Trong khi những bộ tộc sơ khai sống tại rừng rậm Amazon, Brazil nổi tiếng ở Nam Mỹ ngày nay đang tiếp cận văn minh của con người, cuộc sống họ dần trở nên bình thường, thì bộ tộc Korowai ở khu rừng nhiệt đới Nam Thái Bình Dương vẫn còn sống theo kiểu nguyên thủy. Con người bộ tộc này chưa bao giờ biết đến quần áo, nhà cửa với tiện nghi tối thiểu, hay được ăn những loại thực phẩm làm ra từ lúa gạo.
Bộ tộc Korowai ở New Guinea thích cất nhà trên ngọn cây để ngắm nhìn chim bay và những ngọn núi xa mờ – Ảnh: George Steinmetz/Daily Mail
Lần đầu tiên, một số ít người Korowai được các nhà truyền giáo Hà Lan tiếp xúc cách nay gần bốn mươi năm. Trong thời gian này, các Cha đạo đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, giúp đỡ để đưa họ tiếp cận với cuộc sống đời thường của con người văn minh nhưng hoàn toàn thất bại. Người Korowai lấy thiên nhiên làm nhà, sống ẩn náu trong rừng sâu rậm rạp, cất chòi trên ngọn cây cao như những tổ chim để tránh thú dữ và con người từ các bộ tộc tiến bộ lân cận và người da trắng đang tìm cách mang đến cho họ cuộc sống đàng hoàng, thoát khỏi thời ăn lông ở lỗ.
Một thổ dân Korowai tìm được thân cây chính làm cột nhà – Ảnh: George Stainmetz/Daily Mail
Sau nhiều lần gặp gỡ, các Cha đạo Hà Lan vẫn không tiếp cận được và có thể thân thiện với người Korowai mà phải nhờ sự giúp đỡ của một người tù trưởng thuộc một trong 250 bộ tộc sống trên quần đảo Papua New Guinea. Tộc trưởng Korowai cho biết, hàng trăm năm nay họ chưa bao giờ thấy thế giới kỳ lạ của con người sống giữa trời đất lại che kín cơ thể đến khó chịu. Chưa bao giờ họ rời xa khu rừng chằng chịt cây xanh để đến bờ biển xanh mà một số người của họ không phải không biết nơi đó sau những lần tìm đến bắt cá vì trận cháy rừng mười năm trước làm thiếu thực phẩm. Nhưng họ không thể di chuyển chỗ ở muôn đời cha ông sống giữa thiên nhiên. Họ thích sống trên cao, nhìn rừng xanh vô tận mà bên dưới; ở phía xa kia là một thế giới đầy nguy hiểm đối với họ.
Nhà của người Korowai cất trên ngọn cây cao có khi ba bốn chục mét – Ảnh: Paul Raffaele/Rex
Đối với người thế giới bên ngoài có thể xem khu rừng già nguyên thủy họ đang sống là một địa ngục. Mưa rừng ở nơi này cũng kỳ lạ, cao hơn những nơi khác gấp trăm lần, mưa liên miên gây lũ từ tháng 10 đến tháng 12. Chính vì thế, mưa đã tạo cho khu rừng nhiệt đới thành cái lồng kính vĩ đại, cây cỏ tha hồ mọc, không có lối đi. Đâu đâu cũng là rừng bí hiểm đầy đe dọa. Người Korowai đã khéo léo biến cái địa ngục xanh đó thành một lãnh địa riêng bất khả xâm phạm. Những người lạ mặt không thể đột nhập dễ dàng vào nơi rừng thiêng cho dù là có thiện ý muốn giúp đỡ họ có cuộc sống tốt hơn. Người Korowai không cần gì cả, thiên nhiên cho họ tất cả thứ họ cần và họ cũng chẳng cần nhiều của cải. Người lạ mặt mon men đến đây luôn là điều cấm kỵ với bộ tộc Korowai. Nỗi sợ duy nhất của bộ tộc này là sự xâm chiếm của con người hiện đại, họ sợ bị cướp đất của tổ tiên bao đời. Cho nên họ sẽ giết ngay những người không mời mà đến. Bởi thế, cho đến ngày nay, Korowai vẫn còn là một bộ tộc đầy bí ẩn.
