Thế gian đang huyên náo vì chuyện đạo thơ. Hai bài thơ của hai nữ sĩ có nhiều câu giống nhau. Thế nên, tôi cũng tò mò xem thử cái chuyện ấy nó là như thế nào. Như thế nào thì ai cũng thấy cả rồi. Còn tôi, tôi thấy nó như thế này: Ðấy là hai bài thơ dở. Nhưng, khi nhìn kỹ hai bức chân dung tuyệt mỹ của hai nữ sĩ đang hục hặc kiện cáo nhau dưới đây, tôi lại thấy hai bài thơ ấy nó… hay. Tài hoa, văn chương chữ nghĩa đầy mình, nhan sắc lại đang thời kỳ nở rộ, có mù mới không thấy nó hay! Nữ sĩ đã đẹp thì thơ của nữ sĩ đương nhiên là phải hay! Chứ còn gì nữa?
Mà không hiểu vì sao dạo này ở đâu ra mà lắm nhà thơ nữ thế! Chưa bao giờ lắm như bây giờ! Quả là đúng như lời ông Võ Phiến nói khi còn sinh thời: “Văn chương VN đang chuyển từ giọng ồm ồm sang giọng eo éo”
Nhiều người vẫn nghĩ rằng nhà thơ, còn gọi là thi nhân, thi sĩ là những gã đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch, dáng dấp phong trần thiểu não, cô đơn lẻ bóng đi về trên căn gác trọ với ngọn đèn tương tư hiu hắt… Ðiều này chỉ đúng vào thời của các ông Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… Còn bây giờ nhà thơ có thể là một ông quan to, xe hơi, biệt thự, ra đường có xe hộ tống hụ còi.
Hơn mười lăm năm trước, tôi sống ở một vùng quê không ra quê, tỉnh không ra tỉnh. Tuy nhiên, như một nhà thơ lớn mới đây tuyên bố (tôi không nhớ rõ nguyên văn), đại loại là: “Nước ta là một cường quốc thơ”, cho nên ở đây cũng như mọi nơi khác trong cả nước, bước ra đường nếu không cẩn trọng và tinh mắt là vấp phải nhà thơ té sặc máu ngay. Một trong những nhà thơ ở đây này là ông bí thư kiêm chủ tịch câu lạc bộ thi ca của thị xã. Ông vừa in xong tập thơ thứ 6.
Ngày ra mắt tập thơ là một ngày trọng đại. Thiệp mời được gởi đi trước. Tôi tuy là nhà thơ hạng ruồi, chiếu dưới, nhưng cũng được mời. Tiệc rất “hoành tráng”, được tổ chức tại nhà hàng Làng Nướng. Thi sĩ chủ nhân lịch sự ra đón, chào hỏi, bắt tay từng vị khách. Nhà thơ phô diễn không những tài năng về thi phú mà còn về kinh tế hùng mạnh và phong cách lịch lãm.
Thì cũng như những buổi ra mắt tác phẩm văn nghệ khác. Trước hết là chủ nhân chào mừng quan khách, tuyên bố lý do, kính thưa… kính thưa… cám ơn… cám ơn… rồi vỗ tay, rồi tiệc bắt đầu… rồi rượu bia chảy như suối. Huyên náo, rất huyên náo. Người ta thao thao trình bày, tranh luận, định nghĩa thơ. Thơ là tiếng kèn xung trận, là lời tình tự dân tộc, là sức mạnh của ngôn ngữ, là tình yêu diệu kỳ, là hồn thiêng sông núi… Tôi biết phận mình nên lặng lẽ ngồi im. Cả tháng nay quanh đi quẩn lại bữa nào cũng cá nục kho mặn, hôm nay dzô mánh, nên thơ là gì mặc kệ, cứ tỉnh táo quan sát, thấy miếng nào ngon là gắp bỏ mồm.
Giữa bữa tiệc, sau khi cẩn thận ký tên vào trang bìa, ông bí thư đi với tay thư ký ôm một chồng tác phẩm mới in đến từng bàn, tặng cho mọi người, chụp hình và cụng ly, như chú rễ cô dâu chào bàn trong đám cưới.
