Năm đó ở New York, tôi sống trong căn hộ tiện nghi tối thiểu khu Queens. Chỗ làm cũng ở Queens, nên suốt năm, chẳng bao giờ tôi mò lên Manhattan. Không thể nói tôi biết nhiều về New York, nhưng những gì tôi biết, tôi thật sự căm ghét. Tôi ghét sống ở New York, và sẽ chẳng bao giờ trở lại New York, dù chỉ một giây. Tôi thậm chí không muốn bay ngang New York, dù chỉ một giây, không bao giờ.
Cửa sổ căn hộ tôi vuông góc với cửa sổ một căn hộ khác. Mỗi tối, tôi thấy tay hàng xóm đứng trong bếp, dưới ngọn đèn vàng, rửa chén, và y cũng thấy tôi, đứng trong bếp, dưới ngọn đèn vàng, rửa chén. Hai cửa sổ gần nhau đến nỗi nếu thò đầu ra, hoàn toàn có thể trò chuyện với nhau, nhưng chúng tôi đã không làm điều đó.
Tay hàng xóm của tôi là một gã dễ thương, bình thường, nhưng lý do chúng tôi không nói chuyện với nhau, ngay cả trong hành lang, là vì y không nói được tiếng Anh.
Ðáp lại tất cả những cố gắng đàm thoại của tôi, y chỉ đáp “Yes, Yes” rồi nhanh chóng lảng đi.
Thấy y trong hành lang, tôi hỏi: “Khỏe không ông bạn?”. Y đáp “Yes, Yes” rồi nhanh chóng lảng đi.
Nếu tôi hỏi: “Uống chút bia không ông bạn?”, y cũng sẽ trả lời “Yes, Yes” rồi nhanh chóng lảng đi.
Thảng hoặc y nói một câu gì đó bằng tiếng Anh, tôi có cảm tưởng y tập câu đó cả tuần trong đầu trước khi mở miệng.
Tay này chắc dân nước ngoài, mặc dù tôi không đoán được y đến từ nước nào. Có lẽ từ phía Nam. Có lẽ từ phía Tây. Hay từ phía Bắc. Có thể y không phải dân nước ngoài– có thể y sinh đẻ ở New York–nhưng không chịu học tiếng Anh. Có thể y bị bệnh đần, có thể y là hoàng tử ngoại quốc, tôi chịu không nghĩ ra.
Thật ra y rất cố gắng học tiếng Anh. Ðó là lý do vì sao tôi vẫn còn nhớ y.
Cách học tiếng Anh của y, tuy vậy, hơi bất thường. Lúc đầu tôi chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Một tối, khoảng 6 hay 7 giờ, sau bữa ăn, tôi nghe tiếng y la lớn, lặp đi lặp lại: “giết người hay tự tự”, “giết người hay tự tử”. Tôi nhìn thấy y ngồi ở bàn ăn trong bếp, đọc to những từ trên, rồi lặp đi lặp lại: “Ðâu là chỗ nguy hiểm nhất trên thế giới”.
Chẳng mấy chốc, tôi nhận ra điều mà y đang làm là đọc một mẩu chuyện từ tờ báo lá cải New York. Y có cách riêng. Tên đần, hay vị hoàng tử ngoại quốc này, tỏ ra rất nguyên tắc. Vị hoàng tử đần ngoại quốc bắt đầu câu chuyện: “Một du khách đã bị đâm chết trong Central Park tối qua”.
Rồi y dừng lại tra tự điển những từ mới. (Thậm chí đến giờ tôi vẫn còn nghe tiếng lật sách sột soạt). Vì chẳng biết được mấy từ, y gần như phải tra tự điển tất cả.
Rồi y đọc từng từ rõ to cho chính y (và cho cả tôi, nằm trên giường cách y chỉ vài thước, đang cố dỗ giấc ngủ). Y la to: “Một! Một! Một! Một! Một!”
Rồi thì “Du khách! Du khách! Du khách! Du khách! Du khách!”
Rồi thì: “Ðã! Ðã! Ðã! Ðã! Ðã!”
Rồi thì: “Bị đâm! Bị đâm! Bị đâm! Bị đâm! Bị đâm!”
Rồi thì: “Ðến! Ðến! Ðến! Ðến! Ðến!”
Rồi thì: “Chết! Chết! Chết! Chết! Chết!”
Vân vân.
Ðể phát âm đúng giọng và tự nhiên, y cũng lặp đi lặp lại nguyên câu nhiều lần: một du khách đã bị đâm đến chết trong central park tối qua.
một du khách đã bị đâm đến chết trong central park tối qua.
một du khách đã bị đâm đến chết trong central park tối qua.
Rồi y chuyển sang câu kế tiếp: “thân thể bị đâm nát của nạn nhân được phát hiện bởi một người chạy bộ sáng nay”.
Toàn bộ quá trình trên được lặp lại, từ này sang từ khác, câu này sang câu khác, đến tận đêm khuya, đôi khi đến sáng.
Đích danh
Trong danh bạ điện thoại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đếm 35 Nguyễn Thị Hoa, 24 Nguyễn Văn Trung, 3 Hồ Xuân Hương, 6 Võ Thị Sáu, 2 Lý Tự Trọng, 15 Phạm Quỳnh và 4 Nguyễn Ái Quốc. Trong số Phạm Quỳnh, 5 người thường tô môi, diện váy. Tôi cũng phát giác được 2 kẻ đã thỉnh tên cúng cơm của tôi về nhà. Một thằng ở quận 5, chắc người Hoa. Một thằng định cư ở Gò Vấp, gần ngã 5 chuồng chó. Thỉnh thoảng tôi cũng tải vợ đến đó để húp bún riêu. Mỗi người là một cá thể dị thường, tôi ngẫm, lạ đời và kỳ cục. Một thằng Ðinh Linh đã quá đủ, thậm chí thừa. Ai đi bán muối thì không thể chuộc tên mình, nhưng tôi thì chưa vội chuồn xuống đất mẹ, lộm cộm thành kiến, cứt hóa đá và mìn cá nhân. Mỗi sáng, tôi vẫn thở ra, hít vào. Mỗi chiều tôi vẫn vặn ti-vi lên để xem chúng hả họng cười, lải nhải, vuốt và giết nhau. Chiều nay mưa lớn, nước thăng đến đáy quần và đỉnh váy, xe kẹt ngổn ngang, nhưng tôi phải vác mặt đến tận nhà 2 kẻ mạo danh tôi để đòi lại tên mình.
“Ông đi đâu?”
“Tôi đi đòi lại tên mình.”
“Mấy thằng?”
“Hai thằng.”
“Ông nhớ dòm kỹ đối thủ.”
“Bà nói gì?”
“Tôi bảo thằng nào vạm vỡ, ông tha cho nó.”
“Bà khỏi lo, tôi đai nâu!”
“Ðừng về trễ nhé!”
ĐINH LINH – Phan Nhiên Hạo dịch
Nguyên bản tiếng Anh “Murder or Suicide”,
in trong tập Blood and Soap, Linh Dinh, New York: Seven Stories Press, 2004.