Menu Close

Không một mái nhà!

Thưa có chuyện như vầy: Viên Thái tử thấy một người ăn xin có khuôn mặt hao hao… rất, rất giống mình, từ tóc, lông, tướng đi, giọng nói eo éo, chắc muốn nhìn bà con, bèn hỏi: “Mẫu thân ông có từng là nô tì, phục vụ trong Hoàng cung không?” “Thưa Thái tử không ạ! Nhưng Phụ thân tui thì có!”

Ðời mà! Ai cũng có một phần số. Kẻ vừa mới sanh ra đã được sống một đời xa hoa sung sướng trong khi kẻ phải chịu cảnh bần hàn. Dù là cùng cha khác mẹ đi chăng nữa!

Thưa mà nói đến người ăn xin thì chúng ta lại nghĩ đến những kẻ không một mái nhà, mà Úc đây nó gọi là homeless, tức vô gia đình!

Mình gọi là vô gia cư là chưa đủ nghĩa. Vô gia cư là không có chỗ ở thôi chớ homeless là không có chỗ ở, không có vợ con, không có gia đình gì hết ráo vì họ đã bỏ ta đi hết cả rồi!

Những homeless nầy lại gợi nhớ đến một truyện ngắn xuất sắc của một bậc thầy là O. Henry (1862-1910). Những truyện của O.Henry thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình thương yêu người nghèo khổ, rất cảm động.

Một kiệt tác là: The Cop and the Anthem (Tên Cớm và Bản thánh ca!)

FullHouseCopAndAnthem 01

Cảnh trong phim “The Cop and the Anthem”

Chuyện rằng: Soapy, một người vô gia cư, sống ở thành phố New York vào những năm đầu thế kỷ 20. Khi trời ấm, Soapy sống trong công viên Madison Square. Mùa Ðông gần kề, để trốn cái lạnh thấu xương, Soapy tìm cách phạm tội lặt vặt để có thể bị bắt ở tù chừng 3 tháng thôi. Mùa Xuân tới, ra tù lại tiếp tục cái kiếp lang thang.

Trước tiên, Soapy định ăn quỵt ở một nhà hàng sang trọng. Nhưng người bồi bàn trông thấy quần áo Soapy tả tơi, rách rưới đã chận Soapy lại, ngay trước cửa.

Kế đó, Soapy ném đá vỡ cửa kính của một cửa tiệm; rồi thản nhiên đứng đó chờ bị bắt! Nhưng viên Cảnh sát nghĩ không có thằng khùng nào chọi đá mà chờ lính bắt bao giờ?!

Sau đó, Soapy tìm được một quán ăn bình dân và đánh chén được một bữa no nê nhưng: “Tui không có tiền để trả!” Thì tay bồi bàn nhéo lỗ tai Soapy ném ra ngạch cửa thay vì gọi Cảnh sát.

Ðã ba lần thất bại, lần nầy, Soapy đi chọc ghẹo gái ngay trước mũi thầy đội nhưng em lại rất sẵn lòng theo anh về nhà, nếu anh mua cho em vài chai bia cho em uống. Dĩ nhiên là Soapy vọt.

Kế đó Soapy nghĩ ra cách giả bộ say sưa, ca hát ầm ĩ, khiêu vũ xiên xẹo ngay trước mặt thầy đội nhưng viên Cảnh sát nghĩ cuối năm, mùa lễ hội mà, say sưa chút chút cũng không sao.

Cuối cùng, Soapy ăn cắp một cây dù của một ông! Bất ngờ thay, ông thần nầy đã ‘thó’ của người khác vào buổi sáng trong một tiệm ăn.

Sau nhiều mưu toan đều bị thất bại, muốn bị lính bắt mà lính không chịu bắt; Soapy buồn bã quay về ghế đá công viên để ngả lưng qua đêm.