Tập thơ khá đẹp, bìa trước là bức họa một cây cầu tre bắc qua con sông nhỏ, có con đò và vài túp lều tranh sau lũy tre làng. Rất thơ! Bìa sau có hình tác giả mặc áo vét, thắt cà vạt cùng vợ con đứng bên cạnh chiếc xế hộp mới cáu cạnh. Rất bảnh! Phụ bản bên trong là hình tác giả ngồi nghiêm trang trước bàn làm việc, trên bàn có điện thoại, bình hoa, phía sau là cờ tổ quốc và tượng Hồ chủ tịch mạ vàng. Rất uy nghi!
Tôi đọc thoáng vài trang, thấy rải rác mấy câu: tương lai sáng ngời, sao vàng phấp phới, hy vọng tràn đầy… Toàn là lục bát đúng niêm luật, chỉn chu! Nhưng lạ, lẫn trong những bài thơ loại này thì không dưng lọt vào một bài thơ tình, nó như điểm nhấn của cả tập. Bài thơ được mở đầu bằng câu: “Anh đà thức suốt canh ba / Tim còn hứng giọt mưa sa ngoài trời / Nhớ em nhớ lắm em ơi…” Quá xá mùi mẫn! Mọi người trầm trồ cho rằng tuyệt bút!
Tôi hỏi một ông ngồi cạnh: “Anh ‘đà’ là sao hả anh? Phải nói là anh ‘đã’ chứ! Anh đã thức suốt canh ba thì mới có nghĩa chứ? Sao lại anh ‘đà’?”
Ông này quẹt bọt bia trên mép, lườm tôi khinh miệt: “Cái anh này! Trong thơ lục bát, từ thứ hai của câu lục phải là vần bằng, nên ‘đã’ phải đọc thành ‘đà’. Anh chẳng biết tí gì về âm luật, thi pháp cả, thế mà cũng đèo bòng làm thơ. Về học lại đi!” Tôi xấu hổ quá, tự hứa với mình rằng mai đây sẽ về đi cày, thôi đừng bén mảng gì đến chốn văn chương thơ phú của tỉnh nhà nữa mà mang nhục!
Vài tháng sau, lại một tập thơ mới nữa ra đời. Tác giả là một nữ sĩ. Nữ sĩ vẫn còn mướt lắm, tôi đã bao đêm mơ thấy nàng. Lại cũng một buổi ra mắt tại chốn cũ, nhà hàng Làng Nướng, và thi sĩ thằng tôi cũng được mời. Tất nhiên tôi không thể không dự. Lại cũng phát biểu, vỗ tay, cám ơn, cũng bắt tay cụng ly, và cũng thơ lục bát, cũng đất nước ta giàu đẹp, nhân dân ta anh hùng, quê hương ta đổi mới. Nhưng có điều không mấy ai lưu ý, ngoài tôi, là trong tập thơ của nữ sĩ này có một bài thơ tình hao hao giống bài thơ của ông Thi Sĩ Bí Thư (không hiểu vì sao lại không có mặt), cũng bắt đầu với câu: “Em đà thức suốt canh ba / Tim còn hứng giọt mưa sa ngoài trời / Nhớ anh nhớ lắm anh ơi…” Chỉ khác chút xíu là nhân vật “anh” trở thành “em”.
