Menu Close

Chuyện người con gái Nam Xương

Sớm mai thức dậy nghe chim hót nhớ vu vơ, một nỗi nhớ rất đời thường mà cũng rất bâng quơ. Tôi như nhìn thấy đâu đây những ảnh hình quá khứ, những bóng dáng thân quen mới ngày nào còn tươi cười diễm lệ, thoắt một cái đã ra người thiên cổ. Có kẻ xuôi tay nhắm mắt rồi thôi. Nhưng có những cái chết hóa thành bất tử, khiến lòng ta thương nhớ không nguôi. Tôi muốn đốt đỉnh trầm hương cung chiêu anh hồn “Người Con Gái Nam Xương,” để cùng với đất trời cảm thương thân phận bèo dạt hoa trôi của đời hồng nhan bạc mệnh.

Den Ba Vu

Đền Bà Vũ, nơi thờ Vũ Nương, tỉnh Hà NamNGUỒN WWW.OPUSMANG.COM

Nàng là ai hỡi Vũ Nương? Chuyện kể: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương. Người đã thùy mị, nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp.” [1] Ở cái thời chim sa cá lặn, mắt phượng mày ngài, được dùng làm mỹ từ tả giai nhân, mà Nguyễn Dữ chỉ viết “thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp,” đã vẽ lên được hình ảnh người con gái vừa có nhan sắc vừa có phẩm hạnh đoan trinh, thì bút pháp của tác giả quả thực tài tình. Khi chồng ra quan ải, nàng đã: “Gió tây nổi khôn đường hồng tiện. Xót cõi ngoài tuyến quyến mưa da. Màn mưa trướng tuyết xông pha. Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài.” [*]. Ðến đây thần bút của tác giả lại phác họa thêm khía cạnh tuyệt vời khác của Vũ Nương: Nàng là người có văn tài! Nếu không tài hoa, sao khi tiễn biệt chồng nàng lại có thể mượn lời của “Người Chinh Phụ” để diễn tả lòng riêng? Có một sự đối nghịch độc đáo ở đây. Chàng Trương tuy con nhà dòng dõi, nhưng ít học. Còn Vũ Nương nhà nghèo, nhưng lại là người nghiên bút theo học sách thánh hiền. Tuy không giới thiệu gia thế của Vũ Nương, nhưng bằng vào những lời nàng thốt ra khi nâng chén rượu tiễn chồng, tác giả mặc nhiên bảo: Vũ Nương là người có kiến thức, am hiểu văn chương. Ðưa chồng ra quan ải, nàng không mong chàng “đeo ấn hầu trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ rồi.” [1].

Từ khi chàng Trương ra đi, Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng, con thơ. Những tưởng ngày đoàn viên mẹ con, chồng vợ sẽ được sum vầy, nào ngờ “…tuổi thọ có chừng, số trời khó tránh…” [1] Mẹ già vì nhớ thương con trai đã lâm trọng bệnh, lúc trăm tuổi chỉ biết trông cậy vào nàng. Người trung hậu như thế, những tưởng “…xanh kia quyết chẳng phụ lòng…” [1] Ngờ đâu đất bằng dậy sóng. Ngày đón chồng về là ngày nàng mang tiếng bạc tình. Chỉ vì tính cả ghen, nông cạn, nghe qua những lời con trẻ “…Thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến. Mẹ Ðản đi cùng đi, mẹ Ðản ngồi cùng ngồi…,” chàng Trương đang tâm ruồng rẫy vợ. Mặc nàng khóc lóc van xin, chàng quyết tuyệt tình. Nàng vì oan ức đã phải thốt lên: “…Ân tình như lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rủ trong ao, liễu tàn trước gió. Khóc tuyết bông hoa gãy cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa…” [1]

Bằng những câu trần tình bi thiết ấy, tác giả một lần nữa tái hiện nét tài hoa cho Vũ Nương. Cả một đoạn văn biền ngẫu đầy những hình ảnh tan vỡ, chia ly, đối xứng nhịp nhàng, hệt như tiết tấu của Cung Thương, dùng để hát lên nỗi buồn hải giốc thiên nhai cho nàng. Trinh chuyên mang oan phụ chồng, Vũ Nương chỉ biết ngửa mặt lên trời than: “…Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ…” [1]

Nói rồi gieo mình xuống giòng nước, trôi xa, trôi mãi theo giòng Hoàng Giang. Éo le thay khúc đoạn trường, khi nàng tự trầm chàng Trương “…mới tỉnh ngộ ra nỗi oan của vợ…” [1] thì đã muộn. Cho đến ngày Phan Lang, người cùng quê bị chết đuối may được bà Linh Phi cứu mạng, ở chốn thủy cung trở về nhân gian. Phan Lang đem chuyện gặp Vũ Nương kể với chàng Trương, rồi trao lại hoa vàng và lời nàng nhắn gửi: “…Nếu còn nhớ chút tình xưa, nên lập đàn giải oan ở bên sông, đốt cây thần đăng chiếu xuống nước…” [1] Chàng Trương ngậm ngùi lập một chay đàn ba ngày ba đêm trên bến sông xưa, mong gặp lại vợ hiền. Quả nhiên, nàng linh hiển trở về, nhưng chỉ nói lời cảm tạ phu quân, rồi bóng hình lại chìm sâu trong sóng nước mênh mông.

Những hình ảnh diệu kỳ chốn thủy cung huyền ảo. Những ân điển đặc thù của trời đất, bàng bạc trong từng câu chữ của tác giả, khi viết về đoạn đời sau của Vũ Nương, phải chăng chỉ để chứng minh chữ “Nhân” tuyệt vời có trong cõi người ta. Vì lòng nhân hậu, Phan Lang phóng sinh con rùa mai xanh, nên sau này được đền ơn cứu tử. Vì lòng nhân nghĩa, Vũ Nương hết dạ phụng dưỡng mẹ chồng, với chồng một lòng thủy chung như nhất; nên khi bị thác oan, chư tiên đã cứu giúp để chữ Nhân được vẹn toàn. Lời văn sâu sắc. Ý văn thâm trầm. Tác giả vừa đề cao nghĩa khí của người xưa, vừa thực hiện câu văn dĩ tải đạo, để người đời nay mỗi khi đọc “Chuyện Người Con Gái Nam Xương,” phải tự hỏi lại chữ Nhân của lòng mình.

Năm tháng qua đi, Vũ Nương đã rũ bụi trần gian, về chốn non bồng nước nhược, hóa thân làm thần tiên vĩnh cửu, vùi chôn tiền kiếp cơ cầu. Chuyện xưa như khói như mây, thế nhưng mỗi khi nhớ đến “ngọc Mỵ Nương, cỏ Ngu Mỹ,” lòng tôi lại rơi lệ khóc “người con gái Nam Xương.”

Ơi Nguyễn Dữ! Văn tài của ông đã làm cảm động lòng người. Hay vì người mà văn tài ấy đã viết lên khối lệ tình thiên thu.

HV – 4:43am Thứ Sáu ngày 27 tháng 11 năm 2015

[1]. Trích trong “Truyền Kỳ Mạn Lục” của Nguyễn Dữ
[*]. “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đoàn Thị Điểm