Menu Close

Kẻ thù loài người là ai?

Trong những điều răn của Ðức Phật, có một điều mà không phải ai cũng thấy rõ: kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình! Ðiều này không chỉ đúng ở mức độ cá nhân mà có khi mang tầm cỡ quốc gia hay dân tộc, hoặc thậm chí cả nhân loại. Ðấy là trường hợp phá hoại môi trường trái đất. Nó nghiêm trọng đến nỗi, mặc dù thế giới đang sống trong không khí tang tóc của chiến tranh và khủng bố, các lãnh đạo của gần 200 quốc gia trên thế giới tề tựu tại Paris để họp bàn tìm giải pháp. Nếu không sớm giải quyết, loài người có thể bị diệt vong, như loài khủng long ngày xưa. Không như nhiều vấn đề khác, lâu nay, chỉ vài ba quốc gia thôi cũng đủ để… cãi qua cãi về mãi hoài. Lần này, ai cũng thấy tình trạng khí hậu trái đất ngày càng tệ hại, nên chỉ trong thời gian ngắn, mọi người đều đồng tâm nhất trí ký một thỏa thuận về bảo vệ khí hậu toàn cầu; có hiệu lực từ năm 2020.

Trong những nước này, có một số cường quốc về… dân số cũng đồng ý mau lẹ là Trung Quốc và Ấn Ðộ. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm! Trung Quốc từ mấy chục năm nay nổi tiếng là anh “xả rác” nhất thế gian. Chính quyền Trung Quốc cứ lo phát triển kinh tế bằng mọi giá mà không thèm quan tâm đến hậu quả về tác hại đối với môi trường. Các cơ xưởng và xe cộ thải chất carbon vào không khí suốt ngày đêm, phá hoại màng khí ozone trên trời, gây tác hại đến sức khỏe con người. Ðặc biệt, chất carbon bao trùm tầng trên bầu khí quyển khiến trái đất ngày càng nóng lên, làm biến đổi khí hậu, phá hoại môi trường trái đất. Nguy hiểm nhất là lớp băng đóng ở hai cực của trái đất tan ra, chảy thành nước làm nước biển dâng cao, chiếm dần đất đai. Cái chính là mọi người dân ở mọi quốc gia trên thế giới đều trở thành nạn nhân. Trung Quốc lâu nay mong muốn trở thành bá chủ thế giới, thay vị thế của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu cứ mang tiếng là anh chàng chuyên xì hơi độc cho thiên hạ chịu trận thì không cách gì làm cho ai nể nang được. Ngày xưa, có vị hoàng đế lỡ đánh rắm nhưng vẫn được các quan khen lấy khen để. Ngày nay, dẫu là Mao sống lại mà xì hơi như thế cũng ngượng. Vấn đề khí thải của Trung Quốc lâu nay cũng gây tai tiếng tương tự như thế. Bởi thế, muốn được thế giới nể nang, Trung Quốc không thể không chịu thỏa thuận về việc tham gia bảo vệ môi trường địa cầu. Tuy nhiên, chính nhờ tai tiếng ấy của Trung Quốc mà Ấn Ðộ ít bị thiên hạ để ý hơn trong khi người dân xứ này cũng phá hoại môi trường, một cách… “thầm lặng”!

EFP Sanitation 35

Người dân đi vệ sinh buổi sáng ở Bhubaneswar, Ấn Độ – NGUỒN KEVINSHANE.ME

Thực ra, không cần thiết phải để từ THẦM LẶNG trong ngoặc kép. Ðúng là họ phá hoại môi trường rất âm thầm và lặng lẽ. Họ làm chuyện đó trước bình minh hoặc sau khi hoàng hôn buông xuống. Những lúc ấy, cảm hứng luôn luôn dâng trào đủ để sáng tác vài câu vè kiểu như “Thứ nhất là đỗ Thám Hoa, thứ nhì cưới vợ, thứ ba…”! Ấn Ðộ là nước đông dân thứ nhì trên thế giới. Dân số của Trung Quốc gần 1 tỉ rưỡi thì Ấn Ðộ khoảng 1 tỉ ba. Các nhà dân số học dự đoán trong tương lai rất gần, Ấn Ðộ sẽ vượt Trung Quốc về dân số. Ðông dân như vậy mà người Ấn, nhất là ở nông thôn, không chịu làm nhà cầu; cứ đi (ra) đồng! Sáng sớm hoặc tối mịt nào họ cũng âm thầm làm chuyện đó. Nếu lấy 365 nhân cho khoảng 1 tỉ thì, mỗi năm, người dân Ấn Ðộ cho không biết bao nhiêu chất carbon lên trên bầu khí quyển. Thực ra thì họ thải khí methan mà trong đó khoảng một phần năm chứa khí carbon. Thực sự lâu nay báo chí cũng lên tiếng về chuyện này. Nhưng không phải vì khí hậu địa cầu mà vì nhân quyền. Chính xác là quyền của phụ nữ Ấn Ðộ. Họ thường bị chọc ghẹo hoặc thậm chí bị hãm hiếp trong khi đang nghĩ đến chuyện lấy chồng hoặc thi cử (?).

Trung Quốc có thể điều chỉnh chính sách kinh tế để bảo vệ môi trường. Còn Ấn Ðộ, đây không chỉ là vấn đề kinh tế (thiếu tiền xây nhà cầu) mà còn là đặc tính văn hóa. Văn hóa, giống như thói quen, rất khó thay đổi. Không biết chính quyền Ấn Ðộ sẽ tính sao đây để giữ được cam kết về thỏa thuận mới vừa ký xong ở Paris?

HNH – Facebook.com/chuyenkhongdau