Menu Close

Lãng tử âm nhạc

Vậy mà đã một phần tư thế kỷ, từ khi được công chúng bắt đầu biết đến! Người chê ông thì ít; người hâm mộ rất nhiều. Phụ nữ ái mộ còn nhiều hơn. Nói về ông, chỉ cần một từ là đủ: Yanni.

Nguyên Tâm

o YANNI facebook

Ðấy là nghệ danh của Yiannis Chryssomallis, một chàng trai xứ Hy Lạp. Tháng Mười Một năm nay, chàng trai ấy tròn 61. Gọi là “chàng” cũng chẳng quá; trông ông vẫn còn phong độ. Nhất là nhiều phụ nữ đẹp tiếp tục theo đuổi ông. Ông có tất cả mọi thứ mà bất cứ người đàn bà bình thường nào cũng ham muốn: khuôn mặt đẹp trai, dáng người cao ráo khỏe mạnh, ăn nói lưu loát, gia tài bạc triệu! Ngoài ra, ông còn một thứ mà hiếm người có: thiên tài âm nhạc.

Thiên tài ấy, dĩ nhiên sau này người ta mới biết chứ lúc ông còn nhỏ, bố mẹ ông chỉ thấy con mình đam mê âm nhạc. Mặc dù không khá giả, ông bà vẫn gắng mua một cây đàn dương cầm khi ông mới 6 tuổi. Mua đàn xong, bố ông bỏ thói quen đi uống cà phê sáng với bạn bè vì sạch tiền. Còn tiền cho con đi học nhạc cũng không luôn. Vậy là ông tự học, tự chơi, tự sáng tác không cần ai hướng dẫn. Bố mẹ ông cũng không bao giờ bắt ông tập đàn cho nhiều, để xứng với số tiền lớn đã bỏ ra mua đàn, như không ít phụ huynh khác. Họ để ông học đàn, chơi đàn tùy hứng. Mà lúc ấy ông chỉ bộc lộ sở thích âm nhạc chung chung, chứ không phải chỉ đam mê chơi đàn dương cầm. Có lẽ đấy là phương pháp sư phạm cơ bản về dạy nhạc. Không nên bắt ép trẻ em học nhạc. Cũng vì lối học nhạc quá tự do như thế nên mãi đến giờ này Yanni vẫn không thể đọc rành các nốt nhạc theo lối ký âm phổ thông của nhạc lý Tây phương. Ông chế ra cách ghi nhạc riêng mà chỉ mình ông dùng. Ðiều ấy hoàn toàn không gây trở ngại cho sự nghiệp âm nhạc của ông. Ông chuyên về sáng tác và biểu diễn những bản nhạc của chính mình. Ông sáng tác trên các nhạc cụ điện tử rồi dùng máy điện toán thu lại hoặc ký âm theo lối phổ thông. Sau đó nhờ người giỏi nhạc lý chỉnh lại cho hoàn hảo để người khác có thể đọc và chơi theo.

Cũng vào Tháng Mười Một năm 1972, Yanni đến Mỹ học ngành Tâm lý học ở trường University of Minnesota. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, ông tham gia một ban nhạc rock ở thành phố Minneapolis. Bắt đầu năm 1980, Yanni dọn hẳn về Los Angeles để đầu tư cho sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Cũng mãi đến Tháng Mười Một năm 1990, tên tuổi của ông mới thật sự đến với công chúng khi ông được xuất hiện trên tạp chí People và chương trình ti-vi của Oprah Winfrey. Tuy nhiên, lúc ấy ông chưa phải là nhạc sĩ mà ai mê nhạc cũng biết tiếng. Có lẽ băn khoăn vì điều đó nên đến năm 1993 ông đã gom hết gia sản làm thế chấp để vay 2 triệu Mỹ kim làm một chương trình video. Yanni thuê dàn nhạc Royal Philharmonic Orchestra nổi tiếng của Anh và một số nghệ sĩ chơi đàn đẳng cấp quốc tế theo ông về Hy Lạp để biểu diễn tại hý trường Herodes Atticus, được xây cách đây hơn 2000 năm. Cuốn video mang tên Yanni Live at the Acropolis được phát hành năm 1994 trên toàn thế giới với số bán hơn 7 triệu bản. Chương trình này còn được chiếu trên ti-vi ở 65 nước với hơn nửa tỉ người xem. Kể từ đó, nói đến tên Yanni, ai cũng biết!

