Menu Close

Những người muốn sống

Khi vùng trời, mảnh đất quen thuộc không còn nuôi dưỡng, con người đi tìm đất sống. Người ta rời bỏ nhà cửa, người thân vì đói khát, vì bị áp bức tù đày; họ lên núi, ra biển.

Bốn mươi năm trước, dân Việt ra biển khi cộng sản chiếm miền Nam. Cuộc di dân tìm tự do kéo dài cả chục năm trời kế tiếp cho đến khi trái tim người thế giới ngừng xúc động, khô cạn lòng nhân từ.

Gần đây, khi chiến tranh bùng nổ tại Phi Châu, tại Trung Đông, ta lại thấy thảm nạn di tản, con người chạy trốn chiến tranh. Tại những vùng đất lân cận, trại tạm cư được dựng lên sơ sài làm chỗ tiếp nhận kẻ không nhà.

Thế giới gửi tiền bạc thực phẩm đến cứu trợ và đôi khi cả quân đội để trị an. Lương tâm con người xem ra có phần yên ổn khi dân tị nạn tạm thời có cơm áo?! Nhưng khi dân tị nạn kéo nhau ra biển, và chết đuối hàng trăm thì người thế giới lại xôn xao mủi lòng trước hình ảnh các con thuyền mỏng manh, chuyên chở quá trọng tải gặp bão và đắm tàu. Di dân lênh đênh trên biển Địa Trung Hải và được tàu Ý Đại Lợi cứu vớt. Người tị nạn chạy trốn chiến tranh bùng nổ trên các lãnh thổ vùng Trung Đông.

nguoimuonsong

Người Hồi giáo từ Myanmar tìm nơi ẩn náu ở Bangladesh sau khi bị đuổi ra khỏi nhà Phật. ẢNH: AP

 Ngày xửa ngày xưa các quốc gia tiếp nhận người Việt vượt biển chỉ lo lắng về kinh tế, về an ninh xã hội nhưng hôm nay, khi tiếp đón dân tị nạn từ Trung Đông, Phi Châu, người thế giới lại phải lo lắng về… quân khủng bố trà trộn để xâm nhập quốc gia họ. Sự lo âu nọ khiến các quốc gia Liên Âu nản chí và chùng lòng trước các vấn nạn nan giải trước mặt, bỏ lờ thì áy náy nhưng cứu vớt thì khó quá, quá khó.

Trời Âu đang dè dặt trước các con tàu tị nạn thì tại Đông Nam Á, người ta lại phản ứng quyết liệt khi di dân lênh đênh trên sóng nước thuộc quốc gia họ. Mã Lai xua đuổi thẳng thừng, đưa hải quân ra tuần hành tại biên giới, thấy tàu tị nạn thì cho ít lương thực rồi đuổi đi.

Người vượt biển Đông Nam Á là những người thiểu số Rohingya, theo đạo Hồi, phát xuất từ Miến Điện, Myanmar (ngày trước có tên Burma). Mấy chục ngàn người Rohingya từ năm 2012 đã bỏ trốn vì bị dân Miến truy bức; một trận đuổi đánh [để] diệt chủng. Người Rohingya không được mang quốc tịch Miến, sống dưới tình trạng tù đày trong các trại tạm cư hà khắc; khoảng 140 ngàn người bị tập trung tại Rakhine State.

Tại Miến, Phật giáo là quốc giáo, tín đồ Hồi giáo xem ra không có đất sống. Họ bị gom vào các trại tập trung và cô lập, không được phép sinh sống hòa nhập với xã hội Miến, tựa như những di dân bất hợp pháp từ Bangladesh. Chịu không nổi sự hà khắc ấy, người Rohingya ra biển tìm đất sống tại Mã Lai và Nam Dương là các quốc gia đông tín đồ Hồi giáo.

Sơ khởi, đã có khoảng 2,000 người Rohingya (tị nạn tôn giáo) và người Bangladesh (tị nạn kinh tế) đã đến bờ Mã Lai và Nam Dương sau khi chính phủ Thái đóng cửa biên giới Thái-Mã, kiểm soát chặt chẽ các trại tạm cư do hệ thống buôn người tạo lập. Những cư dân bất hợp pháp bị đẩy ra khỏi lãnh thổ và đường dây buôn người bị gián đoạn.

Đi đường bộ không xong thì người ta ra biển, và các thảm họa năm nào tái diễn, cũng những con tàu mỏng manh ép chặt các con người, tàu gặp bão, hết lương thực, hết nước uống, trôi nổi lênh đênh. Người ta chết vì đói khát, vì bệnh tật và vì đắm tàu trong khi chẳng quốc gia nào chịu mở cửa nhận người.

