Ðược đi du học và du học ở đâu, chẳng những là một giấc mơ của các học sinh Việt Nam, mà còn nói lên đẳng cấp, chứ không chỉ là ý thích. Nguyễn Hoàng đã từng nói rất nhiều về chuyện tại sao lại là Hàn Quốc, trong khi cơ hội ở các nước khác rất nhiều.
Ngay từ khi học đại học, Nguyễn Hoàng ấp ủ ước mơ được sang Hàn.Nguyễn Hoàng biết khoa Hàn Quốc học có rất nhiều anh chị đã được học bổng sang Hàn nên cố gắng để đáp ứng các điều kiện đòi hỏi. Nguyễn Hoàng vẫn còn nhớ cảm xúc khi được học bổng, nó gần như là một điều kỳ diệu trong cuộc sống của anh. Mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ hôm Nguyễn Hoàng nhận được cuộc gọi thông báo hồ sơ xin học bổng đã được duyệt.
Nguyễn Hoàng , du học sinh
Du học Hàn Quốc – ở một góc độ nào đó, nó chẳng hề dễ chịu như những gì vẫn thấy trên phim ảnh. Kẻ thù đầu tiên phải kể đến đó là khí hậu. Nói là kẻ thù có vẻ quá đáng nhưng thật sự đây là điều đầu tiên thật sự khác biệt mà các du sinh phải đối mặt với cuộc sống ở quốc gia mới này.
Nguyễn Hoàng sinh trưởng và học hành tại Ðà Nẵng từ hơn 20 năm nay. Thành phố miền nhiệt đới với cái nắng đổ lửa có hôm lên đến 400C, vì thế Nguyễn Hoàng thật sự “cóng” với cái rét “-30C” lúc mới xuống sân bay quốc tế Incheon (Seoul). Xuống sân bay với cả đống áo trùm lên người trông sù sụ như con gấu. Thử thách đầu tiên là khi Nguyễn Hoàng bị nhiễm lạnh cảm cúm phải nằm ì trên giường mấy tuần đầu tiên, mọi sinh hoạt lê quanh 4 góc nhà nhỏ.
Nhà trọ của du học sinh tại Hàn Quốc lại là vấn đề mà ở Việt Nam có mục kích qua phim ảnh cũng chẳng bao giờ Nguyễn Hoàng hình dung nổi. Gọi là “nhà” cho oai chứ thực ra nơi Nguyễn Hoàng tá túc là một hộp diêm – Goshiwon – căn phòng trọ khép kín nhỉnh hơn 3m2. Ở Hàn, Goshiwon là sự lựa chọn của đông đảo sinh viên nhiều năm nay. Mỗi phòng có diện tích chỉ khoảng 3-5m2 với một số đồ dùng phục vụ những nhu cầu căn bản như: bếp, giường, bàn ghế,…toa-lét được xây khép kín bên trong không gian rất nhỏ. Những căn phòng này chủ yếu ở thủ đô Seoul và Gyeonggi. Diện tích mỗi căn phòng rộng, hẹp tùy vào nhu cầu của người thuê, nhưng phần lớn quá 7m2.. Goshiwon của Nguyễn Hoàng bé như mắt muỗi nhưng giá chẳng rẻ chút nào: mất khoảng 200,000-300,000 Won/tháng (tương đương 170- 260USD). Những phòng này không thông thoáng và tiện nghi nhưng vẫn được nhiều bạn sinh viên hay người ít tiền tìm đến. Nó có được một không gian riêng và tiết kiệm được chi phí. Không gian tuy nhỏ hẹp nhưng vẫn đáp ứng hai yêu cầu của sinh viên là học và ngủ. Các du học sinh Việt Nam cùng thuê những căn phòng san sát nhau, bên ngoài là hành lang rất nhỏ.
Nguyễn Hoàng theo học về chuyên ngành truyền thông, đầu tiên vẫn là học tiếng Hàn, học cách thích nghi với văn hoá Hàn. Buổi sáng Hoàng học tiếng Hàn, chiều và tối học các môn chuyên ngành và tiếng Anh.
