Menu Close

Nhà văn Hoàng Mai Đạt

Hoàng Mai Đạt là nhà văn thuộc lớp trẻ trưởng thành tại Mỹ. Nhưng anh không viết tiếng Mỹ như Đinh Linh, Monique T.D. Trương, Mộng Lan, Andrew Lâm, Andrew X. Phạm, Nguyễn Quí Đức, Lê Thị Diễm Thúy… Anh viết văn bằng tiếng Việt và đã thành công.

HoangMaiDat 01

Hoàng Mai Đạt

– Giới thiệu Hoàng Mai Đạt, Lê Thị Huệ của trang mạng Gió-o viết:

Hoàng Mai Ðạt chào đời Tháng Giêng 1961 tại Nha Trang. Cha tử trận giữa thập niên 1960, mẹ buôn bán ở chợ nuôi hai con. Vào Sài Gòn năm 1974, rời Việt Nam cuối Tháng Tư 1975, tị nạn tại Mỹ, sống hơn 10 năm ở Pittsburgh, Pennsylvania. Tốt nghiệp cử nhân truyền thông tại trường Pennsylvania State University.

Ðến San Jose, California năm 1987. Làm việc tại Nhật Báo Người Việt ở Quận Cam, Nam California từ cuối năm 1987 đến 1989. Nhân viên của Sở xã hội ở Sutter County, Bắc California năm 1989-1990. Mở tiệm bán sách ở Stockton năm 1990-1992. Biên tập viên tin tức đài Little Saigon Radio, Nam California từ năm 1994 đến 2007. Biên tập viên của Nhật Báo Người Việt từ 2007.

Ngoài thời gian viết tin tức để kiếm sống, thỉnh thoảng viết tạp ghi hoặc giới thiệu sách cho các tờ báo văn chương như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Thế Kỷ 21, Phố Văn…. Ðã xuất bản ba tuyển tập “Cánh Ðồng Cho Em” năm 1991, “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” 2000, và “Biên Tà Tà” 2005.

Sang Hoa Kỳ năm 14 tuổi, vào học trung học, rồi tốt nghiệp cử nhân Truyền Thông, một cấp bằng nhân văn xã hội của đại học Hoa Kỳ có khả năng mang đến cho Hòang Mai Ðạt những thành công ở các nghề nghiệp cần sử dụng khả năng truyền thông bằng Anh Ngữ cao cấp. Nhưng Hoàng Mai Ðạt lại chọn lựa cầm bút sáng tác và hành nghề ký giả sử dụng tiếng Việt toàn thời gian trên đất nước Hoa Kỳ. Hoàng Mai Ðạt là trường hợp thú vị của một tác giả sáng tác bằng tiếng Việt đáng nghiên cứu. Chính xác là một trong những tác giả đầu tiên của nền văn chương tiếng Việt chào đời ngoài Việt Nam. Sự thành công của Hoàng Mai Ðạt chuyên chở dấu ấn một thứ đời sống của ngôn ngữ Việt sản sanh, bám rễ, bùng nở và thành đạt, ở ngoài địa lý Việt Nam. Mở trang sử văn học hải ngọai đầu tiên của ngôn ngữ này cùng với đợt tỵ nạn vĩ đại của người Việt rời Việt Nam sau cuộc chiến tranh Quốc Cộng 1975. (lth)

– Đài BBC cũng viết giới thiệu Biên Tà Tà Của Hoàng Mai Đạt

Nếu đồng nghiệp báo Người Việt và khách vãng lai ở khu Little Saigon biết Hoàng Mai Ðạt trong hình ảnh người đàn ông đeo ba lô chạy xe đạp trên phố Bolsa, thì độc giả lâu năm của Người Việt chắc sẽ nhớ ra anh qua mục Biên Tà Tà mỗi Thứ Tư hàng tuần.

