Menu Close

Dịch nhạc Asturias-leyenda

Dịch nhạc, có lẽ là một từ chưa có trong các từ điển tiếng Việt mặc dù không ít người dùng. Họ dùng với hàm ý dịch lời ca của bài hát sang ngôn ngữ khác. Chứ nhạc, như giai điệu cải lương, làm sao có thể dịch từ Việt sang Mỹ, chẳng hạn? Thực ra, trong âm nhạc, cũng có chuyện “dịch nhạc” nhưng không phải từ văn hóa này sang văn hóa kia. Người ta chỉ “dịch” một bản nhạc nguyên thủy cho nhạc cụ nào đấy sang một nhạc cụ khác. Hoặc “dịch” một bản hòa tấu (cho nhiều nhạc cụ) thành một bản nhạc độc tấu cho một nhạc cụ nào đấy. Công việc này được gọi là CHUYỂN SOẠN. Còn “chuyển soạn” một bản nhạc nguyên thủy để độc tấu thành hòa tấu thì gọi là viết (soạn) hòa âm. Dầu sao, từ CHUYỂN SOẠN nghe vẫn chung chung, không diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa của công việc này. Có lẽ nên dùng từ DỊCH, cho bản độc tấu dành cho Dương cầm: Asturias.

Ban đầu, nó không có tên, được ra đời trong niềm hoài hương của nhạc sĩ Isaac Albéniz. Ông sinh năm 1860 ở Tây Ban Nha rồi lập nghiệp tại Luân Ðôn. Tại xứ sở sương mù này, ông nổi bật là dương cầm thủ chuyên về hòa tấu và soạn nhạc kịch. Sống trong nỗi nhớ nhà, ông sáng tác nhiều bản độc tấu Dương cầm về quê hương: Andalucia, Aragon, Castile, Catalonia… Ðấy là những địa danh tiếng tăm về văn hóa nghệ thuật của đất nước nổi tiếng về đấu bò. Như Andalucia là cái nôi của flamenco, một đặc sản âm nhạc Tây Ban Nha. Nhạc khúc này ông viết vào năm 1890 và hai năm sau thì được nhà xuất bản Juan Pujol phát hành tại thành phố Barcelona, ở Tây Ban Nha. Nó được in cùng với hai nhạc khúc khác của ông trong tập nhạc mang tên Chants d’ Espagne (Những Bài Ca Về Tây Ban Nha). Sáu năm sau, tập nhạc này được tái bản và bổ sung thêm hai nhạc khúc khác nữa. Các nhạc khúc kia đều có tên, ngoại trừ nó chỉ được gọi chung chung là Prélude; tiếng Tây Ban Nha nghĩa là khúc nhạc dạo đầu. Như tên gọi, nó được đặt đầu tiên trong tập nhạc.

Vào Tháng Năm năm 1909, Albéniz qua đời. Khoảng ba năm sau, để tưởng nhớ ông, một nhà xuất bản ở Ðức là Hofmeister đã tái bản tập nhạc S, cũng được phát hành hồi ông còn sống. Tuy nhiên, lần tái bản này, Hofmeister đã ghép thêm một số nhạc khúc đã được phát hành ở các tập nhạc khác của ông, trong đó có Prélude từ Chants d’ Espagne. Có lẽ vì không hiểu rõ địa lý văn hóa Tây Ban Nha nên Ban biên tập của nhà xuất bản Hofmeister đã đặt cho bản Prélude “không tên”này là Asturias! Kể từ đó, trong giới dương cầm thủ, người ta biết đến bản độc tấu này qua cái tên… vô duyên ấy! Vô duyên là vì nó không dính dáng gì đến nhạc khúc này. Asturias là tên một vùng rừng núi phía Tây Bắc của Tây Ban Nha. Trong khi nhạc khúc này diễn tả vũ khúc flamenco nổi tiếng của vùng Andalucia, nằm dọc bờ biển phía Nam của Tây Ban Nha. Thực ra, cái tên chỉ là chuyện nhỏ. Ðiều quan trọng là phải hiểu nội dung của nó! Juan Pujol, người biên tập và xuất bản tập nhạc Chants d’ Espagne, vốn là thầy dạy Dương cầm cho Albéniz thuở nhỏ. Thành ra, trong tập nhạc độc tấu Dương cầm này, theo sau Prélude là bản Orientale, cũng diễn tả những vũ khúc dân gian của vùng Andalusia. Cũng phải hiểu rõ nội dung của bản độc tấu thì “dịch” mới hay! Ðặc biệt, để diễn tả hết cái hồn flamenco thì có lẽ không nhạc cụ nào hay bằng Tây ban cầm, tiếng Anh gọi là guitar.

Một trong những người đầu tiên “dịch” bản Asturias sang Tây ban cầm là đại cao thủ Francisco Tárrega. Ông là tác giả bản độc tấu guitar nổi tiếng Recuerdos de la Alhambra. Dân chơi guitar cổ điển, không ai không biết bản này. Nghe bản này ngay sau khi vừa nghe bản Leyenda thì tuyệt vô cùng! Cái tên Leyenda, dân chơi guitar hay gọi,chính là Asturias. Bản Asturias khi được chơi trên guitar thì nghe hay hơn nhiều. Lý do, phần lớn, có lẽ nhờ được “dịch” chứ không chỉ “chuyển soạn”.

Khi chuyển soạn, người ta chỉ chuyển đổi nốt nhạc của nhạc cụ này sang nốt nhạc của nhạc cụ kia sao cho thích hợp. Chẳng hạn, âm vực của piano rộng hơn của guitar. Âm vực là khoảng cách giữa hai nốt nhạc thấp và cao nhất mà một nhạc cụ có thể chơi được. Thành ra, có những nốt nhạc trên piano quá thấp hoặc quá cao mà nếu giữ nguyên thì không thể chơi trên guitar. Ngược lại, khi “dịch” một bản độc tấu, người ta chỉ giữ lại giai điệu, mọi phần khác hầu như được sáng tác mới hoàn toàn. Người dịch bản Asturias hay nhất có lẽ là Andrés Segovia. Ông thêm những tiếng bass hoặc giản lược một số hợp âm nghe không hay trên guitar. Ðặc biệt, ông biến các nốt nhạc đơn độc trên piano thành những chùm nốt liên ba, khiến tiếng đàn guitar nghe mượt mà hơn. Segovia là người có công đưa Tây ban cầm vào âm nhạc thính phòng, cho giới thượng lưu. Trước đó, guitar bị xem là nhạc cụ đường phố, cho giới bình dân. Qua bản Asturias mà ông biểu diễn trước khán giả khắp Âu châu vào đầu Thế kỷ Hai Mươi, nhiều người dễ dàng nhận ra một vài tính năng vượt trội của Tây ban cầm so với Dương cầm; khiến họ, về sau, không thể “trọng Dương khinh Tây”! Dù vậy, người chơi bản này hay nhất trên guitar, từ trước tới nay, có lẽ là John Williams, nghe không thua gì của Thúy Kiều:

Trong như tiếng hạc bay qua

Ðục như tiếng suối mới sa nửa vời

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa

Hay như thế, một phần nhờ người chơi đàn nhưng phần khác do công “dịch giả”! Có lẽ vì vậy mà bản Asturias không được phổ biến lắm trong giới chơi đàn piano. Ngược lại, dân chơi guitar (cổ điển) ai cũng ráng chơi bài này. Ít nhất là đoạn đầu! Nghe “sầm sập như trời đổ mưa”…

1810 full

Andrés Segovia và AsturiasNGUỒN WWW.VEOJAM.COM

NT