Ðúng ba ngày sau buổi ra mắt tác phẩm của nữ sĩ, một bữa tiệc khác được tổ chức, cũng ở nhà hàng Làng Nướng, do ông Thi Sĩ Bí Thư khoản đãi, với mục đích là tố cáo trước mọi người kẻ đã đạo gần như nguyên văn những câu thơ của ông. Lần này ông Thi Sĩ Bí Thư không lịch sự nhã nhặn như lần trước. Ông cầm hai tập thơ, chìa hai bài có những câu giống nhau ra trước mặt mọi người, nghiêm giọng: “Hành vi trâng tráo đáng xấu hổ này không những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến nền văn học tỉnh nhà, mà còn đến cả nền văn học quốc gia nữa. Chúng ta phải thẳng tay lên án và trừng trị bọn đạo thơ, đạo văn! Chúng ta không thể khoan nhượng! Ngày xưa bọn tư bản bóc lột sức lao động nhân dân, bây giờ bọn đạo thơ, đạo văn bóc lột chất xám, tình cảm, trí tuệ chúng ta.” Bản cáo trạng rất hùng hồn như trong cuộc cải cách ruộng đất ngày trước. Các thực khách thấp thỏm nhìn nhau, rồi đồng loạt vỗ tay, rồi như “đốn ngộ”, ngay lập tức hòa giọng, lần lượt cao giọng đấu tố kẻ đạo thơ.
Dĩ nhiên là nữ sĩ lại phải tổ chức một bữa tiệc để cứu vãn danh dự, để thanh minh trước văn thi hữu tỉnh nhà rằng sự giống nhau giữa hai câu thơ chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên, là hai tư tưởng lớn gặp nhau, là… v.v…
Nói cho cùng, tôi nghĩ đến cái tình huống, cái cảnh tượng mà những câu thơ đã tả. Không, tôi không nghĩ, mà tôi tưởng tượng. Tôi tưởng tượng ra cảnh nàng nữ sĩ mướt rượt trong chiếc áo ngủ sang trọng, và mỏng, rất mỏng. Nàng đang trằn trọc. Nàng đang thao thức. Nàng đang quằn quại trên chiếc giường thơm tho, trong một khuya cô quạnh. Vì nhớ tôi. Chỉ nghĩ thế thôi thì thơ thật của nàng hay thơ đạo của ai cũng mặc. Dù nàng có đạo của thằng thi sĩ cha căng chú kiết nào hay không cũng mặc. Quan trọng là cái tâm tình nàng gởi tới tôi nó đã được nàng viết ra, thành thơ. Tôi ngất.
Lần này bữa tiệc không ở Làng Nướng mà tại tư gia. Tôi vinh dự được nữ sĩ đến chở bằng xe gắn máy về nhà nàng từ sáng sớm để chuẩn bị cho bữa tiệc buổi chiều. Nhà nữ sĩ ở ngoại ô, đường về phải đi qua một cánh đồng vắng.
Gió ban mai lồng lộng, mái tóc nữ sĩ bay bay, mùi hương ngan ngát… Tôi ngồi sau lưng nàng, đê mê, ngất ngây, tình xuân lâng lâng phơi phới, chịu hết xiết, bất giác vòng tay ôm ngang eo nữ sĩ, khẽ hôn một phát vào chiếc gáy trắng ngần. Nữ sĩ co rúm người, chiếc xe lảo đảo. Nàng dừng phắt xe, quay lại, hét: “Anh làm gì kỳ vậy? Xuống xe ngay!” Tôi ngỡ ngàng bước xuống, nàng giận dữ rồ máy phóng đi. Tôi tần ngần ngó theo bóng nàng xa dần, xa dần, rồi mất hút.
Canh ba đêm đó, văn học nước nhà lại có thêm một vụ án đạo thơ, nhưng là một vụ án đạo thơ bất thành. Tất nhiên là những câu đọc lên cũng hao hao giống các anh chị của chúng, như thế này: “Anh đà thức suốt ba canh / Hồn còn nhỏ giọt long lanh cõi ngoài / Giời ơi, ngây ngất, giời ơi…” Bất thành, vì nó chỉ được ra đời trong thầm lặng, không được in, không ra mắt, không được đọc trong những đêm giao lưu của câu lạc bộ thi ca tỉnh nhà, không ngụ lại trong trí nhớ của một ai ngoài của kẻ viết ra chúng như một nỗi niềm hổ thẹn. Và, tất nhiên cũng không có tiệc tùng khoản đãi thi văn hữu, vì lần này gã “thi đạo sĩ” thật tình “rách”, gã còn rách hơn thi sĩ Nguyễn Bính. Gã làm chó gì có xu!
Bảo Huân
NQT