Ngày nay, mặc dù có sự tiến triển vũ bão của Internet và các mạng xã hội, kỹ nghệ TV vẫn chưa mất thế thượng phong. Và với riêng thể loại truyền thông giải trí này thì các chương trình thể thao luôn chiếm con số áp đảo về lượng khán giả. Chỉ kể 10 sự kiện thể thao lớn nhất hoàn vũ ngày nay đã thu hút tổng cộng trên 14 tỉ lượt khán giả TV.
Cùng đón xem World Cup 2014 qua màn hình TV ở Ghana, Phi Châu. Ảnh http://projecttrust.org.uk/
Ta có thể thử điểm lược vài con số của 5 giải đấu thể thao đắt khán giả TV nhất thế giới ngày nay: FIFA Confederations Cup, UEFA Champions League, Summer Olympic, Tour De France, và World Cup. Confederations Cup là cuộc tranh hùng đá banh tiền World Cup ra mắt lần đầu năm 1992. Giải này quy tụ 8 đội banh quốc gia (6 nhà đương kim vô địch các châu lục cùng với đội đương kim vô địch thế giới và đội chủ nhà. Confederations Cup diễn ra mỗi 4 năm 1 lần, vào mùa hè trước khi đá World Cup, và cả giải thu hút trung bình 1 tỉ khán giả xem qua TV khắp thế giới. Confederations Cup 2017 sẽ đá tại Nga mùa hè năm tới. Còn Champions League là sân chơi cao cấp nhất dành cho các câu lạc bộ đá banh của Âu Châu, cũng là nơi thi thố của hầu hết những tài năng đá banh lớn nhất hiện tại – nên dễ dàng hấp dẫn 1.7 tỉ người hâm mộ đón xem qua TV. Khác với Champions League diễn ra hằng năm, quy tụ mấy chục đội banh từ nhiều nước khác nhau, Thế Vận Hội Mùa Hè (Summer Olympic) là sự kiện đơn lẻ, diễn ra mỗi 4 năm 1 lần. Kỳ Olympic sau cùng, London 2012, thu hút tổng cộng 2 tỉ lượt khán giả xem qua màn hình TV. Còn Vòng Đua Pháp Quốc Tour De France có thể là ngạc nhiên nho nhỏ, nhưng thực sự cuộc đua xe đạp đường trường kéo dài 3 tuần lễ mùa hè tháng 7 thu hút lượng khán giả toàn cầu lên đến 2.6 tỉ người. Và sự kiện thể thao #1 là FIFA World Cup lôi cuốn trung bình 3.5 tỉ khán giả TV, tức là khoảng 1/2 dân số hoàn vũ. Tại World Cup 2014 mới diễn ra mùa hè năm ngoái, chỉ riêng trận chung kết Đức hạ Argentina 1-0 đã cuốn hút gần 1 tỉ khán giả TV.
Cảnh khán giả Ấn Độ xem World Cup 2014 qua TV. Ảnh RUPAK DE CHOWDHURI / Reuters
Xưa nay, ít có chương trình TV nào khác qua mặt thể thao về lượng khán giả đón xem. Để dễ mường tượng, ngày 20-7-1969, ước chừng 530 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số thế giới vào thời điểm đó) đã mở TV chứng kiến hình ảnh những dấu chân đầu tiên của nhân loại đặt lên nguyệt cầu (Neil Armstrong và các phi hành gia Hoa Kỳ). Trong nỗ lực cứu nạn 33 thợ mỏ Chile năm 2010, chánh phủ nước sở tại đã thành lập và biệt phái gần 50 đặc phái viên tường trình mỗi ngày mỗi phút, thu hút trên 1 tỉ người xem trên toàn thế giới. Đám cưới hoàng gia Anh Quốc giữa Thái Tử William và Công Nương Catherine Middleton vào tháng 4-2011 ước tính có 2 tỉ người xem. Và chương trình TV thu hút khán giả toàn cầu đông đảo nhất là đám tang cố Công Nương Diana (mẹ của Thái Tử William) vào năm 1997 thu hút khoảng 2.5 tỉ người xem qua TV.
Hằng ngàn khán giả tụ tập trên bãi biển Rio de Janeiro (Brazil) cùng xem World Cup 2014 qua màn hình đại vĩ tuyến (góc trái). Ảnh www.mirror.co.uk
Riêng tại Hoa Kỳ, thống kê năm qua, trong số các chương trình TV thường lệ đón nhận nhiều khán giả nhất có show hài “The Big Bang Theory” của đài CBS (21.3 triệu khán giả). Trong 7 chương trình TV được ưa thích nhất, có 2 show thể thao, đều của môn banh bầu dục nhà nghề là “NFL Sunday Night Football” của đài NBC với 21 triệu khán giả, và “NFL Thursday Night Football” của đài CBS/NFL Network với 16.8 triệu khán giả. Nhưng ông hoàng của mọi chương trình TV Hoa Kỳ vẫn là trận chung kết banh bầu dục nhà nghề NFL đánh vào Tháng Hai mỗi năm. Trận Super Bowl 2015, với New England Patriots đánh hạ Seattle Seahawk 28-24, đài NBC ghi nhận 114.4 triệu người xem, là con số kỷ lục trong làng kỹ nghệ TV Hoa Kỳ xưa nay (một năm trước, trận chung kết Super Bowl 2014 đạt 112.2 triệu khán giả – cũng là số khán giả TV đông đảo nhất tính đến thời điểm đó). Không hẳn là phóng đại khi nói trận Super Bowl là con heo vàng cho đài NBC, rao bán đến $4.5 triệu cho mỗi 30-giây quảng cáo, trung bình $150,000 mỗi giây đồng hồ. Và không chỉ riêng đài NBC… hái lộc, trận Super Bowl cũng là cơ hội vàng cho các đài chuyên về thể thao khác như ESPN hay NFL Network. Chỉ trong tuần lễ Super Bowl Week trước trận chung kết, đài ESPN đã phát sóng 346 giờ “cover” Super Bowl. Tính ra khán giả dành đến 116.6 triệu giờ để xem các chương trình bình luận đặc biệt này, nghĩa là khoảng thời gian tương đương 13,628 năm.
