Thưa dạo gần đây đọc báo, tui thấy mấy chú văn sĩ Ba Ke (Bắc Kỳ 75) tràn vào miền Nam xâm lăng hay hỏi: “Thế nào là người Sài Gòn?”
Sau đó tự ên trả lời là: ‘’Người Sài Gòn là người chịu chơi chứ chưa hề chơi chịu!’’
Tui cũng tự hỏi mình có là dân Sài Gòn hay không? Dù đã ở cái Thủ đô đó của Việt Nam Cộng Hòa mình hồi xưa suốt 6 năm trời ròng rã chớ có ít ỏi gì đâu.
Từ hẻm 382, đường Phan Thanh Giản của nhạc sĩ khiếm thị Văn Vĩ, ngang cổng Cư xá Ðô Thành, gần trường Minh Hưng của Thầy Lương Minh Hưng!
Gần nhà chuyên nắn tượng khỏa thân của ông Thế Hệ hay tiệm chụp hình của ông Mạnh Ðan!
Rồi tới chợ Hai Mươi ở Ngã Tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản!
Rồi dọn về cư xá Bưu Ðiện Hai Bà Trưng, tiệm bán đèn trần Bùi Huy Mong và tiệm hòm Tobia! (Chu choa thấy sợ!) đối diện xéo xéo Nhà thờ Tân Ðịnh,
Rồi cái trường Ðại học Khoa học Sài Gòn, Thầy Nguyễn Chung Tú làm Khoa trưởng, mà mùa Thu lá điệp Tây bay bay đầy tóc em và sâu đo giăng mạng con đường anh… đi lính! Tui hổng biết tui có phải là dân Sài Gòn không nữa?
Sau nầy tui ngộ ra rằng dân Sài Gòn là ai đã từng chạy xe đạp chạy lên, chạy xuống trên đường Trần Hưng Ðạo, biết nó bắt đầu từ đâu chạy tới đâu, là tui biết chắc tay đó là dân Sài Gòn chánh hiệu con nai vàng rồi chớ không phải là đồ xạo… ke… He he!
Thưa bởi đường nào dài cho bằng đường Trần Hưng Ðạo! Con gái nào xạo cho bằng con gái ở… Cái Cui.
Sở dĩ tui chơi chữ Cái Cui vô đây vì tui chắc mẩm là có rất ít độc giả nữ thương mến thương nào mà quê ở Cái Cui!
Mà nếu có một hai người là cùng, lỡ có đọc, cũng không rảnh để ‘xì nẹt’ thằng cha tác giả nầy… là đồ ‘cà chớn lửa’ hết biết!
Chẳng hạn như quê em nó ở Melbourne thì câu thơ sẽ thành: ‘’Ðường nào dài cho bằng đường Trần Hưng Ðạo! Con gái nào xạo cho bằng con gái Melbourne!’’ Thiệt là câu thơ hay quá xá! Úc Việt đề huề!
Con đường Trần Hưng Ðạo nầy dài thôi hết biết, nối từ Sài Gòn vô tuốt tới Chợ Lớn thành đường Trần Hưng Ðạo B.
Thế nên mấy em nhỏ trong nước bây giờ dám tuyên bố hùng hồn rằng ông Trần Hưng Ðạo đã từng đánh thắng quân Nguyên còn có một người em là Trần Hưng Ðạo B nữa?!
Thưa cái đường nầy nói ngay là do Tây Lục lộ nó làm. Nó làm thì nó đặt tên thôi. Mình nhẩy vô đặt nó đâu có chịu nè. Mà Tây ắt nó phải đặt tên Pháp rồi. Tên đó là Boulevard Galliéni (đại lộ Galliéni).
Ông Tây mũi lõ nầy đóng lon Ðại tá, Tư lịnh Sư đoàn thứ Nhì của quân đội Pháp ở Ðông Dương từ năm 1892 tới năm 1896, tức 4 năm, đã từng xua lính đánh nhau với Hùm thiêng Yên Thế, tức Hoàng Hoa Thám, tức Ðề Thám, nhưng chả làm được gì nhau.
