Menu Close

Huyền thoại lego

Nổi tiếng trên toàn thế giới bằng những miếng lắp ráp thông minh đề cao sự sáng tạo của người chơi, Lego với danh hiệu “đồ chơi thế kỷ” đã đang và vẫn còn thu hút không chỉ trẻ em, mà còn thu hút bất cứ ai yêu thích sự sáng tạo. Cha đẻ của Lego là ông thợ mộc Ole Kirk Christiansen – một người đầy sáng tạo và khéo tay. Ông đã “thai nghén và sinh thành” ra Lego khi bị phá sản, bằng những miếng gỗ vụn dư thừa còn lại trong xưởng gỗ tại Billund, Đan Mạch từ năm 1932. Công ty thời đó chuyên sản xuất các mặt hàng từ gỗ cụ thể là cái thang và đồ chơi. Năm 1960, một tai nạn bất ngờ xảy ra, kho đồ chơi gỗ bị thiêu rụi hoàn toàn sau vụ cháy lớn. Tuy nhiên không vì vậy mà Christiansen nản lòng bỏ việc kinh doanh. Năm 1934, ông chính thức đặt tên cho công ty là Lego, có nghĩa là “chơi hay,” được viết tắt theo tiếng Đan Mạch. Năm 1947 ông Christiansen nảy sinh ý tưởng sử dụng nguyên liệu được cung cấp từ những nhà máy chuyên đúc nhựa, thay vì sản xuất đồ chơi bằng gỗ như trước kia. Đến năm 1951, hơn 50% sản lượng của công ty là những đồ chơi bằng nhựa. Thiết kế của Lego trong giai đoạn từ năm 1949 đến năm 1958 không có gì đặc biệt, vẫn tuân thủ theo mô hình truyền thống.

6a00e55180ed5c88340120a5a5867a970c

Ảnh minh họa. (NGUỒN: CHUTZPAH.TYPEPAD.COM)

Hãng sản xuất đồ chơi Lego  – nhãn hiệu cầu chứng tại tòa là chữ in hoa LEGO – một sản phẩm đồ chơi xếp hình nổi tiếng trên toàn thế giới do  Công Ty Lego chế tạo. Công ty này thuộc quyền sở hữu riêng, trụ sở chính tại Billund, Đan Mạch. Lego bao gồm những thanh nhựa hình viên gạch nhiều màu cài được vào nhau, hình nhân mini và nhiều bộ phận khác, là sản phẩm quan trọng nhất của công ty. Những viên gạch Lego có thể được lắp ráp và kết nối theo nhiều cách để tạo ra các loại xe, tòa nhà và cả những chú robots. Bất cứ thứ gì đều có thể tháo rời sau khi đã lắp ghép, và các mảnh ghép sẽ được dùng để tạo ra những cái mới. Công Ty Lego đứng thứ tư trong bảng xếp hạng các công ty sản xuất đồ chơi trên thế giới, có hơn 5000 công nhân lao động, và một đội ngũ thiết kế lên đến 150 người của18 quốc gia khác nhau. Chi nhánh bán hàng của Lego có mặt tại hơn 130 quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Nhưng để có được tồn tại vững vàng như ngày nay, Công Ty Lego đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm. Trong thập niên 1960 – 1970 Lego bắt đầu thay đổi thiết kế, tập trung áp dụng loại hình công nghệ cao, cụ thể là Lego Technic được tung ra thị trường năm 1977. Sản phẩm tiêu biểu phải kể đến những chú robot MindStorm là kết quả của việc hợp tác giữa Lego và Viện Công Nghệ  Media Lab Massachusetts * vào năm 1988. Mindstorms NXT được thiết kế thông qua bộ điều hành thông minh dựa trên 571 yếu tố kỹ thuật. Lego thành công và liên tục phát triển  trong gần 70 năm. Tuy nhiên đến năm 1998, công ty này bắt đầu thua lỗ. Đến năm 2003, doanh số sụt giảm đến 26% và năm 2004, tiếp tục giảm thêm 20%. Đây là hai năm bị thua lỗ nghiêm trọng nhất  trong lịch sử của Lego.

Chủ trương áp dụng sáng tạo, đổi mới, và chất lượng cao khiến hoạt động thương mại của Lego trở nên phức tạp. Công ty có tổng cộng 12,500 mặt hàng lưu kho, với hơn 100 màu sắc khác nhau và có đến hơn 11,000 nhà cung cấp. Hệ thống vận hành đúc đồ chơi được xếp vào loại lớn nhất thế giới, với cơ sở sản xuất ở Đan Mạch và Thụy Sĩ; đóng gói và thực hiệncác công đoạn khác ở Tiệp Khắc, Hoa Kỳ và Nam Hàn. Đội ngũ nhân viên điều hành cao cấp và các chuyên gia khá đa dạng, luôn có mặt trong văn phòng để phân tích việc phát triển sản phẩm, tìm nguồn cung ứng, sản xuất và tổ chức hệ thống logistics – hậu cần. Một kế hoạch có tên gọi “Shared Vision” được hình thành; Tháng Mười năm 2004 được Hội Đồng Quản Trị phê duyệt.

