Mấy năm trước tôi thường hay đi du lịch nước khác vào mùa Giáng Sinh và Năm Mới. Năm nay quyết định không đi đâu, tôi dành thời gian để đi chơi chợ Giáng Sinh.
Tại các thành phố lớn nhỏ của Na Uy, chợ Giáng Sinh thường được tổ chức từ khá sớm. Chợ Giáng Sinh ở pháo đài Fredriksten thuộc thành phố Halden chẳng hạn, tổ chức vào hai ngày Thứ Bảy 22.11 và Chủ Nhật 23.11.
Hội chợ Giáng Sinh Spikersuppa, Oslo.
Fredriksten nằm phía đông nam của Na Uy, gần biên giới với Thụy Điển, tại một vị trí cao phía trên thành phố Halden. Halden cách thủ đô Oslo 120 km, đi xe lửa mất khoảng 1 tiếng 30 phút. Pháo đài Fredriksten được xây dựng vào thế kỷ XIIV, đặt theo tên của Vua Fredrik III của Đan Mạch và Na Uy, và thành phố Halden lúc đầu cũng mang tên ông, được gọi là Fredrikshald trong khoảng thời gian giữa 1665 và 1928.
Fredriksten là một pháo đài biên giới quốc gia, và là một đấu trường văn hóa trong khu vực. Một số sự kiện đáng kể nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh của Na Uy đã diễn ra ở đây, nổi tiếng nhất có lẽ là cái chết của vua Thụy Điển Charles XII năm 1718.
Ngày nay pháo đài không còn giữ ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự mà chủ yếu là ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Tại đây, ngoài bảo tàng về lịch sử pháo đài, người ta cũng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật. Vào mùa hè có những buổi hòa nhạc ngoài trời với cả hai thể loại âm nhạc cổ điển và đương đại. Và vào mùa Giáng Sinh năm nào ở đây cũng có tổ chức chợ Giáng Sinh, dân trong vùng và cả ở những thành phố chung quanh cũng đến.
Như đã nói, chợ Giáng Sinh thì hầu như ở thành phố nào của Na Uy cũng có, nhưng người ta đến hội chợ Giáng Sinh ở pháo đài Fredriksten trước hết vì ý nghĩa lịch sử của pháo đài, vì thích cái địa điểm-pháo đài nằm ở trên cao, từ trên cao này có thể nhìn xuống thành phố và khu vực chung quanh.
Hình ảnh những người lính pháo binh thời xưa tại hội chợ ở pháo đài Fredriksten.
Khu vực pháo đài khá rộng, với những bức tường thành bằng đá và những con đường trải đá loanh quanh lên cao xuống thấp…Chợ Giáng Sinh ở đây cũng chẳng có gì nhiều, chủ yếu bày bán chủ yếu những sản phẩm, thực phẩm làm ở nhà, ở các vùng nông thôn, như các loại thịt rừng xấy khô, phó mát các loại, mật ong, mứt nhà làm, các loại giỏ xách đan bằng mây, vớ mũ găng tay len đan tay…
Trên pháo đài có bia tưởng niệm Hans Jacob Brun, vị chỉ huy pháo đài Fredriksten giai đoạn 1709-1717, một tháp đồng hồ ở trên cao, nghe đồn thỉnh thoảng có “bóng ma” bên trong và những cỗ pháo bây giờ thỉnh thoảng chỉ dùng để bắn vào những dịp kỷ niệm một sự kiện gì đó, hoặc trong dịp tổ chức chợ Giáng Sinh như thế này, người ta cũng bắn.
Ở đây người ta có thể bắt gặp những cảnh sinh hoạt của người Na Uy từ vài thế kỷ trước như những người lính pháo binh thời phong kiến mặc bộ quân phục màu đỏ với những hàng khuy bạc trước ngực, cổ và cổ tay màu xanh dương, mũ đen viền vàng; người bán hàng bán những cái bật lửa kiểu thủ công bằng gỗ, những người phụ nữ ăn mặc theo lối nông dân ngày xưa, trùm những tấm khăn quàng len quanh người, luộc xúc xích trong những chiếc nồi ám khói đặt trên bếp củi, người thợ làm từng viên đạn theo kiểu thủ công…
Khách đi chơi chợ hoặc ăn mặc hiện đại hoặc theo kiểu thời xưa, có thể ngồi bên ngoài cái nhà hàng nhỏ ăn những món súp nóng hoặc ăn những chiếc bánh vaffel, bánh ngọt nóng được làm tại chỗ, hạt dẻ nướng nóng hổi, hoặc dừng chân bên bếp lửa ấm uống gløgg. Gløgg, rượu hâm nóng, là một thức uống có cồn ban đầu, nhưng bây giờ cũng có khi không có cồn. Được làm từ rượu vang đỏ, rượu cognac, đường hoặc xi-rô. Bỏ thêm các thành phần “phụ gia” như thanh quế, thảo quả, đinh hương, vỏ cam, đậu phộng nghiền, hạnh nhân và nhất là nho khô. Đun nóng đến khoảng 67 độ C (không bao giờ trên 70 độ). Nó là một thức uống truyền thống trong mùa đông, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh và Halloween ở các quốc gia Scandinavia.
