Hồi đời trước vùng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) vì tới mùa nước ngập thì nước ngập rất sâu nên phần lớn là dân cư ở đây giống như các vùng khác đều cất nhà sàn, ít có nhà nền đất; dường như chỉ có ngôi nhà ngói nền đúc duy nhứt của ông Nhà Lầu là ngôi nhà lớn nhứt. Ngoài ngôi nhà lầu này, ở Mặc Cần Dưng hồi xưa tức khoảng thập niên 1950, có nhiều ngôi nhà sàn ba gian hai chái với mái ngói, vách bổ kho rất đồ sộ. Từ chợ Bình Hòa đi dài vô tới ngã ba Vàm Nha có thể kể vài ngôi nhà tiêu biểu như nhà của thầy Nguyễn Văn Chánh, nguyên Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa, nhà của gia đình bạn Thái Văn Sự, bạn học với tôi hồi học lớp Nhì, lớp Nhứt trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa, nhà của ông Xã Cương; vô xóm trong gần cua Vàm Nha có nhà của Thầy Giáo Cầm, nhà của ông thầy Sáu Màu cũng là những nhà sàn khá lớn… Từ Vàm Nha, vô gần chợ Vàm Xáng (xã Cần Ðăng) có xóm nhà sàn của người Miên, họ cất sàn cao khỏi đầu, có thể xay lúa, giã gạo ngay dưới sàn nhà đó được mà không sợ đụng đầu. Có một điểm chung là vùng Mặc Cần Dưng con đường làng chạy cặp theo bờ sông Mặc Cần Dưng vô Tri Tôn, nhà lại cất quay mặt ra đường làng mà đường làng, giống như các làng mạc khác vùng Long Xuyên, Châu Ðốc nhà nào cũng có bến sông với những cây cầu ván bắc từ trên bờ dài xuống tới mé nước để dùng trong việc tắm giặt, hoặc gánh nước lên chứa trong các lu khạp để dùng trong việc nấu nướng ăn uống thường ngày.
Nhà sàn nơi bến đò Chợ Cũ (Lấp Vò) – HÌNH TRẦN NHIẾP CHỤP
Sau này có dịp đi về Tân Châu, từ Vịnh Ðồn đi lên Vĩnh Xương, nhiều nhà sàn cũng cất sàn cao như vậy. Loại nhà này vừa tránh được nước ngập vào mùa nước lên, còn mùa khô người ta có thể để máy cày dưới sàn nhà hoặc những vật dụng dùng trong các việc rẫy ruộng. Vùng Long Sơn, Long Phú, Phú Lâm thuộc Tân Châu loại nhà sàn, nhà đúc xưa ngày trước khá nhiều, nay thì vì thời gian quá lâu nên mái ngói rêu phong, hư hại nhiều và đến đời sau con cháu sau này đã sửa chữa lại một phần hoặc đập phá hoàn toàn và xây cất lại thành nhà mới nên các kiểu nhà xưa hồi đời trước ngày nay rất hiếm.
Nhà ngói xưa nền đất, cửa lá sách vùng Tân Châu. – HÌNH TRẦN NHIẾP CHỤP
Nếu bạn đi xuống vùng Lấp Vò (Sa Ðéc) lác đác bạn cũng tìm ra được vài ngôi nhà xưa có tuổi thọ trên trăm năm như nhà ông Hội Ðồng Tự nằm gần vàm rạch Lấp Vò, cách chợ quận không xa lắm; hoặc bạn về hướng Cái Nai (Chợ Mới) (hồi đời trước Cái Nai thuộc Lấp Vò) nhà ngói xưa cũng nhiều. Vùng Sa Ðéc, mặc dù cũng bị cảnh lụt lội vào mùa nước ngập nhưng cư dân ở đây thường có lập vườn cây ăn trái nên nhà cất ngay trên nền vườn, thường là nhà nền đất đắp cao khỏi mực nước ngập hằng năm, ít nhà sàn hơn miệt Long Xuyên, Châu Ðốc.
