1.
Hồi tiểu học, tôi học tại trường Vân Côi. Trường do các soeur quản lý và trực tiếp dạy. Những năm học ở đây, tôi được các soeur đưa đi nhà thờ hằng tuần. Tôi không nhớ rõ mình chịu phép Rửa tội năm nào, chỉ nhớ năm học lớp Tư (lớp 2 ngày nay), tôi và chị ba tôi được nhận bí tích Thêm sức. Chị mặc chiếc áo đầm màu trắng, đầu đội khăn voan trắng. Còn tôi thì quần xanh, áo sơ mi trắng. Trên cánh tay trái có thắt nơ màu xanh dương. Sở dĩ tôi nhớ rõ như vậy là nhờ tấm ảnh ba tôi chụp 2 chị em nhân ngày trọng đại này. Tấm ảnh này ba tôi chụp 2 chị em đứng trước hang đá Đức Mẹ, phía bên phải nhà thờ.
Một sự kiện đặc biệt nữa là, Noel năm đó, ba tôi quyết định làm hang đá để mừng Giáng sinh. Ba lấy vỏ bao ciment vò cho nhàu rồi trải ra gấp gấp, xếp xếp. Ba dùng mực xạ – loại mực tàu người ta bán trong chai nhựa – tô tô, vẽ vẽ, dán dán một hồi rồi dựng lên. Thật kỳ diệu! Từ những mảnh giấy bình thường, qua đôi tay của ba, trở thành một hang đá. Hang đá có tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài đồng, có Thiên thần với đôi cánh trắng muốt và có cả mấy con chiên hiền lành phủ phục bên cạnh. Ba tôi còn giăng mấy dây đèn điện bông bí với đủ màu sắc nên hang đá thật rạng rỡ. Chưa hết, ông còn lấy bông gòn và cắt xốp thành từng mảnh lớn nhỏ không đều để giả làm tuyết. Tôi nhớ, lúc bấy giờ hang đá như một công trình vĩ đại và thiêng liêng chưa bao giờ tôi có được.
Tôi mang niềm sung sướng của mình đi rao khắp xóm. Chưa hết, tôi còn khoe khoang với bạn cùng trang lứa và chạy đi xem các hang đá khác rồi so sánh, chê bai. Bạn tôi, đứa nào cũng bảo hang đá nhà mình đẹp nhất để rồi… ai về nhà nấy ngắm hang đá của mình.
Đây là hang đá duy nhất mà tôi có được. Suốt một thời gian dài sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, ba tôi không làm hang đá nữa. Mãi cho đến khi tuổi đã quá nửa đời người, tôi và một nhóm bạn tha hương, nhân dịp Noel, cũng cao hứng tổ chức họp mặt, chính là để đỡ nhớ quê. Và cái hang đá vỏn vẹn vài mét vuông được làm vội vàng để trang trí cho căn phòng đỡ trống trải.
Làm sao nói hết tâm trạng tôi bấy giờ! Nhìn cái hang đá bé xíu, cũng được làm bằng vỏ bao đựng xi-măng; cũng có Đức Mẹ bế Chúa Hài đồng trên tay; cũng Thiên thần có đôi cánh trắng và hơn hang đá ngày xưa ba tôi làm là có những giai điệu nhạc Giáng sinh réo rắt; tôi quay quắt nhớ đến cái hang đá thời thơ ấu của mình. Ô hay! mắt tôi bỗng dưng hoen tròng.
2.
Này, tôi có nhớ đêm Giáng sinh năm nào, cùng em, đúng hơn là đưa em đi nhà thờ. Hôm đó, trời mưa nhỏ và lạnh. Nhỏ vừa đủ để ướt đầu. Lạnh vừa đủ để hít hà. Nói là đưa em nhưng thực ra, đứa này đi cách đứa kia không dưới… hai mét. Và chẳng có câu chuyện nào ra đầu ra đũa. Lắm lúc, đứa này hỏi chuyện mưa, đứa kia trả lời chuyện nắng. Một phần là do mưa lạnh, tai ù (?); một phần là đường phố ồn ào, náo nhiệt quá. Nhưng phần lớn là… lo sợ ai đó quen biết, bắt gặp hai đứa đi chung với nhau nên mắt cứ dáo dác, tim đập thình thịch vì sợ, vì hồi hộp thì làm sao nghe cho chính xác! Con đường đến nhà thờ đêm đó sao mà ngắn quá vậy không biết nữa. Khi em bước vào nhà thờ, tôi nép mình bên hang đá, chờ đợi. Hang đá này quen thuộc với tôi lắm. Hôm nay cũng vậy! Chỉ có người đến cầu nguyện quá nhiều khiến tôi không dám lộ mặt, đành tìm ra phía sau, nơi khuất ánh đèn để đợi giờ tan lễ và cũng để trấn an mình.
