GUY FAWKES DAY
Ngày 5 tháng 11 hàng năm được coi là “Guy Fawkes day (Ngày Guy Fawkes)”, hoặc là “ngày truyền thống” của nhóm Anonymous. Chúng thường xuyên hung hãn tấn công trên mạng vào những thời điểm nhạy cảm, với biểu tượng là chiếc mặt nạ hình dung một khuôn mặt đàn ông trung niên có nụ cười ma quái. Chiếc mặt nạ này được gọi là “mặt nạ Fawkes”, bắt nguồn từ cái tên của một người sống cách nay khoảng 400 năm.
Anonymous
Anonymous (Vô danh) là nhóm tin tặc (hackers) được cho là đã xâm nhập vào các trang mạng của nhiều tổ chức, trong đó có Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Bộ Tư pháp, Cục Ðiều tra Liên Bang (FBI), các công ty lớn như MasterCard, Vista, Sony, PayPal…, nên được coi như là một tổ chức tội phạm nguy hiểm cần phải bắt giữ. Chúng thu góp dữ liệu, ăn cắp thông tin, hoặc phá hoại hệ thống máy tính.
MẶT NẠ FAWKES
Ðó là hình tượng một khuôn mặt trắng bệch với nụ cười đầy bí hiểm và quá khổ kéo dài cả ra hai bên má có tô một chút màu đỏ. Hàm râu mép cũng thật rộng, hai đầu vểnh ngược lên, và dưới cằm là một vệt râu hẹp, nhọn và thẳng đứng.
Mặt nạ này xuất hiện lần đầu trong truyện tranh V for Vendetta của họa sĩ David Lloyd xuất bản năm 1982 và sau này được chuyển thể thành phim năm 2006.
Không chỉ được nhóm Anonymous sử dụng, mặt nạ Fawkes còn được coi là biểu tượng của những cuộc nổi loạn hoặc chống đối, như tại Wisconsin năm 2011, cũng năm này trong phong trào chiếm đóng Wall Street, rồi năm 2012 tại Mumbai (Ấn độ) để chống nhà cầm quyền kiểm duyệt internet, năm 2013 trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, hoặc tại nhiều nước khác như Thái Lan (2012), Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Ai Cập (2013)…
Chiếc mặt nạ này cũng được cho là biểu tượng của tư tưởng vô chính phủ. Một số nước đã ra lệnh cấm dùng hoặc nhập cảng như Saudi Arabia và Canada.
GUY FAWKES
Còn được gọi là Guido Fawkes, tên ông dùng khi chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Tây Ban Nha chống những nhà cải cách người Ðức theo đạo Tin Lành. Ông sinh ngày 13 tháng 4 năm 1570 tại York (Anh quốc), là thành viên của một nhóm người Công giáo nước Anh âm mưu ám sát nhà vua lúc đó là James I nhằm khôi phục vương quyền cho người Công giáo. Nhóm này đặt những thùng thuốc súng dưới hầm tòa nhà Quốc hội, phân công cho Fawkes trông coi. Nhận được một lá thư nặc danh, nhà chức trách lục soát điện Westminster vào sáng sớm ngày 5 tháng 11 năm 1605 thấy Fawkes đang canh giữ thuốc súng ở đó. Ông bị bắt, bị tra khảo để hỏi cung nên phải thú nhận. Trong ngày hành hình 31 tháng 1, Fawkes ngã từ giàn treo cổ xuống, cổ bị gãy nên tránh được hình phạt phải phanh thây.
Có truyền thuyết khác nói là ông bị treo cổ, móc lấy nội tạng và cho xe kéo lê khắp phố phường. Thi thể của ông còn được đưa đến bốn vùng của nước Anh để mọi người chứng kiến tận mắt. Nhà vua hy vọng trước khi chết Fawkes có thể nói ra những lời khuất phục, nhưng đáp lại, ông chỉ nở một nụ cười đầy bí ẩn.
PN