Ngày Thứ Ba 8 tháng 12 vừa qua, mở đầu một năm mới đối với hơn một tỷ người Công giáo trên thế giới. Hàng triệu người sẽ hành hương về Rome để đi qua một cánh cửa thường chỉ mở ra mỗi 25 năm một lần. Năm đặc biệt đó được Giáo hội Công giáo gọi là Năm Thánh (Holy Year hoặc Jubilee). Xin cùng tìm hiểu về ý nghĩa đặc biệt của năm nay đối với người theo đạo Chúa.
Đức Giáo Hoàng Francis làm nghi thức mở cửa Năm Thánh
Năm thánh là gì?
Trong Giáo hội Công giáo, Năm Thánh là một biến cố tôn giáo có mục đích tha thứ tội lỗi cũng như hòa giải. Tư tưởng này bắt nguồn từ Thánh Kinh, như quy định trong sách Lê-vi chương 25 câu 10: “Các ngươi phải làm cho năm thứ năm mươi nên Thánh, và rao truyền sự tự do cho hết thảy dân trong xứ. Ấy sẽ là năm hoan hỉ cho các ngươi”.
Đối với người Do Thái thời xưa, Năm Thánh là thời gian tài sản được trả về chủ cũ hoặc người kế thừa hợp pháp, nô lệ được trả tự do, chủ nợ không được đi đòi nợ.
Đức Giáo tông Boniface VII tuyên bố Năm Thánh đầu tiên của Giáo hội, đó là năm 1300, khởi đầu bằng việc mở cánh Cửa Thánh (Holy Door) là cửa mở vào Đền Thánh Phêrô, thường được bít kín, cho những người hành hương có thể đi vào. Những cửa Thánh khác cũng được mở ra trong Năm Thánh đó tại Rome và trên khắp thế giới. Cửa được đóng lại và bít kín khi Năm Thánh kết thúc.
Trong cuộc tông du Châu Phi vừa qua, ngày Chúa Nhật 29 tháng 11, Đức Giáo tông Francis đã làm nghi thức mở một chiếc cửa tại nhà thờ Chính Tòa tại Bagui, thủ đô nước Cộng hòa Trung Phi. Đây là cử chỉ tượng trưng để khai mạc Năm Thánh.
Chủ đề của Năm Thánh này là Lòng Thương xót của Chúa.
Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót có ý nghĩa gì?
Như đã nói trên, Năm Thánh là một biến cố được người Công giáo tổ chức mỗi 25 năm một lần, và nếu theo đúng quy định đó thì năm 2025 mới tổ chức. Tuy nhiên, một vị Giáo hoàng có thể công bố một Năm Thánh “ngoại thường” khi thấy cần thiết, do đó Giáo hoàng Francis đã thiết lập Năm Thánh Lòng Chúa thương xót (Jubilee of Mercy) kéo dài từ ngày nói trên đến ngày 20 tháng 11 năm 2016.
Trong Năm Thánh, người Công giáo có thể lãnh nhận những ân xá (indulgences) đặc biệt để được tha thứ các tội lỗi nếu họ chu toàn các điều kiện đã quy định, làm các việc thiện hoặc đi hành hương. Đặc biệt là năm nay các linh mục được phép tha tội cho những phụ nữ đã phá thai nhưng biết sám hối, vì phá thai được Giáo hội coi là một trọng tội. Nếu không được tha tội, những người đã phá thai không thể tham dự vào các nghi lễ của Giáo hội nữa.
Để phác họa quan điểm của Ngài về Năm Thánh, Đức giáo tông Francis viết: “Thời điểm đã tới cho Giáo hội đáp lại tiếng gọi hân hoan của lòng Chúa xót thương một lần nữa. Đó là thời điểm để trở về nguồn cội và để gánh mang lấy những nỗi yếu đuối và sự chiến đấu của các anh chị em chúng ta.”
Năm Thánh sẽ đạt được mục tiêu nào?
Sẽ kêu gọi những người Công giáo suy tư về chủ đề Lòng Chúa Thương Xót và dùng chủ đề đó như thời gian kết hợp Giáo hội khắp hoàn cầu.
Thay vì đẩy mạnh việc giáo dân phải tuân thủ các huấn thị, Đức Giáo tông Francis muốn chứng tỏ niềm tin là một sự mời gọi. Ngài cũng đã từ lâu kêu gọi Giáo hội phải tiến bước mạnh hơn về những công tác mục vụ.
Có những sự kiện chính nào?
Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rome được Đức GH làm nghi thức mở ra hôm Thứ Ba 8 tháng 12 năm 2015, sau đó là một chuỗi những sự kiện dành cho giới trẻ, người bệnh và tàn tật, tù nhân và những nhà hoạt động từ thiện. Từ nay đến ngày đóng Cửa Thánh cũng sẽ có nhiều sự kiện đã được hoạch định.
Năm Thánh cũng là dịp lôi cuốn hàng triệu khách hành hương về Rome từ khắp nơi trên thế giới.
PN