Ngôi nhà ngói xưa ba gian vùng Châu Phong (Tân Châu) cửa đóng kín gần như hoang phế. – HÌNH TRẦN NHIẾP CHỤP
Ở Trà Vinh, hồi đời xưa, khoảng năm 1928, tác giả Huỳnh Văn Lang có mô tả ngôi nhà sàn bằng gỗ thao lao của song thân ông như sau: “Sàn cao khoảng một thước hai, nhà ba gian rộng 12 thước, gồm một cái sảnh đường sâu 5 thước, cái nhà trên sâu 10 thước, cái nhà giữa 6 thước và cái nhà dưới 8 thước. Ba cái nhà trước lợp ngói âm dương, nhà dưới lợp lá dừa nước chằm. Sau nhà dưới có chuồng gà và chuồng vịt và sàn nước ngay cái xẻo nhỏ, còn chuồng heo thì ở xa sau vựa lúa… Bên hông nhà có một cái giếng sâu, có nước tốt để nấu ăn”(3)
Nhà ngói xưa vùng Long Sơn (Tân Châu). – HÌNH TRẦN NHIẾP CHỤP
Cũng theo tác giả Huỳnh Văn Lang ở tả ngạn sông Láng Thé với các làng Ðại Phước, Nhị Long và Ðức Mỹ thuộc quận Càng Long (Trà Vinh), nhà cửa ở đó được tác giả kể lại như sau:“Nếu bổ đồng mỗi gia đình trung bình 4 người thì chỉ có trên dưới 2,000 gia đình hay 2,000 nóc nhà là cùng. Nhưng trừ ra chung quanh chợ Dừa Ðỏ và nhứt là họ đạo Công Giáo Bãi Xan, nhà cửa có tập trung, có chợ búa có trường học, kỳ dư thì nhà cửa rất thưa thớt, nhưng không lộ liễu, nóc nhà ẩn hiện trong những khu vườn rất trù phú, có nhiều cây ăn trái, có những cây dừa, cây cau thật cao… Bờ sông gần luôn luôn có rừng dừa nước rậm rạp bảo vệ cho khỏi lở với một ít cây bần cao lớn. Ngồi ghe ngồi thuyền đi dưới sông nhiều khi không thấy nhà cửa, trừ ra những nhà ngói cao lớn của các đại điền chủ.
Nhà xưa với mái ngói rêu phong vùng Long Sơn (Tân Châu) – HÌNH THÁI LÝ CHỤP
Nhà cửa thường quay mặt ra đường làng, quay lưng ra mé sông. Ðường làng chạy song song dài theo con sông, khá rộng lớn, có thể chạy xe đạp được… Phần nhiều nhà cửa của họ cất trên nền đất là nhà gỗ, nóc nhà và vách nhà đều bằng lá chằm hay lá xé dừa nước, khá giả thì vách gỗ xẻ và một số ít nhà ngói nhỏ và thấp lè tè vách gỗ, nền gạch tàu, không nền đúc, không vách gạch. Giữa những nhà lá nhà gỗ nổi lên ba nhóm nhà ngói vách gạch nền đúc, có nhà còn có hàng rào sắt cổng sắt như nhà quan chức ở quận lỵ hay tỉnh lỵ. Những nhà ngói nền đúc nầy lại có tính cách phô trương nên thường quay mặt ra sông, ghe thuyền qua lại đều trầm trồ khen phục.”(4)
Nhà sàn vùng Kinh Cũ (Kinh Vĩnh An Hà, Tân Châu) với những cây cầu ở mỗi bến sông. – HÌNH TRẦN NHIẾP CHỤP
HT
Chú thích
3/ Trích trong “Ký Ức Huỳng Văn Lang, tập I, do tác giả xuất bản, Hoa Kỳ, năm 2011, trang 20.
4/ Ký ức Huỳnh Văn Lang, sđd, trang 41.