Menu Close

Làng tre Houston

Không biết trên nước Mỹ còn có ngôi làng Việt nào nữa. Tôi đã từng đến Làng Versailles phía Đông New Orleans, đi lòng vòng trên những con đường, ngắm nhìn từng bụi chuối xanh um, luống rau quen thuộc bên hè, chỉ để cảm nhận một thoáng hương vị của làng quê Việt. Làng Thái Xuân ở Houston cũng vậy, một ngôi làng be bé giữa thành phố sầm uất như Houston với vài ba cây bưởi trĩu quả mùa hè hiện ra nổi bật giữa những giàn mồng tơi xanh lá. Và rồi khi tôi bất ngờ đi lạc trên đường Mills, vùng đất phía Tây Bắc Houston mới phát triển hơn chục năm nay, lại gặp thêm Làng Tre II ở đầu ngõ có chiếc cầu xinh xắn.

lang tre4

Chiếc cầu đầu ngõ dẫn vào Làng Tre II

Cùng đi lạc đến Làng Tre với tôi có phóng viên Hoàng Nam Sơn phụ trách mảng tin tức của tuần báo Trẻ Houston. Anh là thổ địa khu trung tâm cộng đồng người Việt sống quanh đường Bellaire. Houston rộng lớn, người Việt sống rải rác khắp nơi, thống kê dân số cho biết có khoảng hơn 130,000 người. Nhiều khu vực mới mở mấy năm nay, cái GPS chưa cập nhật, chuyện điểm đến là đại lý bảo hiểm mà lại dẫn vào Làng Tre là chuyện bình thường. Anh bảo, ở khu vực Bellaire có hai Làng Tre, một trên đường Synott, và cái khác trên đường Dashwood. Nghe vậy mới biết đã mấy năm, tôi chạy qua chạy lại khu vực lòng vòng Bellaire đến mòn bánh xe nhưng chưa bao giờ ghé qua. Xem ra chuyện đi lạc đến Làng Tre II cũng là có cơ duyên.

lang tre3

Tần ngần bên bụi tre nhớ về làng quê ngày trước

Chúng tôi chạy xe qua cầu, con đường bê tông cong cong dẫn đến Làng Tre II. Ngôi làng còn mới, nghe đâu xây xong cách nay mấy năm. Làng Tre không có những lũy tre xanh bao bọc, duy chỉ có một bụi tre đang lớn đứng bên hè đất ước lệ cho cái tên mà chủ nhân đặt ra để ghi nhớ ký ức một thời rời xa quê nhà. Bà con người Việt tụm lại cùng nhau sinh sống trong một ngôi làng dù đó là những dãy chung cư ba tầng có hàng rào sắt an ninh bảo vệ. Sống trong một “ngôi làng” đô thị như thế có khác nào những khu chung cư khắp nơi trong thành phố Houston. Có phải chăng người ta muốn sống trong cái phong vị thôn làng để hình ảnh làng không thể phôi phai trong ký ức, dù chỉ là làng mang cái tên thuần Việt giữa khu thị tứ.

Hai chữ “Làng Tre” làm tôi xao xuyến. Ký ức làng trỗi dậy hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, bờ tre, ruộng lúa và cả cô thôn nữ thấp thoáng trong mảnh vườn cây trái luôn làm tôi nhớ mãi. Nhiều năm trước đây ở quê nhà, do công việc, tôi được may mắn đi qua nhiều ngôi làng ở khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam, dù nơi tôi đến vỏn vẹn một hai đêm. Bấy nhiêu cũng đủ cho tôi nhiều cảm nhận về làng. Làng quê mỗi vùng mỗi khác, nhưng vẫn có điểm chung. Đó là sự giản dị của cuộc sống. Nó có sức hấp dẫn kỳ lạ khiến tâm trí tôi lúc nào cũng cảm thấy bình yên mỗi khi xa rời cuộc sống bộn bề thành phố. Những lúc mệt mỏi nợ áo cơm, tôi lại dong xe trở về căn nhà nhỏ bên sông của bà chị trong một ngôi làng ở ngoại vi thành phố Mỹ Tho. Đơn giản thôi, đi tìm giấc ngủ đong đưa trên chiếc võng miên man cạnh “bóng tre ru bên mấy hàng cau”, một bữa cơm rau đúng nghĩa, và mùi của hoa ngọc lan tự tay tôi trồng giờ đã là thiếu nữ. Ký ức làng đối với tôi luôn là hình bóng đẹp cho dù ngày nay “Ngôi trường tuổi thơ không còn/ Ụ rơm ruộng vườn không còn/ Chỉ còn tháng ngày mưa, nắng/ Trong không gian hẹp chung cư” (Ký ức làng – thơ Nguyễn Nguy Anh).

lang tre2

Con đường bê tông vào làng không có bóng tre ru bên mấy hàng cau

Cuộc sống dần thay đổi, tốc độ đô thị hóa không chỉ có ở quê nhà, những ngôi nhà vùng nông thôn cận thị tứ cứ thay đổi hằng năm. Chung cư hoặc những nơi tái định cư đã làm thay đổi bộ mặt làng không còn như ngày xưa nữa. Ở nơi này cũng vậy, quy luật chung trong việc phát triển đô thị khi con người “nở” chớ đất không “nở”. Vùng đất Tây Bắc Houston, hơn chục năm trước còn là đồng cỏ hoặc lốm đốm vài cánh rừng thưa, giờ trở thành thị tứ với nhiều công trình nhà ở, thương mại mọc lên khiến những chủ đất nhờ thế phất lên thành đại gia mấy chốc.