Ðến Lương Tam Kỳ, gốc là một Chú Ba, giặc Cờ Ðen, hai mặt, chỉ điểm cho thực dân, rồi cho thuộc hạ đầu độc người anh hùng nghĩa quân đã can trường chống thực dân Pháp tới 25 năm nầy để lãnh thưởng…
Mình thâu hồi độc lập, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa mời ông Tây nầy về Pháp chơi đi; đổi tên lại là đường Trần Hưng Ðạo.
Ðường Trần Hưng Ðạo chạy qua Nha Cảnh Sát Ðô Thành, Sở Cứu Hỏa Ðô Thành, rạp Ðại Nam, rạp Nguyễn văn Hảo, rạp Hưng Ðạo, Khiêu vũ trường Văn Cảnh, Arc en Ciel, Ðêm Màu Hồng, trường Tiểu học Tôn Thọ Tường, v.v…
Nhưng đường Trần Hưng Ðạo nổi tiếng hơn cả là vì hồi xưa, trước năm 1954, có hai sòng bài: Ðại Thế Giới và Kim Chung.
(Tây hồi xưa muốn tiêu diệt mầm mống yêu nước của thanh niên Việt Nam mình bằng cách khuyến khích cứ chơi đi! Chơi cái gì cũng được hết ráo! Hút sách… Cứ chơi đi! Cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm kể cả thể thao như đua xe đạp… Cứ chơi đi! Ðừng theo nghĩa quân chống Pháp giành độc lập, tự do là nó chịu hè!)
Ðại Thế Giới, Casino Grand Monde, là sòng bạc lớn nhất Ðông Dương đầu thế kỷ 20 do Tây lập ra vào năm 1937.
Cùng lúc thành lập Ðại Thế Giới, còn có sòng bạc Kim Chung ở khu vực Cầu Muối (nay là Khu Dân Sinh, phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1). Kim Chung có nhỏ hơn, dành cho dân chơi cá kèo, thuộc loại bình dân.
Ðại Thế Giới ngày xưa nằm trên đường Galliéni (nay là Trần Hưng Ðạo B)
Chủ thầu là một tay đầu nậu casino, Lâm Giống, từ Macau, Hong Kong, là bậc thầy, được vời qua để điều hành Ðại Thế Giới. Ðủ món ăn chơi từ hốt me, tài xỉu, đến ru-lét nhưng phổ biến nhứt phải nói tới số đề…
Từ ngày Ðại Thế Giới mở cửa, có người ‘làm quen’ với Grand Monde đã nướng, tiêu tan hết sản nghiệp. Sau đó ra nhẩy cầu Bình Lợi để kết liễu… vui một đêm thôi… sáng mai ‘mạt’ rồi… Bởi đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, chỉ không đánh mới không thua!
Rồi thời thế đổi thay, sau Ðệ nhị Thế chiến, Tây quay trở lại, dụ được Bảy Viễn (Lê Văn Viễn), thủ lĩnh Bình Xuyên về thành, gắn cho lon đại tá.
Ðể có tiền nuôi cái đám giang hồ thảo khấu dưới trướng của đại ca, Bảy Viễn xin thầu lại sòng bạc Ðại Thế Giới với điều kiện nộp một số tiền kếch xù mỗi tháng cho Hoàng đế Bảo Ðại ăn chơi!
Mãi đến năm 1955, thời Ðệ nhất Cộng hòa, Tổng thống Ngô Ðình Diệm ra lịnh đóng cửa. Hai sòng bạc bị đóng cửa! Nhưng cái vụ xổ số đề nầy hổng ăn nhằm gì tới nó hết ráo.
Chánh phủ VNCH xưa có xổ số kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta, mỗi chiều Thứ Ba là mấy Chú Ba vin vào số đầu tức lô trúng thấp nhứt và hai số đuôi của lô độc đắc để tiếp tục truyền thống số đề…
Vật đổi sao dời, kẻ lên người xuống; kẻ chết người sống nhưng số đề vẫn nhăn răng sống; mà còn sống hùng sống mạnh nữa.
Thời Bảy Viễn, trên vé số đề nầy dĩ nhiên có số nhưng cũng có vẽ hình; vì có tay chơi một chữ bẻ đôi không biết, không biết chữ, không biết số luôn thì đánh theo cái hình vậy.
Mấy cái hình nầy toàn là thứ rất quen thuộc như gà, dê, heo, chó… mà bà con mình hay mơ và mớ thấy.
