Menu Close

Khép đùi

Ðó một buổi chiều gần giáp Tết, ông bỗng thấy nhớ nàng da diết. Họ chia tay nhau đã 3 năm và hoàn toàn cắt đứt mọi liên hệ. Mà hình như nàng cũng đã rời thành phố này từ ngày đó.

Ông chạy xe qua những ngã đường đã từng cùng nhau qua, thấy lòng chùng xuống như thời trai trẻ khi nhớ một bóng dáng. “Em rất ít đi con đường này?”, “Tại sao vậy?”, “Vì nó quá nhiều cửa hàng thời trang, em sợ mình sẽ bước vô dù không còn tiền”.

Ông rẽ phải khi đến ngã tư. Thành phố này chỉ tương đối vắng vẻ trong những ngày này. Có cảm giác hơn một nửa dân số Sài Gòn đã về quê hay đi đâu đó. Bất chợt tay thắng vô thức làm chiếc xe chậm lại. Ông vừa nhác thấy một bóng hình, chính xác hơn là một dáng ngồi quen thuộc. Chiếc xe máy đã vượt qua. Ðó hình như là một cửa hàng. Ông quay đầu xe lại. Gần đó là một khoảng rộng trước sân một trường học. Ông dừng xe và nhìn qua phía đối diện. Ðúng vậy, dáng ngồi rất quen, chiếc váy hoa dài cũng quen. Lần đầu tiên ông gặp Thu nàng đã ngồi như vậy. Hai đùi hơi khép lại, hai bàn tay nhỏ đặt vào nhau để giữa hai đầu gối. Mắt nhìn ra xa như đang trông ngóng điều gì. Nó như một phiên bản của bức tranh Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Tình yêu của nhân loại có thể bắt đầu từ nhiều lý do, chuyện của ông và nàng là từ cái dáng ngồi.

Little Thuy

Em Thúy (Little Thuy), Oil, (1943) – Trần Văn Cẩn

Bên kia đường như linh tính có người quan sát mình, cô gái nhoẻn cười gật đầu với ông. Giờ ông mới để ý đến bên trong cửa hàng, thì ra nó là một tiệm hớt tóc bình dân. Chẳng hiểu sao, ông bật xi nhan, băng qua đường. Thấy có khách, cô gái đứng lên đón. Khi ông dựng xe sát bên trong, cô bước vào, lấy ra một sợi xích khóa bánh xe lại. Ông hơi ngạc nhiên với hành động cẩn thận đó nhưng không nói gì. Cô gái hỏi “Anh hớt tóc?”, ông gật đầu, bước vào tiệm, ngồi lên chiếc ghế hớt tóc cũ bọc da giả màu đen. Cô gái chuẩn bị đồ nghề, sửa nhẹ vai ông và hỏi: “Anh có gội đầu không?”, ông nói không, chỉ hớt tóc cạo râu sơ qua. Cô gái không nói gì, quay lưng về phía ông cầm lên chiếc kéo.

Giờ ông mới nhìn kỹ cô. Cô có vẻ cũng bằng tuổi Thu, nhưng thấp hơn nàng và khuôn mặt khác hẳn vì nó bầu bĩnh. Nhìn cô khá chơn chất. Tiệm hớt tóc đơn sơ, chỉ một chiếc ghế dành cho khách, một chiếc ghế nhựa sát tường, phía sau được ngăn bởi một tấm màn vải hoa cũ…

Không hỏi ông gì thêm, cô gái bắt đầu dùng kéo tỉa dần trên mái tóc phía trước trán. Chiều đã tàn. Ðèn đường đã bật sáng từ lâu. Cái kính lớn trước mặt phản chiếu dòng xe thưa thớt. Cô gái dùng kéo xén ngang chỗ tóc mai, hỏi ông: “Anh muốn cắt ngắn hơn không?”, ông nói “Vậy được rồi” vì thật ra không quan tâm đến đầu tóc mình lắm. “Lát em cạo mặt và ráy tai cho anh nha”. “Ừ, được”.

Khi cô gái chuẩn bị dao cạo ông nhìn phía sau người cô. Vòng hông cô khá lớn nên nhìn gợi cảm, kiểu phụ nữ dễ sinh con. Ông nhớ Thu từng nói muốn có con cùng ông.

“Bác sĩ nói là anh sẽ sống không hơn vài năm nữa, anh không lấy em đâu”.

“Thì ít nhất em cũng có vài năm bên anh, đừng bỏ em”.

