Tôi mang gương mặt đứa trẻ trong hình 15 năm sau trở về. 15 năm sau thức giấc giữa Hà Nội lẽ ra tôi phải sinh ra, lớn lên và kiếm sống. Chuyến ra Bắc như liều thuốc đắng. Phải 31 tuổi ra tới Bắc, đứng trước Chùa Một Cột tôi mới biết tôi là người Nam. Bắc từ huyết thống, trong máu huyết, nhưng không ai chấp nhận. Buổi chiều tôi đứng trước Quốc Tử Giám lạ lẫm, xe Giấc Mơ chạy ầm ĩ, trong truyện Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu tôi đã tả nơi đây, nơi tôi chưa hề viếng buổi chiều con đường Hàng Cháo im ắng lặng lẽ như tờ. Buổi sáng tôi đứng trước ngôi nhà của Ông ở Phú Thọ, bây giờ đã trở thành Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phú. Tôi không nhận ra gì hết, mặc dù đã xem bao nhiêu lần những bức ảnh đen trắng chụp gia đình dòng họ trong sân ngôi nhà này. Tôi cố mường tượng năm U mười bốn tuổi bước chân qua ngạch cửa, U phải lo lắng lắm, vết chân U dường còn in ở phiến gạch Tàu trũng, U đâu biết 60 năm sau U sẽ lãnh 70 đồng Giải Phóng về quê, không thân bằng quyến thuộc, bán ve chai rồi chết dấm dúi ở một xó nào trên đất Quảng. Ðứa trẻ U ẵm bồng trên tay đã trở về, đứa trẻ U gãi lưng mỗi tối đã về đây, đứng trước ngôi nhà U đã vào ở suốt thời con gái, thành đàn bà rồi già lão. Buổi trưa tôi đi khắp phố Hàng Ðào, cố tìm ngôi nhà của Bà. Hiệu bán vải hẹp choé bề ngang, sâu thông thống, một tầng xiêu vẹo, treo mắc lụa tơ tằm, đồi mồi lưu niệm, quần áo.
– Hello, hello, welcome!
– Không, cháu người Việt. Cháu muốn vào tham quan nhà.
– Nó có đổi đô không? Cô gái ngồi quầy trong gióng hỏi.
– Không, nó muốn xem nhà.
Bà chủ hiệu vải phe phẩy quạt, nói vọng. Tôi nhìn bà kỳ lạ, tôi nhìn cô gái trẻ đã quên bẵng tôi đang đứng ở cửa. Mấy con rùa thần làm giả đồi mồi nhìn tôi nghếch mắt. Mấy điếu bát cổ đời Lý đề giá 100 đô, dăm bức chèo Phố Phái, tượng Phật bằng mã não ghi giá không rõ.
– Mẹ cháu sinh ở đây, cháu muốn vào tham quan vài phút rồi đi ngay.
– Giá tham quan du lịch nhà cổ quận Hoàn Kiếm 50 nghìn, tôi lấy cậu 30 nghìn thôi.
Bà chủ hiệu vải trả lời. Tôi nhìn bà kỹ càng. Tôi nhìn bà như thể tôi muốn trông thấy Bà ngồi đây, nếu không di cư vào Nam, Bà sẽ ngồi đây với quạt nan, Bà sẽ bảo tôi đưa tiền để vào thăm ngôi nhà nơi chính Bà đã sinh ra, lớn lên rồi bỏ đi như tôi đã sinh ra trong ngôi nhà Bà ở Sàigòn, lớn lên và bỏ đi. Tôi ngắm bà chủ hiệu vải kỹ càng để khắc ghi trong đầu hình ảnh một bà Bắc. Tôi ngắm bà chủ hiệu vải kỹ càng để đối chiếu với Bà, đã sinh thành ra tôi. Bà không phải là Bà. Bà, một người khác.
Tôi mở cửa. K đưa tay cào không khí. Anh ngồi ở giữa, trên chiếc xe lăn không ai đẩy. Tôi hỏi K ăn chưa? Anh nhướng mắt, con số 403 trên cửa phòng phản chiếu. Tôi trông thấy lại trong mắt anh hình ảnh đất Bắc phai mờ hoang phế. K thở khò khè đứt quãng. Tháng trước anh còn làm bài thơ Ký Thác đăng báo, tháng này anh mở trừng trừng mắt nhìn tôi, vô hồn. Tôi ngồi giữa căn phòng giá buốt, không phải K ngồi ở giữa phòng mà chính tôi ngồi chỗ K nhìn ra cảnh trời ảm đạm trông thấy thần chết.
– Kêu Vũ nó vào thăm anh.
K nhướng mắt. Lâu lâu từng chập anh trở nên tỉnh táo, như vụt thức giấc khỏi chiêm bao, phát âm rõ rệt từng chữ. Tôi biết anh sắp hóa quỷ. Tôi biết anh đang hóa quỷ.
– Em là Vũ.
Tôi bóc mấy nem cuốn, chả cốm, các món Bắc.
– Kêu Vũ nó vào thăm anh. K tiếp tục nhướng mắt.
– Nhưng em là Vũ.
Tôi đáp. Chiều tối nào K cũng hỏi câu đó. Chiều tối nào tôi cũng trả lời từng ấy chữ. Trong thâm tâm tôi khổ sở vì sao K không biết sống sót, vì sao anh không chiến đấu? Vì sao trí não anh ung thối? Anh đã học thật giỏi ở trường Lasan. Tôi nghĩ đến đám táng sắp đến, đến ma chay phải đứng ra làm chủ tang, trong đời tôi chưa biết cái chết. Tôi nghĩ đến các tra vấn của Bà, giòng họ, những câu hỏi hóc búa đạo đức dấy lên một mình tôi hứng chịu. Tại sao K hóa quỷ? muôn đời tôi thắc mắc. Tại sao anh không giống tôi thẳng tắp một con đường thuần Việt. Con đường mê đắm những cô gái, yêu đam mê những người đàn bà, say mê, hết mình và không hối tiếc. K chọn con đường khác.