Hải Quân Hoàng Gia Thái, xem ra có chút “máu mặt” so với láng giềng, đã thả thực phẩm cứu trợ cho các con tàu trôi nổi đói khát; giúp nhiên liệu, sửa chữa máy móc để các con tàu tị nạn kia có thể lên đường đến Mã Lai, đất hứa mới cho các tín đồ Hồi giáo từ Miến Điện.

Theo bản công bố của the International Organization for Migration (IOM), họ đã gửi các chuyên viên y tế đến Nam Dương để giúp đỡ người tị nạn và giúp thương lượng với chính quyền địa phương để nhận thêm người vượt biển. IOM cũng nói rằng Thái chịu nhận người nhưng di dân lắc đầu (?) đòi đi tiếp đến Mã Lai, có thể vì chủ tàu (?) thuộc đường dây buôn người đã bị chính phủ Thái truy nã nên tìm cách trốn lánh?

Về phía Mã Lai, dù là quốc gia Hồi giáo nhưng chính phủ quốc gia này cũng không rộng lòng với di dân Rohingya như trước đây; cung cấp thức ăn rồi chỉ lối cho tàu tị nạn đi… Úc! Mã Lai không còn mở cửa như trước vì di dân mang theo gánh nặng kinh tế, chính phủ cần thành lập các chương trình trợ giúp quy mô cho đến khi người tị nạn hội nhập được vào sinh hoạt xã hội hầu tự túc. Sự khác biệt về ngôn ngữ tập tục khiến di dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Wan Junaidi Jaafar, phụ tá Bộ Trưởng bộ Nội Vụ, Deputy Home Minister, công bố rằng Mã Lai không nhận người tị nạn, vì sẽ có cả trăm ngàn di dân khác từ Miến Điện và Bangladesh đổ về… Nếu tàu còn di chuyển được, Mã Lai sẽ tiếp tế lương thực và nhiên liệu để người tị nạn hồi cư!

Thủ Tướng Mã, Najib Razak cũng loan báo rằng chính phủ Mã Lai rất lo ngại về luồng sóng di dân tiến về lãnh thổ và họ không chấp nhận tệ nạn buôn người.

Ta có thể hiểu [ngầm] là những con người lênh đênh kia là do tổ chức buôn người mang đến (?). Chính phủ Mã Lai đang phối hợp với các quốc gia liên hệ để tìm một giải pháp thỏa đáng. Nôm na là làm thế nào để người tị nạn đừng ra biển nữa, Mã Lai có thể viện trợ cho Miến Điện ít tiền bạc, lương thực… để chính phủ này ngưng bạc đãi dân Rohingya, và viện trợ cho Bangladesh để dân bớt đói khát mà ở yên một chỗ!

Từ Nam Dương, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao ông Arrmanatha Nasir đã nói với báo chí rằng tàu bè Nam Dương đã và đang trợ giúp người tị nạn, và để họ “muốn đi đâu thì đi”. Dân tị nạn không muốn nhập cảnh Nam Dương, chỉ muốn đi Mã Lai, sau khi được trợ giúp, di dân lại rong buồm ra biển!

Riêng Thái Lan, di dân vào đất Thái sẽ trải qua một cuộc giám định của sở di trú. Người hợp pháp (?) sẽ được đón nhận, khách không mời sẽ bị trục xuất.

Nam Hàn và Nhật Bản ở tuốt phía bắc nên thuyền tị nạn chưa cặp bờ, nhưng hai quốc gia giàu có này cứ tảng lờ chẳng hó hé chi về vấn nạn thuyền nhân.

Trong khi Thái, Mã và Nam Dương đang cò kè thêm một bớt hai, chơi “ping pong” với tính mạng thuyền nhân thì tổ chức nhân đạo Human Rights Watch lên tiếng kêu gọi các chính phủ này ngưng đánh bóng bàn, vì lòng nhân đạo mà cho thuyền nhân cặp bến, dù Miến Điện là thủ phạm gây ra vấn nạn ấy.

Có thể nào thế giới họp nhau viện trợ kinh tế, gây áp lực với Miến Điện để họ bớt tàn sát dân thiểu số Rohingya không nhỉ?

Một điều khó hiểu nữa, Miến Điện nhỏ xíu, nghèo khó, mới vừa thành lập chính phủ dân cử chưa được bao lâu, họ khao khát được sống tự do mà sao lại nhanh chóng quay lưng bạc đãi cầm tù kẻ yếu thế?

Chẳng lẽ ta đòi tự do mà lại cầm tù kẻ khác? Hình ảnh các nhà sư áo vàng tuần hành ngập đường phố Ngưỡng Quang năm nào khiến thế giới xúc động đã bị thay thế bởi các cư dân thiểu số khát sống trôi nổi trên đại dương hôm nay?

TLL