Menu Close

Dưới thành phố Paris

Mỗi năm có chừng hơn 12 triệu du khách đến Paris hoa lệ. Nhưng hầu như du khách chỉ đi thăm thú đền đài, những công trình lịch sử nổi tiếng hay đơn giản hơn ghé xem tháp Eiffel hoặc ngồi ngắm dòng sông Seine thơ mộng. Phía dưới lòng đất Paris còn có một thành phố ngầm hình thành từ cả ngàn năm trước. Chỉ một số ít chịu lần mò xuống vài chục điểm trong 31,000 địa chỉ có mũi tên… đi xuống, và hầu hết là các tour xuống lòng Paris thường là thầy cô dẫn học sinh đi dã ngoại học lịch sử của thành phố mình đang sống.

duoi thanh pho paris4

Dưới lòng Paris từ 0 đến 30 mét là các loại tầng dành cho tàu điện ngầm – Nguồn: Paris Metro

Từ trên đi xuống lòng đất chừng 30 mét là hệ thống xe điện ngầm tỏa khắp Paris. Xuống sâu thêm nữa có khi vài trăm mét du khách sẽ bắt gặp những hầm ngầm dẫn đi quanh co kéo dài 300 km, các ngôi mộ hiện ra trong ánh sáng đèn vàng âm u khiến người xem cứ tưởng chừng mình đang lần xuống A Tỳ địa phủ. Paris ngày nay sang trọng và lãng mạn sẽ chẳng bao giờ hiện hữu nếu như không có một Paris cổ xưa bị chôn vùi cho đến khi các nhà địa chất phát hiện.

duoi thanh pho paris5

Du khách xem triển lãm dưới lòng đất Paris – Nguồn: Underground Paris

Cách nay 2000 năm, Paris hiện nay được gọi là Lutèce, những người định cư từ khắp nơi kéo về xây dựng nên một thị tứ. Đất xây dựng được móc lên từ nền đất tại chỗ xây cất lăng mộ chôn cất những thế hệ lần lượt ra đi. Bệnh tật, chiến tranh đã khiến số người chết nhiều hơn số người sống đang mỗi ngày tìm đến sinh sống nơi đất kinh thành. Đất sét, đá vôi sông Seine tạo thành hoàng thổ và cả sạn sỏi – nguồn vật liệu tại chỗ cứ được khai thác ngày càng nhiều tạo ra những hang hốc, hố sâu dưới lòng đất.

duoi thanh pho paris3

Đường hầm dẫn xuống các tầng hầm mộ Paris – Nguồn: Underground Paris

Thoạt đầu, các hầm mộ quanh các nhà thờ chỉ chôn những nhân vật quan trọng, còn dân thường thì chôn ở ngoại ô. Mãi đến thế kỷ 16, Giáo hội Pháp đồng ý cho phép những người có công đóng góp cho nhà thờ được mai táng dưới hầm mộ thiêng liêng của nhà thờ. Nhiều thế kỷ trôi qua, số người chết chôn cất giữa trung tâm đô thị không còn chỗ chứa, ô nhiễm tràn lan gây các loại bệnh dịch. Chính phủ quyết định đóng cửa các khu hầm mộ vào năm 1780. Hài cốt được cải táng tập trung dưới lòng đất gần khu chôn cất những hiệp sĩ thời Trung cổ, gần hộp đêm Mont – Rouge ngày nay. Rải rác dưới lòng đất quanh thành phố vẫn còn nhiều hầm mộ khác không thể di dời. Chính quyền tiếp tục cho cải táng hàng triệu hài cốt kéo dài gần 150 năm về tập trung một chỗ. Ước tính có khoảng sáu triệu bộ hài cốt không còn nguyên vẹn được đặt chồng chất lên nhau, tạo thành một khu nghĩa trang xương người lớn nhất thế giới. Để tăng thêm phần rùng rợn, du khách vào xem nơi này, mỗi người được phát một cây đèn cầy soi trong ánh sáng lập lòe ma quái.

Bước vào hầm một đi lòng vòng nhiều cây số, du khách sẽ khám phá ra những điều kỳ thú vào thời các tù binh bị nhốt và chôn luôn dưới lòng đất cách nay vài trăm năm. Một tù binh tên là Décure đã điêu khắc Thánh đường Saint Philippe với các chi tiết sống động y như thánh đường hiện hữu đã nhìn thấy trong thành phố Paris trước khi bị nhốt vào địa ngục hầm mộ này. Và còn ngỡ ngàng hơn khi du khách nhìn thấy Thánh đường Notre Dame des Champs được xây dựng trong một hầm khai thác đá bỏ hoang. Lịch sử tôn giáo hòa lẫn lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước hiện ra theo từng năm tháng, xây dựng nên một nước Pháp phồn vinh như ngày nay đều trở thành bảo tàng. Những bảo tàng lịch sử này được kết nối với nhau bằng những đường hầm thông suốt. Lắm lúc du khách muốn hít thở khí trời theo bậc thang đá đi lên, bất ngờ nhìn thấy phía trên là một trường học hay một nhà hàng. Ngục Bastille nổi tiếng của người lính và tù binh tử trận qua hai cuộc cách mạng 1830 và 1848 được mai táng nằm lẫn lộn với vài xác ướp Ai Cập mà Napoleon đã mang về trước đó. Lịch sử hiện ra không phải trong những thiên tiểu thuyết mà đang hiển hiện dưới chân mình.