Trên đường về, ngang một giáo đường, nơi những người đi xem lễ đang hát thánh ca. Những lời của bài hát nầy lay động nỗi niềm tuyệt vọng về cuộc sống bấy nay, làm thức tỉnh Soapy.

Soapy bắt đầu tự nhủ mình không thể sống cù bơ cù bất như thế nầy được nữa. Ngày mai mình sẽ đi kiếm việc; sẽ làm lại cuộc đời như đã từng ước mơ!

Nhưng ước mơ làm lại cuộc đời đó bỗng vỡ tan khi một tên cớm lù lù xuất hiện bắt Soapy về tội lang thang nửa đêm trong thành phố và đưa ra Tòa vào sáng hôm sau. Ông Tòa cho Soapy 3 tháng tù ở!

Thiệt là oái oăm! Lúc muốn ở tù trốn lạnh mùa Ðông thì không được. Lúc muốn làm lại cuộc đời thì lại bị bắt đem đi nhốt.

Nhưng không phải người Cảnh sát nào cũng vô tâm như tên cớm đã bắt Soapy trước khi ông tính làm lại cuộc đời. Cũng có người dù là cớm, nhưng lại có tấm lòng rất nhân hậu biết thương xót kẻ khốn cùng như một anh đội ở Wilmington tiểu bang Delaware, Hoa Kỳ.

Một người homeless chân trần muốn lên xe bus. Viên tài xế chận lại và gọi Cảnh sát. Thay vì bắt giữ thì anh đội lại xuất tiền túi của chính mình để mua tặng cho ông homeless này một đôi giày.

Hành động cao đẹp đó (hổng phải diễn kịch để mua danh cho Cảnh sát sau nhiều vụ bức hiếp dân lành đâu nhe) được người qua đường quay video rồi bắn lên YouTube. Chỉ trong vòng có mấy ngày đã có tới 2 triệu rưỡi người xem.

Ai cũng nức nở khen rằng: Anh đội thật trên cả tuyệt vời và ai cũng muốn bắt tay anh.

Anh đội chỉ khiêm tốn trả lời: “Ối những người Cảnh sát khác cũng cư xử giống hịt như tui thôi! Chẳng qua là họ không được ghi hình nên bà con không biết đó mà! ” Thiệt làm cớm tốt lại khiêm tốn như vậy hình như hơi bị hiếm trong cõi đời ô trọc… lóc nầy.

Cũng được ghi hình, thay vì được ngợi khen nồng nhiệt, trong trường hợp nầy, thì lại bị chúng chửi cho tối tăm mặt mũi.

Cũng chuyện xảy ra bên Mỹ. Ở Mỹ chuyện ‘quái’ gì cũng đều có thể xảy ra được hết ráo. Chuyện của thiên thần lẫn chuyện của ác quỷ.

Cũng băng ghi hình phóng lên YouTube cho thấy ở một tiệm bán thức ăn nhanh McDonald thành phố Detroit. Một chiếc xe dừng lại có mấy thanh niên, thiếu nữ có vẻ đang ‘phê’ xì ke, cười nói ồn ào, chửi thề tá lả tà la, ngồi trong xe, chờ nhận Happy Meal gồm cheese burger, hamburger, v.v… qua cái lối chạy xe dừng lại, mua, mà Mỹ nó gọi là “Drive thru”

Tay phục vụ thấy vui quá là vui nên chế ra một trò đùa… khốn nạn!

Thấy một người homeless, chắc đang đói, đứng xớ rớ gần đó… chờ xin ăn chăng?

Thằng nhóc phục vụ dứ dứ cái bánh cheese burger ra, kêu: “Ê Willie lại đây! Ông muốn một cái hả? Lại đây lấy nè!”

Ông lão homeless, râu tóc bờm xờm, mừng rơn, bước lại. Nhưng thay vì đưa một cái cheese burger như đã hứa, y tạt một ly đầy nước vào mặt ông lão khốn khổ nầy.

