Jon Foreman là ca sĩ chính của nhóm Switchfoot, nhóm nhạc tạo được tên tuổi với các ca khúc trong phim “A walk to remember” năm 2002, với 2 bài hit “Meant to Live” và “Dare You to Move” năm 2003 hoặc album Hello Hurricane đoạt Grammy năm 2011.
Năm 2015, Jon có một dự án âm nhạc khá thú vị tên The Wonderlands. Dự án này gồm 4 đĩa EP được phát hành lần lượt trong năm, dự kiến có 24 ca khúc, ứng với 24 giờ trong ngày. EP đầu tiên có tên Sunlight, phát hành cuối tháng 5; kế đó là Shadows giữa tháng 7, mới nhất là Darkness đầu tháng 9 và cuối tháng 10 sẽ có thêm đĩa Dawn. Ý tưởng này không quá mới mẻ. Trước đây, anh cũng có một bộ EP gồm 4 đĩa, phát hành lần lượt từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2008. Lần đó, các đĩa được đặt tên theo mùa, ứng với thời điểm phát hành đĩa: Fall (tháng 11/2007), Winter (tháng 1/2008), Spring (tháng 3/2008) và Summer (tháng 6/2008).
Mỗi bản nhạc được hợp tác với một nghệ sĩ khác, như Darren King của nhóm MuteMath, Andrew Wessen của Grouplove, Taylor York của Paramore.
Và rồi trong quá trình thực hiện The Wonderlands, Jon phát hiện ra một tầng nghĩa khác sâu hơn về bóng tối và ánh sáng, không chỉ trong 24 tiếng đồng hồ mà trong mỗi con người. Khởi đầu của dự án 24 giờ là bài Terminal (bài đầu đĩa Sunlight) đại diện cho 11 giờ trưa.
“Terminal là bài hát khởi động mọi thứ, bắt đầu ở giữa ngày và với tôi, đó là một bài hát thật sự đầy hy vọng, vì nhận ra được đích đến trong khi bạn đang ở giữa cuộc đời. Tôi nghĩ rằng khoảng đời đen tối nhất là những lúc chúng ta từ bỏ một phần của mình trong khi vẫn còn đang sống. Khi chúng ta đầu hàng trước bất công trên thế giới và cứ để bất công đó diễn ra, chúng ta đã đánh mất một phần của mình. Bạn không thể một tay vươn ra cứu thế giới nhưng bạn có trách nhiệm với góc nhỏ của mình. Câu “Don’t let your spirit die before your body does” (Ðừng để tinh thần bạn chết đi trước cả thể xác”) nhắc đến phần tối tăm nhất trong câu chuyện đời người. Con gái tôi lên 3 và một ngày nọ, chúng tôi trò chuyện về kẻ xấu. Bé hỏi “Bố có biết kẻ xấu nào không?” Tôi có thể nghĩ tới vài người đã làm những điều không hay với tôi. Nhưng tôi nói với bé “Kẻ xấu nào cũng có một tuổi thơ con ạ.” Dù cho có những người gây hại cho tôi rất nhiều nhưng vẫn có cơ hội cho sự cứu chuộc, Họ có thể thay đổi câu chuyện đời mình. Những khoảng đời tối tăm trong câu chuyện của chúng ta xảy ra là vì chúng ta không có cơ hội đó.”
Xuất thân là một ca sĩ của dòng nhạc mang tính tôn giáo Christian rock với nhóm Switchfoot, Jon Foreman luôn có những suy nghĩ tích cực và mang tính xây dựng nhưng không chỉ gói gọn trong đạo Thiên chúa mà có thể mở rộng với cuộc sống.
Tháng 5/2015, Jon viết một bài cho The Huffington Post có tựa đề “Chaos vs. Control” (Hỗn loạn và Trật tự). Anh nhắc đến một buổi diễn của mình tại câu lạc bộ nhỏ ở ngoại ô Cincinnati. “Chúng tôi diễn gần xong thì bỗng nhiên đèn tắt sạch. Rất lạ là micro và loa vẫn có điện, chỉ có hệ thống ánh sáng là gặp sự cố. Trong phút giây đó, một điều tuyệt đẹp diễn ra: toàn bộ khán giả thắp sáng sân khấu với điện thoại di động và bật lửa. Thật sự kỳ diệu, một đám đông xa lạ đã kết nối với nhau trong khoảnh khắc của vẻ đẹp thuần khiết và tự phát. Một niềm vui bất ngờ không định trước đã sinh ra từ sự hỗn loạn.”
Trong một lần trả lời phỏng vấn khác, Jon đã nhắc lại ý này “tôi tìm thấy vài khoảnh khắc yêu thích của mình trong âm nhạc, dù cho đó là viết nhạc, sản xuất nhạc hay biểu diễn, lại đến từ những hỗn loạn và những điều tôi không tính trước. Ví dụ buổi diễn tối qua, có một cô gái ngồi trên chiếc xe lăn ở tít xa. Ðám đông đã đưa cô lên hàng đầu với những tay cùng nhau giơ chiếc xe lên. Nếu ai đó nói rằng họ dự tính làm như vậy thì đó là một ý tưởng khủng khiếp, quá rủi ro. Nhưng nhìn vẻ mặt của cô gái đó, sự vui sướng của cô khi có mặt ở hàng đầu để nghe bài hát cuối là khoảnh khắc yêu thích nhất của tôi trong suốt chuyến lưu diễn và đó là điều không thể nào hoạch định trước được. Dự án The Wonderlands là học cách chào đón và tận dụng sự hỗn loạn.”
So với Switchfoot, các dự án solo của Jon nhẹ nhàng hơn, nhắc nhớ đến Elliot Smith hay Sufjan Stevens. Ðĩa Darkness vừa phát hành có 7 ca khúc, khá hấp dẫn và súc tích. Mở đầu đĩa, bài Come home nhắc đến một ý quen thuộc rằng trong nhiều bão tố của cuộc đời, con người luôn có một chốn để trở về, để cảm thấy an toàn. Bài “Beautiful (part II)” là một bản nhạc rất hay, về những thứ mà con người phải khoác lên bên ngoài để che giấu sự mong manh, dễ tổn thương hoặc đầy cô đơn của mình. Kết lại đĩa là Inner Peace, một cụm từ trở nên quen thuộc từ phim… Kungfu Panda, với một câu hát đáng chú ý “Làm sao chúng ta có thể là chính mình trong khi chính chúng ta không biết mình là ai.”
Jon Foreman: “Tôi nghĩ chúng ta luôn tìm cách sắp xếp cuộc sống của mình theo trật tự, đặt mọi thứ trong khuôn khổ. Chắc vì vậy nên tôi thích chơi Sudoku, chơi ô chữ bởi vì luôn có một câu trả lời đúng. Nhưng cuộc sống thực thì lại đầy bất ngờ và hỗn loạn.”
NV