Menu Close

Chuyện hang Bethlehem

“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…”, lời nhạc của nhạc sĩ Hải Linh làm chúng ta hình dung rằng Chúa hài đồng đã ra đời trong hang đá, nhưng thật ra chưa hẳn Ngài đã ra đời trong một hang đá như ca từ mô tả.

chuyen hang bethehem

Theo truyền thuyết, người đầu tiên đưa ra ý tưởng làm hang đá Giáng sinh là Thánh Francis. Sau thời gian đi giảng đạo, Thánh Francis trở về tỉnh Pérouse (Italy) vào năm 1223, ông dựng bàn thờ trước một hang động trong rừng để làm lễ Misa cho người dân miền núi Greccio. Trong lúc rao giảng cho dân chúng thì tự nhiên một vầng hào quang rực rỡ hiện ra chung quanh, thế là hình tượng hang đá Bethlehem hình thành sau khi Thiên Chúa ra đời hơn cả mười hai thế kỷ. Từ đó, hình ảnh hang đá Bethlehem lan truyền khắp châu Âu, rồi ra toàn thế giới. Ban đầu, chỉ có các nhà thờ làm hang đá chào mừng lễ Giáng sinh, rồi lan dần ra dân chúng.

chuyen hang bethehem2

Hội chợ bán đồ trang trí Giáng sinh ở Đức (nguồn: Wiki)

Giới quý tộc ở Ý vào thế kỷ 18 đã làm hang đá theo ý tưởng của vua Charles III. Nhà vua cho làm hang đá như thật, các nhân vật như Thiên thần, Chúa, Mục đồng và bò lừa được nhà vua đích thân tạo mẫu, kích cỡ như người thật. Vào mùa Giáng sinh, dân chúng nô nức chờ xem hang đá trước cung điện nhà vua và hang đá của các nhà quý tộc trong kinh thành.

Sau này, các nghệ nhân còn chế tác thêm nhiều chi tiết không có trong truyền thuyết. Có nhiều Thiên Thần hơn; ngoài các Mục đồng thì còn có dân chúng đến chiêm ngưỡng, thờ kính Chúa hài đồng. Từ đó nghề thủ công trang trí hang đá Giáng sinh ra đời khắp châu Âu. Người ta tìm đến các nước Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Ý để mua những đồ trang trí bằng gỗ, đất sét và nhiều loại phụ kiện khác.

chuyen hang bethehem3

Một bác người Việt đang sáng tác hang đá theo cách riêng của mình

Hàng năm, khu Canebière, trục đường lớn nhất ở Marseille, một hội chợ máng cỏ được tổ chức. Dưới những cây tiêu huyền được trang trí đèn màu rực rỡ, người ta bày bán tượng của các nhân vật trong hang Bethlehem; và để thêm vào tính chất đời thường, các nghệ nhân còn sáng chế thêm các nhân vật trong trang phục truyền thống như: ông thợ cạo ống khói, người nông dân đang thu hoạch mùa màng, người thợ xay bột ì ạch bên cái cối xay… bằng loại gỗ thông tỏa hương nhè nhẹ; hay xe trượt tuyết của ông già Noel được kéo bằng những con dê ngộ nghĩnh chứ không phải bằng bầy tuần lộc như ngày trước.

Ở Đức cũng thế, cứ mỗi mùa Giáng sinh, tại khu vực cầu cạn ở hẻm núi Ravenna nằm giữa rừng thông già, người ta lại tổ chức hội chợ hang đá. Hàng chục lều bạt được dựng lên, bày bán đồ trang trí, mỹ nghệ thủ công, làm từ gỗ của cây thông đen (loại gỗ thơm) trong rừng.

chuyen hang bethehem4

Cảnh tượng diễn ra trong hang đá theo truyền thuyết do Thánh Francis tạo ra (nguồn: Wiki)

Càng ngày, các nhân vật trong hang Bethlehem được cải tiến sinh động hơn, thậm chí ở nhiều nước châu Á người ta đã thay cái máng cỏ truyền thống bằng những hình tượng mới cho phù hợp với văn hóa nước mình. Như ở Nhật, trong hang Bethlehem còn có cả đoàn hiệp sĩ Samourai rước lễ, khiêng kiệu Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ. Còn người Esquimo thì làm hang bằng băng tuyết, Chúa hài đồng nằm trên xe trượt tuyết do chó kéo.

Tôi vẫn nhớ thuở học trò ở VN tôi thường theo bạn bè đi xem hang đá ở các nhà thờ. Nhà thờ Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng luôn có những hang đá lớn làm từ giấy bồi nhúng nước phơi khô, nhấn nhá chỗ núi cao, chỗ thung lũng, được phun sơn xám đen, rồi linh mục làm lễ đặt các tượng vào bên trong hang. Không chỉ ở Sài Gòn, vào mùa Giáng sinh các xóm đạo ở Biên Hòa cũng có hàng trăm hang đá lớn nhỏ, thu hút người đến xem như trẩy hội. Thường, chúng không lộng lẫy bằng các hang đá Bethlehem ở các nước châu Âu hay châu Á khác, nhưng cũng làm ấm lòng người, mang lại không khí tưng bừng và niềm tin an lành của mùa Giáng sinh.

TN