Charles Bukowski sinh 1920 tại Đức và di cư với gia đình qua Mỹ lúc 3 tuổi. Ông lang thang khắp nước Mỹ nhưng sống lâu nhất ở vùng Los Angeles, California. Ông làm đủ nghề, từ nhân công trong lò sát sinh và lò làm bánh cứng cho chó ăn, cho đến người phát thơ cho bưu điện. Ông xuất bản truyện đầu tiên lúc 24 tuổi, và bắt đầu làm thơ từ 35 tuổi. Từ thập niên 1970, ông nổi tiếng. Bukowski viết về đời sống thấp hèn nhưng ngạo mạn của những kẻ thất bại. Ông viết về nghiện rượu, viết văn, túng thiếu, tình yêu… Ông viết rất nhiều, lắm khi rất cẩu thả, và xuất bản được 45 quyển sách – tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ – trước khi chết năm 1994. Hollywood đã làm 2 phim về đời ông. Tuy không được tôn trọng lắm bởi những nhà phê bình, Bukowski rất ăn khách đối với những nhà văn trẻ, giới sinh viên và độc giả nói chung. Không nhà thơ Mỹ đương thời nào bán được nhiều sách như Bukowski. Sách ông cũng đã được dịch ra mười mấy thứ tiếng.
Trẻ đã từng giới thiệu vài truyện ngắn của Bukowski, lần này là một bài thơ. Thơ của ông như một lát cắt ngang qua mặt đời sống, cấu trúc gần với truyện ngắn, ngôn ngữ giản dị và hài hước.
Thận Nhiên
Cái chết của chàng người tuyết
lần duy nhất trời đổ tuyết ở
Los Angeles
chúng tôi làm một gã người tuyết be bé trong
sân nhà thằng Neal, gã người tuyết duy nhất
mà chưa đứa nào trong bọn
được thấy: nho khô làm mắt,
cà rốt làm mũi,
nút bần nhét vô miệng
như điếu xì-gà.
lúc đó là 8 giờ sáng.
khi sắp trưa thì tuyết đã tan
từ những mái nhà và
bãi cỏ
nhưng gã người tuyết vẫn
ngon lành
chỉ teo dần lại
một tí.
Neal quyết định rằng chúng tôi nên
bỏ gã vào tủ lạnh
của nhà nó
để gã ngưng tan chảy
rồi chúng tôi đồng ý làm vậy.
ngày hôm sau gã người tuyết
vẫn còn trong tủ lạnh
ở hiên sau
và gã chỉ nhỏ bớt đi
một tí.
gã nhắc chúng tôi nhớ về
cái phép lạ đã xảy đến.
chúng tôi bốn thằng:
Neal, tôi, Eddie và Gene.
chúng tôi vói tay vào sờ
và ngưỡng mộ gã.
chúng tôi biết sẽ chẳng bao giờ
trời đổ tuyết lần nữa
ở Los Angeles.
3 hay 4 ngày sau
một chiều nọ chúng tôi ra trước nhà
thì Neal gào lớn, “CHÚNG CHÔM NGƯỜI TUYẾT CỦA MÌNH KÌA!”
chúng tôi không biết mấy thằng đó,
chúng đếch học chung trường.
một thằng na người tuyết
chạy cà tưng
lòng vòng trong sân sau nhà Neal
như thể nó đếch biết
tha gã đi đâu;
ở sau đó có một hàng rào
cao nghều.
tất cả có
một thằng na
và ba thằng khác
trạc tuổi chúng tôi.
chúng tôi chạy ra sau
nhào vô nện bọn chúng.
thằng na người tuyết
buông gã xuống và vung tay
chơi lại.
chúng đúng là dân chơi rất ngầu
nhưng chúng tôi biết mình đúng
và chúng tôi máu hơn
nên chúng thất thế dần
rồi xịt máu mũi.
cho dù chúng chửi to mồm hơn,
chúng tôi cũng đục chúng, te tua.
ba thằng chạy thục mạng
nhưng thằng bự con nhất
thằng thứ tư
cúi xuống chụp
bẻ cái đầu người tuyết bé bỏng của chúng tôi
tọng luôn vào miệng.
“GIẾT NÓ!” Neal thét lên.
chúng tôi dí nó
nhưng nó dọt nhanh
ra đường
cẳng nó dài quá xá
chúng tôi hổng bắt kịp.
mấy thằng tôi trở lại
bên cái còn lại
của người tuyết.
cả bọn đã xéo lên gã
tơi bời
trong trận đánh.
chẳng còn gì là thân
là thể.
ngoài mớ tuyết trắng chèm nhẹp.
“hết cứu rồi.”
Neal nói.
rồi nó vừa giậm vừa nện
xuống đất.
chẳng mấy chốc chỉ còn
mớ đất nhão nhoét.
“Sao mấy thằng chó đó
tìm được
người tuyết của mình vậy ta?” Neal thắc mắc.
chúng tôi ngồi lại đến khi
má nó về.
bả vào nhà một lúc,
rồi trở ra hiên sau.
“chàng người tuyết bị sao rồi?”
bả hỏi.
“chẳng sao cả.” Neal đáp.
“đừng nói với tao bằng cái giọng đó,
à nghen!”
bả nói.
Neal im re, ngồi lỳ.
“mày hổng nghe tao nói gì sao, Neal?”
“daaaạ…”
“lại mày nữa á!
mày dô nhà ngay cho tao!”
Neal đứng dậy lủi thủi
vào nhà.
Eddie, Gene và tôi
đứng dậy
tà tà ra đường
rồi Gene lủi thủi bỏ về nhà
rồi Eddie lủi thủi bỏ về nhà
rồi tôi lủi thủi
bỏ về nhà
và đếch thằng nào nói
điều gì cả,
cũng đếch chào nhau tạm biệt.
chúng tôi biết sẽ chẳng bao giờ
trời đổ tuyết
ở Los Angeles
thêm một lần nào
nữa.
CB – 1920-1994
tặng Phan Quỳnh Trâm
bản dịch của Thận Nhiên
Dịch từ nguyên tác “the death of the snowman”, trong Charles Bukowski, the night torn with mad footsteps (Santa Rosa: Black Sparrow Press, 2001) 121-125.