa bờ tây của Âu Châu và bờ đông của Á Châu là một đại dương mênh mông, việc thám hiểm của ông Columbus là chuyện điên rồ nên không mấy người khuyến khích và chẳng ai chịu bỏ tiền đầu tư vào việc đóng tàu, tuyển phu, mua lương thực… Đâu ai ngờ rằng trên đường đi Á Châu ông Columbus lại… lạc đến châu Mỹ La Tinh?!

Thực ra, cư dân vùng biển Caribbe đã có mặt ở đó từ lâu lắm rồi, cả mấy trăm năm trước khi tàu ông Columbus cặp bến, nghĩa là ông Columbus không phải là người đã “tìm” ra miền đất ấy. Thổ dân đã tiếp xúc và giao thương với các nhóm dân khác sinh sống bên trong và bên ngoài lục địa. Di tích, cổ vật tìm thấy đã chứng minh khá nhiều chi tiết về nền văn hóa đa dạng của cư dân. Vùng biển Caribbe giàu có, nhiều tài nguyên, cư dân sung túc nhưng vẫn bị xem là “sơ khai” dưới mắt người Âu Châu.

Trả lại sự thật cho lịch sử là điều các sử gia đang nỗ lực thực hiện nhưng phũ phàng và khó khăn nhất là việc nhìn nhận và ghi chép tội ác của những người “thám hiểm” năm xưa. Ông Columbus và thuyền phu đã gieo rắc bệnh nan y như bệnh giang mai (syphylis) và các bệnh tật khác cho dân bản xứ. Những căn bệnh truyền nhiễm lan tràn mạnh mẽ gây nên một trận dịch xóa sổ gần hết cư dân. Khi các nhóm di dân về sau đến miền đất ấy, họ chỉ tìm thấy đất bỏ hoang! Tất nhiên ông Columbus không thể biết rằng chuyến đi của mình mang theo bệnh tật di hại cho muôn người và bệnh truyền nhiễm từ Âu Châu không chỉ là đại nạn duy nhất theo chân đoàn người “khai phá”. Christopher Columbus bôn ba vượt biển không chỉ vì thích thám hiểm mà chính vì lòng tham. Ông ấy thèm muốn vàng bạc của châu Á. Nhưng thay vì tìm ra quý kim từ tân thế giới, ông Columbus đã khuân về cố quốc cơ man nào là vải sợi cotton, loại cotton mềm mại vô cùng quý giá mà vải sợi địa phương không thể sánh bằng. Ông ấy cũng bắt cóc dân bản xứ mang về làm bằng chứng, để triển lãm và dùng làm nô lệ cày cấy trên đất đai riêng. Cotton và nô lệ là hai món quý giá, thành tích của chuyến hải hành đầu tiên.

Lòng tham thúc đẩy con người hành động, ông Columbus cũng không ngoại lệ nhưng ông ta vẫn là một con người can trường gan góc, đem tính mạng đổi lấy chuyến phiêu lưu vào chốn vô định. Và chính sự can trường này đã mở đầu cho các chuyến thám hiểm vượt Đại Tây Dương và những trận chiến tranh giành thuộc địa của các cường quốc Âu Châu về sau. Dù bất bình về mục đích và hậu quả của chuyến hải hành lịch sử nọ, ta cũng cần nhìn nhận ảnh hưởng sâu rộng của nó. Chuyến đi ấy hình thành lục địa châu Mỹ La Tinh, thay đổi ngôn ngữ, tôn giáo, thực phẩm và cả hình thái các bệnh tật của con người.

Với cư dân Âu Châu, ông Columbus là một tay thám hiểm thay đổi cơ cấu chính trị của Tây Ban Nha. Với thổ dân và truyền nhân, Christopher Columbus là một tội đồ, kẻ cướp hung bạo. Những năm gần đây giấu hay phớt lờ về tai họa đổ trên mảnh đất “tân thế giới”, thì dư luận Huê Kỳ bắt đầu chuyển hướng. Thay vì dùng Tháng Mười để nhớ ông Columbus, để chơi Halloween hay mừng ngày di dân Mỹ gốc Ý, năm 1992, cư dân Huê Kỳ dùng ngày Columbus để tưởng nhớ thổ dân, Indigenous People’s Day, khởi đầu từ Berkeley, California. South Dakota là tiểu bang đầu tiên cử hành ngày Native American Day thay cho lễ Columbus. Năm 2014, Seattle và Minneapolis là hai thành phố lớn đầu tiên được hội đồng thành phố bỏ phiếu thuận cho việc nhìn nhận Indigenous People’s Day dù Minneapolis vẫn giữ Columbus Day. Năm nay 2015, Multnomah County, Oregon; St. Paul, Minnesota; Olympia, Washington; Traverse City, Michigan; AlbuquerqueSandoval County, New Mexico là những thành phố khác cử hành lễ Indigenous People’s Day trong ngày Columbus Day. Sự thay đổi ấy đánh dấu việc tri ân đất đai và những người đầu tiên sinh sống ở đó (không phải những kẻ cướp đất giành dân về sau). Nói một cách khác, ta ghi nhận sự hiện diện của con người tại châu Mỹ cả chục ngàn năm trước, chủ nhân là những bộ tộc Da Đỏ (Indian), những nhóm thổ dân và con cháu họ tan tác ngày nay.

Từ các ý niệm “sửa chữa” kể trên, người ta bắt đầu đòi thay đổi, đòi chấm dứt việc sử dụng danh xưng về thổ dân (như “Red Skin”) như hình tượng của sự hung hăng man dã. Thổ dân được gọi bằng danh xưng lễ độ hơn như “Native American”, người Mỹ chính gốc, thay cho “Indian”.

Lịch sử được viết dưới cái nhìn của kẻ chiến thắng và tất nhiên là sơn son thếp vàng các hành động của họ. Cư dân địa phương là những người chịu hậu quả nặng nề của các hành động nọ qua nhiều thế hệ, bị cướp bóc, ức hiếp và mất luôn di sản tinh thần của tổ tiên qua sự đồng hóa. Đã đến lúc ta nhìn nhận sự thật, nhìn nhận thổ dân và tổ tiên họ, tôn quý những di sản tinh thần của họ? Bắt đầu bằng việc chấm dứt sự khen lao ngưỡng mộ ông Columbus?

TLL