duoi thanh pho paris2

Một tác phẩm điêu khắc trên đá của tù binh Decure năm 1780

Từ thời bảo hộ La Mã, người ta khai thác cát, sỏi, đá để xây dựng các công trình lớn, cho đến thế kỷ 11 là sự bùng nổ cơn sốt xây dựng hàng trăm nhà thờ, chủng viện khiến xuất hiện thêm nhiều hầm đá khai thác giữa lòng Paris. Sau này, người ta phải tiến hành những công trình chống đỡ khi phát hiện ra bên dưới gần hai chục ngàn ngôi nhà, dinh thự là những hầm đá, mà khi xây dựng không ai đào móng xây xuống vài chục mét để thăm địa tầng. “Ruột” Paris đang phải chống đỡ những công trình bên trên và dưới “ruột” Paris, du khách sẽ cũng bắt gặp những công trình chống đỡ tài tình của người xưa có từ hàng trăm năm trước khi khai thác các hầm đá và tầng chứa nước. Tuy nhiên những vụ sập hầm nho nhỏ vẫn xảy ra nhưng người dân sống bên trên vẫn an nhiên tự tại.

Lòng đất Paris bị chia nhiều tầng để phục vụ cho hạ tầng thành phố. từ 0 đến 10 mét là các hầm rượu, bãi đậu xe, hệ thống cống, điện, nước, gas, điện thoại và xe điện Metro; từ 10 đến 20 mét là nơi hoạt động của hệ thống xe điện RER; xuống sâu 30 mét lại là một hệ thống tàu điện tốc độ cao Eole. Ba hệ thống tàu điện chạy song hành mới có thể giải quyết nạn kẹt xe ở Paris và kết nối với các tuyến đường đi các tỉnh trong nước. Sâu hơn nữa là hầm mộ.

duoi thanh pho paris1

Một trong những khu mộ cải táng dưới lòng Paris – Nguồn: Undergroud Tour

Nhưng công trình ngoạn mục dưới tầng ngầm Paris lại là nước. Người Paris xưa dùng nước sông Seine và nước ngầm dưới mặt đất 500 mét cho nước sạch. Thế nhưng nguồn nước sông Seine từ những năm cách mạng đã bắt đầu ô nhiễm, dân Paris phải sử dụng nguồn nước sông ngòi cách Paris 100 km. Lượng nước này cung cấp sinh hoạt cho 60% dân số Paris, và đây cũng chính là nguồn nước được Bá tước Haussmann và kỹ sư Belgard khai thác dẫn nước từ các sông ngòi ngoại vi Paris, được trữ trong các bể chứa nước lớn dưới lòng đất. Bể nước Montsouris là bể chứa nước lớn nhất thế giới, với 200,000 mét khối nước được chứa trong hai tầng hầm. Điều ngạc nhiên là bể chứa nước này được xây dựng bằng những hầm đá, mỗi tầng có 1,800 cột chống cao 6 mét. Điều đặc biệt của hệ thống dẫn nước sạch đến các tầng chứa nằm sát bên hệ thống cống xả nước dơ mà không bao giờ xảy ra hiện tượng thẩm thấu lẫn nhau. Hệ thống cống xả nước dài đến 2,100 km được kiểm tra thường xuyên thông qua 26,000 nắp cống và công nhân dùng một loại tàu nhỏ di động đi thu nhặt rác rến để không bị ứ nghẽn, thoát nước dễ dàng.

duoi thanh pho paris

Tầng chứa nước với những cột đá chống đỡ – Nguồn: Undergroud Tour

Dân Paris nói rằng cuộc sống hằng ngày của thành phố này diễn ra cả phần nổi và phần chìm. Dưới lòng Paris là công việc của công nhân, kỹ sư phụ trách hệ thống xử lý nước sạch cung cấp sinh hoạt và nước dơ, hàng trăm ngàn hành khách di chuyển các loại tàu điện ngầm lên xuống theo tầng độ sâu. Du khách, học sinh từng đoàn xuống những tầng sâu hơn thăm thú hầm mộ, lại có những người thích gặp gỡ, tổ chức lễ lạt dưới lòng đất gọi là cataphile. Mặc dù ngày nay không còn “Những người khốn khổ” sống dưới cống ngầm Paris như trong tiểu thuyết của Victor Hugo nữa, nhưng mỗi năm có đến hơn chục ngàn người cataphile thích sống một hai ngày dưới lòng thành phố. Họ tụ tập ăn uống, rượu chè, ca hát để tìm cảm giác của người Paris ngàn năm trước. Tất nhiên, sinh hoạt kiểu cataphile là không hợp pháp vì công trình ngầm Paris được xếp vào danh sách Di sản Văn hóa quốc gia cần được bảo quản.

Những năm gần đây, người Paris đang khai thác cuộc sống dưới lòng thành phố. Ở Quận 16 có cả một nhà hàng và viện bảo tàng rượu nằm sâu dưới đất. Người ta muốn thu hút thêm du khách, và học sinh tìm hiểu nguồn gốc lịch sử hình thành Paris – một trong những thủ đô đẹp nhất thế giới.

duoi thanh pho paris6

Những người Cataphile thích gặp gỡ nhau dưới lòng đất một hai ngày để ăn uống vui chơi – Nguồn: CataphileParis

NL – Theo Underground Paris Tour