1.
“Ðại ca ơi nghe điện thoại. Có điện thoại nè đại ca ơi. Im lặng cho đại ca nghe điện thoại…”
Cái điện thoại của Bách vừa rung lật bật trên bàn, vừa nheo nhéo réo gọi. Cô bạn cùng phòng liếc nhìn Bách, cười khì: “Ðồ quỷ. Tướng tá có một xách mà đòi làm đại ca!”. Bách cũng cười. Không biết đứa nào đã nghịch ngợm cài cái thứ nhạc chuông không giống ai này cho cô, nhưng phải công nhận trong từng thời điểm, như lúc này, nó cũng góp phần… giảm stress!
Số điện thoại lạ hoắc. Bách vừa cầm lên đã tắt vì điện thoại đổ chuông hơi lâu. Có lẽ, người gọi nhầm số.
Cái điện thoại lại rung lật bật… Giọng một người phụ nữ nghe không quen, khẩn thiết muốn gặp Bách. “Chị là Cẩm Lệ, ở huyện T. nè… Chị đã có lần gặp em qua điện thoại đó, nhớ không? “. Bách dạ dạ. Sau một cái hẹn, tắt máy rồi mà Bách vẫn chưa định hình được người mình sẽ gặp. “Uhm… tui mà biết chị là ai chết liền!” – Bách lầm bầm. Ði nhiều quá, gặp nhiều người quá, nhưng cái chính là phải viết theo yêu cầu… nhiều quá, nên có những người Bách gặp một lần nhớ tới già, có những người gặp hoài mà vẫn… quên! Ðôi lúc, Bách hơi sợ hãi khi chợt thấy mình có lúc viết theo quán tính, theo thói quen chứ còn cảm xúc đã phai bớt đi rồi, nếu không nói đôi lúc không còn cảm xúc trong từng câu chữ! Ðây chắc hẳn là một nhân vật của mình, mới biết mình, mới gọi mình… thế là mình lại quên!
Cứ để cái tâm trạng này chế ngự mãi thì không biết sẽ ra sao đây… Thế mà, hồi đó khi nộp đơn học chuyên ngành báo chí, Bách đã hăm hở biết bao nhiêu. Cha khuyên: “Con gái kiếm ngành nghề nào đó nhẹ nhàng hơn đi con! Làm báo đồng nghĩa với làm chính trị, mà con thì sống có vẻ … văn nghệ quá!” Bách chỉ cười hi hi, biết cha nói vậy thôi chứ quyền quyết định là ở cô. Ai biểu, cha đặt tên con là Bách làm chi. Cái tên con gái mà giống tên một loài cây rừng, cứng cỏi và khắc khổ, bởi vậy mới ăn cơm nhà vác ngà voi, toàn làm chuyện bao đồng! Cũng tưởng là sẽ “bao đồng” được hết kiếp này, ai dè mới có mười mấy năm theo nghiệp báo mà Bách đã thấy mình sắp hết lửa rồi.
Bách xuống quán Xưa, theo cái hẹn với Cẩm Lệ. Quán cà phê “nhà” theo cách gọi của giới báo chí, văn nghệ sĩ trong cái tỉnh lẻ vốn không bao nhiêu đỗi đường. Buổi chiều âm u. Quán vắng. Anh chàng phục vụ thấy Bách, mừng như bắt được của. Không phải mừng vì anh ta sẽ kiếm được chút tiền còm nào đó hay là được “mở hàng chiều”, mà đơn giản, chỉ vì anh chàng đang… sợ ma! Ðiệu bộ lăng xăng của anh chàng làm Bách bật cười. Tay chủ quán thiệt khéo kiếm nhân viên.
Tay chủ quán này cũng thật… đại lãn. Tự nhiên bỏ hết công việc nhà cửa vợ con chỉ để làm “cái mà mình thích” – là đầu tư cho cái quán văn-nghệ này đây. Ðủ thứ món «hằm bà lằng» được cha bày tuốt luốt ra ngoài: thư pháp, tranh, đờn cò treo tường. Một chiếc xe đạp thời thế kỷ thứ 19 gác lẫn với mấy cái hũ sành thố đất ngửa nghiêng trong góc tường loang lổ, sát bụi tầm vông ngay cổng quán để cho muỗi làm tổ. Một góc quán chất hững hờ vài cái thúng, mủng trong đó có mấy túm cỏ lau bứng về từ ngoài sông. Mớ lá trúc chểnh mảng nằm lềnh trên sân, thi thoảng mới được quét đi một tí, chỉ khi nào khách thấy phiền và góp ý. Chủ quán, dù kêu nhân viên quét dọn cho vừa lòng khách nhưng lại thanh minh với khách «để lá rụng vậy cho… lãng mạn!» Thế mà ngày nào cũng có khách mới lạ! Hiềm nỗi, quán chỉ đông vào dịp cuối tuần!
