Cô bé Nhi trong một lần tâm sự với tôi đã làm tôi phải suy nghĩ khi cô thốt lên: “Chị ơi, em tin rằng những cây thánh giá mà Chúa gửi cho mình, thì Chúa biết là mình đủ sức để vác. Mình cứ làm hết khả năng của mình, những điều còn lại thì Chúa sẽ thêm sức cho.”
Từ lâu tôi hiểu rằng không ai có một cuộc sống hoàn hảo cả. Ai cũng có một hoặc nhiều nỗi khổ khác nhau, hay nói như cô bé Nhi rằng ai trong chúng ta cũng đều có những cây thánh giá để vác. Và dịp đi phục vụ bữa ăn trong dịp lễ vừa qua cho những cựu chiến binh Hoa Kỳ nghèo khổ, vô gia cư, cảm nhận của tôi về cây thánh giá của riêng tôi và của mỗi người có thể đã thay đổi. Vừa bước vào trong trung tâm phục vụ cựu chiến binh (Veterans Resource Center) ở Dallas, tôi thấy ngay những khuôn mặc hốc hác, lờ đờ trong bộ quần áo màu quân phục đã sờn rách. Có người ngồi xe lăn, có người chống gậy hoặc đẩy những xe đựng đồ của các chợ (shopping cart) để chất đồ dùng cá nhân của họ, những hình ảnh quen thuộc mà tôi thường thấy ở những góc đường. Nhưng hôm nay dường như họ réo nhau cùng tập trung vào một nơi để cùng được thưởng thức một bữa ăn như cùng trong một gia đình với nhau.
Cựu Ðại tá Thủy Quân Lục Chiến (Retired Marine Colonel) Ken Watterson đứng trước cửa bắt tay chào đón từng người. Ông vỗ vai họ hỏi thăm về những binh chủng họ từng phục vụ. Ông lo cho họ từ cái bàn chải đánh răng, đến cái quần lót, hay cái áo khoác mùa đông. Ông lại thẳng thắn khuyên họ bớt uống rượu và phải đến điều trị tâm lý ở bệnh viện dành riêng cho cựu chiến binh. Ken là thế đó, tôi từng tiếp xúc với ông nhiều lần, ông không nề hà, kiểu cách. Ðối với ông, có cơ hội giúp đỡ những người khác là niềm hạnh phúc của ông và ông lo lắng tìm cách gây quỹ giúp họ, đó có phải là cây thánh giá của ông?
Sau khi trở về từ chiến tranh Việt Nam, Ken đi học lại và tiếp tục phục vụ trong quân đội song song với việc đầu tư thương mại. Nếu nói về thành công thì Ðại tá Ken cũng hơn rất nhiều người, nhưng ông không bao giờ cho là mình phải ở một đẳng cấp nào đặc biệt. Ông xuề xòa, thân thiện, và tình thương của ông dành cho những kẻ kém may mắn hơn mình không có một giới hạn nào hết. Ông nói rằng tâm lý chung người ta hay dễ có một định kiến về những người cựu chiến binh vô gia cư, nghèo khổ; rằng họ làm biếng hay họ là những người không tốt. Nhưng khi người ta chưa từng phải nhiều lần đối diện với Thần Chết hay phải lấy đi mạng sống một người khác để mình được sống sót thì họ không thể hiểu tâm trạng và nỗi khổ của một người lính. Ông nói ta không nên phán xét người khác khi ta chưa từng nằm trong hoàn cảnh của họ. Ông kể rằng thời ông phục vụ trong quân đội tham chiến ở Việt Nam, những người lính của ông đa số là mới 18-19 tuổi, còn rất non nớt, ngây thơ như tờ giấy trắng. Rồi khi giáp mặt với những người lính Cộng Sản, mặt còn búng ra sữa, dù là kẻ thù, ông cũng cảm nhận họ cũng có những nét ngây thơ, hiền hậu. Nhưng vì sự khác biệt lý tưởng do các lãnh đạo thế giới đưa ra mà thế hệ thanh niên hai bên phải chiến đấu sống còn trên chiến trường. Và rồi khi trở về nước mang theo những hậu quả tâm lý cũng như thương tích trên cơ thể, những chiến hữu của ông lại bị đối xử một cách ghẻ lạnh vì phong trào chống chiến tranh của xã hội Mỹ thời đó, đã vô tình biến những người lính thành những gánh nặng của xã hội.
