Xin chào luật sư Anh Thư. Tôi có người bạn ở Việt Nam muốn mua nhà tại Mỹ. Tôi có thể hỏi giúp bạn tôi về một số thông tin liên quan sau đây không?
1. Công dân Việt Nam, ở Việt Nam có thể mua nhà và trở thành sở hữu chủ nhà tại Mỹ không?
2.Nếu mua nhà thì bạn tôi có thể trả bằng cash không, hay bắt buộc phải thông qua tài khoản ngân hàng và có cần phải chứng minh tài chính không?
3. Tôi có đọc qua bài của văn phòng bạn ở báo Trẻ về Title và Deed, vậy khi mua nhà bạn tôi phải làm sao để tránh được mọi rủi ro sau khi mua nhà. (Xin luật sư có thể nói rõ từng bước khi bạn tôi bắt đầu tiến hành mua nhà không)?
4. Vì qua đây mua nhà theo diện du lịch nên sau khi hết thời gian phải quay về VN mới đặt cọc tiền, để kết thúc việc mua nhà có cần thiết phải có mặt tại Mỹ không hay bạn tôi có thể nhờ người quen hoàn thành nốt? (Bạn tôi vẫn là người đứng tên nhà).
5. Tiền thuế nhà hàng năm căn cứ theo yếu tố nào, có phải mỗi city một quy định không?
6. Tiền insurance nhà có bắt buộc phải mua không và nếu có thì tính thế nào.
Tôi rất mong nhận được hồi đáp của luật sư. Chân thành cảm ơn luật sư. Wendy Ngo.
Đáp
Chào bạn Wendy, dưới đây là câu trả lời cho những thắc mắc của bạn:
1.
Công dân Việt Nam, đang ở Việt Nam có thể mua nhà và trở thành sở hữu chủ nhà tại Mỹ. Tuy nhiên có những luật lệ của chính phủ, và những đòi hỏi của người bán (seller) cũng như công ty cho mượn tiền (mortgage company) như nhà băng của người bán hoặc của người mua (buyer) mà người mua nhà phải tuân theo để việc mua bán có thể hoàn tất.
2.
Trả tiền mua nhà bằng tiền mặt (cash) được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu bạn mua nhà mà không thông qua việc mượn tiền nhà băng, người bán nhà đồng ý việc nhận tiền mặt, và người bán nhà đã trả off căn nhà đó cũng như không bị ảnh hưởng bởi quyền thế chấp của bất cứ ai trong vấn đề chủ quyền căn nhà đó thì người mua và người bán có thể tự do thỏa thuận với nhau mọi vấn đề liên quan, miễn là hợp pháp.
Tuy nhiên nếu bạn phải mượn tiền nhà băng, người bán vẫn còn thiếu nợ nhà băng hoặc căn nhà bị thế chấp trong quá khứ, thì có thể nhà băng và những cá nhân hoặc cơ quan/công ty bị ảnh hưởng có thể đòi hỏi những thủ tục khác để tuân theo luật pháp hoặc bảo vệ quyền lợi của họ. Chẳng hạn bất cứ những hoạt động ngân hàng (banking activity) với số tiền trên $10,000 hoặc có tính cách mờ ám thì chính phủ bắt buộc nhà băng phải thông báo cho chính phủ biết ngay, và sở thuế đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc của tiền mặt hay một số tiền lớn mà không có chứng minh tài chính. Cá nhân có quyền thế chấp của căn nhà đó vì sợ chính phủ điều tra hồ sơ thuế của mình nên có thể không đồng ý việc mua bán nhà bằng tiền mặt.
3.
Sau khi tìm ra căn nhà mình muốn mua và người chủ đồng ý bán cho bạn, trước khi ký giấy tờ mua bán, bạn nhớ yêu cầu việc mua bán phải thông qua văn phòng Title, và chi phí trả cho văn phòng Title như thế nào. Có khi người bán trả hết, có khi người bán đồng ý trả một số tiền nhất định nào đó thôi, còn lại người mua phải trả, có khi người mua phải trả toàn bộ chi phí. Ðiều này do sự thỏa thuận của người mua và người bán và nên được viết ra rõ ràng trong hợp đồng giữa hai bên.
Khi mua nhà quí vị nên tìm đến một văn phòng Title uy tín để nhờ trợ giúp bảo vệ chủ quyền của căn nhà quí vị mua. Dù đó sẽ là một chi phí thêm vào nhưng cũng không đáng kể, để nếu có trường hợp trở ngại liên quan đến chủ quyền căn nhà, văn phòng Title sẽ giúp tìm ra và loại bỏ gần như hoàn toàn những trở ngại đó trước khi quí vị bỏ tiền ra mua căn nhà đó. Ðiều quí vị cần biết là: văn phòng Title chỉ là một doanh nghiệp đứng giữa mà quí vị thuê họ làm việc cho quí vị. Nếu văn phòng Title không phục vụ quí vị tận tâm, quí vị có thể thay đổi đến một văn phòng Title khác giúp quí vị tốt hơn. Tuy nhiên để việc thay đổi không gây đình trệ hoặc trở ngại với nhà băng thì quí vị nên thay đổi văn phòng Title càng sớm càng tốt. Ngoài ra, không gì tốt hơn là tìm một văn phòng Title có luật sư để quí vị có thể hỏi ngay những thắc mắc về luật pháp liên quan đến việc mua bán bất động sản của quí vị. Ðây là điều quan trọng cho quyền lợi của người mua nhà.
