Nếu có thể lấy một ngày nào trong năm làm ngày lễ chung cho cả nhân loại thì đó chính là ngày Lễ Giáng sinh. Có thể nói khắp nơi thế giới, từ những đứa bé vài tuổi cho đến các cụ già, không ai là không biết đến ngày lễ này. Thế nên đến nay, ngày Lễ Giáng sinh không chỉ là ngày lễ dành riêng cho người Ki Tô giáo mà luôn cho tất cả mọi người.
Trung tâm Rockefeller, Manhattan, New York. nguồn forum.exotics4life.com
Mua sắm mùa lễ
Trong những ngày cuối năm, đâu đâu người ta cũng nhận thấy không khí của Lễ Giáng sinh. Từ những quốc gia nghèo nhất cho đến những quốc gia giàu có, hình ảnh của những ngọn đèn xanh đỏ, cây thông Giáng sinh xuất hiện ở khắp nơi, và có nhiều gia đình còn bỏ công làm những hang đá xinh xắn với tượng Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ.
Ở một số quốc gia Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, dịp Lễ Giáng sinh không chỉ là một hai ngày mà nó kéo dài cả tháng, và vì vậy người Mỹ gọi đây là mùa Giáng sinh (Christmas Season) hay nói chung là mùa lễ (holiday season).
Đây cũng là dịp người ta tiêu xài mua sắm, và vì vậy, nó đóng một vai trò quan trọng cho nền kinh tế vì trong khoảng thời gian này chính là thời điểm bán hàng bận rộn nhất đối với các cửa tiệm bán lẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lượng hàng hóa bán tăng rất cao vì hầu như ai cũng có nhu cầu mua sắm, từ quà cáp đến đồ trang trí và các món hàng khác để mừng lễ.
Một cửa hàng Macy’s ngày Black Friday – nguồn forbes.com
Riêng tại Hoa Kỳ, mùa mua sắm cho Lễ Giáng sinh được chuẩn bị rất sớm. Ngay sau ngày Halloween vào cuối tháng 10 thì hầu hết các cửa tiệm đã bắt đầu cho trưng bày những món hàng Giáng sinh.
Tính ra tại Hoa Kỳ, mùa mua sắm trong dịp Lễ Giáng sinh chiếm một phần tư tổng số chi tiêu của người dân Mỹ trong suốt một năm. Theo dữ liệu của Cơ quan Điều tra Dân số Liên bang (USCB) cho thấy mức tiêu xài tại các cửa tiệm bán lẻ trên toàn quốc tăng từ $20.8 tỉ trong tháng 11, 2004 lên $31.9 tỉ trong tháng 12, 2004, cao hơn 54%. Ở những địa hạt kinh tế khác, mức tiêu xài cho mùa Lễ Giáng sinh còn tăng cao hơn nữa. Trong khoảng thời gian giữa tháng 11 và 12, lượng mua sắm tăng 100% tại các tiệm sách và 170% tại các tiệm bán nữ trang. Trong cùng năm 2004, số nhân viên làm việc tại các cửa tiệm bán lẻ ở Mỹ cũng tăng từ 1.6 triệu lên 1.8 triệu trong hai tháng trước Giáng Sinh.
Mùa mua sắm trong dịp lễ cuối năm 2014, người Mỹ chi tiêu cho việc mua sắm ở các cửa tiệm bán lẻ là $616 tỉ, tăng từ $602 tỉ trong năm 2013. Người ta phỏng đoán trung bình một người Mỹ tiêu xài trong dịp lễ là vào khoảng $800, trong đó có gần 73% là cho phần quà cáp.
Vậy thì, cho dù dịp Lễ Giáng sinh trong nhiều năm qua vẫn bị một số nhà nghiên cứu về xã hội than rằng nó đã bị thương mại hoá, nhưng thử hỏi nếu người Mỹ không tiêu xài mạnh trong suốt một tháng cuối năm như thế thì kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng ra sao, và nhờ tiêu xài mạnh nên tạo thêm nhiều trăm ngàn công việc trong thời gian này cũng nên được xem là một lợi điểm chung cho tất cả.
Thường các cửa tiệm bán lẻ bắt đầu trưng bày các món hàng cho mùa lễ ngay sau ngày Halloween, nhưng để chính thức bước vào mùa mua sắm cuối năm tại Hoa Kỳ thì phải chờ đến một ngày sau Lễ Tạ ơn.
