Mấy năm 1976-1980, chúng tôi có dịp đi qua vài vùng thuộc tỉnh Chương Thiện như làng Hỏa Lựu, Cầu Ðúc Cái Sình, Kinh Năm, ngã ba Nước Trong…, thì nhà cửa vùng này không giàu có như ở sông Láng Thé (Càng Long, Trà Vinh) nhưng cũng có điểm gần giống Trà Vinh là nhà cửa cách xa bờ sông vài công đất, đi ghe xuồng dưới sông thường không thấy nóc nhà vì nhà nhỏ lại khuất sau những rừng dừa nước rậm rạp dọc theo bờ sông chạy dài xuống miệt U Minh. Hồi mấy năm ấy, dường như nhà nào ở vùng này cũng lợp lá, ít thấy nhà ngói, nhà tường; mỗi khi có dịp ghé vô nhà nào thì thấy sau nhà là rẫy khóm chạy mút mắt, những cây bình bát mọc rải rác ở mé rừng, ít ai trồng cây ăn trái ngoại trừ vài nhà có trồng mãng cầu gai tháp với gốc bình bát có trái rất lớn.
Một ngôi nhà ngói nền đất xưa bên vườn sao cao vút vùng Cái Dầu (Lấp Vò). HÌNH TRẦN NHIẾP
Còn như vùng nước ngập sâu vào tháng Chín, tháng Mười âm lịch ở miệt Vĩnh Hội Ðông (An Phú) mà lại bị một vài trận mưa dông lớn với gió chướng nữa thì nhà cửa gần như muốn tốc nóc và người ta vẫn phải ở những nơi đầu sóng ngọn gió ấy…
Nhắc lại vài kiểu nhà xưa vùng sông rạch không thể không nhắc loại nhà bè trên sông. Hồi đời trước cách nay gần cả trăm năm cũng đã có loại nhà bè này rồi. Trong bút ký của nhà văn Nguyễn Hiến Lê có ghi lại loại nhà bè này nơi vùng Chợ Thủ (Chợ Mới, Long Xuyên) hồi những năm thập niên 1940-1950:
Nhà nền đất của HT. HÌNH TRẦN NHIẾP
“Tôi rất tiếc không có thì giờ dắt anh đi thăm Chợ Thủ. Miền ấy đất giàu mà cảnh đẹp. Dưới sông, nhà bè chen chúc nhau thành một làng nổi. Sát bờ nước là những vườn dâu xanh ngắt, hoặc những vườn trái cây um tùm trồng dừa, xa-bô-ti, quýt, chuối… Rồi tới một con đường trải đá, suốt ngày xe cộ dập dìu. Hai bên đường nhà sàn san sát, nhìn vào thấy những khung cửi, những quan tơ vàng nuỗn và những cô thợ dệt xinh xắn. (Một quan tơ nặng một kí-lô rưỡi, đủ dệt một hai cây vải)(5)
Vài nhà sàn trên mặt nước vào mùa nước ngập trên cánh đồng thuộc làng Vĩnh Hội Đông, An Phú (Châu Đốc). HÌNH THÁI LÝ CHỤP
Ngày nay, loại nhà bè này nhiều nhứt là các bến sông vùng chợ Châu Ðốc, Long Xuyên và các vùng chợ búa sung túc khác mà trên bờ không có chỗ cất nhà người ta làm bè và cất nhà trên các bè ấy để ở và bán buôn luôn thể. Người giàu có tiền nhiều thì làm bè rồi cất nhà trên cái bè ấy đã đành, còn người ít vốn hơn thì làm nhà trên chiếc ghe. Loại ghe tam bản, ghe cui, ghe cà vom… làm nền cho những cái nhà trên ghe. Nhà trên ghe rồi cũng có lối ra vào, có mái hiên và có cả cây cảnh, bàn ông thiên như một cái nhà trên mặt đất vậy!
Nhà bè vùng Cồn Tiên, Châu Đốc với ruộng rau nhút trên một đầm rộng. HÌNH THÁI LÝ CHỤP
Qua vài kiểu nhà nơi các vùng sông rạch miền Tây cho ta có dịp nhìn lại đời sống cư dân nơi các làng quê ấy để thấy mỗi nơi có mỗi kiểu nhà khác biệt. Dù là nhà lá cột tre nền đất, nhà sàn lót ván trên đất khô hay trên mặt nước, nhà ngói vách bổ kho nơi các vùng giàu có hoặc nhà bè, nhà trên ghe nơi các bến sông … mỗi mỗi đều là tổ ấm của mỗi gia đình. Bởi lẽ bạn đi xa tới đâu, bạn làm bất cứ nghề gì rồi bạn cũng nhớ nhà và bạn cũng phải về nhà của bạn; đặc biệt vào những ngày Tết lại càng hối thúc bạn phải mau mau sớm trở về với mái nhà thân yêu của mình, bởi nơi đó, chẳng những là nơi bạn có chỗ ăn chỗ ở, chỗ ngủ chỗ nghỉ mà nó còn là mái ấm gia đình với biết bao kỷ niệm mà bạn không thể tìm được ở bất cứ nơi nào khác ngoài ngôi nhà của mình! Hơn thế nữa, nếu đó là ngôi nhà của các đấng sinh thành, nơi mà bạn đã được cha mẹ sanh ra và nuôi nấng mình cho tới ngày khôn lớn thì lại càng có nhiều kỷ niệm khắn khít, thiêng liêng hơn nữa! Dòng đời thì cứ trôi, trôi mãi theo thời gian, không biết đến khi nào thì ngừng lại; nhưng kẻ lữ hành khi đôi chân bắt đầu thấm mệt, lúc bấy giờ mái nhà là “bến bờ còn lại” sau cùng!
Làng nhà bè trên sông vùng Cồn Tiên, Châu Đốc. HÌNH THÁI LÝ CHỤP
Lấy ghe làm nhà trên kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc). HÌNH THÁI LÝ CHỤP
Lấy ghe làm nhà dưới chân núi Sam (Châu Đốc). HÌNH THÁI LÝ CHỤP
HT – Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 06 tháng 11 năm 2015
Cước chú:
5/ Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê (sđd), trang 98.