Trong dịp tiếp kiến Tổng thống Israel Reuvin Rivlin tại Tòa Bạch Ốc hôm 9 tháng 12 vừa qua, Tổng thống Obama đã cùng ông thắp sáng cây đèn ‘hanukkiah’ để mừng lễ Hanukkah của người Do Thái. Chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về lễ hội này.
NGUỒN HUFFINGTONPOST.COM
Hanukkah là lễ hội Ánh sáng của người Do Thái để tưởng niệm cuộc tái cung hiến Đền Thánh Giêrusalem thứ hai xảy ra khoảng những năm 160 trước Công nguyên (CN). Nguyên ngữ Hanukkah trong tiếng Do Thái có nghĩa là “thánh hiến”. Hanukkah kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ ngày 25 tháng Kislev trong niên lịch Do Thái. Lịch của họ là âm lịch và tháng Kislev tương đồng với khoảng thời gian từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12 dương lịch. Riêng năm nay (2015), Hanukkah kéo dài từ chiều ngày 6 đến chiều ngày 14 tháng 12.
Mỗi đêm trong 8 đêm của lễ Hanukkah, người ta thắp một ngọn nến trên cây đèn đặc biệt gọi là ‘hanukkiyah’. Ngọn nến thứ 9 trên đèn này gọi là ‘shammash’, ở giữa và cao hơn cả, thường dùng để thắp sáng những ngọn đèn khác. Đêm đầu, thắp một ngọn, đêm sau thắp hai ngọn và cứ thế cho đến đêm chót thì 8 ngọn đều thắp sáng cả. Theo tập tục thì đèn được thắp theo thứ tự từ trái qua phải. Trước và sau khi thắp nến, người ta cầu nguyện, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa cũng như hát một bản thánh ca đặc biệt. Cây đèn được đặt ở cửa sổ trước nhà để người qua lại thấy được ánh sáng và tưởng niệm lại truyện ký về Hanukkah. Thường thì gia đình Do Thái nào cũng cử hành nghi lễ Hanukkah và có cây đèn đặc biệt này.
Hanukkah cũng là dịp để tặng và nhận quà, thường được trao vào mỗi đêm, cũng như nhiều trò chơi được bày ra cho cả gia đình tham gia.
Thực phẩm được dùng nhiều trong lễ Hanukkah là đồ ăn chiên xào trong dầu. Món được ưa chuộng là “latkes” (một loại pancake làm từ khoai tây) và “sufganioyt” (donut chiên có nhồi jam hoặc jelly, trên mặt rắc đường).
Truyện ký về Hanukkah
Khoảng năm 200 trước CN, Israel là một nước thuộc Đế quốc Seleucid (được cai trị theo luật pháp Hy Lạp) dưới sự cai trị toàn quyền của Hoàng đế nước Syria. Tuy nhiên họ vẫn được theo tín ngưỡng và tập tục Do Thái của mình. Năm 171 trước CN có một vị tân Hoàng đế là Antiochus IV, còn tự xưng là Antiochus Epiphanes có nghĩa là “Antiochus hiện thân của Thượng đế ”. Ông muốn mọi người trong đế quốc phải theo Hy Lạp từ cách sống, tôn giáo, đến việc thờ phụng thần linh. Một số người Do Thái muốn tuân thủ như thế nhưng đa số dân đều muốn duy trì tôn giáo và tập tục của mình.
Người em của vị Thượng tế Do Thái muốn ngả theo Hy Lạp nên đút lót tiền của cho Hoàng đế Antiochus để làm Thượng tế, cũng như cho giết anh mình. Ba năm sau có kẻ còn đút lót nhiều hơn nữa cho Antiochus để được làm Thượng tế, với các vật dụng bằng vàng y trộm được trong Đền thờ Do Thái.
Một lần Hoàng đế Antiochus thua trận phải rút quân từ chiến trường về và dừng quân ở Giêrusalem, ông trút mọi căm giận lên thành phố này cũng như người Do Thái, nên truyền đốt nhiều nhà cửa, giết chết cả mấy chục ngàn người Do Thái hoặc bắt làm nô lệ. Rồi ông tấn công Đền thờ của người Do Thái được họ coi là nơi tôn nghiêm nhất. Binh lính Syria cướp bóc các đồ trân quý trong Đền thờ, và vào ngày 15 tháng Kislev năm 168 trước CN, Antiochus đặt tượng thần Zeus của Hy Lạp vào chính giữa Đền thờ đó. Mà khuôn mặt của tượng thần Zeus này chính là mặt của nhà vua! Rồi ngày 25 tháng Kislev nhà vua xâm phạm nơi cực thánh trong Đền thờ và phá hủy các cuộn sách thánh của người Do Thái.
Sau đó Antiochus biến Đền thờ thành miếu thờ thần Zeus và cấm đoán không cho theo đạo Do Thái nữa, nếu ai bị bắt sẽ bị giết toàn gia. Nhiều người Do Thái lúc đó bị giết vì đức tin của mình và chẳng bao lâu họ bắt đầu nổi loạn.
Thoạt đầu, một cựu Thượng tế Do Thái giáo tên là Mattathias bị ép buộc phải tế thần Zeus ở trong làng. Ông không chịu và giết một binh sĩ Syria. Con trai ông là Judah cũng theo cha giết nhiều lính khác. Sau đó Mattathias qua đời vì già yếu, nhưng con ông tiếp tục cùng với những người Do Thái khác chiến đấu âm thầm trong các hang núi suốt ba năm trời trước khi giao chiến công khai nơi các trận địa và cuối cùng đánh bại được quân Syria. Judah còn có tên hiệu là Maccabee, tiếng Do Thái có nghĩa là ‘cái búa’.
Khi đoàn quân chiến thắng trở lại Giêrusalem, Đền thờ đã đổ nát nhưng tượng thần Zeus với khuôn mặt Antiochus vẫn còn đứng đó. Họ thanh tẩy Đền thờ, làm lại bàn thờ. Ngày 25 tháng Kislev năm 165 trước CN, đúng 3 năm sau khi bức tượng được dựng lên tại đó, bàn thờ và Đền thờ được tái cung hiến lên Thiên Chúa.
Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao Hanukkah được mừng tới 8 đêm. Một truyện ký kể rằng khi Judah và những người theo ông trở về Đền thờ thì chỉ còn đủ dầu để thắp được một đêm, nhưng kỳ lạ là đèn vẫn sáng suốt 8 đêm không tắt. Một truyện khác nói họ tìm được 8 ngọn giáo bằng sắt và đặt nến lên đó, để thắp sáng trong Đền thờ.
PN