Ngồi ăn ngoài trời quanh bếp lửa ở nông trại Råde.
Ở một góc khác, đội kèn, dưới sự chỉ huy của người nhạc trưởng, đang bắt đầu chơi những bản nhạc Giáng Sinh hoặc nhạc dân gian Na Uy. Tiếng kèn lôi cuốn những người khách đi hội chợ dần dần tập hợp lại xung quanh thành vòng tròn, im lặng lắng nghe.
Một thưởng ngoạn thú vị nữa là đi chợ Giáng Sinh ở nông trại Råde.
Råde là một nông trang và là một giáo khu khá lớn, bây giờ là một thị trấn thuộc hạt (county) Østfold, cách thủ đô Oslo khoảng 55 phút đi xe lửa. Tại đây có trường trung học và nghiên cứu nông nghiệp Tomb VGS (Tomb Videregående skole og landbruksstudier), một trường nội trú Thiên Chúa giáo.
Năm nào ở đây cũng có hội chợ nhân dịp Giáng Sinh do học sinh, thầy cô của trường đứng ra tổ chức, và chỉ có một ngày duy nhất. Năm nay là ngày thứ Bảy 5.12. Người dân trong vùng tham dự khá đông. Ngoài việc dạo chợ Giáng Sinh ngắm nhìn những món hàng kỷ niệm bằng gỗ, bằng kính, các biểu tượng trang trí mùa Giáng Sinh, tranh ảnh, đồ len…như những nơi khác, hoặc những thực phẩm do chính nông trại làm ra như khoai tây, hành tây, các loại bánh ngọt, bringebær saft (raspberry juice), người đến dự còn được tham quan khung cảnh sinh hoạt của một nông trại, đi thăm chỗ nuôi bò, vắt sữa bò bằng máy, chỗ nuôi dê, cừu, ngựa…; khu trưng bày những máy móc của nông trại, xem những người thợ cắt xẻ những khúc gỗ thành những đồ vật xinh xắn như cái ghế đẩu nhỏ, cái thớt hình trái tim…Phương tiện đi lại duy nhất cho khách là những chiếc tractor (xe máy kéo) của nông trại.
Nông trại cũng tổ chức những trò vui như xem đi ngựa (horse show), điệu nhảy thỏ (rabbit jumping), khiêu vũ…
Nếu đói bụng, người ta có thể ghé vào cái quán nhỏ, mua bánh mì, bánh ngọt của nông trại làm ra, xúc xích…sau đó ngồi trên những cái “ghế” nện bằng rơm quanh bếp lửa ngoài trời, dùng cái que củi dài xiên xúc xích nướng trên bếp, vừa ăn vừa chuyện trò trong thời tiết lạnh của mùa đông.
Biểu diễn ca vũ dân gian, hội chợ Giáng Sinh ở Norwegian Folkmuseum, Oslo.
Lũ trẻ con thì có lắm trò chơi theo kiểu nông thôn-chạy nhảy chơi đùa trên những đống rơm to chất cao, theo bố mẹ vào khu nuôi bò nuôi cừu để được tận tay sờ vào những chú cừu xinh xắn, xem chú bê con mới đẻ chừng vài tiếng đồng hồ uống sữa bình hay xem những con bò tự động đi vào máy cho máy vắt sữa…Lũ trẻ bé hơn ngồi trên những chiếc xe ba bánh nhỏ xíu chạy trên những con đường quanh co như mê lộ, được ngăn lại bằng những bức tường rơm thấp…Hoặc vào khu Juleverksted (Christmas workshop) ở đó quanh những cái bàn dài có bày sẵn giấy màu, bút chì màu, màu nước, dây kim tuyến, đồ trang trí các loại…các em có thể trả một ít tiền rồi tự tay trình bày những tấm thiệp Giáng Sinh, tượng, vòng cây Giáng Sinh…dành tặng cho gia đình, bạn bè.
Vào lúc 4 giờ chiều các em học sinh của trường Tomb VGS sẽ trình diễn một vở kịch, hát ngắn ngoài trời, khán giả đứng lố nhố xung quanh thưởng thức.
Chỉ tiếc rằng bao nhiêu hoạt động nhưng lại chỉ tổ chức có một ngày nên nhiều khi khách không xem được hết.
