Đồi quỳ – nơi hoài niệm quay về cùng tuổi trung niên
Ở Ðà Lạt nói riêng, Tây Nguyên nói chung, hoa quỳ (còn gọi là sơn quỳ, dã quỳ) là loài hoa hoang dã. Cây cao hơn đầu người nhưng giòn yếu, gió mạnh dễ nghiêng gẫy, đổ rạp, vì thế phải nương vào nhau, cây nọ đỡ cây kia, thành vạt, thành lùm, thành đồi xanh tốt. Tầm tháng 11, khi bắt đầu mùa đông – đồng thời là mùa gió, mùa khô – dã quỳ đồng loạt ra hoa vàng rực, thơm ngái. Dọc các triền đồi vàng rực từ Bảo Lộc về Ðà Lạt, chỗ nào cũng đầy người chụp ảnh. Người quê Vũng Tầu mới cưới vợ, người đi phượt từ Sài Gòn, người theo tua trường Cao đẳng Long An, người ‘từ bển dìa’. Ai cũng tíu tít chuẩn bị ‘diễn xuất’. Trẻ thì đội vương miện kết bằng hoa quỳ, cầm bó hoa quỳ giơ lên cười tít. Già thì che dù, ngồi nghiêng nghiêng hoặc kéo cả bọn chui vào lùm hoa ló mặt ra hô một hai ba…
Mô hình hoa quỳ và nụ hồng
Không thể chối cãi rằng nhờ hoa quỳ, khách lên Ðà Lạt khá đông, chi tiêu khá rộng. Không gian Ðà Lạt ngày thường vốn lặng vắng, mênh mông. Vào mùa hoa quỳ trở nên ấm áp, lãng mạn lạ thường. Có công tô điểm hương sắc cho thành phố cao nguyên, gia tăng thu nhập cho ngành du lịch nhưng số phận hoa quỳ rất hẩm hiu. Mấy ai biết trong các bụi quỳ um tùm, nhiều loại rác kinh khủng được người Ðà Lạt ‘kính gửi không hoàn lại’. Nhiều đồi quỳ bị xóa sổ không thương tiếc. Hoàng Nguyên xưa sáng tác bài hát ‘Ai lên xứ hoa đào’, ca ngợi loài hoa ‘y cựu tiếu đông phong’. Kẻ viết bài từng ấm ức vì tác giả không chịu viết ‘Ai lên xứ hoa quỳ’. Bây giờ, lang thang trên đồi Ðà Lạt, thấy hết sự tang thương, cái đẹp bị tận diệt không thương tiếc lại nghĩ Hoàng Nguyên mà còn, thấy cảnh này, chắc đã ‘tịt’ càng thêm ‘tịt’.
Hoa quỳ khổng lồ cao 18 m- biểu tượng của Đà Lạt, đang được xây dựng gấp rút trên quảng trường Lâm Viên
Quỳ thiên nhiên thì vậy, bây giờ bàn dân lại đối diện một bông quỳ bằng sắt thép, nằm ngay bờ hồ Xuân Hương. Ở thời điểm hiện tại, bông quỳ cách điệu nọ đang được xây dựng gấp rút để kịp ngày khai mạc festival hoa Ðà Lạt dự trù diễn ra vào cuối tháng 12.
Một công nhân kỹ thuật tham gia công trình cho kẻ viết bài vài con số cụ thể: ‘Hoa quỳ cao 18 thước, chiếm diện tích 1200m2. Trong lòng hoa quỳ là cung nghệ thuật chứa được hàng ngàn người. Cách hoa quỳ khổng lồ 80m là nụ hoa hồng khổng lồ (nhiều người nói giống bông a ti sô hơn nụ hoa hồng) cao 15 thước, chiếm diện tích 500 m2, có màu xanh vàng. Kinh phí cho hoa và nụ ban đầu dự trù chỉ vài trăm tỷ, sau sáu năm ì ạch, nay đã vọt lên gần 700 tỷ. Cha đẻ của công trình là Kiến trúc sư Trần Văn Dũng. Ông này tâm sự, với ông, dã quỳ chính là linh hồn của Ðà Lạt nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Kiến tạo hình ảnh dã quỳ soi bóng nước hồ Xuân Hương, coi như một cách trả ơn loài hoa biểu tượng cho sức sống người phố núi. Còn nụ hồng, hay a ti sô, cũng là đặc sản Ðà Lạt, cũng đáng được tôn vinh…
Nụ hồng trên quảng trường Lâm Viên, cao 15 m, màu xanh vàng, lắp bằng kính chịu lực, đã xong phần ngoài
Trên quảng trường Lâm Viên rộng 7.3ha, có sức chứa gần 30,000 người, vào buổi sáng Chủ Nhật 22/11, kẻ viết bài hỏi vài bạn trẻ ấn tượng về hoa dã quỳ và nụ hồng phía trước mặt, các bạn trả lời ngay: ‘Không thấy đẹp! Tiêu gần bốn trăm tỷ cho riêng khối đế hai tầng hầm và hai cái hoa nụ xấu xí, thật xót xa! Giá để tiền đó làm từ thiện còn có ý nghĩa’. Cánh bán bắp luộc, bóng bay, sữa đậu nành bên hồ Xuân Hương thì ác miệng hơn khi cả quyết, làm xấu, làm lâu, làm đắt, ắt ‘ăn’dầy.
Ăn dầy ăn mỏng, thiết nghĩ là chuyện con người. Còn hoa quỳ nhân tạo chẳng có lỗi gì. Kẻ viết bài nhìn nó, thấy tội nghiệp. Chẳng ai chụp ảnh với nó theo kiểu say mê, yêu thích như chụp với hoa quỳ thiên tạo. Hoa quỳ nhân tạo, chí ít trên trăm tỷ đồng xương máu của dân. Hoa quỳ thiên tạo, không mất xu nào. Ấy vậy mà, hình như cái đẹp, cái vui lại nghiêng về phía không xu. Du khách nghiêng về phía không xu. Người dân Ðà Lạt cũng nghiêng về phía không xu. Hỏi ai nghiêng về phía có ‘xu’??? Hoa quỳ biết, mọi người biết. Nhưng biết, không cứ phải nói ra lời.
Hoa quỳ trên phố
XH