Năm 2005, mô hình mới của Lego xuất hiện sau hàng loạt phối hợp giữa các bộ phận trong công ty. Lego cắt giảm một nửa số lượng màu sắc của sản phẩm, giảm số lượng sản phẩm lưu kho xuống còn 6,500 mặt hàng. Ngoài ra, Lego  quyết định sẽ thuê người bên ngoài phụ trách việc hậu cần và sản xuất. Để tìm hiểu yêu cầu và thị hiếu của những khách hàng chính và quan trọng, Công Ty Lego tiến hành phỏng vấn  20 khách hàng lớn nhất, chiếm 70% doanh số của công ty. Kết quả là Lego tìm ra được một xu hướng rất quan trọng: Trái ngược với những gì Lego đang nghĩ, hầu hết khách hàng không yêu cầu phải giao hàng trong ngày hoặc ngay vào ngày hôm sau. Khám phá này khiến Lego quyết định chỉ giao hàng một tuần một lần, đồng thời yêu cầu người mua phải có đơn đặt hàng trước. Mặc dù sự lựa chọn sản phẩm giảm đi và thói quen đặt hàng bị thay đổi, khách hàng của Lego nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong khâu dịch vụ. Tỷ lệ giao hàng đúng hẹn tăng mạnh từ 62% vào năm 2005 lên đến 92% vào năm 2008. Khách hàng đánh giá Công Ty Lego là nhà cung cấp tốt nhất. Lego đã đạt giải thưởng xuất sắc trong lãnh vực điều hành cung ứng tại Châu Âu. Khách hàng của Lego bây giờ yêu cầu các nhà cung cấp khác tham khảo hoạt động của Lego, như là một chuẩn mực để so sánh [benchmark].

Kết quả: Thương nghiệp của Lego tăng 35% từ năm 2005 đến 2008  – mức kỷ lục trong lịch sử của Lego. Tỷ lệ chi phí giảm mạnh, từ 75% xuống chỉ còn 33%. Nhưng một vấn đề bất ngờ xảy ra. Vì thuê dịch vụ logistics bên ngoài, đã khiến mối quan hệ giữa DHL – đối tác hậu cần của Lego bị xấu đi. Khi DHL ký hợp đồng với Lego, công ty này ước tính doanh thu dựa trên các yêu cầu giao hàng hiện tại, tức là hàng ngày –  có nghĩa là yêu cầu giao hàng nhiều hơn; trong khi  quyết định chỉ giao hàng một tuần một lần, khiến đơn giao hàng thấp hơn rất nhiều so với con số DHL ước tính. Cũng trong thời gian này, cơ sở thực hiện dịch vụ logistics thuê ngoài mới được DHL xây dựng vào hàng lớn nhất Đông Âu, do đó DHL gặp rất nhiều thách thức về chi phí. Những xung đột này đã đe dọa ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác giữa hai công ty.

Bước ngoặt quan trọng diễn ra, khi hai nhân vật điều hành của Lego bí mật gặp hai người điều hành của DHL tại thủ đô Praha vào đầu năm 2007. Họ thực hiện lời thề của “bốn chàng lính ngự lâm”: Mọi người vì mình – mình vì mọi người, và không tiết lộ kết quả của cuộc thảo luận này với bất kỳ ai khác. Thay vào đó, họ sẽ thay đổi cách thể hiện thái độ với nhau để làm gương cho các nhân viên còn lại của hai công ty. Công ty Lego nhận ra ba vấn đề sinh tử, giúp họ thoát ra khỏi nguy cơ bị kiệt quệ và tan vỡ.

– Thứ nhất, việc cung cấp quá nhiều sản phẩm có thể khiến chi phí phát sinh rất cao. Những chi phí này thường không được chú ý, vì rất khó đo lường hay thẩm định chính xác.

– Thứ hai, thương nghiệp cần đặt câu hỏi về nhu cầu thực sự của khách hàng một cách xây dựng. Khái niệm “vượt mong đợi của khách hàng” có thể khiến phát sinh nhiều hoạt động phức tạp, và tốn chi phí. Thương nghiệp cũng cần phải hiểu rõ yếu tố “tại sao” trong các yêu cầu của khách hàng, và phải thảo luận trung thực với khách hàng về chi phí để đáp ứng các yêu cầu này.

– Thứ ba, việc điều hành các mối quan hệ  giữa khách hàng và nhà cung cấp rất cần sự tin tưởng lẫn nhau, cũng như các cam kết mang tính cá nhân trong toàn công ty; việc phát triển các mối quan hệ cũng nên được thực hiện theo đúng nguyên tắc. Cần phải quản trị các mối quan hệ chiến lược một cách chủ động, có nguyên tắc và có kế hoạch.

Hiện nay, các sản phẩm của Công Ty Lego được sản xuất bằng dây chuyền vô cùng hiện đại. Lego áp dụng công nghệ máy tính với chỉ số chính xác gần như tuyệt đối, để các miếng ghép có thể lắp ráp với nhau thật hoàn hảo.Trước sự phát triển của công nghệ cao trong đời sống hiện đại, Lego không tránh khỏi việc cạnh tranh với các sản phẩm như máy nghe nhạc MP3 và các máy chơi game cầm tay. Nhưng Lego vẫn là sản phẩm đồ chơi thông minh được mọi người trên thế giới ưa chuộng.

HV – 2:20am Thứ Sáu ngày 22 tháng 01 năm 2016