Ông lão ngạc nhiên đến sững sờ, chỉ lắp bắp hỏi: “Sao cháu nỡ lòng nào làm như thế? ” Rồi thất thểu bước đi trong trời đang mưa nặng hạt!

Ðám choai choai trên xe cười khoái trá, lẫn với tiếng chửi thề!

Ông chủ tiệm McDonald đã rất lấy làm xấu hổ, nói rằng: “Hành động nhẫn tâm của nhân viên nầy không thể nào tha thứ được!”

Bà con bên Mỹ thì tức giận phừng phừng đòi đuổi việc nó đi và đưa nó ra tòa về tội hành hung và làm nhục người khác.

Còn xử nhè nhẹ nhứt là bắt thằng nhóc con hỗn láo nầy phải phục vụ công ích là dọn ăn cho những người vô gia cư một tháng tại những ngôi nhà tạm trú.

Ông chủ tiệm phải liên đới chịu trách nhiệm là tìm ra ông lão homeless nầy để chánh thức xin lỗi và đền bù cho ông một bữa ăn tối miễn phí mới chuộc được lỗi lầm nầy!

Có người còn đòi dạy cho chúng một bài học: “Tiếng cười của mấy thằng ngu trong xe hùa theo hành động mất dạy nầy là làm tôi bất mãn nhất! Nếu là tui hả? Tui sẽ bước ra khỏi xe, nắm đầu cái thằng khốn nạn nầy tẩn cho nó một trận xịt khói… rồi đưa ông lão homeless nầy đi ăn tối!”

FullHouseCopAndAnthem 01

Anh đội mua tặng người homeless một đôi giày. NGUỒN PHILLYVOICE.COM

Thưa thiệt coi cái video clip nầy của CNN mà tui cũng thấy lòng chua xót! Dù ông lão homeless người Mỹ nầy không có quen biết hay bà con gì với tui hết ráo. Nếu có, là trạc tuổi tui và có lẽ đã từng tham chiến tại Việt Nam.

Thưa số người homeless ở Mỹ, vốn là cựu quân nhân, đã từng tham chiến khắp chiến trường từ Việt Nam tới Iraq, Afghanistan rất nhiều. Chỉ riêng tiểu bang Cali thôi theo phỏng đoán có tới 50 ngàn; chứ không ít ỏi gì đâu.

Tại sao cựu quân nhân lại trở thành homeless nhiều đến thế? Thì những cuộc nghiên cứu cho thấy rằng: Những người lính bị đưa ra mặt trận khi còn rất trẻ, mới đôi mươi. Họ đến chiến trường khốc liệt, khi trở về dù may mắn nguyên vẹn hình hài, thì cũng bị tổn thương về tâm lý.

Không thể hội nhập trở lại với xã hội đời thường; nên mất việc, sa đà vào rượu và ma túy để tìm quên. Kết quả đương nhiên là gia đình tan vỡ! Mất nhà, mất vợ, mất con.

Ra vào bệnh viện tâm thần như cơm bữa. Rồi lang thang trên đường phố. Ngủ vật vạ ở công viên, gầm cầu trước sự dửng dưng của người đời cũng như của chánh phủ.

Cuối cùng giọt nước tràn ly khi không còn chịu nổi nữa thì họ tự sát hay chết cô đơn trong những thùng chứa rác vì chơi ma túy quá liều.

Tại sao nước Mỹ lại đẩy 8,000 cựu chiến binh lang thang vất vưởng trên đường phố Los Angeles hoa lệ? Không có cho họ được một mái nhà, trong khi đất trống lại dành để xây sân golf cho người giàu giải trí?!

Tại sao những người cựu chiến binh của chúng ta không bỏ mình ở chiến trường lại bỏ mình trong những thùng rác của thành phố ?

Có phải đó là một phần trong kỷ niệm ngày Chiến sĩ trận vong của nước Mỹ hay sao?

Cha! Hỏi ngặt quá!

DXT – melbourne