“America’s Got Talent” (AGT) là một chương trình “TV Hiện Thực” (Reality TV) trên đài NBC có rất nhiều khán giả từ năm 2006 đến giờ. Tiền thân của nó là một chương trình tìm kiếm tài năng bên Anh Quốc mang tên “Paul O’Grady’s Got Talent” do công ty SYCOtv của ông Simon Cowell thực hiện từ năm 2005. Simon Cowell cũng là sáng lập viên của chương trình “The X Factor” trên đài Fox trước đó vài năm.
Sau khi thử nghiệm “Got Talent” thành công trên đài ITV, người điều khiển chương trình là ông Paul O’Grady đột nhiên nghỉ việc vì có mâu thuẫn với ITV. Trong lúc đang tìm một người MC để thay thế O’Grady thì Simon Cowell quyết định đem “Got Talent” qua Mỹ, thế là tự dưng đứa con “America’s Got Talent” lại được ra mắt khán giả một năm trước mẹ nó, “Britain’s Got Talent”! Từ đó đến nay mô hình “Got Talent” đã biến thành một chuỗi kinh doanh (franchise) với gần 60 phiên bản khác nhau trên khắp thế giới — từ Afghanistan cho tới Việt Nam.
Kristef Brothers làm trò với một khán giả
“Got Talent” khác với các chương trình tìm ca sĩ như “American Idol”, “X Factor”, hay “The Voice” ở chỗ các thí sinh có thể biểu diễn bất cứ tài năng gì họ có. Chẳng hạn như vũ ballet, ảo thuật, làm xiếc, v.v. Do đó chương trình này được xếp vào thể loại “Ða Dạng” (Variety Show), và nhờ vậy khán giả cũng nhiều thành phần. Theo số liệu của Nielsen TV Rating, khán giả “Got Talent” đa số trong lứa tuổi 18-49, tức là thị trường lớn và béo bở nhất cho TV.
Ngoài ra cũng có rất nhiều người già, trẻ em, thuộc nhiều văn hoá và sắc tộc khác nhau. Ðiều này thể hiện khá rõ trong số người đi xem chương trình “America’s Got Talent, Live!” tại rạp Verizon ở Grand Prairie, TX, vào tuần rồi. Có nhiều ông cụ bà cụ phải dùng “walker” để trợ lực, vậy mà vẫn chịu khó leo lên leo xuống cầu thang. Lại có những đứa bé chưa học hết bậc tiểu học. Tiếng cười như nắc nẻ của chúng đã tạo ra một không khí rất tươi vui, khác hẳn những chương trình ca nhạc bình thường. Thêm vào đó là những gia đình trong các cộng đồng thiểu số như Ả Rập, Ấn Ðộ v.v.
Recycled Percussion trình diễn màn “Gõ Thang”
“ATG, Live!” là cơ hội cho các thí sinh thắng giải hoặc về nhì có dịp đi tour, ra mắt khán giả hâm mộ, thay vì chỉ được hợp đồng ra dĩa hát như “American Idol” hay “X Factor”. Ðiều này cũng dễ hiểu bởi vì các thí sinh của chương trình ATG rất đa dạng và phong phú, không chỉ là ca sĩ tài tử. Chẳng hạn như MC điều khiển chương trình cho Tour 2015, Taylor Williamson, là người đã về nhì trong mùa 2013 với tiết mục hài (stand-up comedy). Show năm nay còn có một cô ca sĩ, hai anh em biểu diễn xiếc, một chàng ảo thuật viên đường phố, một cặp vũ công, và hai chàng đánh “trống” (trống trong ngoặc vì không phải là trống kiểu thường).
Show được dàn dựng dựa trên tài năng của các thí sinh, do đó mỗi năm sẽ mỗi khác. Taylor Williamson chiếm khá nhiều thì giờ với những pha chọc cười, nhưng kiểu hài có vẻ khô khan của anh lúc đầu không ép phê lắm. Mãi đến khi anh giễu về chuyện mình cũng (miễn cưỡng) ủng hộ quyền mang súng vì… “đang trình diễn ở Texas” thì bà con mới cười ầm ầm. Ðúng là dân Tét Xác có khác!