Ngày này thường được biết đến là ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday). Trong mấy năm gần đây, hầu hết các đại công ty của các cửa tiệm bán lẻ mở cửa đón khách rất sớm, thường ngay trong đêm của Lễ Tạ ơn. Nghĩa là người dân Mỹ sau khi ăn uống no say trong bữa tiệc quan trọng nhất trong năm là rủ nhau lũ lượt ra chen chúc tại các cửa tiệm để mua cho được những mặt hàng đại hạ giá, đây là các mặt hàng được các cửa tiệm bán lẻ quảng cáo từ nhiều ngày trước đó để chiêu dụ khách hàng đến mua sắm nơi cửa tiệm của họ trong ngày đầu của mùa mua sắm cuối năm.
Mua sắm mùa Lễ Giáng Sinh – nguồn gsmnation.com
Mà tại sao lại là Thứ Sáu Đen? Danh từ này được biết xuất hiện từ thập niên 1960 để đánh dấu chính thức ngày bắt đầu của mùa mua sắm. Màu đen có ý nói là việc kinh doanh của các cửa tiệm được chuyển từ “đỏ” sang “đen”, vì trước đây công việc sổ sách kế toán được tính bằng tay, và màu đỏ có nghĩa là lỗ, màu đen là lời. Vậy, ta có thể hiểu là việc kinh doanh của các công ty bán lẻ bị lỗ suốt năm và chỉ chờ đến dịp cuối năm để kiếm lời. Nhưng trước đó khá lâu, kể từ năm 1924 khi cuộc diễn hành ngày Lễ Tạ ơn của công ty Macy’s trở thành một truyền thống hằng năm thì ngày Thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn đã được nhiều người xem như là ngày bắt đầu của mùa mua sắm.
Tuy nhiên, vào thời điểm chỉ còn hơn hai tuần lễ trước Giáng sinh năm nay, lượng mua sắm có vẻ chậm hơn.
Theo cuộc thăm dò của tạp chí Consumer Reports cho biết trong tuần lễ đầu của tháng 12 có tới 36% người lớn trả lời câu hỏi nói rằng họ chưa đụng gì tới việc mua sắm. Con số này cao hơn 6% so với cùng thời điểm của năm ngoái.
Tại sao lại có tình trạng “lười” mua sắm trong năm nay thì chưa rõ. Trong khi giới tiêu thụ có thể còn đang chờ những ngày cận cuối may ra có thêm những đợt đại hạ giá khác nữa, cũng theo cuộc thăm dò năm nay cho thấy có hai luồng ý kiến trái ngược nhau khi nói đến việc mua sắm cho mùa lễ. Một đàng, người ta không mấy lo lắng về việc mua sắm quá mức cần thiết. Chỉ có 28% nói rằng họ đã chi tiêu “hơi nhiều, quá nhiều, hoặc quá sức nhiều” cho việc mua sắm mùa lễ năm nay so với 44% trong năm 2014. Nhưng trên thực tế, 47% cho biết họ “không mấy quan tâm” nếu có tiêu xài quá mức cho mùa lễ – cao hơn gấp đôi so với con số năm ngoái.
Nhưng với những người khác, trong đầu lại cứ luôn luôn lo lắng là không đủ tiền trang trải cho những chi tiêu quà cáp, giải trí, di chuyển v.v… Và đó là nguyên nhân chính làm cho một số người bị mắc chứng trầm cảm trong mùa lễ. Theo cuộc thăm dò trên, 46% người được hỏi cho biết họ cảm thấy tinh thần bị căng thẳng. Một số nguyên do khác đưa tới trầm cảm như quá mệt mỏi để lo cho xong mọi thứ, không đủ thì giờ để mua sắm, muốn mua cho được đúng món quà, lo chuẩn bị tiệc tùng, và cuối cùng là phải di chuyển trong mùa lễ.
Cuộc thăm dò còn cho biết một trong những vấn đề được nói tới nhiều vào mùa lễ là trong nhà nên chưng cây thông thật hay giả. Năm nay, đa số người dân Mỹ vẫn chọn thông giả. Với 53% người trả lời nói rằng họ chọn thông giả; 44% chọn thông thật. Tuy nhiên, khoảng cách biệt năm nay khít khao hơn. Năm ngoái có tới 60% cho biết họ thích chưng thông giả trong nhà.
Tuy số người chuộng chưng thông thật vẫn là thiểu số nhưng theo một số thông tin cho hay nguồn cung cấp thông thật năm nay có thể thiếu. Một phần là do trong suốt một thập niên qua số lượng thông cung cấp luôn bị dư lại nên năm nay những nhà trồng thông quyết định cắt giảm số lượng thông bán ra trong khi nhu cầu đòi hỏi lại cao hơn, đúng như kết quả trong cuộc thăm dò của tạp chí Consumer Reports.