Chung quanh tôi, tiếng cười, tiếng nói xôn xao từ những người cựu chiến binh da màu, da trắng xen lẫn cùng người nhà của họ. Những người tình nguyện viên găng tay xanh mang thức ăn đem đến tận bàn phục vụ từng người. Những em nhỏ trong đồng phục Hướng Ðạo được cha mẹ đưa đến đang hăng hái phụ giúp chia thức ăn cho mọi người.
Bất chợt tiếng piano thánh thót vang lên từ một góc hội trường. Tiếng xôn xao cười nói bỗng im bặt. Người đàn ông gầy gò với mũ lưỡi trai trên đầu, bộ áo quần lính nhàu nhĩ bạc phếch, cả người lắc lư có khi như gập xuống, mắt nhắm nghiền như đờ đẫn mà đôi tay liến thoắng trên hàng phiếm trắng đen. Cả thế giới của ông dường như chỉ còn là âm nhạc. Mọi người chung quanh như bị cuốn vào cái thế giới đó. Khi tiếng nhạc chấm dứt, ông ngẩng đầu tươi cười, để lộ hai hàm răng thưa thớt gần như đã rụng gần hết, chào tôi khi tôi tiến lại gần ông. Tôi cũng chợt nhận ra rằng bàn tay trái ông bị cụt hai ngón. Tôi tự hỏi, có phải đó là cây thánh giá của người cựu chiến binh này? Ðã bao Giáng Sinh đã qua, vậy mà khi trò chuyện với những người học trò trong lớp đàm thoại tiếng Anh và luyện thi quốc tịch, tôi vẫn nhớ lại cảm giác co ro, hụt hẫng của một người mới định cư ở Mỹ. Ai bảo trẻ con ngây thơ, ai bảo trẻ con lúc nào cũng hồn nhiên. Dù lúc đó tuy còn nhỏ, nhưng tôi không hề cảm nhận được cái náo nức của ngày lễ như những trẻ con bản xứ, hay trẻ con của những gia đình đã ở Mỹ lâu. Mấy chị em tôi nhìn nét trầm ngâm, đăm chiêu trên khuôn mặt bố và hiểu sự bất lực, mặc cảm của một người đàn ông khi không thể lo lắng đầy đủ kinh tế cho vợ con. Chúng tôi cũng cảm nhận được sự hy sinh, nhẫn nhục của mẹ khi phải bươn chải kiếm sống như những người lao động khác. Mẹ hiền lắm, mẹ ít nói lắm, nhưng mẹ thổi vào tâm hồn chúng tôi sự mãnh liệt của tình yêu dành cho cuộc sống. Mẹ dạy chúng tôi vươn lên nhưng vẫn trân trọng, hài lòng với những gì ở hiện tại. Tôi khổ ư? Mẹ bảo có người khổ hơn. Tôi than thân trách phận, mẹ bảo vô ích con nên dùng thời gian đó để tìm cách nỗ lực hơn nếu mình muốn thay đổi những gì mình có thể. Tôi thất tình, mẹ nhắn nhủ con đã yêu bằng cả trái tim thì không có gì phải hối tiếc vì những đau khổ tột cùng của tình yêu chứng tỏ là con từng có những rung cảm chất ngất của hạnh phúc. Ði phục vụ những người cựu chiến binh vô gia cư và lắng nghe tâm sự của Ðại tá Ken, tôi càng thấm thía câu nói của bé Nhi hôm nào. Tôi cám ơn Thượng Ðế đã cho tôi trải qua những nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống để biết làm thành nỗ lực vươn lên, cho tôi những lúc nghèo khó khổ đau để thành bài học biết trân trọng, hài lòng với những gì ở hiện tại và cho tôi bền bỉ nhẫn nại để tiếp tục gánh những cái thánh giá của đời mình.
AT
Arthurine Kamphaus, M.B.A., J.D.
(Ls. Anh-Thư)
Attorney-at-Law
1140 E. Pioneer Pkwy Ste. 300 Arlington, TX 76010
Cell: 623-341-8835 I Fax: 817-394-0505
arthurinek@gmail.com