Tối ngủ mơ thấy mình đi uống bia ôm; thì sáng ra, vội đi mua con 21, con bán phấn buôn hương, con đưa người cửa trước, rước người cửa sau.
Chủ thầu đề bốc thăm, xổ ra số 35 chẳng hạn, bèn hô lên trên loa bằng cả tiếng Tàu lẫn tiếng Việt: “Xập Xám Ửng… Ba Mươi Lăm…”
Lúc đó, một người dùng kéo cắt hoặc đốt sợi dây cột tấm bảng mang số 35 đã cuộn được xổ xuống, dưới hai con số đó có kèm theo hình vẽ một con dê đực, sừng cong lên, với chòm râu dê!
Còn năm tới là Bính Thân, hình con khỉ! Dì sập xám; số 23 a!
Sau khi Cộng sản xâm lăng và chiếm được miền Nam thì xổ số không những chỉ tuần một ngày mà bây giờ bùng nổ… ngày nào cũng xổ. Tỉnh nào cũng xổ! Suốt từ Nam chí Bắc. Có ngày có tới hai đài xổ!
Mặc sức mà đánh. Mặc sức mà thua nhe!
Thưa thơ Bút Tre là thơ vặt hết dấu sắc, hỏi, huyền, nặng ngã gì đó… cho phù hợp với luật bằng trắc của thơ lục bát quê mình… Rồi ngắt chữ phân ra, đổi nghĩa thanh thành tục…!
Thơ xã hội chủ nghĩa cũng giống như xã hội chủ nghĩa thế thôi! Vặt hết cái chủ nghĩa cá nhân để cho vừa khít với cái chủ nghĩa tập thể vậy mà.
Nhà thơ Bút Tre có vài vần thơ trác tuyệt: “Anh đi công tác Pờ Lây/ Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra!”
Hay “Anh đi công tác Ban Mê/ Thuột xong một cái lại về với em!”
Thưa người Việt mình ai cũng là nhà thơ. Nên dù là dân chơi số đề đi chăng nữa thua xái bái xài bai cũng bắt chước nhà thơ Bút Tre mà làm thơ như vầy:
“Ðề ơi! Lúc chiều về mình đánh con cay? Mà sao đề lại xổ con mai hỡi đề?”
Thưa con cay tức con cầy, (sau khi vặt bỏ hai cái dấu) tức con chó, số 11, 51 và 91. Còn con mai tức con khỉ, số 23, 63.
Thưa con mai là con khỉ vì ca dao có câu rằng: “Tháng Ba cơm gói ra hòn. Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai!” Mai đây là Khỉ. Hang mai tức là hang Khỉ đó bà con ơi!
Thưa số đề, mỗi vé có hai con số, từ 00 đến 99. Như vậy 100 vé từ 00 đến 99, mỗi vé giả thử 1 đồng đi thì nhà Cái, tức Thầu Ðề thâu được 100 đồng. Chung 70 đồng; lời 30%.
Nhưng cũng có trường hợp nhiều tay chơi xúm lại quánh có một con. Mà thường là trật thì Thầu Ðề lủm hết.
Nhưng đôi khi tổ trác số đó lại nhiều ngươi nằm mơ, ông xui bà khiến sao đó, quánh trúng, Thầu Ðề lỗ… Nhưng có hề gì bữa sau tao lấy lại mấy hồi.
Cộng sản Bắc Việt mang xe tăng Liên Xô và bo bo Trung quốc vào xâm lăng Miền Nam tự do! Ðể chống lại, dân miền Nam cho số đề ra xâm lăng miền Bắc.
Hiện nay, có ba cấp độ ghi số đề: Huyện Ðề! Tỉnh Ðề và Thủ đô Ðề!
Nhà cái phải thuộc hàng thứ dữ, có máu mặt trong giang hồ lại vừa có số có má trong hệ thống nhà nước. Là một bà vợ quan chức cấp bự nào đó chống lưng cho đầu đảng trong giang hồ để ăn chia.
Bởi nếu không có sự che chở, công an chỉ cần theo dõi vài ngày là đã lộ rõ chân tướng.
Do đó mấy chú đem AK vô xâm chiếm miền Nam; miền Nam ta sẽ đem số đề ra xâm lăng miền Bắc! Ðể coi ai giải phóng ai? Ha ha!
BẢO HUÂN
DXT – melbourne