Menu Close

Ông bà Mary Sanders

Tôi đến Denver vào buổi chiều mùa Thu năm1979. Nếu không có người em vợ đem xe ra đón, tạo chút ấm áp cho ngày mới đến, qua tiếng nói cười mừng rỡ của nó thì chắc chúng tôi cảm thấy lẻ loi, lạc lõng nơi xứ lạ quê người nầy nhiều lắm. Không lẻ loi sao được khi chúng tôi nhìn bầu trời mùa thu tối sớm, những chiếc lá vàng rơi gần hết chỉ còn cây trơ cành và con đường chiều vắng tanh hun hút chạy dài về nơi xa với những ngôi nhà cách nhau thưa thớt. Không xa lạ sao được vì mới đó, chúng tôi ở đảo tỵ nạn Mã Lai, mọi người đi lại dập dìu bất kể ngày đêm, thì ở đây, trái lại ai nấy đều rút vô nhà đóng cửa kín mít, tạo cảnh vắng vẻ lạ thường. Nhưng thôi, khi chúng tôi đã chấp nhận xa xứ, đã lạc loài, thì ở đâu cũng là nhà miễn là có chỗ dung thân là xem như được sống lại rồi.

Vài ngày sau, tạm yên nơi ăn chốn ở, tôi đưa vợ con đi khám sức khỏe ở nhà thương Denver General Hospital, nơi mà người tỵ nạn nào mới đến, bắt buộc phải đến để làm thủ tục khám sức khỏe cho bước đầu, ngoài việc đến các cơ quan như USCC trình diện xin trợ cấp và đến văn phòng chính phủ xin thẻ Social Security. Nhớ những ngày mới đến, nhiều công việc phải làm dồn dập, không người chỉ dẫn, giúp đỡ, vì ai cũng bận đi làm từ sáng đến chiều mới về, nên con người tôi cảm thấy như muốn điên đầu, mệt lả.

mary sanders 01

Gia đình tác giả tại nhà ông bà Mary Sanders năm 1980 nhân dịp Lễ Phục Sinh.

Trong lúc gia đình tôi đang ngồi gần nhau trên một băng dài trước cửa vào phòng khám bệnh của bệnh viện, thì cạnh bên là một bà Mỹ trắng, có phong cách của một người trí thức (sau nầy tôi mới biết bà đã từng dạy học ở Denver và đã nghỉ hưu). Gương mặt bà trông phúc hậu và nhất là có nụ cười nhân ái khi nhìn người khác. Bà cũng đang ngồi cùng với gia đình người tỵ nạn Hmong, chắc cũng chờ để vào khám sức khỏe như chúng tôi. Chợt bà nhìn sang tôi gợi chuyện “Ông bà người nước nào?”. Được dịp, tôi nói ngay “Chúng tôi là người tỵ nạn Việt Nam mới đến”. Bà ngạc nhiên nhìn nói “Vậy à!”, rồi cười mở túi xách lấy mấy cục kẹo chocolate cho mấy đứa con tôi. Bà còn nói là bà đại diện cho nhà thờ bà đưa mấy người tỵ nạn Hmong nầy đi khám sức khỏe. Tôi chưa kịp nói gì thì bà than phiền ngay “Những người Hmong nầy, họ đến đây mấy tháng nay, nhà thờ tôi hết sức giúp đỡ, tìm cho họ việc làm, nhưng họ chỉ biết uống rượu tối ngày và không chịu đi làm”. Bà tiếp “họ còn nói sẽ đi tiểu bang khác, nơi có nhiều người Hmong ở”. Tôi im lặng nghe và không có ý kiến gì. Sau khi khám sức khỏe xong, bà đến bắt tay chúng tôi và xin địa chỉ để có dịp đến thăm. Trên đường về nhà vì chúng tôi không biết cách đi xe bus nên phải đi bộ đến chiều mới về tới nhà, và ai nấy vì quá mệt nên cũng quên đi việc gặp gỡ với bà. Nào ngờ, một tuần sau, hai ông bà lái xe đến thăm chúng tôi và còn đem theo một bao gạo để biếu. Chúng tôi rất ngạc nhiên và cảm động về lòng tốt của ông bà. Trước khi ra về ông bà còn ân cần mời gia đình chúng tôi đến nhà ăn cơm tối trong ngày Lễ Tạ Ơn.

