Menu Close

Đổi nghề

Hồi Anh mới đặt chân định cư trên đất Mỹ, nhiều bạn bè và người quen đều có chung lời khuyên: “Chú còn trẻ, tướng to, đẹp trai… đi làm nail chắc chắn hốt bạc”. Anh gật gù tiếp nhận lời khuyên nhưng thờ ơ, không mảy may quan tâm vì nghĩ nghề này không phù hợp với mình. Ðã sang Mỹ là đổi đời rồi, làm nghề gì cũng sống. Hơn nữa, trên đất nước tự do thì mình cứ thoải mái làm nghề mình thích. Như bấy lâu nay ở Việt Nam, Anh sống bằng nghề “bán cháo phổi” rồi chuyển sang làm cái nghề mà dân gian rủa là: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”.

Ối giời ạ! Oan cho Tổ nghiệp nhà em lắm. Chức năng của nhà văn là dựa vào sự thật đã trải nghiệm để viết rồi hư cấu thêm làm cho tác phẩm văn học của mình thêm phong phú, như người thợ nấu nêm nếm thêm những gia vị… gia truyền để tạo nên món ăn đặc sản của riêng mình. Nhà báo thì khác, được đào tạo làm nghề truyền thông nên thiên chức của nhà báo chỉ được nói lên sự thật, nêu cao những ưu điểm của cộng đồng, phản ảnh những điều tiêu cực và bất công của xã hội một cách trung thực hầu xây dựng một xã hội công bằng và văn minh, đồng thời giữ vững lập trường đạo đức của nghề nghiệp.

Nên, lâu nay Anh chỉ biết say sưa múa bút như rồng lượn phượng bay với những dòng thông tin hoặc ý tưởng tuôn trào. Giờ, nếu làm nghề cầm kềm cầm giũa thì không biết điều gì xảy ra, không khéo bén vào tay khách thì chỉ có hốt… máu. Thôi quên đi, nghề này để vợ làm phù hợp hơn, mình vào hãng xưởng làm cho khỏe. Anh quyết đoán, vợ làm nail còn chồng làm hãng để cân bằng lợi ích và giờ giấc sinh hoạt chung của gia đình.

Lăn lộn mãi nhiều năm mà Anh vẫn lận đận, kinh tế lên xuống như sóng nước thủy triều đại dương, lúc lên lúc xuống, lúc yên ắng lúc dậy sóng nên Anh hết bị hãng này lay-off thì đến xưởng khác bị phá sản. Nghề viết lách giờ chỉ còn mang tính văn nghệ, tạo thêm “lửa” để giữ gìn tiếng Việt cho cộng đồng người Việt đang sống tha hương. Số phận đẩy đưa, vợ anh đổi thuyền neo bến khác. Ðứa con chung quyết đòi theo cha vì quen với những ngày đưa đón ở trường và những giờ Anh dạy con học thêm mỗi tối. Hôm tình cờ Anh gặp lại thằng bạn cũ để được nghe nó “phán” cho một câu: :Ðể tao xem ở xứ Mỹ này, người chọn nghề hay nghề chọn người”. Anh lăn tăn mất định hướng như người đang đu dây điện, buông tay thì rơi xuống chẳng biết sống chết thế nào, mà bám víu càng lâu thì điện giật cũng… điên.

Ðang chập chờn với thu nhập 32 giờ/tuần vừa đủ trang trải với thân gà trống nuôi con thì thằng bạn thân của Anh đến dúi vào tay tờ hóa đơn đã đóng sẵn học phí năm mươi phần trăm có kèm địa chỉ và số điện thoại của một trường dạy nghề do người Việt làm chủ và dặn: “Anh sắp xếp thời gian đến đó lấy thời khóa biểu để học. Nghề nail đã giúp cho rất nhiều gia đình người Việt mình thăng tiến về mặt kinh tế. Chịu làm thì kiếm tiền không khó, có năng khiếu thì không lâu sẽ khá lên”. Ừ, thôi thì nail. Lại đổi nghề, hy vọng đổi đời.