Người Korowai sống rải rác trong những cánh rừng già trên một diện tích ước chừng 3,500 cây số vuông với số dân khoảng 4,000. Một cuộc sống thật lặng lẽ nhưng bù lại họ sống tập trung theo dòng tộc. Họ chia nhau những nơi có cây cao lâu năm để cất nhà sống theo từng gia đình ba bốn thế hệ. Nhà cất vắt vẻo trên ngọn cây cao, đàn ông khai hoang mảnh rừng chung quanh bằng rìu đá để lấy đất làm vườn trồng khoai sọ, chuối, thốt nốt lấy bột nấu ăn hằng ngày. Phụ nữ lo việc trồng trọt, đàn ông săn bắt thú hoang có sẵn trong rừng từ heo rừng cho đến chuột.
Một thổ dân cõng con heo rừng vô nhà bằng cách leo lên những bậc thang đẽo từ thân cây – Ảnh: Paul Raffaele/Rex
Rừng già âm u chằng chịt nơi người Korowai sinh sống lại là một kho báu thực phẩm dồi dào về các loại rau củ tươi xanh. Dưa chuột rừng, long nhãn, mít hoang mọc đầy trái. Thú vật không thiếu heo rừng, nai, gấu, chuột, dơi, rắn… Nói chung đàn ông Korowai săn bắt tất cả những con vật nào trong tầm cung tên hay gài bẫy bằng cách đào hầm. Loài chim đà điểu đầu màu (casoar) có nhiều trên quần đảo Papua New Guinea là nguồn thức ăn phong phú được thổ dân Korowai bắt một cách dễ dàng chỉ bằng một sợi dây giăng ngang hai thân cây. Con chim bị xua đuổi, chúng cắm đầu cắm cổ chạy với tốc độ nhanh bị vướng vào dây sẽ bị gãy cổ. Tuy nhiên, trong bộ tộc Korowai lại có nhiều dòng tộc khác nhau. Mỗi dòng tộc lại tôn thờ một con vật xem là vật tổ. Cho nên dòng tộc này lại ăn thịt chim casoar thì dòng tộc Giffanop lại không bao giờ đụng tới. Trái lại heo rừng không có tên trong vật tổ nên dòng tộc nào cũng ăn và xem đó là một món quà quý thết khách.
Bộ tộc Korowai không bao giờ biết đến thứ quần áo mặc trên người – Ảnh: Alamy/Daily Mail
Điều mà các nhà nghiên cứu dân tộc cho rằng, người Korowai sống trên những ngọn cây do họ sợ thế giới con người chung quanh là có căn cứ trên các sử liệu. Cuộc sống của bộ tộc Korowai tuy là điều bất thường với người bình thường nhưng lại rất lãng mạn theo cách suy nghĩ của họ. Tù trưởng Korowai bảo rằng họ cất nhà trên ngọn cây để… ngắm chim bay và những ngọn núi xa xa. Ngồi trên căn chòi tranh tre họ cũng uống rượu, ca múa và thả hồn về với thiên nhiên. Và đặc biệt đây là tục lệ muôn đời của bộ tộc. Sống trên ngọn cây để thoát khỏi những tên phù thủy ẩn náu trong rừng sâu luôn tìm cách quấy phá hay tấn công bất ngờ bắt dân làng ăn thịt. Những tên phù thủy, tộc trưởng nhắc đến chính là những bộ tộc mạnh hơn thường hay đi xâm lấn đất đai theo quy luật tự nhiên đấu tranh sinh tồn giữa kẻ mạnh và kẻ yếu.
