“Hoàng Tử Bé – Le Petit Prince,” nguyên tác của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng, nhà xuất bản An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973. Tác phẩm này được in 4050 quyển trên toàn giấy bristol 120. Xếp chữ tại nhà in Hồng Hà, số 82 Trần Bình Trọng, Sài Gòn. Chạy offset tại nhà in Võ Tánh, số 29 Võ Tánh, Sài Gòn. Xếp máy đóng bìa tại nhà in Thăng Long, số 220 Trương Minh Giảng, Sài Gòn. Sách hoàn thành ngày 01 tháng 11 năm 1973. Ngần ấy chi tiết cho thấy “Hoàng Tử Bé” xưa như trái đất, nhưng chắc chắn vẫn tinh khôi nguyên tuyền như băng tuyết chí đông. Mở đầu tác phẩm, lời xin lỗi các bé con của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry qua câu chữ chuyển dịch ấm cúng reo vui của thiên tài Bùi Giáng như thế này:
“Tôi xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn. Tôi có một lẽ chân xác để tự bào chữa, và xin được thứ lỗi: người lớn nọ là người bạn chí thiết trong đời tôi. Tôi còn một lẽ nữa: người lớn nọ có thể hiểu hết mọi sự ngay cả những cuốn sách viết cho bé con, người ấy cũng hiểu nốt. Tôi còn một lẽ thứ ba để được tha thứ: người lớn nọ hiện sống ở nước Pháp, và đang chịu đói và rét. Y thật cần được an ủi. Nếu tất cả những lẽ đó không đủ để bào chữa cho mình, thì tôi rất muốn đề tặng cuốn sách này cho đứa con mà xưa kia người lớn nọ vốn đã từng là (nó) vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con. (Nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia). Vậy tôi xin sửa chữa lời đề tặng: Gửi Léon Werth – Thuở ông ta còn là bé con.” [Trang 5]
Bùi Giáng không ngần ngại xác định: “Le Petit Prince” là tác phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất, trong số những tác phẩm của Saint Exupéry” viết về một thiên thần đi về trần gian để “dấn thân,” sau đó “chia tay bụi hồng không một lời oán hận.” Tác phẩm độc đáo như thế nào mà Bùi Giáng lại trân trọng giới thiệu như vậy? Sự thơ mộng và u uẩn nằm trong quyển sách khổ nhỏ chỉ có 143 trang, kể lại cuộc hành trình của một hoàng tử ở cõi ngoài mây trắng đông hiên, lang thang giữa sa mạc Sahara mịt mùng gió cát của Ðịa Cầu. Hoàng Tử Bé từ tinh cầu xa thăm thẳm, tình cờ tao ngộ với chàng phi công cũng một mình một bóng thơ thẩn giữa hoang vu, khi máy bay của chàng bị hỏng. Một người lớn, một chú bé cùng chia sẻ đời sống thật tinh tế, thật sâu lắng, thật nhân từ, thật yêu thương. Sự yêu thương được thể hiện rõ ràng nhất, khi Hoàng Tử Bé lo lắng vì một con cừu nào đó sẽ ăn mất đóa hoa hồng.
“Một con cừu, nếu có ăn cây cối nhỏ, thì nó cũng ăn những đóa hoa. – Một con cừu thì ăn bất cứ cái gì nó gặp. Bạ đâu ăn đó rất mực bừa bãi vậy. – Cả những cành hoa có gai nhọn? – Ừ. Cả những cành hoa có gai nhọn. – Vậy thì những gai nhọn, dùng vào việc chi?” [Trang 35&36]
“…Từ hàng triệu năm rồi, hoa đã tạo gai. Từ hàng triệu năm rồi cừu vẫn cứ ăn hoa. Và cái sự tìm hiểu xem tại sao mà hoa phải nhọc mệt tạo mãi những gai nhọn chẳng dùng được vào việc gì gì hết cả, sự đó chẳng phải là chuyện nghiêm trang hay sao? Cuộc chiến tranh giữa cừu và hoa, không phải là chuyện hệ trọng hay sao? Chẳng nghiêm trang hệ trọng hơn những bài toán cộng của ông cụ bự đỏ như gấc chín hay sao? Và nếu tôi có biết, chính tôi có biết một đóa hoa duy nhất ở đời, không đâu có cả, ngoài tinh cầu tôi, và nếu một con cừu bé có thể rỡn chơi liếm sơ qua một chút, mà tiêu diệt tan hoang mất cái đóa hoa ấy như vậy đó trong một buổi mai dịu dàng và chẳng nhận thấy rằng cái việc mình làm kia gớm guốc thế nào, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao?” [Trang 38]
Trung niên thi sĩ Bùi Giáng [1926-1998] là nhà thơ, là dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Ông thành danh từ năm 1962 với thi tập “Mưa Nguồn.”
Nhà văn Antoine de Saint-Exupéry [1900-1944] là nhà văn và phi công người Pháp nổi tiếng. “Le Petit Prince” là kiệt tác văn học của ông, xuất bản năm 1943, đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ, bán được hơn 200 triệu bản khắp thế giới, và là một trong số những tác phẩm bán chạy nhất của mọi thời đại. Trong thời gian sáng tác “Le Petit Prince,” Saint-Exupéry đã thuê biệt thự The Bevin House ở Asharoken, New York, Long Island để cư trú.
Tác phẩm“Hoàng Tử Bé -Le Petit Prine” mở ra phương trời viễn mộng, vô tận buồn vui của cõi người ta.
HNP – 4:30am Chủ Nhật ngày 06 tháng 12 năm 2015