Tháng 6 năm 1987. Chiến tranh lạnh còn đang căng thẳng. Một cậu bé 15 tuổi nhập vào biển người tụ tập phía Đông bức tường chia đôi thành phố Berlin. Olof Pock không có ý định trèo tường để trốn qua Tây Đức. Dù có muốn cậu cũng không dám, vì lính canh mang súng đứng gác đầy. Olof đến đây vì một mục đích khác: Rock ‘n Roll.
Phía bên kia tường người ta đã cho dựng một cái rạp lớn trước toà nhà Reichstag (Quốc hội cũ thời tiền cộng sản) để chuẩn bị cho một đại nhạc hội ngoài trời kéo dài ba ngày ba đêm. Đài phát thanh tự do của Mỹ đặt tại Tây Đức đã được cấp giấy phép đặc biệt để phát sóng trực tiếp chương trình. Đây là lần đầu tiên người dân hai miền được “thống nhất”, dù chỉ qua âm thanh và âm nhạc.
Sân khấu trước Reichstag
Như một người con đi xa trở về, David Bowie (phát âm “bùi”) trở lại Berlin để trình diễn. Bowie đã từng sống ở Tây Bá Linh vào những năm 1976, 1978, và đã cho ra đời nơi đó ba dĩa nhạc – “Low”, “Heroes”, và “Lodger”. Vào năm 1977, khi Bowie làm dĩa “Heroes” (Người Hùng), có hai sự kiện xảy ra bên Đông Đức: Một thanh niên 18 tuổi bị bắn chết lúc đang trèo tường vượt biên; một thanh niên khác, 22 tuổi, chết đuối khi bơi qua sông Spree ngăn chia hai nước. Bài “Heroes” có những câu như:
“Phải chi em có thể bơi, như những chú cá heo biết bơi
Không gì có thể giúp ta gần nhau được mãi
Nhưng chúng ta vẫn có thể thắng bọn nó
Để trở thành những người hùng, dù chỉ một ngày thôi…”
Bài nhạc kể chuyện cặp tình nhân tìm mọi cách để được gần nhau dù bị ngăn cách bởi một bức tường. Tất nhiên “bức tường” trong nhạc cảnh là một khái niệm trừu tượng. Nhưng David Bowie đã mượn nó để gửi gắm thông điệp của mình đến người dân Đông Đức đang sống dưới gọng kềm cộng sản:
“Anh vẫn còn nhớ ngày hôm đó
Đôi ta đứng dưới chân tường
Tiếng súng rền vang trên đầu
Và ta đã hôn nhau
Như ta sẽ không bao giờ thua cuộc
Bởi bên kia chính là nỗi ô nhục…“
Cặp tình nhân trên bức tường – photo Guy Le Querrec, December 1989
Trong đêm thứ nhì, trước khi hát bài “Heroes” David Bowie đã dùng tiếng Đức để nói vọng sang: “Cho tôi gởi đến các bạn bên kia bức tường những lời chúc thân ái và tốt lành nhất.”
Bowie nghe tiếng họ vỗ tay và tiếng họ hát theo. Anh kể thêm là anh đã rơi nước mắt khi hát bài “Heroes” vì anh cảm nhận được rằng mình đang gieo hy vọng cho hàng ngàn hàng triệu người bên kia bức tường, mặc dù thực tại của họ lúc ấy rất bi đát:
“Chúng ta chẳng là gì cả, chẳng ai có thể giúp ta
Phải chăng ta đang lừa dối mình, và không nên ở lại
Nhưng có thể ta an toàn hơn nơi đây, dù chỉ một ngày thôi…”
Lời ca như thể tiên tri. Ngay ngày hôm sau, thị trưởng Đông Bá Linh ra lệnh đàn áp đám đông đang tụ tập chỉ để nghe nhạc. Ẩu đả xô xát xảy ra. Một số người phải vào nhà thương và hơn 200 người phải vào tù. Rất may không ai bị tử vong. Nhưng cách hành xử thô bạo vô văn hoá của nhà cầm quyền cộng sản đã gây không ít phẫn nộ và bất mãn trong giới trẻ. Mầm chống đối đã được gieo rắc.
Đúng một tuần lễ sau, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đến thăm Berlin. Và cũng ngay trước toà nhà Reichstag – biểu tượng của nước Đức thống nhất thuở xưa, ông đã thách thức Liên Xô bằng câu nói bất hủ:
“Ngài Gorbachev, dẹp ngay bức tường này!”
“Mr. Gorbachev, tear down this wall!”
Hai năm sau bức tường Bá Linh bị giật sập, đánh dấu sự cáo chung của khối cộng sản Đông Âu. Nhiều người tin rằng đại nhạc hội năm 1987 đã góp phần đưa đến sự sụp đổ của bức tường. Rằng rock’n’roll đã giúp thay đổi cách nhìn và thái độ của thanh niên Đông Đức đối với chế độ, cũng như niềm tin vào sức mạnh của chính mình để lay chuyển nó.
Bìa dĩa “Heroes”
Các sử gia thì cho rằng cộng sản sụp đổ là do những nguyên nhân kinh tế cũng như chính trị trong nội bộ đảng chứ chẳng dính dáng gì đến âm nhạc. Sự thật có lẽ ở đâu đó giữa hai cách giải thích này. Nhưng dù gì chăng nữa, chính phủ Đức vẫn xem David Bowie như một công dân danh dự. Hôm Chủ nhật 10/1/2016, ngay sau khi gia đình loan báo tin anh qua đời, Bộ Ngoại Giao Đức đã nhắn trên Tweeter:
“Vĩnh biệt, David Bowie. Giờ đây anh đã thành một người hùng. Cảm ơn anh giúp phá sập bức tường.”
Thị trưởng Bá Linh Michael Mueller cho biết, thời đất nước còn chia đôi bài “Heroes” của David Bowie hay được thanh niên Đông Đức hát như một bản hùng ca (anthem) để giữ niềm tin và nuôi hy vọng cho ngày mai tự do. Cái chết bất ngờ của David Bowie có lẽ đã gây xúc động cho dân Bá Linh nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nhất là khi người nghệ sĩ đa tài này đã dùng chính cái chết của mình như tác phẩm nghệ thuật cuối cùng.
Mặc dù bị ung thư gan đã hơn 18 tháng trước khi mất, David Bowie và gia đình đã giữ hoàn toàn bí mật để anh có thể tiếp tục làm việc sau những cơn hoá trị. Trong những tháng cuối cùng, anh đã làm xong dĩa nhạc thứ 27 của mình mang tên (Blackstar, “Sao Đen”). Đây là một công trình hết sức khó khăn vì anh phải làm việc trong studio chung với một số nhạc sĩ khác nhưng không thể để cho họ biết là mình đang bị ung thư.
David Bowie – nguồn missourireview.com
Không những là nhạc sĩ, David Bowie còn là một diễn viên điện ảnh, từng thủ vai chính trong một số phim như “Labyrinth”, “The Man Who Fell To Earth”, v.v… Và như để chứng tỏ mình không sợ thần chết, David Bowie đã thực hiện một cuốn phim dài mười phút dựa trên bài nhạc chủ lực trong dĩa tựa là “Lazarus”, tên một nhân vật trong Thánh Kinh được Chúa Giê Su cải tử hoàn sinh. Sau khi Bowie mất, đạo diễn Johan Renck thuật lại rằng David đã thổ lộ trước khi khởi công là rất có thể sẽ không hoàn tất được phim “Lazarus” vì David không biết mình sẽ ra đi lúc nào.
Chưa hết, Bowie còn là soạn giả một vở nhạc kịch off Broadway cũng mang tên “Lazarus”, vừa bắt đầu diễn xuất vào tháng 12 năm ngoái, khi cơn bịnh của anh bước vào giai đoạn ngặt nghèo. Theo lời một người bạn thân kể lại thì trong đêm ra mắt, sau khi lên sân khấu chào khán giả lúc kết thúc chương trình, David Bowie đã ngã quỵ trong hậu trường vì đuối sức. Mặc dù David Bowie luôn tỏ vẻ lạc quan và hy vọng sẽ có một phép lạ vào phút chót, lời bài “Lazarus” cho thấy anh đã sẵn sàng bước sang thế giới bên kia:
Nhìn lên đây, tôi đang ở trên thiên đường
Tôi có những vết thương không thể thấy được
Tôi có những bi kịch không ai cướp được
Mọi người giờ biết tôi là ai…
Dù bằng cách này hay không cách nào khác
tôi sẽ được tự do.
Như một con chim xanh, vậy mới là tôi đó.
Như một con chim xanh, tôi sẽ có tự do.
Và như thế, đúng vào ngày sinh nhật thứ 69 của mình David Bowie cho phát hành dĩa như một thông điệp của sự tái sinh. Hai hôm sau anh trút hơi thở cuối cùng.
Starman, nhạc phim “The Martian”
David Bowie qua đời trong lúc một người bạn thân của anh, Ricky Gervais, đang làm MC cho giải phim Golden Globe (Hoàng Cầu). Trong số các phim được đề cử có “The Martian”, phim này đã dùng bài nhạc “Starman” nổi tiếng của David Bowie làm bản nhạc chính. Hôm ấy “The Martian” thắng giải, nhưng lúc đó có lẽ David Bowie không còn hay biết gì. Và Ricky Gervais cũng không được thông báo tin bạn mình mất cho đến khi làm xong chương trình. Ngoài David Bowie ra, Elvis Presley cũng có một bản nhạc mang tên “Blackstar”, với những ca từ không kém phần… u ám:
Mọi người ai cũng có
ngôi sao đen sau lưng
Khi ta nhìn thấy nó
là sắp đến phiên mình…
Lạ một chỗ, Elvis Presley và David Bowie tuy sinh khác năm nhưng có cùng ngày sinh nhật (còn dĩa của Bowie có lẽ sẽ bán chạy hơn). Mới đây trang mạng Vevo vừa công báo các video clip của David Bowie trên website của họ đã tăng lượng cập nhật hơn 5,000%. Riêng bài “Lazarus” đến nay đã có trên 11 triệu lượt xem. Tuần rồi đã qua mặt dĩa “25” của Adele với số lượng download cao nhất trên iTunes. Trớ trêu thay, đây cũng là dĩa nhạc đầu tiên trong sự nghiệp đồ sộ của David Bowie lên được đến vị trí #1 trên Billboard.
Sự ra đi đột ngột của David Bowie đã gây chấn động toàn cầu không thua gì tin John Lennon bị ám sát năm 1980. Giống như bài “Imagine” của John Lennon về một thế giới không còn chiến tranh, “Heroes” của David Bowie rồi đây sẽ là một ca khúc biểu tượng cho cuộc hành trình tìm tự do của những con người bị áp bức. Trong số những người đó có cậu bé Olof Pock ngày nào, nay đã trung niên. Nhắc đến David Bowie và đêm nghe nhạc lậu bên bức tường ô nhục mùa Hè ‘87, anh nói trong ngậm ngùi:
“Không khí hôm ấy như một ngày lễ hội. Chúng tôi biết họ cố ý hát cho mình nghe… nên ai cũng biết ơn!”
ianbui- 2016’01