4.
Nếu người mua nhà qua Mỹ theo diện du lịch, nhưng trước khi làm giấy tờ thì phải quay về VN mới đặt cọc tiền: điều này, thứ nhất tùy thuộc vào người bán có đồng ý chờ người mua trong vấn đề tiền đặt cọc hay không. Sau đó mọi thủ tục còn lại luật sư có thể giúp quí vị làm giấy tờ để người quen đứng ra đại diện mua và hoàn tất mọi giấy tờ mua bán mà chủ quyền căn nhà vẫn thuộc về người mua ở VN.
Quan trọng là người mua nhà và người đại diện nên lấy hẹn tham khảo với một luật sư và nhờ luật sư đó làm giấy tờ hợp pháp cho việc cử người đại diện cũng như để được bảo vệ quyền lợi cho người mua.
5.
Tiền thuế nhà (property tax) dựa vào nhiều yếu tố do chính quyền địa phương đưa ra. Chính quyền địa phương ở đây là thành phố (city) và quận hạt (county). Một vài yếu tố điển hình là chi phí trường học, bệnh viện, đường sá, cầu cống, hạ tầng cơ sở, ngân khoản chi tiêu hàng năm của cơ quan chính phủ vùng đó, tổng dân số địa phương. Có những nơi vì là thành phố nhỏ họ muốn khuyến khích phát triển dân cư nên thu tiền thuế nhà rất thấp để thu hút người tìm đến. Nhưng cũng có khi dù là một thành phố nhỏ, nhưng hệ thống trường tốt và họ muốn duy trì một ngân khoản lớn tiếp tục phát triển và đầu tư vào giáo dục nên có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến việc tiền thuế nhà cao hơn những vùng khác. Do đó tiền thuế nhà hằng năm là do chính quyền địa phương quyết định. Quí vị có thể đòi hỏi người bán cung cấp giấy thuế của hai năm trước mà không nên tin vào sự bảo đảm miệng của người bán nhà vì sau khi quí vị đã trao tiền cho họ nếu bị trở ngại sẽ rất khó lấy tiền lại. Văn phòng Title có thể giúp quí vị tìm ra những thế chấp nợ nần (bao gồm cả tiền thiếu nợ thuế nhà của chủ trước) và những gì liên quan đến chủ quyền căn nhà đó.
6.
Có hai loại bảo hiểm, cần quan tâm sau khi làm chủ căn nhà: bảo hiểm nhà (homeowners insurance) và bảo hiểm vật dụng/trang thiết bị trong nhà như: bếp, máy lạnh/máy sưởi (home warranty insurance)… Luật pháp không bắt buộc quí vị phải mua hai loại bảo hiểm này cả, tuy nhiên nếu quí vị mượn tiền nhà băng hoặc cá nhân thì người cho mượn tiền có thể bắt buộc quí vị mua bảo hiểm nhà (homeowners insurance) để bảo vệ quyền lợi của họ trong trường hợp bất trắc xảy ra như hỏa hoạn hoặc hư hại mái nhà liên quan đến bão, hệ thống nước, v.v… Giá cả của các loại bảo hiểm này tùy thuộc ở nhiều yếu tố, sự cạnh tranh của mỗi công ty bảo hiểm, quá trình tín dụng của quí vị (credit history), và sự bảo hành nhiều hay ít mà quí vị muốn, v.v…
AT
Những câu hỏi kỳ tới:
1. Tôi và con gái có ký hợp đồng mướn tiệm nail cho 3 năm, nhưng sau 6 tháng làm ăn quá lỗ mà tiền chi phí mướn quá cao tôi không thể tiếp tục trả, tôi phải làm sao đây? Chúng tôi có thể bỏ hợp đồng (cancel contract) hoặc bỏ ngang không thông báo với người chủ, có bị gì không?
2. Em là thường trú nhân (có thẻ xanh) nhưng bị thâu hồi thẻ xanh vì bị liên hệ đến tội hình sự, sau đó cơ quan di trú làm giấy tờ để trục xuất nhưng không thể hoàn tất vì chính quyền VN từ chối nhận. Em có thể xin giấy đi làm hợp pháp không?
Arthurine Kamphaus, M.B.A., J.D.
(Ls. Anh-Thư)
Attorney-at-Law
1140 E. Pioneer Pkwy Ste. 300 Arlington, TX 76010
Cell: 623-341-8835 I Fax: 817-394-0505
arthurinek@gmail.com