Menu Close

Đèn Cù Phần Hai – Trần Đĩnh

Nếu như mở đầu tác phẩm “Ðèn Cù Phần Một,” tác giả Trần Ðĩnh viết:

“Tôi đến AtêKa, an toàn khu (ATK) để làm báo Sự Thật đầu 1949. ATêKa, an toàn khu là gì? Là căn cứ địa đầu não của Ðảng Cộng Sản Ðông Dương, và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy núi Hồng, chia đôi hai huyện Ðịnh Hóa tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang.” [Trang 17]

Thì mở đầu Phần 1 Chương 1 của “ Ðèn Cù Phần Hai,” ông cũng cho biết được thuyên chuyển từ nông thôn về làm việc ở thư viện, và được nhân vật có tên Hoàng Tùng cau có răn đe:

“Tôi đối xử với anh tử tế như thế nào từ ngày còn ở trên rừng mà anh hại tôi. Từ nay anh về Thư viện, ngồi đó, không được cho ai mượn sách báo, tài liệu gì… Tại sao điều anh đi? Anh Hữu Thọ báo cáo với tôi rằng để anh viết bài thì nơm nớp sợ anh phạm chính sách mà để anh chữa bài thì anh chị em họ không chịu cho anh chữa với tư cách chính trị như thế đụng đến bài vở người ta.” [Phần 1-Chương 1].

Trần Ðĩnh bỗng rơi vào thế của người bất đắc chí, của cánh hoa rụng sao có thể chọn đất sạch. Và ông, một người mặc nhiên bị xem là kẻ phản động “không được phép chơi với thanh niên cứ đem “phản nhận thức luận” giảng giải cho đám viết trẻ! Chẳng hạn bảo người viết nên là một giống cây đầy gai để đi đến đâu cũng bị mắc vào đấy. Mắc vướng là ta đã đem con dục hay cái đẹp trong óc ta xâm thực sang sự vật khách quan, và khi sự vật khách quan được nhà văn cấy chủ quan hay phóng tinh vào, thì nó mới trở thành hiện thực văn học hay nghệ thuật… Michel Ange đã nói: “Người ta vẽ bằng đầu, không bằng tay.” Câu hay đến nỗi tớ thuộc cả nguyên văn: Si dipinge col cervello e non con le mano. Không áp đặt vào sự vật cái đẹp hay trí tuệ của mình, thì mình phải copy cái nhìn của người khác. Mà văn học là độc đáo, là sắc thái tinh tế, sai một ly đi một dặm….”[Phần 1- Chương 1]

“Ðèn Cù Phần Hai” còn là tập hợp những nhận xét, phê bình về ông Trần Ðĩnh. Một trong số những lời nhận xét ấy của nhà văn Vũ Thư Hiên: “Trung Thu này không thấy con nít rước đèn cù mà chỉ thấy cư dân mạng rước sách “Ðèn Cù” của Trần Ðĩnh. Cụ Trần Ðĩnh vốn Tây học, nên viết lách gãy gọn, linh hoạt và chính xác. Cụ viết từ gan ruột, hoàn toàn theo ý mình. Trước nay, những “Ðêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, “Hoa xuyên tuyết” của Bùi Tín, “Ðỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương… mới chỉ tập trung vẽ chân dung một ông… Judas. Nay cụ Trần Ðĩnh chơi tuốt luốt cả 13 ông… ông nào cũng Judas cả nên có thể nói cụ không chỉ lật đổ thần tượng mà cụ đã đốt đền, giống Herostratos ngày xưa đốt Artemis. Tất nhiên, cụ Trần Ðĩnh “đốt đền” không vì háo danh như Herostratos mà vì ở “trong chăn” cụ biết quá nhiều sự thật về “ngôi đền cộng sản Việt Nam”, và tinh thần “sĩ phu Bắc Hà” thúc ép cụ phải nói ra…”

Tác giả “Ðèn Cù” là nhà báo kỳ cựu của tờ Sự Thật, ngay từ khi tờ báo được thành lập và Trường Chinh làm tổng biên tập. Ông sinh năm 1930, tham gia phong trào Việt Minh năm 1946 lúc mới 16 tuổi. Trần Ðĩnh thuộc lớp đảng viên tiên phong gia nhập đảng cộng sản từ năm 1948. Ông là người chấp bút viết tiểu sử của Hồ Chí Minh, và tự truyện của nhiều nhân vật chính trị như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm, Nguyễn Ðức Thuận. Sau khi vụ án “xét lại chống đảng” diễn ra, ông cũng là một nạn nhân. Dù mức độ không nặng như những người khác, nhưng cũng đủ để Trần Ðĩnh thấy được sự đấu tranh gay gắt, sống còn giữa Mao Trạch Ðông và Liên Xô; ông hiểu rằng Nghị Quyết 9 ra đời là con đường bí đạo, dẫn đưa cả hệ thống Ðảng Cộng Sản Việt Nam bị Trung Quốc kiềm tỏa.

“Ðèn Cù Phần Hai” của tác giả Trần Ðĩnh do Người Việt xuất bản tại Little Sài Gòn, California năm 2014, tiếp tục phơi bày những bí ẩn chính trị đã bị nhà nước cộng sản che giấu rất lâu, và đặc biệt nói lên thân phận cùng khốn của những người phải sống trong chế độ độc tài toàn trị này.

den cu phan2

HNP – 3:52 am Thứ Bảy ngày 07 tháng 11 năm 2015