Kêu một tách cà phê nóng, Bách lim dim mắt nhìn ra sân, hình dung cái bà cô Cẩm Lệ nào đó, không biết già trẻ lớn bé ra sao mà tự tin xưng chị với mình dữ vậy ta? Thốt nhiên, Bách thấy… lạnh xương sống, giống như mình đang ngồi chờ đợi một điềm chẳng lành. Cô run run móc điện thoại, gọi cho Di: «Ê, xuống quán Xưa nhé…». Cũng may, Di ok.
“Ðại ca ơi nghe điện thoại…”. Bách mở máy. Là Cẩm Lệ. Nhưng sao lại tắt rồi? Cô nhìn ra ngoài. Sát bờ rào thấp, hình như có một người phụ nữ đổ gục trên chiếc xe đạp điện…
2.
Buổi chiều cách đây mười lăm năm, cũng vào giờ này, khi đang ngồi cho con bú thì người ta cho tôi hay chồng tôi đã chết. Ảnh chết thê thảm trên đường vì tai nạn giao thông. Tay chân tôi thốt nhiên lạnh ngắt, đầu óc đông cứng. Tôi tưởng mình cũng chết theo anh. Ðứa nhỏ đang bú khóc thét lên vì bỗng dưng hết sữa. Cây cột cái của tôi, nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất tưởng bất khả xâm phạm của tôi không còn nữa. Tôi biết làm sao đây? Khi mọi người mang chồng tôi về, làm đám tang, tôi đã trở thành một con rối, ai biểu gì làm nấy…
Sau đám tang ảnh ba tháng, tôi bắt đầu bán dần những thứ có giá trị trong nhà để duy trì cuộc sống cho ba mẹ con bởi những đồng tiền cuối cùng cũng đã hết. Hai đứa con gái tôi còn quá nhỏ, tôi lại yếu đau luôn. Tôi cũng chưa biết làm chuyện gì để sống. Từ nhỏ tới lớn tôi chỉ biết đi học, chưa học xong Tú tài, tôi lấy chồng và được ảnh bảo bọc đúng nghĩa, tới giờ đó. Nhưng số tài sản dù lớn trong nhà rồi cũng bán hết, và cũng không giúp ích gì cho tôi. Bởi “miệng ăn núi lở”, sau một thời gian ngắn ngủi, khoản tiền bán của đó cũng bay đi sạch sẽ. Một người quen đề nghị tôi đi phụ bán quán cà phê, kiếm tiền nuôi con. Không suy nghĩ, tôi đồng ý.
Gởi mấy đứa con cho mẹ già, tôi đi phụ bán cà phê.
Còn trẻ, lại có chút sắc vóc nên tôi “hút khách” lắm. Ban đầu cũng ngại, sau quen dần, dù ở xóm tôi người ta kỵ cái nghề bán cà phê này như kỵ tà ma. Nhưng cuộc sống mà!
Ðồng lương chủ quán trả cho tôi vừa đủ ăn cơm ngày một bữa. Hai đứa con tôi gửi bà ngoại nheo nhóc suốt mấy tháng liền, không được ăn uống đầy đủ, đau yếu quặt quẹo. Bữa nọ, thấy tôi buồn rầu, một ông khách có vẻ quan tâm hỏi han. Tôi cứ thật thà tâm sự. Ông khách tốt bụng rút ra một món tiền, bảo đem về cho má tôi lo cho các cháu. Tôi ngỡ ngàng và e ngại. Xấp tiền khá dày, cũng cỡ 5, 10 tháng lương của tôi chứ không ít. Nhưng ông ta bảo cứ cầm, nếu ngại thì coi như ông cho mượn, khi nào trả cũng được. OK. Tôi cầm.
Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì. Sau đó, tôi khó thể từ chối được lời mời mọc rủ rê của ông ta vào “một nơi nào đó” để… tâm sự! Những khái niệm về đạo đức không còn nữa khi nghĩ đến những gương mặt lem luốc thơ ngây của các con tôi. Một liều ba bảy cũng liều. Những người đàn ông và trò mua bán thân xác được khoác với cái vỏ đạo đức vô cùng tận của họ dần dần dạy tôi những bài học tàn nhẫn và nghiệt ngã. Nhiều lần, tôi vùng vẫy ra khỏi nó. Nhưng cũng có lần tôi đã buông xuôi chỉ sau một… tô cháo lòng, bởi vì tôi cần phải sống để nuôi các con tôi!
Chuyện gì tới cũng tới. Má tôi biết chuyện. Bà khóc lóc vật vã, nói thà chết chứ không thể chấp nhận cho con mình làm chuyện ô nhục gia phong như thế. Mặc kệ bà. Tôi bỏ nhà đi. Vũng Tàu. Nha Trang. Ðà Lạt. Sài Gòn… để rồi một ngày phải chấp nhận “xếp tay” lên xe của mấy anh công an mà vào trường Phục hồi Nhân phẩm.