Chàng Claus ‘gợi tình’
Một trong những biểu tượng của mùa Lễ Giáng sinh là hình ảnh của ông già Noel (tiếng Anh gọi là Santa Claus) đầu tóc bạc phơ, phục phịch trong bộ đồ màu đỏ tươi, trên miệng luôn nở nụ cười làm ấm lòng mọi người.
Tuy nhiên, mùa lễ năm nay, hình ảnh ông già Santa Claus đã ít nhiều bị lép vế, ít nhất là tại nước láng giềng phía nam của Mỹ. Đó là câu chuyện về một chàng Claus vừa mới xuất hiện và đang làm điên đảo nhiều phụ nữ ở “miệt dưới”.
Cửa tiệm bán lẻ loại cao cấp có tên Palacio de Hierro vừa tạo nên một cơn bão trên mạng xã hội kể từ khi tung ra hình ảnh của một Santa Claus cao ráo gọn gàng xuất hiện trên các tấm biển quảng cáo lớn ở khắp nơi tại thành phố Mexico City.
Chàng Claus của cửa tiệm Palacio de Hierro – nguồn t13.cl
Một chàng Claus với bộ râu bạc trắng rất dễ nhận ra, nhưng hai gò má cao, khuôn mặt đầy những nét nam tính và bộ áo ấm khoác ngoài hoặc màu huyết dụ hoặc màu xanh rất thời trang trái ngược hẳn với hình ảnh của một Santa Claus tròn trĩnh vui vẻ.
Một phụ nữ đã viết trên trang Twitter như sau: “Tôi đã thật sự tìm lại được niềm tin và tinh thần của ngày Lễ Giáng sinh. Xin hỏi rằng chàng Claus sẽ có mặt ở cửa tiệm Palacio de Hierro nào để tôi có thể tới ngồi vào lòng chàng và nói cho chàng biết điều tôi ước muốn?”
Cuốn phim hoạt hình “A Charlie Brown Christmas” tròn 50 tuổi
Đầu tháng 12 năm nay, đài truyền hình ABC cho chiếu lại cuốn phim hoạt hình “A Charlie Brown Christmas”, một trong những cuốn phim về đề tài Giáng sinh được yêu mến nhất không chỉ của người Mỹ mà khắp nơi trên thế giới. Câu chuyện của cuốn phim được dựa trên những nhân vật của loạt truyện tranh “Peanuts” của tác giả Charles Schulz. Có thể nói không một người Mỹ nào là không biết đến “Peanuts” và mặc dù Charles Schulz mất cách nay đã 15 năm, nhưng loạt truyện tranh của ông vẫn được nhiều tờ báo khắp nước Mỹ tiếp tục cho đăng lại. Và đặc biệt hơn nữa, hệ thống bưu điện Hoa Kỳ năm nay còn cho phát hành một loạt tem thư để kỷ niệm.
“A Charlie Brown Christmas” tròn 50 tuổi – nguồn abc11.com
Tuy nhiên, ít người biết đến câu chuyện đằng sau cuốn phim “A Charlie Brown Christmas”. Đó là năm 1965, sau khi đài truyền hình CBS thực hiện xong cuốn phim và nhóm làm phim thấy nó dở quá, câu chuyện diễn ra quá chậm, nên nghĩ rằng họ chỉ chiếu một lần cho xong rồi xếp nó vào kho.
Đây là cuốn phim đầu tiên lấy từ truyện tranh “Peanuts” được thực hiện đặc biệt cho đài truyền hình. Tác giả Charles Schulz chỉ có mấy ngày để viết xong câu chuyện và nhóm thực hiện hoàn tất cuốn phim chỉ trong sáu tháng. Tài chánh eo hẹp, thời gian lại gấp nên tiếng nói lồng vào những nhân vật trong phim là của các em nhỏ không có một chút kinh nghiệm diễn xuất, và tiếng kêu của chú chó Snoopy chính là giọng của đạo diễn Bill Melendez.
Thế nhưng đến nay, sau 50 năm, cuốn phim “A Charlie Brown Christmas” vẫn được chiếu lại hằng năm như một truyền thống của mùa lễ và vẫn được hàng triệu người Mỹ, trong đó đương nhiên có nhiều trẻ em tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, đón xem.
Sự thành công của cuốn phim có lẽ là vì nó lột tả đúng tinh thần của Lễ Giáng sinh: ngây thơ, trong trắng, hồn nhiên – y hệt như những nhân vật trong truyện – và đơn sơ, thật đơn sơ như hình ảnh Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ.
VH