Ðể giới thiệu “Thư Võ Phiến,” tác giả Nguyễn Hưng Quốc viết:
“Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, được gợi hứng từ lời tuyên bố “Thượng Ðế đã chết” của Nietszche, nhiều nhà phê bình và lý thuyết văn học trên thế giới thường hay nói đến những cái chết trong văn học; thoạt đầu, cái chết của tiểu thuyết, sau, cái chết của thơ; và ở đâu đó, ở khoảng giữa, cái chết của tác giả. Cho đến nay, hình như không lời báo tang nào thành sự thực. Tiểu thuyết vẫn còn. Thơ vẫn còn. Tác giả vẫn còn là một quyền lực lớn lao đằng sau các văn bản. Chỉ có một thể loại hình như chết thật, chết một cách lặng lẽ: thư. Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, thư bị tấn công dồn dập: thoạt đầu, với sự ra đời của điện thoại, sau, của điện thoại di động, và, quan trọng nhất, của điện thư (email), và các hình thức chuyện trò qua internet. Hiện nay, dĩ nhiên vẫn còn khá nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục viết thư cho nhau. Nhưng, không còn hoài nghi gì nữa, số lượng những người duy trì được thói quen viết thư như thế càng ngày càng hiếm; tuổi tác của họ cũng càng ngày càng cao: một lúc nào đó, có lẽ không lâu lắm nữa đâu, thư chỉ còn là một hoài niệm…” [Trang 23 – Thư Võ Phiến.]
Vậy thì “Thư Võ Phiến” là những bức thư có nội dung ra sao? Lá thư đầu tiên viết từ Los Angeles ngày 09 tháng 01 năm 1991 của ông gửi Nguyễn Hưng Quốc, được mở đầu bằng giòng chữ chào hỏi ân cần:
“Thân gửi anh Nguyễn Hưng Quốc. Tôi bắt đầu cung cấp tài liệu cho anh đây. Tôi làm dần dần. Ðến đâu thì gửi anh ngay đó: tôi bị ám ảnh vì những cái chết đột ngột của những người bệnh tim, nên không muốn chờ làm xong mới gửi một lượt. Lần này tôi nói về nguồn gốc của mình. Tại sao không viết vài trang tiểu sử, mà lại kể dây mơ rễ má dông dài. Lý do: Có lắm chỗ thuộc về nguồn gốc dòng họ, về bà con thân thuộc, xóm giềng, thỉnh thoảng xuất hiện trong các truyện, tùy bút v.v…tôi đã viết. Người đọc, nhất là người phê bình, biết được cũng hay. (Chẳng hạn có lần viết về một cây bonsai Nhật già nghìn năm, tôi buột miệng nhắc đến cái dòng dõi ngoài Hải Dương- bài ấy trên Làng Văn năm ngoái.” [Trang 37-Thư Võ Phiến.]
Thì ra “Thư Võ Phiến” là quyển sách tập hợp những lá thư của ông gửi tác giả Nguyễn Hưng Quốc và một vài người khác để nói về gia thế, về hoàn cảnh sống, về cảm nhận bàng bạc trong từng câu chữ mà ông đã viết. Và như Võ Phiến minh định trong lá thư cũng viết từ Los Angeles ngày 09 tháng 01 năm 1992 “….Một điều nữa, tôi muốn “phân trần” với anh, trước khi chấm dứt loạt thư này: là vấn đề “thân thế,” dòng họ, hoạt động này nọ…v.v…Tôi không bao giờ – ngay từ đầu – dám nghĩ rằng cung cấp tài liệu để anh viết về “cuộc đời và sự nghiệp” của tôi. Không có vậy đâu. Tôi đọc anh bao nhiêu năm, bao nhiêu sách, tôi biết anh chứ, lẽ nào dám nghĩ anh chỉ làm một việc như vậy! Chẳng qua tôi cho rằng chút ít chi tiết về con người, hoàn cảnh sinh sống v.v…của người nào vẫn có thể giúp ta hiểu thêm về tâm hồn, dễ nhận định, phê bình, đánh giá tác phẩm người ấy hơn..” [Trang 98 – Thư Võ Phiến.]
Võ Phiến tên thật là Ðoàn Thế Nhơn, bút hiệu khác: Tràng Thiên. Ông sinh ngày 20 tháng10 năm 1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh, qua đời ngày 28 tháng 09 năm 2015, tại thành phố Santa Ana, tiểu bang California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi. Nổi tiếng từ thập niên 1960 khi hai luồng tư tưởng tự do và cộng sản lên đến đỉnh cao nhất tại Việt Nam, nhà văn Võ Phiến đã để lại cho đời hơn bốn mươi tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Sau năm 1975, hầu như các tác phẩm của ông vẫn chưa được xuất bản tại quê hương. Cho dẫu là như vậy các nhà bình luận văn chương trong nước và ở hải ngoại, vẫn công nhận sự đóng góp quan trọng của ông đối với nền Văn Học Việt Nam. Trong khi đó Nguyễn Hưng Quốc là một tên tuổi quen thuộc trong lãnh vực phê bình văn học ở hải ngoại. Ông nguyên là chủ bút Tạp Chí Việt [1998-2001], và là đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ. Hiện nay ông là chủ nhiệm Ban Việt Học tại Trường Ðại Học Victoria, Úc Ðại Lợi.
Ðọc “Thư Võ Phiến” để có cái nhìn rõ ràng hơn về một người đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn lưu lại trong lòng của độc giả bản tình ca văn chương bất tận.
HNP – 2:12am Thứ Hai ngày 07 tháng 12 năm 2015