Emily West trong bài “Proud Mary”
Chương trình được sắp xếp khá gọn, không quá dài không quá ngắn, gồm hai phần với 15 phút giải lao ở giữa. Xen kẽ giữa những màn trình diễn là những đoạn phim ngắn giới thiệu các diễn viên và quá trình thi đua của họ. Nó cho ta thấy họ chỉ là những con người bình thường, có thể là bất cứ ai, không phải là những thần đồng hay thiên tài. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là họ có chí, kiên nhẫn và không sợ thử thách. Xem cách họ trình diễn, ta có thể nhìn thấy sự hãnh diện của họ lồng trong một thái độ khiêm nhường nhất định.
Emily West, về nhì mùa 2014, đảm trách các tiết mục ca hát. Ngoài vài bản solo, cô còn phụ trợ cho một vũ khúc với bài “Night In White Satin” của ban nhạc Moody Blues, và bài “Proud Mary” quen thuộc của Creedence Clearwater Revival (CCR) để kết thúc chương trình với tất cả mọi diễn viên cùng tham dự.
Taylor Williamson – NGUỒN WWW.MCALL.COM
Cặp vũ công Blue Journey với những vũ điệu hiện đại trợ giúp bằng kỹ thuật video vô cùng ấn tượng đã được khán giả hưởng ứng nhiệt liệt. Nếu chỉ xem họ múa trên TV ta khó mà thấy được hết cái đẹp của màn vũ này. Còn ảo thuật viên Smoothini thì chiếm cảm tình khán giả dễ dàng với những màn kỹ xảo với khán giả tham dự. Thậm chí anh còn kêu gọi mấy em thiếu nhi lên phụ giúp, trong đó có cả cậu Út nhà mình. Hai anh em xiếc Kristef Brothers cũng hay không kém với những màn tung hứng đòi hỏi thể lực cao, đầy nguy hiểm nhưng cũng với nhiều điệu bộ hài hước làm thiên hạ cười ngất.
Nhưng xuất sắc nhất đêm hôm đó là hai chàng “trống thủ” của ban “Recycled Percussion”. Nhạc cụ của họ là những đồ vật bình thường được biến chế lại, như thùng rác bằng thiếc, các thùng nhựa 5-gallon mua ở Home Depot. Ðặc sắc và cũng sáng tạo nhất là hai cây thang xếp, cao chừng 3 thước, được họ dùng làm “bộ gõ”. Các bậc thang kích cỡ khác nhau tạo ra những “nốt” nhạc không giống nhau. Họ vừa leo trèo vừa gõ nhịp, ném dùi trống qua lại cho nhau hết sức nhuần nhuyễn, không những vui mắt mà con vui tai nữa.
Smoothini giao lưu với khán giả
Sau buổi diễn các diễn viên tụ tập ngoài sảnh đường để gặp gỡ với khán giả cũng như để bán đồ lưu niệm. Chúng tôi cũng xếp hàng để chụp hình với “Recycled Percussion” và mua cặp dùi trống ủng hộ. Ðây đúng là một chương trình dành cho mọi lứa tuổi, và nhà sản xuất đã thành công với công thức pha trộn các tài năng khác nhau để dựng lên một vở diễn tuy bình dân nhưng có công suất giải trí cao.
Thật tình mà nói, tuy đã đi xem nhiều show ca nhạc, nhưng đây là lần đầu tôi có cảm giác khán giả và diễn viên đều “bình đẳng” như nhau. Bởi vì nghĩ cho cùng, trong số khán giả đêm nay có thể có người mai kia sẽ trở thành diễn viên. Cuộc thi tuyển vòng loại cho “America’s Got Talent” mùa tới sẽ đến Dallas vào Tháng Hai năm 2016. Biết đâu lần tới sẽ có người Việt tham gia?
Ảo thuật viên Smoothini với các em nhi đồng
IB