Ống kính ký giả ghi lại 1 góc World Cup 2014 trên đường phố. Ảnh blacksportsonline.com
Như Hoa Kỳ, thể thao cũng chiếm lãnh thời lượng TV nhiều nhất trên khắp thế giới. Tại Canada, chương trình TV được đón xem nhiều nhất xưa nay là trận chung kết Olympic Mùa Đông 2010 đánh tại Vancouver trong môn khúc côn cầu trên băng “Ice Hockey”, với đội chủ nhà hạ Hoa Kỳ sít sao 3-2 giành huy chương vàng Thế Vận Hội. Thống kê có 26.5 triệu người dân xứ lá phong đã đón xem trận cầu trên TV, chiếm trên 80% dân số cả nước là 34 triệu người vào lúc đó. Tại Đức, 10 chương trình TV được ưa chuộng nhất đều là thể thao, và đều trong khuôn khổ các giải đá banh World Cup hoặc Euro. Chương trình thu hút nhiều khán giả nhất cho đến nay là trận chung kết World Cup 2014, lúc Đức hạ Argentina 1-0 giật cúp vàng, đã lôi cuốn 34,650,000 người xem (dân số Đức lúc đó khoảng trên 80 triệu người). Tại Bồ Đào Nha, trong 13 chương trình TV ăn khách nhất, thì có đến 12 liên quan đến Euro hoặc World Cup. Trận bán kết Euro 2004 lúc Bồ Đào Nha hạ Hòa Lan 2-1 thu hút 85% dân số cả nước (10.5 triệu) đón xem qua TV, đứng hạng #1 mọi thời. Xếp thứ 5 trong danh sách nhiều khán giả TV nhất xưa nay là trận Bồ Đào Nha hòa Hoa Kỳ 2-2 tại vòng nhóm World Cup 2014 vừa qua, với 3/4 người Bồ Đào Nha đón xem qua TV. Và tại Anh, ngoài đám tang Công Nương Diana như đã nhắc bên trên, thì chương trình TV thu hút nhiều khán giả thứ nhì xưa nay là trận chung kết World Cup 1966 (Anh vô địch thế giới sau khi hạ Tây Đức 4-2) đạt trên 32 triệu người xem (dân số nước Anh lúc đó là 54.5 triệu người).
Cơn sốt World Cup tại Singapore. Ảnh tablet.todayonline.com
Ngày nay, 10 trò thể thao được đón xem nhiều nhất là: đá banh, quần vợt, banh vợt “cricket”, banh chày “baseball”, banh bàn “table-tennis”, banh rổ “basketball”, khúc côn cầu, Golf, đá banh kiểu Úc “rugby”, và banh chuyền “volleyball”. Khi xem tranh tài thể thao, trong bất cứ trò chơi ưa chuộng nào, những nỗi hy vọng, kích động, hồi hộp, căng thẳng… trộn lẫn lộn khiến chất “adrenaline” trong cơ thể tuôn chảy ào ạt. Những sự kiện thể thao như World Cup hay Olympic chỉ có mỗi 4 năm 1 lần nên thực tế trở nên cơ hội không thể nào bỏ lỡ cho nhiều người. Nhưng đối với nhiều người… ngoại đạo thì thể thao chỉ là trò giải trí tiêu khiển, và họ giản dị không thể hiểu và cảm được nỗi đam mê của hằng tỉ khách mộ điệu thể thao. Đã có vô vàn lý giải vì sao thể thao tạo nên sự cuốn hút, thậm chí đã có không ít các khảo sát mang tính cách hàn lâm. Người ta đã đo được độ “testosterone” tăng vọt trong cơ thể các khán giả thể thao sau khi đội thể thao ưa thích hay lực sĩ con cưng của họ thắng cuộc. Trong cơ thể nhiều khán giả khác lại thấy tiến trình “dopamine” cao ngất ngưởng khi đội nhà hôm đó chơi hay (tâm lý học hiện đại giải thích “dopamine” là hệ thống tín hiệu liên quan đến cảm giác tột đỉnh hưng phấn tại trung ương thần kinh). Khi xem thể thao, người ta có thể cảm giác như chính họ đang trong trò chơi, như thể đang cạnh tranh bạo liệt với từng thớ thịt, từng tế bào thần kinh. Nói một cách khác, khi xem thể thao, não bộ tiết ra nhiều kích thích tố, tạo nên cơn ghiền (tương tự như nỗi ghiền… xì ke), và kết quả là người ta tiếp tục xem thể thao thêm nữa, xem không thể ngừng nghỉ.
Làm ăn mùa World Cup. Ảnh www.baoangiang.com.vn
TTD