Một số bài viết nổi bật trong đó đã được tác giả chọn lọc và xuất bản thành sách ở California, nơi mà chuyện xuất bản, ra mắt và bán sách cũng giống như là trèo đèo lội suối mà Hoàng Mai Ðạt đã mô tả trong bộ ba ký sự “Thương con mấy núi cũng trèo…”, “… Mấy sông cũng lội” và “… Mấy đèo cũng qua”.

Biên Tà Tà của Hoàng Mai Ðạt là những ghi chép về cuộc sống và suy nghĩ của một nhà báo, đồng thời cũng là nhà văn sử dụng tiếng Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Ðó là những câu chuyện về độc giả mua sách nhưng “em hổng đọc được tiếng Diệt”, mua cho bạn trai “biết đọc tiếng Diệt, ở cùng quê dí em ở gần Ðà Nẻng é”, giờ đang sống ở Israel vì “Tèo của Do Thái dớt thiền hồi em dượt biển.” (Stockton chiều Thứ Bảy)

Ðó cũng là câu chuyện về cuộc gặp của nhà văn với nhà xuất bản để in đứa con tinh thần nhưng “Truyện ngắn ai mua? Sex bán chạy lắm… hồi ký dạo này bán cũng chạy lắm… còn truyện, bây giờ họ thích đọc truyện ở trong nước” và “… có bao nhiêu tiền mà muốn in sách?” (Truyện ngắn ai mua?)

HoangMaiDat 01

Hoàng Mai Đạt

– Nhà phê bình Đoàn Nhã Văn

Hoàng Mai Ðạt là một nhà văn thuộc thế hệ 1960’s. Rời VN từ năm 1975, nhập vào dòng chính Hoa Kỳ rất sớm, vậy mà chữ nghĩa trên những trang viết của ông mang một thứ tiếng Việt chuẩn. Không chỉ chuẩn, mà chữ nghĩa đó còn làm người đọc xao xuyến, bồi hồi, nhất là ở những trang Tùy Bút.

Văn chương của ông không có những cơn dậy sóng, không có những trào dâng của nham thạch. Văn chương ông là thứ văn chương: đọc chậm và thấm lâu. Cái thấm đó giống như chúng ta được thưởng thức một muỗng mật ngọt, sau những giờ phút mệt nhọc, nghe chất ngọt đậm đặc từ từ, từ từ di chuyển.

– Phan Nhiên Hạo, của Nothern Illinois University, năm 2009 đã viết.

Hoàng Mai Ðạt là tạng nhà văn có tài nhưng không múa may, viết hay nhưng không làm dáng. Hoàng Mai Ðạt cũng là nhà văn tôi cảm thấy gần gũi ở hai khía cạnh: tuổi thơ tan vỡ vì chiến tranh, và những vấn nạn của người nhập cư giữa hai nền văn hóa.

Hoàng Mai Ðạt đến Mỹ năm 1975, lúc mười bốn tuổi. Không như phần lớn những người đến Mỹ cùng cỡ tuổi, những người có xu hướng sống nhập vào xã hội dòng chính, Hoàng Mai Ðạt đi hướng ngược lại. Vừa học xong cử nhân, Hoàng Mai Ðạt lái chiếc xe cà tàng vượt hàng ngàn dặm từ miền Ðông về vùng có nhiều người Việt ở California. Từ đó đến nay đã hơn hai mươi năm, Hoàng Mai Ðạt làm nghề truyền thông ở Little Saigon, một công việc dễ đụng chạm, phiền toái. Qua văn chương Hoàng Mai Ðạt, thấy anh là người kiên nhẫn và có óc hài hước. Trong sâu xa, tôi nghĩ Hoàng Mai Ðạt là người yêu mến cộng đồng, với tình yêu của một người bị đẩy ra đời sớm để rồi nhận ra không đâu bằng nhà mình, dù ngôi nhà nhỏ hẹp và nhiều lời qua tiếng lại. Trong khi vài người viết ra nước ngoài ở tuổi trưởng thành cứ cố tỏ ra mình là người thấm đẫm văn hóa Âu Mỹ, là “công dân toàn cầu”, một người đã sống qua thời niên thiếu ở Mỹ như Hoàng Mai Ðạt lại không có nhu cầu chứng minh chuyện này. “Tính cách Mỹ” tự thể hiện trong văn chương Hoàng Mai Ðạt qua kinh nghiệm của một người nhập cư lăn lưng vào đời sống, qua thái độ nhân ái, dí dỏm, và qua văn phong trực tiếp, rõ ràng của tác giả.