Nhưng cất một căn nhà ở độ cao ba bốn chục mét là điều không dễ dàng. Gia trưởng phải kêu gọi bạn bè, láng giềng cùng nhau hợp sức. Đầu tiên là phải tìm ra một thân cây cao to, leo lên tỉa cành bằng chiếc rìu đá. Để tỉa được cành cây già to có khi mất đến mấy tháng trời mới dọn dẹp được phần thân chính làm trụ cột. Trong khi đó, những người khác vào rừng tìm đốn những thân cây dài thẳng để chuẩn bị làm sàn nhà. Các cành cây làm sàn được chuyển lên cao theo một thân cây đẽo làm thang. Và cuối cùng các thân cây cột phụ được giàn giáo nối nhau cột chặt bằng vỏ cây thốt nốt phơi khô đánh bện. Có sàn nhà chắc chắn rồi, sau đó họ mới làm vách bằng các loại tre nứa chẻ ra và lợp mái bằng lá cọ khô. Kỹ thuật làm nhà của người Korowai thật đơn giản nhưng rất chắc chắn, gió mạnh cũng không thể thổi tung cái nhà trên ngọn cây cao.
Phụ nữ Korowai địu con – Ảnh: Alamy/Daily Mail
Sau khi cất xong nhà, tù trưởng làm “tân gia”. Cánh đàn ông vào rừng săn lợn mang lên nhà làm thịt để cúng trời. Những cành cây đan nhỏ được đan thành giàn bếp, đắp đất sét nung khô. Bếp nấu được đặt trên khoảng không khoét trên sàn và được cột chặt bằng dây vào bốn góc. Trong trường hợp nguy cơ gây cháy từ than củi đốt lò, người ta chỉ cần cắt dây treo buộc bốn góc, cái bếp sẽ rơi thẳng xuống đất. Cuộc sống tuy đơn điệu, nhưng vợ chồng người Korowai sinh hoạt có phòng riêng, có cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Con cái còn nhỏ ngủ chung với nhau trên sàn, cạnh bếp lò sưởi ấm khi tiết trời lạnh lẽo trong những tháng dài mưa giai tầm tã.
Heo rừng luôn là món quà lễ nghi trong tiệc cưới hỏi cho các đôi trai gái. Heo rừng được trao tặng cho nhau trong nghi thức hòa giải hiềm khích láng giềng. Nghi thức này được truyền miệng và lưu giữ từ đời này sang đời khác như một tập tục văn hóa. Người Korowai không có chữ viết giống như một số bộ tộc khác dùng những ký tự tượng hình. Ngôn ngữ của người Korowai là ngôn ngữ nói hoặc ra dấu mỗi khi hành động một việc gì. Những kiến thức sinh hoạt được truyền miệng giữa các thành viên gia đình quanh bếp lửa sau một ngày làm việc trên các mảnh vườn hay đi săn bắn trong rừng. Các thành viên quây quần bên bếp ăn, trò chuyện hay nghe những câu chuyện về dòng tộc. Tuy vậy những câu chuyện linh thiêng chỉ có các bậc trưởng thượng mới được quyền kể cho lớp hậu bối nghe. Đó là sự ra đời của thế giới.
Trong hệ tư tưởng của người Korowai, thế giới này gồm ba vòng tròn đồng tâm. Vòng trong cùng dành cho cây cỏ, súc vật và con người. Vòng kế tiếp là của bầu trời và những người chết. Đó là vương quốc được phân chia thành lãnh thổ, bộ tộc, đất nước giống như sự phân bố hình thành các quốc gia trong thế giới của con người hiện tại. Vòng ngoài cùng là đại dương, chứ không phải vũ trụ bao la mà con người đến nay vẫn còn đang khám phá. Người Korowai nghĩ đơn giản hơn. Đại dương là quyền lực siêu nhiên vô hạn, sẽ nuốt chửng thế giới lãnh địa, con người và súc vật khi đến ngày tận thế. Trong suy nghĩ của người Korowai tin sẽ có ngày tận thế hủy diệt trái đất này.
Đàn ông Korowai đi săn bắn tìm nguồn thực phẩm tươi sống – Ảnh: Alamy/Daily Mail
NL – Theo Netflix & Daily Mail