Ngay tại trung tâm Oslo, nằm trên con đường chính Karl Johans gate làhội chợ Giáng Sinh Spikersuppa (Julemarked i Spikersuppa: Jul i vinterland, tiếng Anh: Christmas market in Spikersuppa: Christmas in the winter wonderland) được tổ chức từ ngày 28.11-20.12. Những cửa hàng nhỏ bằng gỗ, nằm hai bên với lối đi cho khách ở giữa, trang trí khá là xinh xắn, người bán hàng-nam hay nữ mặc những chiếc áo len có thêu hoa văn rất đặc trưng của Na Uy, mũ len trắng đỏ như mũ ông già Noel, những cô gái hai bên má tô son tròn đỏ trông ngộ nghĩnh. Cũng vẫn là những thứ thường thấy của mùa Giáng Sinh với tràn ngập hàng len, đồ trang trí, thú nhồi bông, những cửa hàng xúc xích làm bằng thịt rừng xấy khô, bánh ngọt, bánh vòng, bánh vaffel, bánh crêpes, kẹo táo, hạnh nhân nướng ngọt, hamburger, xúc xích, trái olive ngâm chua ngọt, café, và tất nhiên, gløgg-có cả một cửa hàng bán gløgg riêng, khách có thể ngồi uống ngoài trời quanh bếp lửa hoặc ngồi ở tầng trên.
Những người phụ nữ bán bánh kẹp xúc xích nấu theo kiểu xưa tại hội chợ Giáng Sinh ở pháo đài Fredriksten.
Có khác chăng so với những hội chợ khác là khu trượt băng và chiếc đu quay (Ferris wheel) khổng lồ cho khách chơi.
Một hội chợ Giáng Sinh khác cũng “nổi” và còn có phần phong phú hơn là hội chợ ở Norsk Folkemuseum (Norwegian Folkmuseum), tổ chức vào hai ngày cuối tuần 5-6 và 12-13.12.
Norsk Folkemuseum, tiếng Anh: the Norwegian Museum of Cultural History, là Bảo tàng lịch sử văn hóa của Na Uy với các bộ sưu tập phong phú các đồ tạo tác từ tất cả các nhóm xã hội và tất cả các vùng của đất nước. Tại đây cũng kết hợp một bảo tàng ngoài trời lớn với hơn 150 tòa nhà được dời đến từ các thị trấn và các huyện nông thôn từ vài thế kỷ trước, tất cả đều được xây bằng gỗ với kiến trúc rất đặc trưng. Có cả một nhà thờ cổ. En stavkirke (tiếng Anh: a stave church) nhà thờ Thiên Chúa giáo thời trung cổ, xây bằng gỗ, từng rất phổ biến ở các nước Bắc Âu và vùng tây-bắc châu Âu nói chung. Trong thời Trung cổ có lẽ đã có hơn 1,000 stavkirke ở Na Uy, thậm chí 2,000, nhưng bây giờ thì chỉ còn khoảng chưa đến 30 stavkirke được giữ lại.
Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Na Uy nằm trên bán đảo Bygdøyở Oslo, gần một số bảo tàng khác như Bảo tàng Tàu Viking, Bảo tàng Fram, Bảo tàng Kon-Tiki, và Bảo tàng Hàng hải Na Uy…
Hội chợ Giáng Sinh hàng năm được tổ chức rải rác ở những khu vực khác nhau trong khuôn viên bảo tàng. Vì có nhiều gian hàng nên hàng hóa cũng phong phú hơn. Có thể đi chơi thong thả cả ngày, mệt thì vào nhà hàng ăn hoặc ăn vặt các thứ bánh tại các gian hàng. Vào mùa này một trong những thứ bánh rất phổ biến ở Na Uy là Pepperkaker. Một loại bánh quy làm bằng bột mì, bơ, trứng, đường, xi-rô, giấm, và quan trọng nhất là phải có hạt tiêu, gừng, đinh hương, quế…để có vị cay, thơm, được đổ khuôn và trang trí theo hình trái tim, cây thông, hình thú, hình người v.v…rồi nướng trong lò. Trẻ em rất thích. Hoặc bánh smultring (tiếng Anh: lard ring) bánh vòng rán, được người thợ làm ngay tại chỗ.
Một thức quà vặt khác trẻ cũng rất chuộng là glaserte epler (tiếng Anh: glazed apples) Những quả táo đỏ tươi, đính trên một cái que dài, nhúng vào xi-rô làm từ nước, đường, giấm…đun sôi, trông hấp dẫn.
Mỏi chân thì lại ghé vào một túp lều trong hội chợ, uống cà phê nóng quanh bếp lửa ấm.
Hội chợ cũng có chương trình biểu diễn ca, vũ dân gian mùa Giáng Sinh do các em thiếu niên, thiếu nhi mặc trang phục truyền thống Na Uy biểu diễn.
Vẫn còn một số hội chợ khác nữa, nhưng có lẽ dạo qua vài cái như vậy, cũng đã là đủ cho một mùa Giáng Sinh.
Khi đã sống quen ở xứ lạnh, bạn sẽ thấy rằng nếu Giáng Sinh mà thiếu cái lạnh, tuyết rơi trắng ngoài trời thì dường như không trọn vẹn và không thể có được cái cảm giác ấm cúng khi ngồi quanh bếp lửa, uống café hay rượu ấm, thưởng thức những thức ăn nóng với bạn bè, gia đình.
Một quầy bán đồ trang trí Giáng Sinh (ẢNH HELENA NORMARK)
SONG CHI
Na Uy