Nói là “mấy chốc” nhưng tôi nghĩ “hên xui” thôi. Tôi biết vài câu chuyện từ những người bạn có cái thú tậu đất hơn mua nhà đầu tư địa ốc với quan niệm của ông bà xưa theo kiểu nông dân “muốn giàu mua đất, muốn khá tậu trâu”. Có người dành dụm tiền đi mua vài ba mẫu đất ở những trang trại quanh thành phố hay có người mua hàng chục mẫu đất tận vùng Colorado núi non hoang vắng. Mấy người bạn cứ phán là “ngu hết chỗ”, anh ta cứ ừ hử, “ít tiền thì mua đất quê, đất rừng, đất núi, đời mình không khá thì để cho đời con cháu”. Lo xa chi cho mệt, con cháu có học hành có việc làm, tương lai còn ngon hơn đời cha mấy kiếp. Vậy mà chỉ hơn chục năm, anh ta thành đại  gia. Cả một khu thành phố mở rộng sát ngay mảnh đất cây rừng của anh, dân môi giới đất đai cứ gởi thư kêu bán khiến anh phát sốt.

lang tre1

Bản đồ khu đất với các dãy chung cư của Làng Tre II

Ở khu vực quanh đường Bellaire cũng vậy, dân cố cựu ba bốn chục năm trước định cư ở đây kể hồi đó con đường khu thương mại phần nhiều là người Hoa từ Beltway 8 trở ngược ra xa lộ 59, từ Beltway 8 đến Highway 6 nhiều nơi còn thưa vắng, lổm chổm vài ba khu thương mại người Việt như tấm da beo, mãi đến những năm đầu thập niên 90 mới dần phát triển. Một số người Việt có đầu óc kinh doanh địa ốc, đất đai nhảy ra tìm mua cho bằng được những mảnh đất cỏ dại mọc um tùm để chuẩn bị cho sự phát triển khu tập trung người Việt kéo đến sinh sống quanh vùng. Người nghèo không có khả năng tài chánh thì đi làm kiếm tiền, còn tư duy của người giàu lại bắt tiền đẻ ra tiền, luôn suy nghĩ tìm cách nào mình mua được mảnh đất đó chứ không phải theo cách nghĩ tôi không có khả năng để mua nó.

Ông Nguyễn Cao Mỹ, cựu Chủ tịch Cộng đồng người Việt Houston thời cuối thập niên chín mươi là người có suy nghĩ như thế. Những cuộc vận động chính quyền thành phố cho phép xây dựng khu chung cư Làng Tre đầu tiên dành cho người có thu nhập thấp ra đời là chặng thời gian không hề dễ dàng cho mảnh đất ông đã mua chuẩn bị trước đó nhiều năm. Mọi chuyện rồi cũng xong và đã không ít xảy ra những vụ kiện tụng. Tiếp đến, Làng Tre III ra đời song song với Làng Tre II cùng với những người hợp tác. Làng Tre II quy mô hơn trên mảnh đất sáu mẫu tây với 8 dãy chung cư gồm 116 unit phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người Việt ngày càng tìm đến nơi đất lành chim đậu. Tiếc thay, chủ nhân công trình không kịp thấy ngôi làng của mình dựng xong thì đã từ trần vì bất ngờ bị đột quỵ tim vào cuối tháng 10 năm 2011.

lang tre

Một người khách tiếc hùi hụi vì “Làng Tre” đã kín chỗ, chụp một tấm hình lưu niệm cho đỡ buồn

Tôi và phóng viên Hoàng Nam Sơn thả bộ lang thang trên con đường bê tông mà cứ tưởng mình đang đi trên con đường đất dẫn vào làng. Không gian im ắng, quá đỗi bình yên. Nhưng khi đến gần khu chung cư thấy hàng rào sắt an ninh đen ngòm khóa chặt thì cảm giác làng tự nhiên biến mất. Tôi chợt gặp anh chàng thanh niên tên Jackson bước ra từ văn phòng thuê mướn nằm ở khu vực bên ngoài rào. Anh tiếc hùi hụi vì không thực hiện được hợp đồng thuê vì đã kín chỗ. Anh tâm sự rằng rất thích chung cư Bamboo Village này, gần nơi anh ta làm việc, không gian thoáng đãng và sạch sẽ hơn nhiều khu chung cư khác.

Riêng tôi không thích ở chung cư, cũng như không thích ở những khu nhà có cổng sắt an ninh và camera quan sát. Với nhiều người đó là cách bảo vệ an toàn cho mình, nhưng với tôi đó là sự gò bó. Tất nhiên, tôi không khoái những gì có ở Làng Tre, những dãy nhà đóng cửa im lìm, hồ bơi thu hút trẻ em và người lớn, phòng tập thể dục, phòng vi tính, khu vườn vui chơi… những công trình hạ tầng phục vụ cho khu nhà ở. Tôi chỉ thích cái tên “Làng Tre”. Có lẽ tôi hơi thiên vị bởi tôi yêu mến cây tre, một loài cây trông giản đơn nhưng dẻo dai, chịu đựng, kiên trì trước bão tố. Tre lại dễ trồng, thích nghi với mọi loại đất thậm chí nơi đó là đất phèn khô hạn, tre vẫn hiên ngang vươn mình đứng thẳng. Và tre là hình ảnh thân thương của những ngôi làng Việt khắp nơi qua bao thế hệ khiến ta chẳng thể nào quên.

“Tre xanh / Xanh tự bao giờ? / Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”. (Nguyễn Duy).

lang tre5

Làng không có lũy tre che chở mà là hàng rào sắt an ninh

TN