“Không được, em còn trẻ, em có biết nếu anh mất đi, khoảng đời phía sau là dài lắm hay không”.

Vài năm? Ba năm? Năm năm… Có lẽ bọn lang băm đó đã nói sai. Dù sao nàng cũng đã biến mất. Những nơi nàng từng ở, từng học, từng làm việc đã không còn dấu vết nào.

Cô gái xoa kem cạo mặt, bàn tay cô khá êm ái, khuôn ngực cô gần sát bên mắt ông…

Bỗng nhiên ông nhớ có lần tình cờ rơi vào một cuộc nhậu có mặt một nhà văn tạm gọi là X. Ông ta chừng 70, đã qua cuộc “chiến tranh chống Mỹ” nhưng vẫn còn phong độ, rượu vào đọc thơ sang sảng. Nhóm bạn nâng ly, hỏi nhà văn X: “Anh kể cho bọn em nghe vì sao đưa được em Z lên giường đi, con bé xinh vậy mà, anh tài thật”.

X. cười văng nước bọt: “Haha, tao nói vài năm nữa mụ vợ tao chết, tao sẽ cưới nó. Mà vợ tao toàn xài sâm Cao Ly, thực phẩm Nhật, thuốc bổ Mỹ có mà… 100 năm còn chưa chết”.

Cả bọn cười hô hố: “Rồi sao nữa anh, nó tin à?”

“Sau đó nó tự nạp mạng. Nhưng cũng 40 rồi, mấy lửa rồi, không ngon như nhìn đâu”.

“Nhưng sao nghe nói anh bỏ nó?”

“À, tại nó cứ khép đùi!”

“Nghĩa là sao?”, bọn bạn anh lại cười hô hố để cổ vũ.

“Sao giăng gì, gái trốn chồng mà làm như chính chuyên. Vô khách sạn cứ giả vờ khép đùi dù đã tồng ngồng, lần đầu thì còn thông cảm, lần sau mệt thấy mẹ, hết hứng!”. Cả bàn nhậu cười vang.

Cạo hết một bên mặt thì điện thoại cô gái để trên quầy vang lên. Cô nói “Xin lỗi, em nghe điện thoại”, nhưng đứng ngay đó nói chuyện. Ông nghe rõ tiếng một cậu con trai “Chị, về chưa, em đứng ngay bên cổng trường” “Chưa, chị có khách chưa xong, xong em đã chạy qua”.

Cô tắt điện thoại, nói với ông “Em trai em, nó đến rước em”.

“Em không về quê ăn Tết?”

“Dạ không. Quê em xa lắm, về rồi cũng phải vô vì em trai em không được nghỉ lâu”.

Rồi cô lại cạo mặt, sau đó ráy tai và kể cho ông nghe mình vô đây ở cùng em trai và nó đang học đại học tại Thủ Ðức, trước kia cô làm công nhân may nhưng sau lương thấp quá nên theo bạn bè đi hớt tóc nam, tiệm này không phải của cô mà là của một người anh họ, ngày Tết anh ta về quê, cho cô mượn vài tuần và cô ra trông tiệm kiếm thêm chút tiền.

Cô ngừng ráy tai, chồm qua người ông cất dụng cụ, bộ ngực cô như cố tình ấn vào vai ông. Cô thì thầm “Anh có muốn thư giãn không?”

Ông gần như bật dậy trên ghế, nhìn cô “Em nói sao?”

Cô gái có vẻ bối rối: “Nếu anh muốn thư giãn với em thì vô bên trong…”

“Em trai em đang đợi mà, mà em cũng làm chuyện này?”.

“Thư giãn” tại tiệm hớt tóc thì tại thành phố này đầy rẫy, nó là từ lóng ám chỉ những hành vi tính dục giữa khách và các cô gái bán buôn tình dục dưới danh nghĩa hớt tóc, nhưng ở một cái tiệm đơn sơ như vậy, cô gái nhìn cũng không phải những cô môi đỏ váy ngắn kia mà mời gọi “thư giãn” đã làm ông ngạc nhiên.

Thấy khách tỏ ý bất ngờ, cô gái có vẻ thẹn. Cô đứng im, không nhìn ông mà nhìn xuống chân mình. Ông nghĩ đến cậu em trai sinh viên của cô vẫn đang đợi bên kia đường, rồi đưa tay vào túi, lấy ra một tờ giấy bạc, dịu dàng để vào tay cô “Em giữ lấy, khỏi thối, chỉ là hôm nay anh không có nhu cầu”.

NDB