Menu Close

Từ Bến Nghé Tới Sài Gòn – Trần Nhật Vy

Năm 1698 Kinh Lược Sứ Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn ủy nhiệm vào Nam để lấy đất Nông Nại đặt thành phủ Gia Ðịnh, rồi lập xứ Sài Gòn, đặt huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Từ đó Sài Gòn trở thành trung tâm hành chánh, văn hóa, kinh tế, thương mại quan trọng, đến nay đã hơn ba thế kỷ. Vì lẽ đó cách đây 17 năm, vào năm 1998, người Bến Nghé xưa đã vui vẻ ăn mừng sinh nhật ba trăm tuổi của Sài Gòn. Vào thời Nguyễn Hữu Cảnh, Sài Gòn đã có phố thị Bến Nghé, ban đầu là tên của bến sông nằm ở ngã ba, nơi giòng kinh Chợ Lớn đổ ra sông Sài Gòn. Sau đó giòng kinh Chợ Lớn lại được gọi là giòng kinh Bến Nghé. Trong thế kỷ 18 và thế kỷ 19, dân gian thường dùng tên gọi Bến Nghé để chỉ Thành Gia Ðịnh, hoặc cả vùng Sài Gòn nói chung.

Trước đây tập biên khảo “Sài Gòn Năm Xưa” của tác giả Vương Hồng Sển xuất bản trước năm 1975, tái bản năm 1994, và quyển “Người Sài Gòn Thuở Ấy” của Sơn Nam, xuất bản năm 1998, là hai tác phẩm cung cấp cho người đọc những hình ảnh về Gia Ðịnh, Bến Nghé, Nhà Bè, Chợ Lớn, Sài Gòn, một vùng đất văn minh vừa thị thành vừa sông biển, và phát triển về thương mại rất sớm. Năm nay “Từ Bến Nghé Tới Sài Gòn” của Trần Nhật Vy xuất hiện, cũng là một tư liệu đặc biệt giúp những ai muốn nhìn lại chân dung của Sài Gòn xưa và nay.

“Từ Bến Nghé Tới Sài Gòn” dày 387 trang, do nhà xuất bản Văn Hóa-Văn Nghệ phát hành, chia thành 31 mục nhỏ, gồm có “Lời Nói Ðầu, Sự Hình Thành Bến Nghé, Công Nữ Ngọc Vạn, Kinh Bao Ngạn Và Dự Án Quy Hoạch Sài Gòn Của Coffyn, Thành Phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Thành Phụng Ở Chỗ Nào, Ðại Ðồn Chí Hòa Ở Ðâu, Phóng Tuyến Các Chùa Của Quân Pháp, Thực Dân Pháp Chuẩn Bị Tấn Công Ðại Ðồn Chí Hòa Và Phòng Tuyến Các Chùa Của Quân Pháp, Vì Sao Pháp Tấn Công Ðược Ðại Ðồn Chí Hòa, Mả Ngụy, Những “Ngôi Nhà” Ðầu Tiên, Dinh Norodom , Dinh Ðộc Lập, Nhà Thờ Ðức Bà -Vương Cung Thánh Ðường, Những Ngôi Chùa Trong Trí Nhớ, Nước Và Cấp Nước, Nước Ðá Tới Sài Gòn Lúc Nào…”

Trong Lời Mở Ðầu, tác giả Trần Nhật Vy viết: “ Tôi cũng phát hiện ra một số điều lạ là dù mang tên gì, Gia Ðịnh, Bến Nghé, Phiên An, Sài Gòn…, thì Sài Gòn vẫn cứ là Sài Gòn, vẫn là nơi thu hút mọi người khắp mọi miền về đây tụ hội làm ăn, sinh sống. Nơi đây, ngoài những con đường mang tên những người con của Sài Gòn, còn mang tên của nhiều người sanh ra và lớn lên ở vùng đất khác, nhưng nặng lòng với Sài Gòn…Người Sài Gòn chính tông không chỉ biết học hành, làm ăn, giỏi ăn chơi, mà còn vì “thương người xa xứ lạc loài tới đây. Tới đây thì ở lại đây, chừng nào bén rễ quen cây rồi hãy dìa…” Phải chăng lòng nhân nghĩa và hào hiệp sẵn sàng chia sẻ, cảm thông, luôn dang tay chào đón khách thập phương của người Sài Gòn đã làm nên điều đó? …”

Tác giả Trần Nhật Vy tên thật là Nguyễn Hữu Vang, sinh năm 1956 tại thị xã Cao Lãnh, Ðồng Tháp. Ngoài “Từ Bến Nghé Tới Sài Gòn,” những tác phẩm tiêu biểu của ông còn có “Khúc Ðạo Ðầu, Ðô La, Huyền Thoại Một Giòng Thác, Mẹ, Mười Tám Thôn Vườn Trầu, Chữ Quốc Ngữ…”

Những người sinh trưởng tại Sài Gòn, đọc “Từ Bến Nghé Tới Sài Gòn” sẽ cảm nhận phong vị quê hương, sẽ hiểu vì sao Sài Gòn được gọi là Bến Nghé, có tên chữ văn chương là Ngưu Tân, Ngưu Chữ.

sach trannhatvy

HNP – 3:40pm Thứ Sáu ngày 03 tháng 12 năm 2015