Sao tôi lại sợ nhỉ? Bây giờ, nhớ lại, tôi cũng không tìm được câu trả lời đúng nhất. Và, tôi cũng tin rằng, bất kỳ chàng trai nào, cô gái nào trong trường hợp này cũng cùng tâm trạng như tôi; thậm chí, có người còn “nặng nề” hơn! Nhưng, điều đó chẳng hề gì, khi trong trí nhớ tôi, hình ảnh em trong bộ áo dài trắng, mái tóc ngắn ngang vai, thẹn thùng và mộc mạc giữa đêm Giáng sinh vẫn cứ mồn một, cơ hồ như mới vừa diễn ra đêm qua. Thời gian chờ đợi bao giờ cũng dài lê thê. Nhất là chờ trong lo âu, phấp phỏng, thời gian càng dài hơn. Người tôi lạnh run. Nếu khi nãy mưa chỉ vừa ướt đầu thì bây giờ cả người tôi hầu như không có chỗ nào khô, dù không đến nổi ướt đầm. Chính vì vậy mà rất khó chịu. Cái ẩm ướt len vào tận lòng khiến tôi đứng không yên. Cuối cùng, em cũng bước ra và chúng tôi lại tiếp tục đi… cách nhau không dưới hai thước.
Chúng tôi còn hơn một tiếng đồng hồ nữa, trước khi đến nhà người thân của em dự tiệc réveillon. Chẳng biết làm gì, đi đâu cho hết thời gian, tôi rủ em vào quán chè gần nhà thờ. Em không từ chối nhưng cũng chẳng tỏ ra đồng ý. Em cứ dùng dằng ở gốc cây gòn, chếch cửa quán. Trời một lúc một lạnh nhưng em cứ thập thò thập thụt mãi. Cuối cùng, hai đứa trở về nhà, bỏ luôn lời hẹn dự tiệc nửa đêm.
Đó là đêm Giáng sinh đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi và em. Rồi, cuối năm ấy, trước Tết Nguyên Đán mấy ngày, tôi nhớ chẳng biết vì sao, gia đình em chuyển đi nơi khác. Thế là xa cách và không một lá thư gửi về. Bao nhiêu năm rồi, tôi chưa hề gặp lại em. Mỗi mùa Giáng sinh, nhớ lại kỷ niệm cũ, tôi lại bần thần, tự hỏi: Bây giờ em ở đâu? Em có còn nhớ đến tôi với đêm Giáng sinh hai đứa ngu ngơ, dầm mưa, chịu rét không?
Đó là Noel năm tôi 11 tuổi, học lớp Nhất, trường Vân Côi.
3.
Này, tôi có nhớ, đêm Giáng sinh giữa quê hương nhưng không phải thành phố quê nhà, có hai người sánh bước bên nhau, im lặng nghe gió từ phía sông luồn hơi lạnh vào lòng. Ta đi giữa phố đông người; tiếng xe, tiếng nhạc vang lừng mà sao thấy lẻ loi, cô đơn! Ta cứ tay trong tay, hết đường này sang phố khác. Chẳng nói với nhau lời gì. Và có lẽ, mọi lời nói bấy giờ đã là một điều không cần thiết, thậm chí sẽ trở nên nguy hiểm vì sẽ dễ dàng dẫn tới những nỗi khổ tâm, những điều buồn bã. Thi thoảng, em buột ra những câu hát, không đầu không đuôi, không trọn vẹn giống như nó bất ngờ xuất hiện trên môi và em không thể không để nó phát ra. Tôi biết lòng em ngổn ngang, như hồn tôi đang rối bời vậy. Có gì đâu, ta không hẹn nhau, cũng chẳng hứa với nhau tự thuở nào. Không từ kiếp trước. Không đến kiếp sau. Ta như loài phù du, tự nhiên lao vào ánh sáng, đốt cháy đời mình để được phút giây thăng hoa.
Ta không đi về hướng giáo đường – nơi hàng ngàn người tập trung với đèn hoa rực rỡ. Ta tìm cho mình một góc phố khác để lắng nghe đêm Chúa ra đời, ban hồng ân xuống cho mọi người, may ra được ăn mày ơn Chúa. Đêm vẫn thiêng và bước chân ta vẫn loanh quanh với gió lạnh. Nhưng gió có sá gì khi lòng ta đang tê tái! Không nói ra nhưng ai cũng mong đêm Giáng sinh cứ kéo dài vì sáng mai ra, mọi thứ sẽ khác đi. Em nép vào người tôi, bước từng bước nhỏ. Người đi đường đôi lúc quay đầu ngoái nhìn. Chắc họ đang khen thầm, sao mà hạnh phúc quá vậy! Cũng chẳng sai, chúng tôi đang thực sự hạnh phúc. Hạnh phúc dù mong manh nhưng cũng đủ để nhớ nhau một đời.
Sáng mai ra, đêm Giáng sinh đã là quá khứ, là kỷ niệm.
4.
Cuộc sống có bao nhiêu điều để nhớ, để quên. Nghiệt ngã, là cái đáng nhớ lại chóng quên; cái cần quên lại cứ nhớ. Tôi đang tự nhắc mình, hãy cố nhớ được chừng nào hay chừng đó. Nhớ để yêu thêm cuộc đời này.
LVB – OKC