Trong truyện cổ Phật giáo cũng như truyện cổ dân gian Việt Nam đều nhắc đến những câu chuyện mà nội dung chính nói về những con vật đã cố trả ơn ân nhân của chúng trong khi có một kẻ lại gây oán đối với chính người đã cứu sống mình. Giá trị nội dung không phải ở độ xác thực của câu chuyện mà ở ý nghĩa của nó. Mục đích để chê bai những kẻ sống vô ơn bạc nghĩa đối với ân nhân của mình: không bằng con vật! Loại người như vậy ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Nhưng ngày nay, nó không còn đơn thuần là câu chuyện triết lý mà trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Ðấy chính là lý do tuần qua có đến 31 Thống đốc tiểu bang ở Mỹ đã tuyên bố không nhận người tị nạn từ Syria tới.
Như thế thì quá… bất nhân! Nhưng không bất nghĩa! Khổng Tử, lúc sinh thời, thường hay than: “Làm người khó, rất khó!” Khó ở chỗ, như trường hợp này, giữa nhân và nghĩa nên chọn cái nào? Ðối xử nhân đạo với người tị nạn Syria chắc chắn sẽ làm nguy hiểm đến tánh mạng người dân Mỹ. Không chỉ các Thống đốc của 31tiểu bang trên, nhiều nước Ðông Âu cũng từ chối thẳng thừng. Những nước ấy, không thể nói là họ không có lòng nhân đạo. Cái chính là họ không muốn bất nghĩa đối với đồng bào của mình. Nhiều người dân Tây Âu, như Pháp và Ðức, cũng cương quyết tẩy chay người tị nạn bên Trung Ðông qua. Nếu là Khổng Tử, chắc ông cũng “thà bất nhân, hơn bất nghĩa”. Một lần được hỏi khái quát về thuật đối nhân xử thế trong một câu, ông nói nên đối xử người khác như mình muốn người ta đối với mình. Khi được hỏi tóm gọn những nguyên tắc sống ở đời chỉ trong một chữ, ông trả lời: NGHĨA.
Không ít người cho rằng những kẻ khủng bố chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong cộng đồng tị nạn Hồi giáo. Họ quên hoặc không nghĩ đến vấn đề ở đây không phải là bao nhiêu phần trăm là khủng bố hoặc sẽ trở thành khủng bố. Cái chính là mức độ nguy hại cho xã hội lớn cỡ nào. Nếu trong 1 vạn người tị nạn chỉ có 1 kẻ khủng bố (hoặc sẽ thành khủng bố) nhưng kẻ đó có thể gây hại cho xã hội về tinh thần và vật chất bằng cả một đạo quân vạn người thì tính sao? Dĩ nhiên cộng đồng nào cũng có những kẻ xấu và những kẻ ấy luôn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, những kẻ ấy xấu tệ mấy đi nữa cũng chỉ là trộm cướp, buôn bán ma túy… Chúng chỉ là… tệ nạn xã hội, còn xa với những gì bọn khủng bố gây ra. Gọi là đại nạn cũng không quá! Vấn đề cơ quan an ninh lo nhất không phải là bọn khủng bố trà trộn trong các nhóm người tị nạn. Ðiều họ sợ nhất là những người tị nạn bình thường, sau khi định cư thì họ hoặc con cái của họ trở thành khủng bố. Lâu nay, rất nhiều kẻ khủng bố đã sinh ra hoặc lớn lên ở những nước đã mở vòng tay cưu mang chúng hoặc bố mẹ của chúng. Không cách gì ngăn chặn những kẻ “khủng bố tiềm tàng” như vậy được! Ngoại trừ phải… bất nhân, không nhận người tị nạn Hồi giáo nào từ Trung Ðông.
Nhiều người cứ nói hoài đạo nào cũng tốt cả, chỉ có cá nhân mỗi tín đồ mới xấu (hoặc tốt). Không rõ, nếu phải tóm gọn giáo lý từng đạo trong một chữ, đấy có phải là NGHĨA không? Nói nôm na, có phải đạo nào cũng xem lòng biết ơn là nền tảng cho giáo lý của mình? Nếu ai đấy giúp những kẻ mà các cơ quan an ninh lo sợ nhất ấy hiểu được đạo Hồi cũng như thế thì xứng đáng được cả thế giới làm một lễ… Tạ Ơn!
HNH