Nhà trọ của du học sinh – Goshiwon – tại Hàn Quốc
Khuôn viên trường đại học ở Seoul thật sự rất rộng, Nguyễn Hoàng có cảm giác nó rộng đến mức bao cả mấy ngọn núi. Gần khoa Nguyễn Hoàng có một bãi cỏ rộng trông như một sân golf với rất nhiều quạ và một loài chim có đuôi dài màu xanh dương rất đẹp, một hồ nước trong vắt cạnh nhà ăn sinh viên và cả một khu rừng bé nhỏ mà thỉnh thoảng trong giờ học Nguyễn Hoàng vẫn nhìn ra. Mỗi ngày, Nguyễn Hoàng rảo bước đến lớp hay khi tan học, nắng luôn trải dài dọc con đường, nhìn ra xa, cảm nhận như từng bông nắng óng ánh đang ôm lấy từng cành cây ngọn cỏ quanh Nguyễn Hoàng. Chính vì vậy, trong những năm ngắn ngủi du học, ngoài việc học tập, Nguyễn Hoàng tranh thủ mọi thời gian có được để có thể đi, có thể hít thở hết đời sống Hàn Quốc từ thành thị cho tới nông thôn. Nguyễn Hoàng học từng con chữ Hàn trên giảng đường đại học và những thước phim Hàn Quốc lãng mạn mà Nguyễn Hoàng có cơ hội được dịch cho các đài truyền hình khi ra trường. Giờ đây, khi hình dung lại quãng đời ấy, Hàn Quốc vẫn còn nguyên vẹn trong Nguyễn Hoàng không một chút nhạt nhòa.
Công việc làm thêm dành cho du học sinh khá đa dạng: đa số sinh viên Việt làm thêm trong các công ty sản xuất thực phẩm, chạy việc trong các văn phòng, làm thông dịch viên, hoặc các dịch vụ vệ sinh, quảng cáo, phát hành báo chí, tờ rơi… Các du học sinh được tiếp xúc với công việc trong môi trường cường độ cao, nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như dễ dàng hòa nhập môi trường làm việc tại đây sau khi tốt nghiệp.
Có một điều Hoàng nhận thấy là hàng năm, cứ mỗi khi kỳ thi đại học ở Hàn Quốc diễn ra là số học sinh tự tử tăng vọt. Chỉ riêng trong năm 2014 số học sinh, sinh viên tự tử là 118 người, hầu hết là các em hỏng thi; theo báo chí địa phương. Mỗi một đứa trẻ Hàn Quốc khi bước chân vào mẫu giáo là bố mẹ đã mặc định rằng con mình phải đỗ đại học. Có vào được đại học thì ra trường mới có công việc tốt, và (đáng sợ hơn nữa là) để đàn ông còn… lấy được vợ.
Phóng viên Hàn Quốc tác nghiệp
Tuy nhiên đỗ đại học tưởng thoát nạn nhưng học đại học càng vất vả hơn, mà ra trường cũng không làm việc được ngay vì học quá nặng lý thuyết, các công ty phải đào tạo lại. 80% học sinh vào đại học nên thiếu người học nghề, không đủ thợ và công nhân được đào tạo; trong khi cử nhân ra trường tranh nhau kiếm việc ở các Chaebol. Học hành và ở lại Hàn Quốc lập nghiệp, anh sẽ không ra ngoài thông lệ đó.
Người Hàn Quốc nóng tính, thô lỗ và cục cằn, đặc biệt là đàn ông. Có lần vì nghe một câu xỏ xiên hài hước mà Nguyễn Hoàng không ngờ gã quản lý nhảy dựng lên, định lao vào Nguyễn Hoàng đấm đá! Khi được mọi người can ngăn, gã vẫn không thôi mạt sát Hoàng và còn hùng hổ đe dọa mọi người xung quanh.
Những năm tháng ở Seoul cũng là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời Nguyễn Hoàng. Và Hàn Quốc đã giúp Nguyễn Hoàng lột xác. Nhiều năm liền Nguyễn Hoàng nếm đủ vị cay trên xứ sở Kim Chi này nhưng chưa bao giờ Nguyễn Hoàng cay vì món kim chi rát lưỡi đó.
Duyên nợ của Nguyễn Hoàng là những Tài phiệt Chaebol – các tập đoàn truyền thông lớn đa quốc gia mà anh hy vọng sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho bản thân anh và gia đình.
LTT