Ngày đầu tiên đến lớp học nghề, cô giáo trẻ ân cần tiếp đón Anh, từng bước từng bước hướng dẫn Anh một cách cặn kẽ và chân thành đã tạo cho Anh cảm giác hứng thú theo nghề. Mấy cô bạn học trẻ cùng lớp thì khuyến khích: “Anh cố học nhanh để sớm ra làm hốt bạc với người ta”. Bà chị hàng U 40 ngồi cạnh đang thoăn thoắt những đường thực tập vẽ nghệ thuật trên móng, mắt liếc xéo về đám đàn em, miệng quở: “ Mấy con này khờ, trai đẹp không lo giữ lại mà ngắm. Ðang độc thân đó, đẩy đi đâu”. Anh ngượng chín người nhưng cũng cố “chữa cháy”: Khổ thân tôi, làm thân “trai đẹp sắp bị trục xuất”. Cả đám chị em ôm bụng cười, bảo ông này khéo tự tin. Cô gái ngồi cuối dãy im lặng từ đầu buổi học, giờ lên tiếng: “Anh đừng lo, thân anh có em bảo lãnh”. Bất ngờ anh đứng lên xin phép cô giáo: “Cô cho em về sớm để đến trường đón con”. Cả lớp nhìn theo Anh ngẩn tò te, chị U 40 buông thõng một câu bỏ lỡ: “Tội nghiệp, hồng nhan…”.

Vui ngày ra trường, “bài thi khó mà cả lớp đậu ngon ơ…” y như quảng cáo trên đài phát thanh. Các bạn cùng lớp nhiệt tình rủ Anh về làm chung tiệm người quen để dễ dàng làm việc và có thêm cơ hội thực tập tay nghề. Anh ghi nhận tất cả lòng nhiệt tâm của mọi người rồi lặng lẽ tìm đến một địa chỉ tiệm đã đăng trên báo. Có lẽ cũng rất may mắn cho Anh, vào làm cho một tiệm mà từ chủ đến thợ đều tốt bụng, họ sẵn sàng truyền đạt cho Anh tất cả những kinh nghiệm quý báu của họ. Mấy đồng nghiệp nữ thì khen Anh đẹp trai lại rất hiền, các bạn nam thì bảo Anh không chỉ đẹp trai mà còn biết… nhậu. Vợ của ông chủ thì bảo Anh chăm chỉ và chịu khó. Còn Anh tự thấy mình quá vụng về nên cứ cố làm cố học.

Sau hai năm theo nghề, Anh hăng say làm việc nên thu nhập cũng trở nên thoải mái nhưng anh vẫn âm thầm sống cảnh “gà trống nuôi con”. Lóng rày, không thấy Anh xuất hiện ngoài khu cà phê Việt Nam những ngày cuối tuần, mấy ông bạn già cùng nhau tán mỏng tán dày: “Dạo này nó bị vợ bỏ nên đổi sang nghề bóp tay bóp chân mấy em để trả thù đời. Còn giờ đâu mà ra ngồi cà phê tán gẫu, ngắm chân dài”. Anh bắn tin lại: “Mình nhường chỗ cho các bác. Kính lão đắc thọ”.

Cuối năm, những đợt gió đông lùa về lạnh quá, thằng con vô tình hỏi Bố có lạnh không. Anh im lặng mà nghe thắt lòng. Ðêm Giáng sinh thằng con kể Anh nghe chuyện Mẹ nhắn tin cho nó: “Mùa lễ Tết đến rồi mà sao Mẹ nghe cô đơn trống trải trong lòng quá. Mẹ nhớ con, nhớ không khí nhà mình”. Anh vuốt tóc con rồi bảo: “Con nói Mẹ muốn về lúc nào cũng được, nhà mình còn dư một phòng”.

 HCTH