– Vậy Vũ là Vũ đóng giả Vũ?
K bỏ cuốn nem, ngơ ngác. Tôi nhìn trí nhớ K mục rữa.
– Lát nữa mẹ ngủ dậy, nói mẹ hâm cho anh.
– Mẹ còn ở Việt Nam.
Tôi đưa nước cho K uống. Anh nhìn tôi kinh ngạc. Làm như K khám phá lần đầu sự chia cách đứt đoạn đột ngột không ai có thể hiểu.
Buổi chiều Âu Châu mau rụng tối. Nắng rơi không tiếng động khuất sau mấy dẫy nhà bệnh viện. Tôi lau mặt mũi cho K, cả chiếc bóng quỷ của anh cũng biến mất trên tấm kính đen đặc. Tấm kính chỉ còn phản chiếu lờ mờ duy nhất chiếc bóng của một đứa bé vướng ánh điện loay hoay tháo gỡ những sợi điện muốn chạy trốn.
Giống trong giấc mơ, khi tôi đỡ K lên giường, hai chân anh nặng trĩu, luồng nước đen thẳm cứ kéo chìm đi, K chới với nắm níu không khí, thân xác rũ riệt lê trên đất, tôi muốn gọi cấp cứu nhưng nhớ đến gương mặt lạnh lẽo của đám y công chung chạ mỗi ngày với thần chết, bệnh nhân chỉ là những thây ma nằm phòng riêng hay phòng chung. K ngã chúi xuống đệm nhưng anh mở mắt, trăn trối.
– Anh mất rồi chôn trong Bắc Việt nghĩa trang.
Tôi nắm tay K khi ấy. Không, anh nắm tay tôi, ghì chắc. Như lần cuối trong áo quan anh còn đưa tay nắm lấy tay tôi khi sư bà vẽ bùa bảo tôi dúi vào trong tay anh đi đò xuống âm phủ. Rõ ràng anh chụp lấy tay tôi lúc đó. Ghì lấy. Tôi hoảng sợ rụt bắn, nắp áo quan còn mở. Gương mặt K đen sạm, tóc rụng hết, K đang hóa thạch, cả bộ veste turquoise anh mặc giáng sinh cuối cùng cũng hóa đá. Tất cả lạnh cứng, đông lạnh, y khúc thịt tôi lôi từ trong tủ đá những chiều làm về muộn bỏ vào micro-onde. K nằm yên không rên rỉ, đã thôi vươn cánh tay co giật, đã thôi dắt tôi đi lầm lũi trong Bắc Việt nghĩa trang, tôi muốn nói nghĩa trang không còn nữa, tôi đã chứng kiến tất cả biến mất, không còn gì nữa, đất nước là một đất nước khác, không nghĩa địa, chỉ những lò thiêu và nghĩa trang liệt sĩ. Không còn chỗ nào cho tôi với anh, không còn chỗ nào cho người Bắc di cư đang biến mất. K nằm im, nhắm mắt, không nghe gì nữa, tôi đeo kính cho anh, nhưng rồi tháo ra, bỏ trong hòm. Tôi cố mường tượng đến hóa thân của Kafka, buổi sáng cũng biến dạng quái dị nhưng không chết. Tôi cố nghĩ chỉ là một chương tiểu thuyết, không ai có thể chết trong tiểu thuyết, từ tấm bé tôi đã chìm đắm trong truyện, không biết đánh đáo, bắn bi, tạt lon, tôi tiêu tán tuổi thơ trong những chồng sách. Tôi đọc ngấu nghiến và tin cuộc đời diễn ra trong tiểu thuyết. Rồi đến phiên tôi tưởng tượng ra tất cả, nhưng không hề ngờ chúng có thật.
Lửa phực lên. Tôi mở cửa. Lửa phừng lên nuốt tất cả mọi người. Lửa phừng phừng rát mặt. Tôi sợ hãi căn phòng địa ngục. Tôi chứng kiến tận mắt địa ngục. Hai thước ngang, lửa hàn xì như lửa gaz thui chó ở Quảng Bá. K hóa thân không ai đi đưa, người ta chỉ thui anh như thui chó. Các bạn tôi im lặng. Các bạn tôi cũng viết tiểu thuyết. Cả một đám hiện hữu bằng cái không có thật tiễn đưa một sự thật: Lửa gaz thui chó. Nina Mc Pherson, Ðỗ Kh im lặng. Chị Phan Thị Trọng Tuyến khóc tấm tức. Anh Lê Tất Luyện, chị Thụy Khuê mắt đỏ hoe. Anh Phan Huy Ðường lặng lẽ. Một mình Dương Thu Hương bình tĩnh nhất lúc lửa bùng lên đẩy lùi mọi người. Tôi thèm muốn lúc đó được chôn trong Bắc Việt nghĩa trang, thèm muốn nằm trong lòng đất của Bà, bên cạnh Thầy, bên cạnh Ông, bên cạnh chị Zính, thèm muốn nằm dưới gốc dâm bụt thắm lá, có rặng giấy lay lắt, một hồ nước, bức bình phong, sân bái đường. Tôi ý thức rõ ngày K hóa quỷ, hạnh phúc lớn nhất của kiếp thuyền nhân là được chết chôn ở Việt Nam trong một nghĩa trang của đất nước.
K bất hạnh không có may mắn đó.
TV