Người ta trả tôi về địa phương. Má tôi ném vào mặt tôi xấp tiền mà hàng tháng tôi vẫn gửi về, không thiếu một đồng. Bà nói thà chấp nhận đi ăn mày để nuôi cháu chứ không động đến “món tiền dơ bẩn” mà tôi gửi về. OK. Có tiền cũng tốt. Tôi nói với má bằng cái giọng bất cần: “Cuộc đời sòng phẳng lắm, nghiệt ngã lắm. Con chỉ bán cái mà người ta cần, chứ có ăn cắp đâu mà má chê dơ bẩn! Thôi, dù sao cũng có cái để con làm vốn!”
Tôi mở quán cà phê. Lại mua một cái máy may về để tự may đồ cho mình, cho những bà con trong xóm, quyết tâm làm lại cuộc đời. Nói nghe dễ vậy nhưng không phải là không có lúc tôi nản lòng. Tiếng đời dị nghị dù có bớt, nhưng cái nhìn xét nét khắc nghiệt của má tôi đôi lúc làm tôi đau đớn tưởng chết được. Rồi những khó khăn của cuộc sống. Rồi những cám dỗ của chốn phù hoa… tôi cũng chỉ là người đàn bà yếu đuối mà thôi. May mắn tôi còn có hai đứa con. Con tôi mỗi ngày mỗi lớn. Tôi sợ…
Người đàn ông thứ hai của tôi xuất hiện sau đó không lâu.
Anh tình cờ ghé quán uống nước và làm quen với tôi. Anh tâm sự, anh cũng mồ côi vợ, nhưng ngán cảnh mẹ ghẻ con chồng nên chẳng tính chuyện gì xa hơn. Giữa chúng tôi có nhiều điểm tương đồng qua những câu chuyện không đầu không cuối. Chính vì vậy mà anh hay lui tới.
Thấm thoát mà gần tám năm qua. Anh đã trở thành một người không thể thiếu trong cuộc đời mẹ con tôi. Ðó là một điều may mắn cho tôi, bởi vì không thể nói trước được điều gì nếu không có anh. Những cô gái giống tôi, thậm chí nhiều tuổi hơn tôi vẫn vào trường ra trại như… ăn gỏi đó thôi! Căn nhà tôi ở bây giờ, cuộc sống ổn định như bây giờ có phần lớn công sức và tình cảm của anh trong đó. Tính tới dịp đám giỗ má của anh, chúng tôi nhân thể ra mắt họ hàng, để được danh chính ngôn thuận về với nhau. Vậy mà… Cuộc đời, ai mà biết được chữ ngờ!
Cuộc sống êm ả của tôi tan nát hết rồi! Tan nát hết chỉ vì một bài báo! Người ta khen tôi có quá trình “hoàn lương” giỏi, xông xáo nhiệt tình trong những hoạt động xã hội. Người ta “không ngờ” người đàn bà một thời lừng lẫy chuyện xấu xa nay lại có cuộc sống rất êm ấm và đầy đủ vì có ý thức vươn lên để đổi đời! Người ta không biết rằng, những thông tin đó đã xé rách hết mọi bí mật đời tư của tôi. Còn một tuần nữa tới đám giỗ má ảnh rồi. Ảnh đã nói với tôi: “Anh không chịu nổi dư luận…”.
Mà thôi, cám ơn mấy cô vì đã nghe tôi. Tôi chỉ cần như vậy là đủ…
3.
“Ðại ca ơi nghe điện thoại…”
Số máy của Cẩm Lệ. Bây giờ thì Bách sợ hãi thực sự. Gần tháng nay Bách ở trong trạng thái bất an. Hình ảnh người đàn bà bé nhỏ liêu xiêu trên chiếc xe đạp điện trong buổi tối không trăng đó cứ chập chờn ám ảnh cô. Bách biết, đứa nào viết bài báo khen ngợi nhiệt tình kiểu giết người không cần súng đạn ấy chỉ là một đứa non tay nghề! Ngay cả Bách, cũng một đôi lần suýt dính vào những chuyện hớ hênh chết người như vậy, cũng may là có cha Bách kế bên “duyệt” trước!
Không biết có chuyện gì đây, lành hay dữ… Cứ lần nào đi cà phê ở quán Xưa là Bách bị ám ảnh. Riết rồi, Bách không dám xuống dù trước đây ngày nào không tới đó là khó chịu trong lòng. Bách giận mình y như chính mình đã cầm bút hô hoán lên như cái đứa tiểu tử non tay kia. Sau cái đêm trò chuyện với Bách và Di, cuộc sống của Cẩm Lệ ra sao? Liệu cái anh sắp làm chồng chính thức đó có chịu tiếp tục làm chỗ dựa cho mấy mẹ con chị ta? Nếu có thì sao và nếu không được vậy thì sao? Mà sao Bách không dám rấn thêm chút nữa để tới địa phương xem chuyện thực hư thế nào?
“A lô… chị là chị Bách, phải không? Vợ tôi…”
Không phải Cẩm Lệ. Giọng đàn ông run run. Dường như anh ta đang khóc.
Thắm Nguyễn
CG