Menu Close

Lời tạ lỗi với quê hương – Lê Mai Lĩnh

Dẫu thế nào tôi cũng phải đi. Ðành đoạn ra đi. Thà chọn cho mình một kiếp lưu đày. Hơn bị lưu đày trên chính quê hương. Hãy thông cảm và tha thứ cho tôi. Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi, Việt Nam ơi. Xin đừng gọi tôi là tên đào ngũ. Dù ở nơi nào trên mặt đất này. Tôi không quên, tôi, một Nhà Thơ Chiến Sĩ. Mãi mãi chiến đấu cho Quê Hương Và Tự Do. Tôi ra đi mang theo nửa trái tim. Nửa còn lại giữ giùm tôi nhé. Tôi ra đi mang theo cả quê hương. Vẫn chưa đủ ấm lòng tôi đó. Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi, Việt Nam ơi. Làm sao tôi có thể quên…” [Lời Tạ Lỗi Với Quê Hương]

Vâng! Không ai có thể quên hôm xưa đã có một lần, con đường về bỗng phân vân buồn..! Ngập ngừng trời đổ mưa tuôn, nghe như giọt lệ buồn vương tuổi ngà… Cái thuở thư sinh tay trắng mộng đầy hồn còn non trẻ dễ buồn dễ vui ấy, cũng xem đời dễ như trở bàn tay đã giúp Lê Mai Lĩnh nhìn thấy “…Những đêm Nguyễn Hoàng đầy trăng, Tôi đi bộ hàng mấy cây số đường làng. Qua những lũy tre bờ giậu đến nhà ông Lê Chí Khiêm. Hái trộm những cành hoa dạ lý hương. Về cắm lên cửa sổ nhà em trọ học. Ðó là mùa hè năm 1962.” Hoài niệm thinh lặng trở về. Lê Mai Lĩnh bất ngờ nhận diện Quảng Trị, “Thành phố nhỏ như một bàn tay. Mà năm ngón là những đại lộ. Và phố xá, đường làng, ngõ quê, xóm vắng. Là những đường chỉ tay đan kết vào nhau.”[Lời Tạ Lỗi Với Quê Hương]

Trong vườn trí tưởng Lê Mai Lĩnh hình dung ra Quảng Trị thật thân thiết, thật gần gũi như những đường chỉ tay…Phải chăng ông cũng đã thử xòe mười ngón tay buồn, quả nhiên ảo mộng khắp đường chỉ bay… Ảo mộng thôi! Nên Quảng Trị và những O thiếu nữ như ngàn cánh hạc đã bay xa bay khuất ngút ngàn trong hoài niệm.Khiến người tự nhận là nhà thơ chiến sĩ cũng nghe một thoáng gió vào làm mắt cay. Bởi vì…kìa ai ảo bóng đêm trăng, hay thuyền phương viễn tịnh hằng chiếc thân. Một mai tình dẫu xa gần, ra sông ngắm cuộc phong trần nhớ nhau…

Những địa danh tác giả đã đi qua, đã nhìn thấy đồng ruộng thẳng cánh cò bay bỗng xác xơ chỉ còn trơ gốc rạ cháy đen giữa mùa chinh chiến. Những con đường mịt mùng vạn nẻo trong cõi hồng trần, có “…những người cha Quảng Trị. Tất bật ngược xuôi cuối bãi đầu ghềnh. Nhặt nhạnh từng gánh than gánh củi. Ðổi thành gạo thành tiền, thành cơm, thành áo. Mong cho con nên người. Dưới mái trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị thương yêu.” Thời gian đẹp nhất của một đời người là thời gian đi học, thời gian của “Những con đường bờ sông phượng đỏ một trời. Con đường đêm đêm mở ra một thế giới thần tiên. Ở đó có nàng Công Chúa ngủ quên. Chờ Hoàng Tử thức dậy. Ở đó có những thảm cỏ xanh, gốc cây. Và bóng tối thật dễ chịu. Chúng không can dự vào những nụ hôn, lời thầm thì. Của những đôi tình nhân yêu nhau, yêu nhau. Ở đó có một dòng trăng chạy dài từ cầu ga đến chùa Tỉnh Hội. Ðêm đêm dập dìu những dáng liêu trai. Ðêm đêm dập dìu những O thiếu nữ. Làm sao tôi có thể quên.” [Lời Tạ Lỗi Với Quê Hương]

Tác giả Lê Mai Lĩnh tên thật là Lê Văn Chính sinh trưởng tại Quảng Ðiền, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông bắt đầu bén duyên với nghiệp dĩ văn chương từ năm 1958, với bút danh đầu tiên là Sương Biên Thùy – cái tên quen thuộc với độc giả hâm mộ văn học nghệ thuật của Miền Nam, trước năm 1975. Lê Mai Lĩnh từng cộng tác với các tạp chí Nghệ Thuật, Khởi Hành, Gió Mới, Ngàn Khơi, Văn, Tiền Phong. Ông là cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày 30 tháng 4 bị giam trong nhà tù cộng sản suốt 8 năm 6 tháng, kể từ tháng 05/ 1975 đến tháng 11 năm 1983. Ông đã ấn hành 16 tác phẩm vừa cá nhân, vừa in chung với nhiều tác giả. Nổi bật nhất là “Thơ Lê Mai Lĩnh,” “Ðứng Ngồi Không Yên,” “Chân Dung Lê Mai Lĩnh,” “Những Ðứa Con Hoang” …

“Lời Tạ Lỗi Với Quê Hương,” một trong số những bài thơ quật khởi làm trong nhà tù cộng sản của tác giả Lê Mai Lĩnh, đã nói lên tâm tình và khát vọng của ông khi bỏ làng thôn, thị trấn, tỉnh lỵ thân quen ra đi.

le mailinh

HNP – 8:41am Thứ Ba ngày 10 tháng 11 năm 2015