Lần đầu tiên đến nhà ông bà ăn cơm tối trong ngày Lễ Tạ Ơn năm đó, thật chúng tôi cảm thấy rất ngạc nhiên vì sự trình bày trên bàn ăn tựa như là để chuẩn bị tiếp đãi một người khách quý. Nào tấm trải bàn màu trắng có viền ren chung quanh, nào chén kiểu xưa, nào muỗng nĩa bạc v.v.. để đâu ra đó. Chính giữa bàn ăn còn có một bình bông tươi đầy màu sắc. Còn trên bàn ăn thì ông bà bày đầy đủ thứ thức ăn dường như không thiếu một món gì cho buổi ăn tối Lễ Tạ Ơn của người Mỹ. Chúng tôi rất vui mừng và thầm cám ơn ông bà đã bận rộn cả ngày để chuẩn bị thức ăn cho chúng tôi. Lần đầu tiên các con chúng tôi gặp một bữa ăn tối đầy đủ, ngon miệng nên không e ngại ăn hết sạch mà mãi về sau nầy ông bà vẫn còn nhắc đến. Cũng kể từ đó, chúng tôi đã trở nên thân thiết với ông bà.

Sau đó, chúng tôi dọn ra khỏi nhà người em vợ, ở apartment, ông bà lại đem tới cho từ tấm thớt, chén đũa, giường ngủ, và bàn ghế trong nhà xem như không thiếu một món gì. Ông bà còn đưa tôi đi mua một chiếc xe cũ để chuẩn bị cho ngày đầu đi làm mà không nói năng gì đến tiền bạc và còn bảo tôi đừng bận tâm. Ông bà còn đưa gia đình chúng tôi đi khám bệnh nơi bác sĩ gia đình của ông bà, mà ông bác sĩ tốt bụng nầy không lấy tiền, dù chúng tôi cũng đã có bảo hiểm sức khỏe. Sự thân thiết giữa gia đình chúng tôi với ông bà càng ngày càng thêm gắn bó đến nỗi ông bà xem chúng tôi như con trong nhà và ngược lại, chúng tôi xem ông bà như một người cha mẹ nuôi mới vậy.

Rồi thời gian dần trôi, ông bà tuổi đã ngoài tám mươi, sức khỏe yếu dần nên chúng tôi lại càng đến thường xuyên thăm viếng hoặc thỉnh thoảng nấu những món ăn Việt Nam mà ông bà thích mang đến cho ông bà. Tội nghiệp trong tuổi già ông bà phải sống tự lập vì có hai người con gái đã lập gia đình và đang ở tiểu bang khác nên ít về thăm. Đặc biệt, trong ba người con gái của chúng tôi, ông bà thương cháu đầu lòng nhiều nhất, vì cháu siêng năng giúp đỡ cho ông bà trong những ngày nghỉ học của cháu ở trường. Một hôm, ông bà kêu cháu lại hỏi tên họ và ngày sanh rồi ghi xuống tờ giấy nói là sẽ cho cháu một món quà đặc biệt sau nầy. Con gái tôi chỉ nghe vậy rồi quên theo thời gian. Nào ngờ khi ông bà qua đời, nhà bank của ông bà gọi cháu đến để nhận tiền do ông bà để lại, dù chỉ là số tiền nhỏ. Khi đến nhận tiền, con gái tôi còn nhận được lá thư do ông bà viết để lại, dặn rằng “khi nhận số tiền nầy, cháu nên chia một phần cho cha mẹ và các em cháu”. Con gái tôi chợt khóc trước mặt mọi người vì nhớ đến tình thương của ông bà đã dành cho cháu.

mary sanders 01

Vợ chồng tác giả

Thời gian thấm thoắt dần trôi, mới đó mà đã ba mươi sáu năm qua như tưởng chừng mới hôm nào. Ông bà đã về nơi tiên cảnh ở tuổi chín mươi. Giờ đây, mỗi năm vào ngày Lễ Tạ Ơn về, gia đình chúng tôi lại tưởng nhớ đến ông bà, người ân nhân Mỹ đã giúp đỡ cho gia đình chúng tôi trong những ngày đầu mới đến. Cũng từ ngày ông bà mất đến giờ, mỗi năm chúng tôi vẫn dùng cái “recipes” chỉ dẫn của ông bà để lại, nấu những món ăn trong ngày Lễ Tạ Ơn mà mọi người trong gia đình cho là ngon nhất vì cách thức ướp và nướng gà tây đặc biệt do ông bà tự nghĩ ra, chắc chắn là ngon hơn mua ở tiệm rất nhiều.

Nhân mùa Lễ Tạ Ơn về năm nay, nhớ ơn ông bà Mary Sanders, người đã cho gia đình chúng tôi những ngày tháng ấm áp đầu đời nơi xứ lạ, chúng tôi nguyện sẽ không bao giờ quên công ơn của ông bà.

Minh-Tâm Lê Hà-Thư