Nhạc của ông vừa hay vừa lạ, cộng thêm lối hòa âm phối khí hiện đại, và nhất là được kết hợp với kỹ thuật ánh sáng sân khấu khiến các buổi hòa nhạc của ông mang những nét rất độc đáo. Những nét ấy, người khác có thể bắt chước, ngoại trừ giai điệu trong âm nhạc của ông. Giai điệu ấy đi vào lòng người. Không cần phải giỏi về nhạc lý hoặc kiến thức cao mới có thể thưởng thức được. Có những bản nhạc chỉ cần độc tấu trên dương cầm thôi, không cần có dàn nhạc đệm, nghe vẫn tuyệt vời. Tiêu biểu là bản Felitza được ông viết cho mẹ của ông. Nó toát lên vẻ dịu dàng, sự trìu mến pha chút nựng nịu của người mẹ đối với con. Hoặc trong bản One Man’s Dream, người nghe dễ dàng cảm nhận được nỗi bồi hồi, ngậm ngùi như đang luyến tiếc về một giấc mơ dang dở.

Tuy không ai bắt chước được Yanni nhưng chính ông lại bắt chước mình! Trong nghệ thuật, tệ nhất là bắt chước người khác; tệ nhì là bắt chước chính mình. Kể từ cuối thập niên 1990, trong các chương trình biểu diễn, Yanni bắt đầu xào lại những giai điệu cũ với lối hòa âm phối khí mới. Sau này, ông còn độn thêm lời vào các bản nhạc cũ để biểu diễn cho lạ. Dĩ nhiên, những khán giả mới đến với ông ở giai đoạn này không nhận thấy điều đó. Những ai từng nghe nhạc của ông từ những năm 80, hoặc đầu thập niên 90 chắc không nhiều thì ít có cảm giác nhàm chán.

Trong sáng tác âm nhạc, giai điệu là cái hồn, cũng là phần khó nhất. Nó thuộc về thiên phú. Nhiều người giỏi nhạc lý nhưng không viết được bài nhạc nào ra hồn là vì thế. Giỏi lắm là viết hòa âm. Ngược lại, rất nhiều người không giỏi nhạc lý hoặc thậm chí không biết gì về nhạc lý vẫn có thể sáng tạo được những giai điệu rất hay. Chẳng hạn một nhạc sĩ nổi tiếng người Pháp, Paul de Senneville, hoàn toàn không biết đọc nhạc và chơi một nhạc cụ nào. Ông sáng tác bằng mồm, cứ “là lá la” vào máy thu âm rồi nhờ người khác ghi lại lên giấy. Những bản nhạc của ông được nghệ sĩ dương cầm Richard Clayderman chơi rất hay đến nỗi nhiều người, nhất là ở Việt Nam, cứ ngỡ chính ông Clayderman là tác giả.

Yanni vẫn tiếp tục sáng tác những giai điệu mới khi tuổi đã ngoài 50. Tuy nhiên, những giai điệu ấy không còn hay và lạ nữa. Có lẽ chính vì vậy mà ông hay độn thêm nhiều sáng tác cũ từ mấy chục năm trước trong các chương trình biểu diễn để thu hút khán giả mới. Dù sao chăng nữa, dẫu có chán Yanni hiện giờ, người ta vẫn thích nghe đi nghe lại những bản nhạc thời trẻ của ông như In The Mirror, Reflections Of Passion, Nostalgia, The End Of August… Một người tự học nhạc mà trở thành nhạc sĩ nổi tiếng thế giới như Yanni thì phải thiên tài mới làm được. Tuy nhiên, có lẽ một phần cũng nhờ tình thương, lòng hy sinh, và lối giáo dục của bố mẹ dành cho ông.

HNH