Trước khi tôi sắm chiếc Galaxy, tôi đã có một điện thoại Motorola với một máy ảnh khá tốt bên trong, hiển nhiên vậy… nhưng tôi ít khi dùng nó vì sự “phản ứng chậm ghê gớm” giữa lúc bấm nút chụp và lúc tấm hình được chụp vào phone làm tôi bực mình tột độ. Và đó chỉ là một trường hợp làm bạn không hứng thú chụp ảnh với điện thoại. Từ khi tôi chuyển qua thế giới của Samsung, một thế giới nhiếp ảnh mới mở rộng trước mặt tôi… và tôi rất hài lòng với những kết quả mới. Trước tiên, điều tốt nhất về ảnh từ điện thoại so với ảnh từ máy DSLR “xịn” chỉ đơn giản là sự tiện lợi, khả năng truy cập, và trọng lượng.
Nhiều lúc đi “tác nghiệp”, trên tay đã mang máy móc cồng kềnh (những chiếc DSLR “xịn” và ống kính kếch sù), tôi chỉ còn có thể tạm thời dùng một tay tương đối “rảnh” để chụp những tấm ảnh “information” (tài liệu). Máy ảnh điện thoại đã làm thay đổi hoàn cảnh đó – và với một Galaxy (hay một iPhone hoặc LG gì đó), tôi đã có thể thực hiện việc đó dễ dàng hơn nhiều.
Ngoài ra, đối với những người thường, nhiếp ảnh bằng điện thoại có nghĩa được tự do để ghi lại những khoảnh khắc với gia đình và những gì bạn thích chụp. Chuyện lấy ảnh đẹp trong thời gian đầu cũng không phải dễ lắm. Sau đây là những gì tôi đã rút ra từ kinh nghiệm:
1. Cầm điện thoại như bạn cầm máy ảnh
Thường người ta cầm điện thoại để chụp hình với hai cánh tay của họ đưa thẳng ra. Thứ nhất, tư thế này không vững lắm và có khuynh hướng làm cho điện thoại bị rung và do đó hình bị mờ. Thứ nhì, nếu cầm lâu (nhất là khi bạn quay video) thì tay sẽ mau mỏi. Bạn nên cầm điện thoại với hai cùi chỏ khép lại và để màn ảnh ngay tầm mắt, lấy khung, rồi bấm chụp.
Cảnh hồ phẳng lặng với phản chiếu lá mùa thu.
2. Đừng zoom với độ zoom trong máy hình, nên “zoom bằng chân”
Nếu bạn muốn chụp một vật gì hoặc cảnh gì thật gần thì hãy bước tới gần để chụp. Tất cả máy ảnh điện thoại ngày nay (dù tối tân tới cỡ nào) cũng vẫn bị mất phẩm chất dù chỉ dùng chức năng zoom tí xíu và hình sẽ trở nên bị hột nhiều. Có thể bạn sẽ… mỏi chân hơn nhưng tấm hình sẽ được hoàn hảo hơn.
3. Chụp cùng một cảnh vài lần
Một điểm về nhiếp ảnh kỹ thuật số là nó cho phép chúng ta có nhiều cơ hội “làm lại” để sửa chữa những lỗi lầm. Thêm vào sự lợi ích đó là tốc độ và sự thuận tiện của một máy ảnh điện thoại, bạn có cơ hội để chụp vài pô để có gì một trong những pô đó sẽ… good.
4. Ánh sáng
Ánh sáng đối với máy ảnh điện thoại thật quan trọng – càng thiếu ánh sáng thì ảnh sẽ càng bị nhiễu hột và phẩm chất thấp, trừ khi bạn chụp hình biển và bầu trời, nên để mặt trời phía sau lưng bạn thì chủ thể của bạn sẽ nhận đủ ánh sáng.
5. Kiểm lại những settings về độ phân giải và phẩm chất ảnh
Hầu hết những điện thoại smartphone đều cho phép bạn chỉnh độ phân giải và phẩm chất ảnh trong phần setting của điện thoại. Bạn nên kiểm lại và chuyển thành độ cao nhất (High).
6. Kỹ thuật bấm chụp
Ráng giữ máy càng cố định càng tốt vì sự nhúc nhích sẽ làm cho ảnh của bạn bị mờ. Để giúp bạn giữ máy cố định, hãy tìm một vật gì để dựa tay của bạn lên. Vẫn giữ tay của bạn ở đó thêm một giây sau khi bạn bấm chụp, trong trường hợp phone của bạn bị xì-lô pép pờ (chậm tiêu) hơi nhiều.
7. Di chuyển tới lui để lấy nhiều góc cạnh khác nhau
Ảnh Giáng Sinh có thể có hai cách dùng khác nhau, bạn chụp ảnh cho kỷ niệm/ để giữ làm “thống kê” hoặc hồ sơ và bạn có thể dùng ảnh để làm thiệp Giáng Sinh cho gia đình bạn. Dù sao, bạn cũng nên nhớ, người chụp (bạn), cần được thấy mặt trong ít nhất một vài ảnh quan trọng của gia đình. Bạn có thể dùng chân máy để thực hiện điều này, và chỉnh máy ảnh của bạn để chụp tự động sau vài giây.
8. Chùi sạch ống kính
Bạn hay thắc mắc tại sao ảnh lại bị mờ? Điện thoại của bạn có thể nằm lây lất khắp nơi, có thể đóng bụi, có thể bị dính sơ vải khi bỏ vào túi quần, và trường hợp thông thường nhất, bị dính dấu tay của bạn. Nên để ý chùi mặt kính nơi có đặt máy ảnh trên điện thoại của bạn.
9. “Rửa” hình!
Tất cả hình chụp với điện thoại của tôi được “rửa”? Có thể đây là phần mà nhiều người thích thú còn hơn phần chụp ảnh. Trước đây chưa bao giờ bạn nắm trong tay khả năng chụp một tấm ảnh và có thể sửa nó ngay lập tức để có một tấm ảnh “ưng ý”. Bạn có thể nạp vào phone của bạn những app chuyên môn trong việc chỉnh sửa ảnh, như Photoshop Express, Camera 360 và rất nhiều thứ khác nhau. Với những phần mềm này, bạn có thể chỉnh độ tương phản, độ sáng tối , độ màu gắt..v.v. Còn một số app khác cho bạn khả năng biến ảnh của bạn thành tranh hí họa như những nhân vật cartoon, hoặc biến ảnh của bạn thành những bức tranh hội họa “tài tử”.
10. Rối
Ráng giữ ảnh của bạn giản dị, đừng dồn vào đó những chi tiết không cần thiết làm cho ảnh “rối” thêm. Nhiều khi tôi chỉ chụp những hình thù mây đẹp trên trời, hoặc những mặt hồ phẳng lặng phản chiếu hàng cây đang đổi màu mùa thu. Kỹ thuật này đòi hỏi tí kinh nghiệm cho đến khi mắt bạn có thể nhận dạng những gì bạn muốn cho vào khung ảnh.
Hình này được chụp với một tay trong khi tay kia đang lái xe. Với nhiều thực tập, bạn cũng sẽ có thể cầm máy vững trong mọi trường hợp.
AN