Cha tử trận khi Hoàng Mai Ðạt mới lên bốn. Cảm giác bơ vơ, buồn rầu bàng bạc trong những trang viết về tuổi thơ của Hoàng Mai Ðạt. Không gay gắt, nhưng cũng không ỡm ờ; những bài viết về người cha, về chiến tranh của Hoàng Mai Ðạt cho thấy tác giả là loại nhà văn với ý thức lịch sử và lương tri sáng rõ về thiện-ác.

Hoàng Mai Ðạt viết không nhiều, không tham gia những tranh luận chữ nghĩa trong giới văn nghệ. Ðộc giả ở Việt Nam có lẽ ít biết Hoàng Mai Ðạt. Nhưng tôi nghĩ Hoàng Mai Ðạt có vị trí quan trọng trong văn học hải ngoại: Hoàng Mai Ðạt là nhà văn viết tiếng Việt có khả năng trình bày chân thành và tinh tế cái kinh nghiệm đa văn hóa của người Việt nhập cư thế hệ 1.5, những người không hẳn Mỹ, nhưng cũng không hoàn toàn Việt về mặt văn hóa. Muốn tìm hiểu đời sống tinh thần của những người Việt thế hệ 1.5 ở Mỹ, không gì hay hơn đọc Hoàng Mai Ðạt:

“Quê hương tôi không ở bên kia, cũng không phải ở đây, mà ở đâu đó giữa hai nơi. Tôi rời Việt Nam quá sớm để có những kỷ niệm êm đềm với Việt Nam. Tôi không có những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn, không có dấu chân trên cát trắng ở Nha Trang, và chắc chắn không có gì ở miền Bắc như cha mẹ tôi đã có. Tôi chỉ có không khí chiến tranh, có xóm chợ dơ bẩn, và có đôi chân trần giẫm lên đá trên đường tản cư.

Những kỷ niệm êm đềm nhất của tôi có lẽ là ở đây, ở Hoa Kỳ, nơi mà giờ đây tôi đã sống trên nửa đời người. Vậy mà quê hương của tôi cũng không chắc là ở nơi đây. Quê hương của tôi có lẽ chỉ có trong những kỷ niệm bên người thân, bên vợ, bên con, bên những người cũng không có một mảnh đất mà họ có thể bước chân lên và ứa nước mắt, như một đứa con lưu lạc lâu năm nay trở về lại gốc nguồn”.

Giữa Hai Miền Mưa Nắng (2000) tập hợp những bài tạp ghi của Hoàng Mai Ðạt về đời sống Mỹ và chuyến trở lại Việt Nam lần đầu của tác giả sau hai mươi ba năm. Lối hành văn của Hoàng Mai Ðạt mới đọc qua có vẻ đơn giản, nhưng đối với những người có chút ít kinh nghiệm viết lách, có thể nhận ra đây là loại đơn giản của lao tác chữ nghĩa: không thừa, không thiếu, không hoa hoè hoa sói, chỉ rõ ràng, hiệu quả.

Sự thú vị của văn chương Hoàng Mai Ðạt phần lớn nằm ở cái nhìn đặc sắc của một người đứng giữa hai nền văn hóa, một người “đa văn hóa” thứ thiệt, nhưng cũng chính vì vậy mà rất ý thức và trân trọng phần Việt trong mình. PNH

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp